Một cuốn tự truyện nhưng đôi lúc ta có cảm giác như đang đọc một cuốn tiểu thuyết hư cấu về cuộc đời của một kẻ từ địa ngục lên tới đỉnh cao rồi lại rơi thẳng xuống địa ngục vì lối sống bản năng hoang đàng.
Tyson là võ sĩ quyền Anh hạng nặng vô địch trẻ tuổi nhất trong lịch sử với những cú đấm hạ nốc ao đối thủ. Nhưng cuối cùng anh tự nhận: “Sở trường của tôi chính là tự hủy hoại chính mình.”
Mike Tyson được mệnh danh là kẻ hạ nốc ao đối thủ nhanh nhất, kiếm tiền nhiều nhất trong lịch sử và từng được bầu chọn vào “Ngôi đền huyền thoại” của quyền Anh. Nhưng người ta còn biết đến anh qua danh hiệu xấu xa như “Gã đàn ông tồi tệ nhất hành tinh”.
Tyson từng bị kết án 6 năm tù vì tội hiếp dâm, ra tù lại tiếp tục bị tố cáo hiếp dâm, nghiện ma túy, và từng bị gọi là kẻ “ăn thịt người” với màn cắn tai kinh điển trong trận đấu với Evander Holyfield.
Đó là ngôi sao kiếm tiền dễ như ăn cháo với tài sản lên đến 65 triệu USD nhưng ném tiền qua cửa sổ với những màn ăn chơi trác táng và đến năm 2003 phải làm đơn xin phá sản vì rỗng túi.
Tổng kết cuộc đời mình, Mike Tyson viết: “Tôi đã hoài phí cuộc đời mình, tất cả những gì tôi từng làm trong ngần ấy năm là lạc lối là đánh nhau, chơi gái và cho ra đời những đứa con. Tôi là một đống cứt cứ ngỡ thế giới quay quanh mình. Tôi là đứa có lòng tự trọng kém nhất, nhưng tự tôn thì lớn nhất vũ trụ”.
Mike Tyson - Sự thật trần trụi chính là chiếc chìa khóa để giúp độc giả mở cửa căn phòng tăm tối của cuộc đời huyền thoại đầy náo động đó, để hiểu thêm về đỉnh cao muôn trượng và vực sâu tận cùng của một trong những võ sĩ quyền Anh đáng nhớ nhất trong lịch sử.
Giống như nhiều đứa trẻ da đen khác, Mike Tyson cũng có một quá khứ địa ngục khi lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc và sống trong một môi trường đầy rẫy bạo lực và tội phạm. Cả tuổi thơ, Mike sống cùng bà mẹ nghiện ngập, hay đánh đập con cái. Khi mẹ mất việc, bố bỏ đi, mấy mẹ con Mike dời lên sống ở Brownsville, một khu phố ổ chuột ở Brooklyn những năm 70.
Đó là một địa ngục thực sự. “Cư dân hung hãn và ồn ào, mọi thứ đều ngột ngạt và không một giây yên tĩnh. Tiếng súng nổ triền miên, những vết dao đâm, những ô cửa vỡ. Tiếng còi hụ của cảnh sát, xe cứu thương. Khu phố là một ổ tệ nạn. Luật pháp dường như bỏ quên nơi này. Những câu chửi thề nhiều hơn lời chào”.
Anh em Mike thường xem những bộ phim bạo lực, những cảnh bắn giết nhau trên phim và thường bình luận với nhau: “Chà, y hệt như ngoài đời nhỉ?”
Trong ngôi nhà của Mike, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Cậu bé Mike rất quấn mẹ nên vẫn nằm ngủ chung với mẹ đến năm hơn 10 tuổi và phải chứng kiến những màn “mây mưa” của mẹ và “những ông bố”, mặc cho thằng con mới lớn đang ngủ bên cạnh.
Một trong những gã đàn ông của bà có ảnh hưởng lớn đến tính cách Mike sau này là Eddie. “Họ uống rượu, đập nhau, làm tình, chia tay rồi lại uống rượu, làm tình, đập nhau dữ dội hơn trước. Họ thật sự yêu nhau, dù đấy là một tình yêu bệnh hoạn”.
