Trâu chết để da, người ta chết để tiếng.
Napoléon Bonaparte đã để tiếng.
*
KHÔNG NHỮNG TẠI PHÁP – quê hương ông – mà ở khắp nới trên thế giới, người ta đã thấy trên 100,000 cuốn sách về Napoléon và thời đại của ông.
Nhưng « tiếng » Napoléon thế nào ? Đó là quyền của công luận, xưa cũng như nay.
Riêng tại Việt-Nam, sách viết về « tiếng » Napoléon đã quá ít, mà loại dành cho « cuộc đời » của ông lại càng hiếm hơn, có thể nói hầu như chưa có ! Kể ra cũng thật đáng phàn nàn !
Lâu nay rồi, chúng tôi đã có ý muốn cố gắng biên soạn một cuốn sách về cuộc đời Napoléon.
Nhưng vì hoàn cảnh khách quan, cũng như suy đi nghĩ lại với nhiều nỗi e dè, nên chưa thực hiện được.
Một sự tình cờ may mắn : chúng tôi được đọc cuốn Napoléon của tác giả Pierre Cluzel, nhà văn Pháp nổi danh, biên soạn tại Paris, do nhà xuất bản Fernand Nathan ẩn hành tại Paris năm 1947. 1
Không như một số tác giả Pháp thường hay khai thác những quân công võ nghiệp của Napoléon, biến ông thành thần tượng anh hùng độc nhứt. Không như một số khác đi sâu vào từng mối tình thầm kín của một khách hào hoa đa tình, biến ông thành nếu không là một hiện thân của tình lụy, thì cũng là mẫu người phức tạp dị kỳ.
Pierre Cluzel không thế. Đúng như ông đã nói từ đầu « Napoléon » của ông chỉ là một bức họa tuy đơn sơ, nhưng hoàn toàn trung thực về cuộc đời Napoléon Bonaparte : từ khi còn là thằng bé Napolione tới những ngày cuối cùng ở Sainte-Hélène.
Dĩ nhiên đã là « bức-họa cuộc đời », thì dù có đơn sơ, làm sao có thể bỏ qua nhưng giai đoạn, những sự kiện quan trọng. Nhưng với Cluzel, những sự kiện đó chỉ được trình bày như là những nét đặc biệt của một nhân vật hào hùng, sống thực, mà không quá xa vời với chúng ta. Và nếu chúng tôi không nhầm, có lẽ cũng là dụng ý của tác giả khi đặt vấn đề chép Napoléon theo thể « truyện ký » của ta.
Tuy chưa hoàn toàn đồng ý nội dung cũng như cách trình bày – theo quan điểm của từng người – chúng tôi tưởng cũng nên đem cuộc đời của một danh nhân thế giới khá lẫy lừng, giới thiệu với một số quý vị đồng bào đang muốn tìm hiểu.
Bên cạnh một Quang-trung Nguyễn-Huệ của chúng ta, Napoléon Bonaparte của nước Pháp sẽ như thế nào ?
Chúng tôi nghĩ rằng đó là thẩm quyền của Qúi Vị sau khi đọc xong dịch phẩm Napoléon này !
Sài Gòn tháng Mạnh Hạ Quý Sửu 5-1973
Dịch giả cẩn chí.
Tới đây, quí vị đã theo dõi xong cuốn phim tổng lượt về cuộc đời của Napoléon Bonaparte từ khi là bé Napolione di Buonaparte ngỗ nghịch tới ngày là hoàng đế nước Pháp đem gởi nắm xương tàn lại hải đảo bé tí Sainte Hélène.
Dù thật đơn sơ, so với cuộc sống thực, cuốn phim hẳn đã để lại trong tâm tư quí vị ít nhiều hình ảnh về người anh hùng đó của nước Pháp.
