Review Ngã Dục Phong Thiên - bộ truyện đánh dấu bước chuyển mình của đại thần Nhĩ Căn.
Nhân sinh như giấc mộng, như lá rụng tuy đẹp, cũng chỉ sống một mùa . . .
Truyện: Ngã Dục Phong Thiên
Tác giả: Nhĩ Căn
Thể loại: Tiên Hiệp
Tình trạng: Đã full
Số Chương: 1966
Reviewer: Huyết Tu La
Ngã Dục Phong Thiên là tác phẩm thứ ba của Nhĩ Căn, sau Tiên Nghịch và Cầu Ma, cũng là tác phẩm đánh giá sự đổi mới trong cách hành văn của vị đại thần này.
Trong hai bộ truyện đầu tay là Tiên Nghịch và Cầu Ma, văn phong của Nhĩ Căn luôn nhuốm màu u tối, thậm chí là rất bi thương, khiến cho người đọc phải rơi lệ. Nhưng sang đến Ngã Dục Phong Thiên, ông gần như đã tự làm mới chính mình, văn phong không còn u ám, đậm chất hài hước, độc đáo, cùng một chút yy, không còn tự trói mình trong cái giới hạn “tiên hiệp cổ“.
Main tên Mạnh Hạo, một kiểu nhân vật chính cũng hoàn toàn khác biệt với Vương Lâm hay Tô Minh trước đó, hắn thiếu đi một chút điềm tĩnh, một chút lạnh lùng, cùng một chút cô độc, nhưng lại nhiều hơn một chút cuồng ngạo, một chút vô sỉ, và một chút . . . ham tài.
Nếu phải so sánh thì Mạnh Hạo thực sự rất giống Vi Tiểu Bảo trong truyện Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, tinh ranh như cáo, thích lừa gạt, nhưng vẫn có nguyên tắc của mình.
Mạnh Hạo xuất thân bình phàm, nhưng con đường của hắn không gian nan khổ cực như Vương Lâm và Tô Minh, ngược lại có chút “ bằng phẳng “ hơn, kỳ ngộ và cơ duyên cũng nhiều hơn, nói chung Mạnh Hạo may mắn hơn hai người kia rất nhiều.
Diễn biến trong truyện khá nhanh, chí ít là nhanh hơn cho với hai bộ trước, không tạo cảm giác rườm rà hay sâu lắng.
Nếu như Tiên Nghịch và Cầu Ma hầu như chỉ mang đến một cảm giác u buồn cho người đọc xuyên suốt bộ truyện thì Ngã Dục Phong Thiên lại hoàn toàn khác, có lúc hài hước đến mức không thể ngừng cười, cũng có lúc phải xúc động bởi cốt khí của Mạnh Hạo.
Điểm mạnh nhất trong những bộ truyện của Nhĩ Căn chính là triết lý nhân sinh cực kỳ sâu sắc và chân thực, Ngã Dục Phong Thiên cũng không phải là ngoại lệ.
Đáng tiếc, nói một cách chân thành, đối với bản thân tôi thì Ngã Dục Phong Thiên không bằng Tiên Nghịch và Cầu Ma, bởi vì Nhĩ Căn đã từ bỏ thứ đã làm nên tên tuổi của mình để chạy theo motip thị trường, hoặc cũng có thể nói . . . Nhĩ Căn đã cạn ý tưởng đối với kiểu viết cũ rồi.
Nhĩ Căn vốn nổi tiếng với lối hành văn chậm rãi, sâu lắng lại thêm chút u buồn rất đặc biệt, ở thời đỉnh phong ông thậm chí không có đối thủ trong thể loại tiên hiệp cổ điển, tất cả đều đến từ nhân sinh quan tuyệt hảo của vị đại thần này.
Khi đọc Ngã Dục Phong Thiên, bất kỳ đọc giả nào cũng có thể nhìn ra sự thay đổi trong lối hành văn của Nhĩ Căn, không còn sự sâu lắng u buồn nữa, thay vào đó là hài hước cùng một chút nhiệt huyết.