Mike thường phải chứng kiến cảnh bà mẹ và Eddie đánh nhau vì đủ lý do: ghen tuông, tiền bạc và hơn thua. Hắn cũng sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Mike lúc còn là một cậu bé. Năm Mike 7 tuổi, Eddie dộng mạnh đến mức văng luôn cả cái răng vàng của bà mẹ.
Bà mẹ trả đũa bằng một nồi nước sôi dội vào đầu Eddie khiến Mike đang say sưa ngồi xem đấu vật bên cạnh cũng hưởng sái chút bỏng. Mike không ngần ngại thú nhận: “Tôi bệnh hoạn trong tình dục. Bạn đã nghe nhiều rồi phải không? Bây giờ thì bạn đã biết lý do rồi đó”.
Môi trường đầy rẫy bạo lực từ nhà ra đường phố đó là nguyên do khiến Mike trở thành tên trộm vặt trên đường phố từ năm mới 10 tuổi. Sau đó anh nhập bọn với những băng nhóm tội phạm mới lớn. “Giới giang hồ là môi trường giáo dục của tôi, bọn trộm cướp chính là thầy tôi.”
Càng trộm cướp thì càng say mê, Mike bị cảnh sát sờ gáy, bị tống vào những trường học đặc biệt, giống như những trại tù vậy. Nhưng đó cũng là một cơ may giúp Mike thoát chết. Anh nhớ lại: “Bạn bè đường phố lần lượt bị giết, đôi khi chỉ vài món nữ trang hoặc vài trăm USD. Vậy nhưng bọn chúng vẫn không chừa, bởi đã dính vào con đường tội phạm, còn có cách nào quay đầu lại chăng?”.
Cái quá khứ tội phạm ở độ tuổi bắt đầu lớn đó ám ảnh Mike nhiều năm sau này, như anh nói thỉnh thoảng anh vẫn trở lại khu ổ chuột, như một con chuột nhớ về cái cống của mình. Từ “trường học đặc biệt, Mike tiếp tục bị chuyển vào trại cải tạo cấp tiểu bang, tham gia đánh nhau, rồi lại bị chuyển đến trại cải tạo, giáo dưỡng khác”.
Tại một trong những trại cải tạo đó, Mike có cơ may gặp được Bobby Stewart, một người tư vấn trong trại và từng là vận động viên quyền Anh. Bị ấn tượng mạnh mẽ trong một lần xem Mohammad Ali đấu trên tivi trong trại cải tạo, Mike xin gặp Bobby vì muốn trở thành võ sĩ.
Bobby cũng phát hiện những tố chất thể thao của Mike và giúp cậu bé 14 tuổi bắt đầu luyện tập. Mike tiến bộ nhanh chóng và chỉ sau vài tháng thậm chí còn đánh trúng ông thầy Bobby bằng một cú thọc, khiến ông này bị vỡ mũi, phải dưỡng thương suốt một tuần.
Và cũng nhờ Bobby Stewart, cuộc đời của Mike sang trang mới khi được gặp huấn luyện viên huyền thoại Cus D’Amato vào năm 1980, khi anh sắp tròn 15 tuổi. Chỉ cần nhìn Mike thi đấu 6 phút, Cus đã phán chắc nịch: “Con là một đấu sĩ rất cừ, nếu con nghe lời ta, ta có thể giúp con trở thành nhà vô địch hạng nặng trẻ nhất mọi thời đại.”
Những bài học quyền Anh bài bản đầu tiên không chỉ có tập luyện khắt khe mà còn là những bài học lớn về rèn luyện bản lĩnh và nhân cách. Cus dạy Mike về nỗi sợ hãi và cách vượt qua bản thân. “Nỗi sợ như một ngọn lửa. Nếu biết điều khiển, nó sẽ trở thành vũ khí của con. Nếu không biết, nó sẽ thiêu rụi con và mọi thứ xung quanh”.
