Tập tu ở tu viện Mariabronn, Narcisse nổi bật bởi năng lực trí tuệ và văn hoá của mình. Người ta giao phó cho thầy cậu học sinh Goldmund mà thân sinh cậu ta muốn định phận làm một tu sĩ: để chuộc tội cho cuộc sống xáo động trong quá khứ của thân mẫu cậu. Narcisse kết bạn với chú em thông minh ấy. Thầy cảm nhận khuynh hướng của cậu không phải ở tu viện, và giúp cậu chọn con đường đi.
Từ ấy, Goldmund lao vào sống lang thang: trải qua các cuộc phiêu lưu tình ái, cậu tha thiết bắt gặp được tiện mạo lý tưởng của người phụ nữ "Êva vĩnh cửu", gương mặt thần tượng có thể thay cho thân mẫu cậu đã qua đời.
Goldmund trải qua mọi nỗi gian truân, phạm nhiều lỗi lầm trong cuộc sống nay đây mai đó. Không phải Goldmund không ý thức về bản ngã, các điều đối lập nhau trong tâm hồn và xúc cảm của mình. Trong một giờ khắc suy tư tỉnh táo và sâu lắng, cậu quyết định trở thành một nhà điêu khắc: nghệ thuật là phương sách để tìm cái đẹp. Tuy vậy, cậu lại ra đi, cuốn hút theo cuộc sống lang thang... Narcisse và Goldmand kết thân với nhau; tư chất, lối sống, số phận của họ khác nhau, nhưng họ có những điểm gặp để hiểu và yêu quý nhau, để bổ sung cho nhau, khi còn trẻ cũng như về sau này.
***
Văn hào lỗi lạc người Đức
Hermann Hesse sinh ngày 2/7/1877 tại Đức. Cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, còn ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ, bởi vậy tư tưởng của Hesse chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo.
Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông - Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân loại sống trong cảnh bình yên.
Hermann Hesse khởi nghiệp sáng tác bằng thơ ca năm 1898, với tập thơ "Romantische Lieder" (Các bài hát lãng mạn). Tuy nhiên, tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn qua các tiểu thuyết "Peter Camenzind", "Demien", "Steppenwolf" (Sói đồng hoang), "Siddhartha" và "Das Glasperlenspiel" (Trò chơi với chuỗi hạt cườm). Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn của cuối thế kỷ XIX đến tầm nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm đối với xã hội ở thế kỷ XX, ước mơ và tin chắc vào tương lai tốt đẹp hơn của con người.
Hermann Hesse đã từng viết : "Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".
Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học.
***
Mùa hè trôi qua, hoa phù dung, cúc lam, hoa cây đen và cúc sao tàn rơi, ếch nhái trong ao im tiếng, lũ cò bay lên cao, chuẩn bị ra đi. Bấy giờ Goldmund lại trở về.
Một chiều mù sương, cậu trở về, không vào tu viện mà đi thẳng đến cổng vào gian xưởng của mình. Cậu đi bộ, không có ngựa nữa.
Erich hoảng hốt khi thấy thầy bước vào. Chú thợ bạn nhận ra ngay thầy qua cái nhìn đầu tiên, con tim chú nhưng muốn bay ra đón thầy, nhưng dường như đây là một người hoàn toàn khác lạ: Một Goldmund giả, già đi nhiều năm, bộ mặt gần như tàn tạ, đầy phong trần, héo hon, nhăn nheo, bệnh hoạn, đau khổ, nhưng không để lộ mình đang đau đớn mà điểm một nụ cười nhân từ và kiên nhẫn. Goldmund kéo lê bước chân vật vã và dường như rất uể oải, mệt nhọc.
Cậu Goldmund biến dạng và không ai nhận ra ấy chăm chăm nhìn chú thợ bạn trẻ với một con mắt kỳ lạ. Chuyến trở về của cậu rất kín đáo; cậu ứng xử như mình vừa ở căn phòng bên cạnh, như thể mới chốc lát vừa rồi, cậu đã ở đây. Chìa bàn tay cho người học trò, cậu không nói gì, không chào hỏi, chỉ bảo: “Ta cần ngủ”, có vẻ rất mệt nhọc. Cậu cho Erich đi nơi khác và sang phòng của mình ở bên cạnh gian xưởng. Nơi đây, cậu dỡ mũ và đánh rơi xuống đất, cởi giày và lại bên chiếc giường. Trong góc phòng, dưới lớp rào che, cậu nhận ra pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh của mình, ra một dấu hiệu tỏ ý bạn bè nhưng không dở lớp vải che và không chào hình ảnh ấy. Ngược lại, cậu xuất hiện ở khung cửa sổ nhỏ, nhìn thấy Erich ở ngoài sân đang bối rối, và cậu lên tiếng réo gọi:
- Erich, cháu không cần báo với bất cứ ai là ta đã trở về. Ta đang rất mệt. Từ bây giờ đến mai, còn thời gian.
Sau đó, cậu để nguyên quần áo đang mặc, nằm lăn ra giường. Hồi lâu, không ngủ được, cậu ngồi dậy, nặng nề bước lại gần bức tường có treo một chiếc gương soi và đưa mắt nhìn vào đó. Cậu qua sát chăm chú lão Goldmund từ trong gương nhìn cậu: Một bộ mặt quen biết nhưng lại như xa lạ, đối với cậu nó dường như không thực sự hiện hữu, và cậu không hề cảm thấy có chút quan hệ nào. Cậu chỉ nhớ những bộ mặt khác từng quen biết: Một ít vì thầy Niklaus, một chút về vị hiệp sĩ già ngày trước đã ra lệnh may cho cậu một bộ áo quần đung thời trang, cũng có phần thánh Jacques trong ngôi nhà thờ, vị thánh Jacques cao niên, nhiều râu, dưới chiếc mũ khách hành hương có vẻ rất già, rất già và da xạm, tuy vậy vẫn toát ra một ấn tượng vui vẻ và nhân từ.
...
Mời các bạn đón đọc
Narcisse và Goldmund của tác giả
Hermann Hesse.