Công tâm mà nói, Nhĩ Căn viết như vậy không hề dở, thậm chí là khá hay, cũng làm cho truyện dễ đọc hơn, dễ hiểu hơn, nhưng đối với những người đọc lâu năm mà nói, truyện của ông đã dần mất đi một thứ rất quan trọng, tôi xin tạm gọi nó là “ bản ngã “.
Không phải ngẫu nhiên mà Tiên Nghịch hay Cầu Ma đều là những tác phẩm được giới văn học mạng đánh giá rất cao và luôn nằm trong top những bộ truyện tiên hiệp xuất sắc nhất mọi thời đại, còn Ngã Dục Phong Thiên, Nhất Niệm Vĩnh Hằng hay mới nhất là Tam Thốn Nhân Gian tuy đều rất hay và có hướng đi riêng nhưng chung quy lại không tạo tiếng vang như trước.
Mạnh Hạo trong Ngã Dục Phong Thiên được buff quá nhiều, gần như có cảm giác là hắn chỉ cần đứng im một chỗ cũng sẽ có bảo bối từ trên trời rơi xuống đúng vào tay hắn, điều đó vô tình làm mất đi phần nào sự hấp dẫn của truyện.
Trong Ngã Dục Phong Thiên không phải không có những câu văn sâu sắc, chỉ là triết lý nhân sinh của Nhĩ Căn trong bộ truyện này đã không có gì mới, không có gì đột phá, chẳng qua là vay mượn từ Tiên Nghịch và Cầu Ma sau đó lại thay đổi một chút, chung quy vẫn là đại đồng tiểu dị.
Tỷ như những câu văn sau đây:
“Chuông vang hồn tán, một ngày là cha, cả đời là cha. Tiên cũng tốt, phàm cũng vậy, thân tình sao dễ bỏ đi. Cái gọi là đạo vô tình, ngộ hồng trần thuần túy là không tưởng. Người không có tình sao có thể minh tâm? Sao có thể hiểu đạo?”
Câu văn rất hay, cái nhìn của tác giả cũng rất sâu sắc, thế nhưng ý tưởng này đã được Nhĩ Căn nhắc đến trong Cầu Ma rất nhiều lần, đại khái là muốn nói “tiên đạo vốn dĩ hữu tình, tiên nhân chung quy vẫn có nhân tính, vì thế mới được gọi là tiên nhân” mà thôi.
Hay câu nói đầy cuồng ngạo của Mạnh Hạo:
““Nếu ta muốn có, thiên không thể không. Nếu ta muốn không không, thiên không được có”
Cũng không khác gì lắm so với con đường nghịch thiên mà đi của Vương Lâm trong Tiên Nghịch, bài cũ lặp lại.
Còn có mối tình của Mạnh Hạo với Hứa Thanh trong truyện:
“Nàng từ nhỏ đã biết, chính mình không phải một cái rất thông minh nữ hài, thậm chí có đôi khi rất đần, cho nên nàng học xong che giấu, dùng băng lãnh dung nhan, dùng băng lãnh giống như không có tình cảm lời nói, đi che giấu mình không thông minh. Để cho thế giới này ở trong mắt mình đơn giản một ít.
Nàng không thích phức tạp, bởi vì chuyện quá phức tạp nàng nghĩ mãi mà không rõ, nàng ưa thích yên tĩnh, ưa thích một người tu hành, nhìn xem tuế nguyệt trôi qua, nhìn xem sinh mệnh dần dần tàn lụi, nhớ kỹ lấy những ký ức đã từng tốt đẹp.
Đây chính là nàng, Hứa Thanh, lãnh lãnh thanh thanh bề ngoài, giản giản đơn đơn nội tâm.”
Đọc qua một đoạn là có thể thấy Hứa Thanh quá giống Lý Mộ Uyển, không có thiên phú tu luyện tốt, giản đơn mà bình dị, ít nói nhưng sâu sắc, và sẵn sàng hi sinh vì người yêu, chẳng qua số phận của Hứa Thanh so với Lý Mộ Uyển thì bớt đi chút khổ cực mà thôi.