Về chiến thuật tâm lý, Cus nói với Mike: “Bản năng sinh tồn hình thành từ nỗi sợ, khi ấy adrenaline sẽ truyền vào máu làm tim đập mạnh hơn, cho phép cơ thể lập nên kỳ tích phi thường về tốc độ và sức mạnh. Như con nai bình thường chỉ nhảy được độ dăm mét, nhưng khi đối mặt với mối hiểm họa, nó có thể nhảy xa tới 14-15m. Con người cũng vậy thôi, nỗi sợ hãi sẽ khiến con người mạnh hơn”.
Ông cũng nói về sự khác biệt giữa một người hùng và một tên hèn nhát. “Họ chẳng khác biệt gì về cảm xúc. Họ cũng sợ hãi như nhau. Khác nhau là họ phản ứng trước nỗi sợ hãi ấy mà thôi. Người hùng và tên hèn nhát đều cảm nhận nỗi sợ hãi như nhau, nhưng con phải có kỉ luật để hành xử như một anh hùng và khước từ phản ứng của kẻ hèn nhát. Sự mệt mỏi khi thượng đài có đến 90% là do tâm lý mà ra. Bọn hèn chỉ vin vào đó để đầu hàng. Cái đêm trước thi đấu, con sẽ mất ngủ. Đừng lo, vì đối thủ của con cũng vậy”.
Cus dạy Mike để trở thành một đấu sĩ vĩ đại, phải biết thoát bỏ gánh nặng tâm lý. “Vượt qua giới hạn. Tập trung. Thư giãn cho đến khi nào con như nhìn thấy chính mình từ bên ngoài. Khi nào con đạt đến cảnh giới ấy, hãy cho ta biết”.
Sau thời gian hoàn thành cải tạo, Cus sợ Mike phải về lại khu ổ chuột ở Brownsville và tiếp tục con đường cũ. Ông quyết định nhận nuôi Mike và đưa anh đến sống cùng vợ chồng ông. Cus không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha tinh thần của Mike, người giúp anh hình thành nhân cách và phẩm chất của một võ sĩ quyền Anh những năm đầu đời.
Tháng 5/1981, Cus đưa cậu bé Mike 15 tuổi đi dự giải đấu vô địch đầu tiên trong đời - giải trẻ Olympic. Và những chuỗi ngày chiến thắng giòn giã bắt đầu, từ vòng loại địa phương, rồi khu vực và cuối cùng là tranh giải toàn quốc.
Mike thắng tất cả mọi trận đấu bằng nốc ao ngay từ hiệp một. Anh giành huy chương vàng sau khi đánh bại đối thủ bằng một cú nốc ao chỉ sau 8 giây, một kỷ lục vẫn còn đứng vững đến bây giờ. Mike chính thức đặt chân lên con đường danh vọng năm 16 tuổi. Trong lúc đó, phân nửa đám bạn bè giang hồ của Mike ở Brooklyn không chết thì cũng xộ khám.
Cus làm Mike tin rằng chiếc đai vàng xanh của WBC (Hội đồng quyền Anh Thế giới) là thứ đáng để ta bỏ mạng”. Mike hỏi ông: “Cảm giác trở thành người vĩ đại nhất thế giới quyền Anh sẽ ra sao hả thầy? Hầu hết huyền thoại đều đã chết cả rồi”. Cus trả lời: “Họ chết, nhưng chúng ta vẫn ở đây để nói về họ. Những con người vĩ đại sẽ trở thành bất tử”.
Cus là một bậc thầy về khích tướng. Bởi vì ông tin rằng 90% thành công của quyền Anh đến từ tâm lý chứ không phải là thể chất. Khát vọng, chứ không phải là kỹ năng, mới là thứ giúp bạn tiến xa.
Tháng 6/1982, ở tuổi 16 tuổi, Mike bảo vệ chức vô địch Olympic dành cho lứa tuổi thiếu niên lần thứ 2. Tên tuổi anh nổi như cồn. Bố mẹ các võ sĩ xin rút tên con mình vì sợ chúng phải thi đấu với Mike. Thậm chí Mike từng lập thành tích với 8 trận đấu toàn thắng, đều nhờ nốc ao.
