Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn là tập 23 trong series về Thanh Tra Hercule Poirot.
Một buổi sáng, Hercule Poirot tìm tới nha sĩ Henry Morley để chữa răng. Không ngờ chỉ vài giờ sau, ông đã phải trở lại để điều tra nguyên nhân cái chết của nha sĩ.
***
Tên của
Hercule Poirot được lấy theo hai nhân vật thám tử khác là Hercule Popeau của nhà văn Marie Belloc Lowndes' và Monsieur Poiret của Frank Howel Evans trong đó Poiret là một thanh tra cảnh sát người Bỉ đã nghỉ hưu và sống ở Luân Đôn. Hercule Poirot xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết trinh thám đầu tay của Agatha Christie Vụ án bí ẩn ở Styles (The Mysterious Affair at Styles) xuất bản năm 1920. Hercule Poirot bắt đầu thực sự nổi tiếng sau khi tiểu thuyết Vụ ám sát Roger Ackroyd (The Murder of Roger Ackroyd) được Agatha Christie cho xuất bản năm 1926, sau đó nữ nhà văn còn cho ra đời nhiều tiểu thuyết xuất sắc khác về Poirot như Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông (Murder on the Orient Express), The ABC Murders (1935), Cards on the Table (1936) hay Five Little Pigs (1942).
Lần xuất hiện cuối cùng của Poirot là trong tiểu thuyết Thám tử rời sân khấu (Curtain: Poirot's Last Case) xuất bản năm 1975 chỉ một năm trước khi Agatha Christie qua đời. Sau khi Thám tử rời sân khấu được xuất bản, tờ New York Times trong số báo ra ngày 6 tháng 8 năm 1975 đã có một bài điếu văn với tựa đề "Hercule Poirot is Dead; Famed Belgian Detective" ("Hercule Poirot đã chết; Thám tử người Bỉ danh tiếng"), Poirot là nhân vật giả tưởng duy nhất cho đến nay có được vinh dự này. Mặc dù Hercule Poirot là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong số các tiểu thuyết của Agatha Christie nhưng ngày từ năm 1930 nhà văn đã bộc lộ sự chán ngán với nhân vật này, tuy nhiên bà vẫn tiếp tục sáng tác các tiểu thuyết mới xoay quanh viên thám tử người Bỉ vì theo Christie thì nhiệm vụ của nhà văn là sáng tác ra những gì công chúng yêu thích, và Poirot lại là nhân vật được độc giả hết sức yêu mến.
***
Agatha Christie sinh năm 1890 tại Torquay, Anh. Cha bà tên là Frederick Miller, nên tên khai sinh của bà là Agatha Miller. Hồi còn nhỏ, Agatha không được tới trường mà chỉ được gia đình thuê gia sư về dạy dỗ tại nhà.
Là một đứa trẻ nhút nhát, khó có thể diễn tả chính xác ý kiến của mình, ban đầu bà tìm đến âm nhạc như một cách giải tỏa tâm sự và sau này là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong khi đức lang quân bận rộn chiến đấu ngoài chiến trường thì bà làm y tá trong bệnh viện. Chính trong thời kỳ này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí bà. Chỉ một năm sau bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Những bí ẩn vùng Styles, nhưng phải tới 5 năm sau nó mới được xuất bản (1920).
Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn, kịch và hàng loạt tiểu thuyết tình cảm lãng mạn với bút danh là Mary Westmacott. Vở kịch Chiếc bẫy chuột của bà có lẽ là vở kịch trinh thám hay nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, nổi bật là bộ phim Murder on the Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông) đã đoạt giải thưởng Hàn lâm năm 1974. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 thứ tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ nhà văn Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu. Bà thường thú nhận rằng không biết gì về những công cụ giết người thông thường. Thậm chí bà cũng chưa từng một lần tiếp xúc với một kẻ giết người.
***
Khi ngồi vào bàn để ăn trưa, ông Morley không vui vẻ lắm. Ông phàn nàn về món thịt muối, ông hỏi tại sao cà phê lại giống nước bùn lỏng và nói rằng chưa bao giờ bánh bích quy lại dở như vậy.
Ông Morley có dáng người nhỏ nhắn với khuôn mặt cương nghị và cái cằm hiếu chiến. Chị ông, một bà quản gia có tầm vóc đẹp, chăm chú nhìn ông rồi hỏi ông một lần nữa xem có phải người ta đã chuẩn bị cho ông nước tắm quá lạnh không.
Ông gắt gỏng, trả lời không và liếc nhìn tờ báo hàng ngày. Một lát sau, ông tuyên bố rằng chính phủ, mà cho đến lúc đó ông chỉ lấy làm tiếc về sự thiếu khả năng, bây giờ rõ ràng đã trở nên tai hại.
Cô Morley bằng giọng rất trầm, bảo rằng đấy là điều đáng tiếc. Các ông bộ trưởng, dù họ là thế nào đi nữa, luôn luôn tỏ ra có một ích lợi nào đó, cô giục ông em giải thích tại sao chính phủ hiện tại lại bất lực, ngớ ngẩn và nguy hiểm.
Ông Morley đã làm cho cô vừa lòng, khi uống một tách cà phê thứ hai mà ông cảm thấy ghê tởm và cuối cùng ông thú nhận lý do thực sự làm ông bực mình.
- Các cô gái đều giống nhau cả thôi - ông nói - Họ chỉ nghĩ tới bản thân và không thể tin họ được!
- Có phải cậu nói về Gladys phải không?
- Vâng. Cô ấy vừa báo cho em biết là bà của cô ta bị một cơn kịch phát và cô ấy cần phải đi đến Somerset.
- Thực là chán, nhưng không phải lỗi tại cô ấy.
Ông Morley lắc đầu, rầu rĩ:
- Ai chứng minh cho em rằng bà cô ấy thực sự có một cơn kịch phát? Biết đâu đấy chẳng phải là một cú đánh lừa với sự tiếp tay của chàng trai đáng ngờ mà cô ta luôn luôn đi cùng? Họ đã quyết định kiếm lấy một ngày nghỉ, chỉ thế thôi!
- Chị khó tin điều đó với Gladys. Chị luôn luôn thấy cô ấy là người có lương tâm.
- Tất nhiên! Nhưng...
- Đấy là một cô gái thông minh và yêu lao động, chính cậu đã nói với chị điều đó.
- Vâng, Georgina, em đã nói điều đó! Nhưng đấy là trước khi cô ấy lui tới với con người ấy. Cô ấy đã thay đổi nhiều trong thời gian gần đây. Người ta không nhận ra cô ấy nữa. Cô ấy mơ mộng, luôn nghĩ đến việc khác, hay bồn chồn…
Mời các bạn đón đọc
Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn của tác giả
Agatha Christie.