Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương bolero, cuộc hành trình 9 tháng ở Nam và Trung Mỹ của tác giả đang thu hút người đọc mê thể loại sách mang hương đường xa. Cuộc trò chuyện nhỏ với anh là cách mở đầu hay biết đích đến hành trình ấy.
- “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương bolero” ngồn ngộn những chi tiết, những sự việc, những gặp gỡ, những chuyến đi ít nhiều kỳ lạ, hút người đọc khám phá. Thế nhưng, đó vẫn là các khám phá trên bề mặt sự việc, hình như vẫn thiếu một độ lùi suy tưởng, một gợi mở về thưởng thức và du hành văn hóa trong sách, anh nghĩ sao?
- Tôi thừa nhận đúng như anh nói, các bài viết hay sự kiện, hiện tượng chưa được tôi đào sâu đúng mức, để những điều ấy có khả năng mở ra các liên kết hay các sự việc lớn hơn bên trong ấy. Có thể do một phần kiến văn tôi chưa đủ, dù trước mỗi chuyến đi tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, có khi cả năm, để làm công tác tư liệu.
Từ tư liệu cơ bản trên Google, đến tài liệu phải mua trên các cửa hàng sách online, tới thư viện trung tâm và nhất là tư liệu nền tại địa phương, do người địa phương viết.
Nhưng hạn chế lớn nhất, có lẽ, cũng chính là lợi thế lớn nhất của tôi trong các cuộc hành trình chính bởi vị trí mà tôi mang, nhà báo. Ở vai trò này, tôi nhìn ngắm, nắm bắt sự việc, tìm hiểu số liệu và cả khi chắp bút, tôi vẫn khuôn khổ bài viết theo một bài báo.
Bài báo suy cho cùng, sự hấp dẫn tỏa ra tự thân các chi tiết, sự kiện, trải nghiệm chứ không phải ở suy tưởng vào sâu bên trong. Người đọc vẫn tìm thấy trong sách một cuộc phiêu lưu là vì tôi ghi chép trung thực những điều tôi đi qua. Tuy vậy, ở cuốn sách sau, tôi nghĩ, sẽ phải có một hình thức diễn đạt khác.
- Có khá nhiều chuyến đi và sự gặp gỡ của anh, như trong sách, là sự may mắn tình cờ. Anh nhìn thế nào về các trải nghiệm may mắn ấy?
- (Cười) Tôi là người may mắn, chắc thế. Tuy nhiên, như những nhiếp ảnh gia giỏi, để bắt được những khoảnh khắc quan trọng họ cần phải trang bị rất kỹ lưỡng về kỹ năng, kiến thức, các mối quan hệ… May mắn là yếu tố quan trọng, nhưng nếukhông chuẩn bị kĩ lưỡng, anh sẽ khó “bắt” được may mắn đó.
Nguyên tắc hàng đầu của du hành đó là phải trở về an toàn. Trong sách có nhắc đến việc tôi đối mặt với cướp và chỉ được giải vây bằng… súng, hay vào tổng hành dinh của các chiến binh Zapatista bịt mặt lăm lăm vũ khí, khi ấy tôi đã luôn nghĩ đến cách xử lý để mình có thể an toàn cao nhất. Đừng mạo hiểm khi không cần thiết, nhất là với một vùng văn hóa lạ như Nam Mỹ hay Trung Mỹ.
- Mật độ khá dày trong sách của anh là về các nghi lễ, tập tục, bói toán ít nhiều mang tính thần bí. Anh còn có nhiều bức ký họa theo kiểu điền dã dân tộc học. Anh có muốn các bài viết của mình hiện ra như cách của một nhà nhân học?
- Thật tình tôi không rõ lắm công việc của một nhà nhân học sẽ là gì và như thế nào. Chuyện tôi tò mò với các điều được phủ lớp sương thần bí là có thật, nỗi tò mò rất con người. Tôi luôn cố tìm để thấy và giải thích những điều ấy sáng nhất có thể dưới cái nhìn khoa học, như câu chuyện về bói lá coca hay 13 chiếc đầu lâu pha lê huyền thoại.