Trong giai đoạn đón nhận những thăng hoa nhờ bách chiến bách thắng ấy, Mike phải đối mặt với những mất mát và những cú sốc liên tiếp. Đầu tiên là người mẹ chết vì ung thư, sau đó là cái chết của Barkim, thằng bạn nối khố, kẻ dẫn dắt Mike vào con đường tội phạm và từng khuyên anh đừng bao giờ quay về khu phố Brownsville nữa.
Và cú sốc lớn nhất sau đó là Cus - người thầy, người cha tinh thần - qua đời. Sự mất mát đó đồng thời cũng là động lực của Mike để báo đáp công ơn của Cus: “Tôi phải làm mọi thứ để trở thành di sản bất tử của ông”.
Ngày 22/11/1986, ở tuổi 20, Mike trở thành nhà vô địch quyền Anh hạng nặng trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Bình luận viên gọi chiến thắng của Mike là “bước vào kỉ nguyên mới của bộ môn quyền Anh”.
Những chiến thắng dễ dàng và những lời tung hô của truyền thông khiến Mike bắt đầu chao đảo, khi không còn một người thầy lớn như Cus bên cạnh để dạy dỗ.
“Tôi rất kiêu ngạo, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được thời gian bước lên đỉnh cao của mình đã đến. Trong đầu óc bệnh hoạn của mình, tôi đã bắt đầu vẽ lên quang cảnh ấy. Từ trên cao, các võ sĩ vĩ đại và những chiến thần đang dõi theo trong lúc tôi vươn tới tầm cao của họ”.
Mike kể: “Tôi đã hoàn toàn đánh mất phương hướng. Khi bước lên đỉnh cao danh vọng, tôi đã tan nát cả phần hồn, bởi vì đâu còn ai chỉ bảo cho tôi biết tôi phải làm gì. Tôi không còn Cus bên cạnh nữa. Khi nhìn mình trong gương, với chiếc đai quấn quanh người, tôi nhận ra mình đã hoàn thành sứ mệnh. Và bây giờ tôi đã tự do”.
“Giây phút ấy, tôi nhớ lại một câu nói trong một quyển sách ở nhà Cus: ‘Tự do là mối nguy hiểm lớn. Phải hết sức dè sẻn’. Lẽ ra tôi phải nhớ lấy câu ấy trong những năm sau đó”.
Chiến thắng và sự tự do chính là con dao hai lưỡi, đưa Mike lên đỉnh cao nhưng cũng bắt đầu kéo anh dần dần xuống tận địa ngục. Tiền kiếm dễ như nước, Mike vung tiền qua cửa sổ, giao du với giới ngôi sao của Hollywood. Từ một kẻ nhút nhát trước phụ nữ, Mike bắt đầu nghiện tình dục khi hàng tá cô gái bám theo anh và “xin chết”.
“Có lúc thác loạn một lần với mười em trong khách sạn ở Vegas. Trần trùng trục nhưng vẫn đeo đai vô địch hạng nặng. Tôi như một cây đèn cầy bị đốt ở cả hai đầu. Tôi tập luyện như điên, nhưng cũng trác táng như điên”.
Một trong những người mẫu nổi tiếng từng cặp kè với Mike trong giai đoạn này là “báo đen” Naomi Campbell. Nhưng Mike vẫn qua lại với những cô gái khác và luôn bắt cá hai tay khiến mối quan hệ này nhanh chóng tan vỡ. “Từ khát tình chuyển sang bội thực. Gái với tôi khi ấy như thức ăn trên bàn buffett vậy”.
Người phụ nữ đầu tiên khiến Mike say đắm là Robin, sau này trở thành vợ đầu tiên của anh. Nhưng cô gái xinh đẹp này cùng với bà mẹ thực dụng của cô đã biến cuộc đời của Mike bắt đầu bước vào địa ngục.