Như ở trang đầu sách chúng tôi đã nói, qua dòng lịch sử, khen, chê đã đến với Napoléon quá nhiều… nhưng chung qui « anh hùng » vẫn là cái tiếng mà Napoléon đã để lại. Tản-Đà Nguyễn-khắc-Hiếu – con người lấy Thơ và Rượu làm lẽ sống – trong bài Đời người canh bạc cũng viết :
« Ông Nã-phá-luân lúc làm quan, lúc làm vua, lúc làm tướng, lúc trong tay 60 vạn quân lính gầm thét châu Âu, lúc một mình giam lỏng chốn bãi bể, tan cuộc 52 năm còn được hai chữ anh hùng… »
« Còn được hai chữ anh hùng ». Và chỉ thế thôi ! Nhận định của nhà thơ thật bao quát đến xô-bồ, nhưng cũng thật phiến diện, nếu không muốn nói là thiếu sót.
Theo dõi cuộc đời Napoléon, anh hùng trước hết là một bản ngã, một lý tưởng… Một bản ngã gắn liền với nếp sống từ những ngày đánh lộn với anh ở nhà tới phút cuối về lòng đất ở Sainte Hélène ; một lý tưởng để tôn thờ từ ngày lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ở Corse tới khi uống chén thuốc độc ở Fontainebleau ! Lý tưởng triệt để hiến dâng cuộc sống cho quê hương – dù là quê hương thứ hai – nước Pháp !
Ngang đây, anh hùng quả là một khuynh hướng hướng thượng cao đẹp. Cùng với bản ngã anh hùng, với tài năng thiên phú, khuynh hướng đó đã thực sự dẫn tới kết quả rực rỡ cho cá nhân Napoléon lẫn tập thể nước Pháp qua các chính tích nhứt là chiến tích của ông. Nói khác đi, trong chừng mức này anh hùng tính của Napoléon là một giá trị tinh thần siêu việt, một kết tinh thuần khiết của nỗ lực dung hợp ý thức nêu cao giá trị cá nhân với ý thức phục vụ lợi quyền tập thể. Cũng trong chừng mức này, và qua lịch sử Pháp ở đương thời, anh hùng tinh của Napoléon, lý tưởng của ông càng có ý nghĩa minh chứng mối tương quan hỗ tương tác động giữa hai thực tại lịch sử « thời thế tạo anh hùng và anh hùng tạo thời thế ». Napoléon là thượng đẳng. Nhưng theo giòng thời gian, lịch sử nước Pháp đã hơn một lần ghi nhận vai trò anh hùng trong thế hỗ tương tác động giữa hai thực tại đó…
Tuy nhiên, ở Napoléon, anh hùng tính, lý tưởng anh hùng không thực sự ở chừng mức đó.
Thời thế tạo anh hùng : Anh hùng sinh ra và trưởng thành trong thời thế. Với Napoléon, thời thế là cuộc khủng hoảng chính trị tại đảo Corse – do cao trào đòi thoát ly khỏi quyền thống trị của Pháp – là thời kỳ nhiễu loạn ở Pháp sau Cách-Mạng tư-sản dân-quyền 1789 : từ một viên thiếu-úy vô danh tới Tổng-tư-lệnh quân đội, tới Đệ-nhứt-Tổng-tài (Premier Consul), rồi làm vua… Đã đành là do bản ngã anh hùng, do tài năng thiên phú… nhưng nếu không có thời thế thuận lợi thì chiếc « thang máy » của ông đặt chân vào đâu !
Có người sẽ hỏi : nhưng chính anh hùng tạo thời thế ? – Hiển nhiên là vậy. Và cũng đúng cả với Napoléon từ những ngày dùng bạo lực để giành địa vị với Paoli – nhà ái quốc – ở Corse, tới những âm mưu cùng phe nhóm ở Pháp, tới những cuộc viễn chinh « gầm thét châu Âu »…
Mời các bạn đón đọc Napoléon - Binh Nghiệp, Chính Nghiệp, Tình Ái - Pierre Cluzel.