Ở những nghi lễ ấy, văn hóa và con người bộc lộ rất rõ, đó là nơi anh nếm vị cổ xưa và thấy tương đồng về ám ảnh văn minh như 1 phù thủy Peru với thầy pháp Sila của Việt Nam mà tôi đã gặp và viết. Còn ký họa, thực ra tôi học để trở thành kiến trúc sư, vẽ mới là nghề mà tôi đã được đào tạo, nên tôi vẽ khi có độ cảm, thế thôi!
Nguyễn Tập và những người phụ nữ Matsés.
- Anh nói nhiều về chuyện đi rồi, sách anh có sự trở về nào không?
- Có chứ, mọi cuộc đi là để trở về, đích đến luôn là con người. Đi để biết mình yêu mảnh đất nào nhất, khác với người thích đi, có những nơi tôi muốn trở lại, trở lại mãi.
Như Peru, nơi tôi xem là quê hương thứ 2 dù chỉ ở nơi ấy mấy tháng. Lần thứ 2 khi đến nơi này, tôi bỗng chợt nghĩ trong đầu khi rời máy bay: “mình về nhà rồi”. Dù nơi ấy chỉ có 3 người Việt định cư, những người Việt quý tôi như người nhà. Nơi đó có người Quechua bản địa đã xem tôi là một phần của cộng đồng. Cả câu chuyện riêng tư về bàn tay cô gái Quechua nữa. Tất cả đều khiến tôi say đắm nơi ấy.
Các danh lam, hay nghi lễ, hay văn hóa… đều đứng đằng sau con người, nhìn thấy được tình cảm từ con người, anh sẽ hiểu rõ, yêu quý và tôn trọng tất cả các dị đồng văn hóa ấy. Từ tình người thì đến mỗi chữ anh viết ra dù không diễn đạt hết cũng lấp lánh và dễ cảm nhận.
Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương bolero có thể xem là biên bản của Nguyễn Tập vồ vập sống, sự vồ vập rất dễ lan hứng khởi cho người đọc. Sự vồ vập muốn thu hết mọi trải nghiệm, thu hết mọi chi tiết đời sống vào trong mắt, trong hồn. Nhất là khi đó là một đời sống khác lạ, thần bí và khốc liệt so với văn hóa sống của tác giả.
Không nhiều triết lý, ít sự kê cứu, đây là cuốn sách của hành động. Hãy theo tác giả thử một lần thứ tro gây ảo giác trong một nghi lễ linh thiêng của các thợ săn cuối cùng của rừng già Amazon, hãy kéo nhanh sợi cước cùng anh khi đầu lưỡi ngắc nghẻo con cá hổ răng sắc hơn dao, hãy cuốc bộ qua dãy Andes hùng vĩ để đến thành phố đá mà người ngoài hành tinh đã dựng nên trong một đêm, hãy theo anh mộng mị trong một đêm trên hòn đảo có thể trôi dạt, hãy theo chân anh vào vùng đất của những chiến binh bịt mặt ly khai tiếp khách với súng AK...
Tác giả không để lơi người đọc 1 giây nào, lôi xềnh xệch qua mọi trạng huống, chi tiết đời sống cực hạn mà anh đã đi qua trong 9 tháng ở châu Mỹ. Anh là ai trong cuốn sách ấy, một nhà nhân học, một nhà báo, hay một kẻ lữ hành vô sở cầu? Trong các mảnh sống mà anh bày biện ra đó, bạn phải tự nhận chân ra tác giả.
Và nhận chân ra một phần Việt, câu chuyện cảm động nhất trong sách không dành cho Nam Mỹ, nó dành cho 3 người Việt ít ỏi đang định cư tại Peru, 3 người Việt đã tạo nên 1 cộng đồng dù cách xa nhau trong một đất nước rộng lớn.