Họ đào mỏ, dàn xếp, hay tố cáo anh là “đệ nhất vũ phu thần kinh da đen hoang tưởng” cho dù Mike thừa nhận chưa hề đánh Robin, vì đó là người phụ nữ đầu tiên khiến anh có cảm giác yêu đương và đau khổ vì tình.
Bị hủy hoại bởi cuộc hôn nhân đầu tiên, bị những tay quản lý hay huấn luyện viên tham tiền ăn chặn, và lao vào những cuộc ăn chơi trác táng, Mike chỉ còn một thú vui duy nhất là tiêu tiền. “Không ai trong toàn bộ lịch sử quyền Anh lại kiếm được nhiều tiền như tôi trong vòng một thời gian ngắn”.
Mike xem những cuộc truy hoan tập thể là... chuyện đương nhiên. “Tất cả những người hùng của tôi đều chơi gái như ăn kẹo. Giá mà có người nhắc nhở tôi: ‘Rồi hậu quả không hay đâu’. Nhưng lúc đó nào có ai đâu”.
Mike bắt đầu quay phim sex ở nhà và hài hước so sánh: “So với phim sex của Mike Tyson thì thứ phim sex của Kim Kardashian chỉ đáng gọi là phim thiếu nhi, dán nhãn PG-13 mà thôi”. Anh thừa nhận: “Những năm tháng ấy đôi chân của tôi không còn ở trên mặt đất nữa. Tôi không còn suy nghĩ được gì nhiều vì mải miết hưởng thụ. Tôi thật sự tin mình là một nhà vô địch bất khả chiến bại”.
Nhưng do ăn chơi sa đọa trác táng và lười luyện tập, sau chuỗi ngày chiến thắng, Mike Tyson nhận thất bại đầu đời khi đại bại dưới tay Buster Douglas trong trận đấu tại Tokyo Dome ngày 11/2/1990. Đó được xem là “một trong những cuộc lật đổ quyền Anh vĩ đại nhất trong lịch sử”.
Như con ngựa bất kham quen đường cũ, dù cay đắng Mike vẫn không dừng cuộc sống hưởng lạc. Và một nỗi ô nhục lớn xảy ra với Mike ở tuổi 25 (1991) khi anh bị Desiree Washington - một cô gái từng ngủ với anh tối hôm trước - tố cáo hiếp dâm.
Mike bị tòa án phán quyết có tội và bị kết án bóc lịch 6 năm. Những ngày tù tội vẫn không khiến gã đàn ông hoang đàng và nghiện tình dục này “tởn”. Mike vẫn dụ những cô gái vào thăm nuôi và kiếm chỗ “xơi” luôn trong tù cho đến khi bị phát hiện và bị cấm tiệt chuyện gái vào thăm nuôi.
Năm 1997, Mike ra tù và được quản lý móc nối để thi đấu trở lại. Và chuỗi ngày ô nhục của Mike chưa dừng lại. Trong trận đấu với võ sĩ quyền Anh Evander Holyfield, Mike đã cắn đứt tai của đối thủ, phun nguyên miếng thịt tai xuống sàn đấu.
Hình ảnh đó đã trở thành cú scandal lớn nhất trong lịch sử thi đấu quyền Anh, trở thành trò cười, giễu nhại của truyền thông. Hàng loạt những tính từ miệt thị ném thẳng vào Mike: “thằng điên”, “thú tính” “đê tiện, thấp hèn, vô nhân đạo”, “ăn thịt người”...
Bị chỉ trích là làm xấu bộ mặt quyền Anh, Mike bị xử phạt 10% tài sản, tương đương với 3 triệu USD và phải treo găng ít nhất một năm. Ngồi chơi xơi nước, Mike tiếp tục bập vào ăn chơi, nghiện ma túy và tình dục hạng nặng, tiếp tục vài lần bị tố hiếp dâm. Nhưng càng ăn chơi thì càng trống rỗng. Mike bị bác sĩ chẩn đoán mắc chứng trầm cảm kinh niên.
Sau này, khi hồi tưởng lại giai đoạn kinh khủng đó, Mike buồn bã thừa nhận: “Bị phản bội quá nhiều trong đời, tôi không còn tin ai nữa. Khi người ta khiến bạn cảm thấy mình bị chán ghét, cái cảm giác ấy sẽ ám bạn đến suốt đời. Và khi không được yêu thương, con người có xu hướng làm những điều sai trái và làm tổn thương người khác”.
Cuộc đời của gã đàn ông ngoài 30 tuổi sau đó vẫn tiếp tục chìm ngập trong những chuỗi ngày nghiện ngập ma túy, gái, những cuộc ăn chơi trác táng bất tận, những trận thua trên sàn đấu... cho đến khi phải tuyên bố phá sản vì nợ nần chồng chất.
Cú sốc sau cái chết của đứa con gái 4 tuổi trong một tai nạn ôtô thảm kịch đã đánh thức linh hồn của Mike. Dù là một gã đàn ông tồi tệ, Mike là một người cha có trách nhiệm và rất yêu thương con cái của mình, ngay cả con rơi con vãi khắp nơi. Cái chết của cô bé khiến Mike suy sụp và người giúp anh vượt qua giai đoạn này là Kiki, người vợ thứ 3 của anh.
“Sự khóc thương của những người xa lạ làm tôi sửng sốt. Nó buộc tôi phải suy nghĩ nghiêm túc về việc gò mình trở thành một người có ích cho xã hội. Tôi cũng muốn ngưng cuộc sống hoang đàng, bừa bãi để thực lòng yêu thương duy nhất một người. Tôi muốn trở thành một người lớn có trách nhiệm, một người cha thương con”.
Khi sự nghiệp quyền Anh đã chấm dứt, tài khoản ngân hàng trống trơn, nhà cửa, siêu xe đã bán hết, Mike Tyson phải sống cùng vợ con và bà mẹ vợ trong một căn nhà nhỏ bé. Nhưng đấy là khoảng thời gian mà Mike phục thiện.
Những danh tiếng và “scandal” xấu xí của quá khứ vẫn khiến cái tên của anh luôn hấp dẫn với giới giải trí. Mike được mời đóng vai... chính anh trong 2 tập phim hài ăn khách The Hangover (2009-2011) và một loạt vai khách mời trong một số series truyền hình nổi tiếng, rồi được Kiki “lên kịch bản” để đi show khắp nước Mỹ kể chuyện “Sự thật trần trụi” của mình.
Đó cũng là lúc Mike nhận được tin anh được bầu vào “Ngôi đền Huyền thoại” của quyền Anh. Nhớ lại khoảnh khắc này anh bật khóc nức nở: “Quyền Anh là nỗi ám ảnh của cả đời tôi. Tôi thường đi ngủ với đôi găng vẫn còn trên tay. Sự kiêu ngạo của tôi đã phá tan mọi thứ xung quanh. Giờ tôi phải kiềm chế nó lại, giết chết nó để giữ gia đình mình”.
Khi bắt đầu kể lại cuộc đời của mình ở tuổi trung niên, Mike thừa nhận rằng anh “không muốn sống an lành cùng với sự dối trá” nên anh quyết tâm đào sâu vào những góc tăm tối nhất của cuộc đời để trả lời những câu hỏi thành thực nhất của Larry Sloman - người chấp bút cho cuốn tự truyện đồ sộ của anh.
Kẻ tự nhận “sở trường của tôi là hủy hoại chính mình” cuối cùng đã tìm được sự cứu rỗi bên cạnh gia đình và những bức thư tình của những bậc tiền nhân. Nhưng những “sự thật trần trụi” về cuộc đời của Mike có lẽ vẫn không thôi gây kinh ngạc cho độc giả của anh.
Tôi thì đang chờ đợi một bộ phim tiểu sử xứng tầm về “Iron Mike” - tay đấm thép hay gã đàn ông xấu xa nhất trên hành tinh được cứu rỗi.