Nói như vậy không phải là muốn chê Ngã Dục Phong Thiên, thực ra đây vẫn là một bộ truyện hay, nó giống như một món ăn ngon mà bạn yêu thích, lâu nay đã quen với hương vị của nó, bỗng nhiên có một ngày thứ hương vị quen thuộc đó trở nên có chút lạ lẫm, lại vẫn giữ lại chút gì đó xưa cũ, nửa nạc nửa mỡ, từ đó tuy nó vẫn là món ăn ngon, nhưng không còn xuất sắc như trước nữa.
Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên thông cảm cho Nhĩ Căn, ông rõ ràng là muốn làm mới chính mình, đáng tiếc không thể xem là một bước chuyển mình thành công mà thôi.
Chỉ có thể nói, cái bóng của Tiên Nghịch hay Cầu Ma là quá lớn, muốn thoát ra khỏi cái bóng đó là một chuyện rất rất rất khó, cũng giống như Tiêu Đỉnh với siêu phẩm để đời Tru Tiên, thành tại Tru Tiên, nhưng cũng bại bởi Tru Tiên, có lẽ đời này cũng không thể thoát khỏi cái bóng khổng lồ của đứa con tinh thần của mình.
Đánh giá chung: Như đã nói ở trên, theo cá nhân tôi hay những người đọc lâu năm thì Ngã Dục Phong Thiên đúng là không bằng hai bộ trước (cái này là tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều bạn đọc rồi mới dám nói chứ không phải tôi nói bừa đâu nhé), nhưng có lẽ thích hợp với những người mới đọc truyện hơn là hai bộ trước. Vả lại cái gì cũng có hai mặt, đôi khi truyện quá u tối chưa hẳn là hay, đổi mới một chút cũng tốt, dù sao nếu như tiếp tục viết truyện theo con đường của Tiên Nghịch và Cầu Ma thì cũng chẳng có gì đảm bảo là Ngã Dục Phong Thiên của Nhĩ Căn sẽ tiếp tục thu hút đọc giả như trước. Đây thực tế là canh bạc mà Nhĩ Căn sớm muộn cũng phải đánh nếu muốn thay đổi lối viết truyện của mình mà thôi.
Đương nhiên, “đẳng cấp là mãi mãi", Nhĩ Căn luôn có những câu văn cực chất để ghi điểm trong mắt người đọc:
“Một đời người luôn luôn có lựa chọn, cho dù là sai hay đúng, cứ đi tiếp, một số năm sau khi quay đầu lại, sai có lẽ đều không phải là sai, đúng cũng có lẽ đều không phải là đúng….
Cần gì phải khổ não, cần gì phải mê mang, hết thảy cứ đi tiếp.
Bởi vì, không có sai, nơi nào sẽ có đúng? Đạo lý giống nhau, khi không có đúng thì tại sao có thể có sai?”
“Tuế nguyệt như mộng, không phân rõ chân thực cùng hư giả, chính như trong mộng của người có người khác, người khác thế giới bên trong, có lẽ cũng có trong mộng ngươi. Lại hoặc là, sinh mạng của chúng ta, cuộc đời của chúng ta, là một cái không thấy được bọt khí, chẳng biết lúc nào vỡ vụn, chẳng biết lúc nào thanh tỉnh, ai trong mộng có ngươi, trong mộng của ngươi có ai . . . Đây là một cái nan giải đáp án không biết . . .”
“Ngươi là đan, ta là mộc, một năm kia, ngươi xuất hiện trước mặt ta… Từ đây nhân sinh không còn chỉ có màu xanh.
Ta là đan, ngươi là mộc, một năm kia, ta mở mắt ra, thấy được ngươi… Từ đây sinh mệnh không còn là cô tịch.
Có đôi khi, cả một đời, chỉ vì năm đó một hồi gặp nhau.”
“Một đời, chỉ yêu một người. Ngươi sinh thời, ta chung tình với ngươi. Ngươi sau khi chết, ta chung tình tại hồi ức . . . Ngươi như còn sống, ta cùng ngươi cả một đời, ngươi nếu chết đi, ngươi trong trí nhớ ta, bồi tiếp ta, cả một đời.”
“Đã từng, ta cúi đầu xuống nhìn xem ngài, quay người rời đi chỉ vì chứng minh chính mình, một số năm sau, đương có một ngày ta thắng thế giới, mang theo vinh quang của ta đi vào trước mặt của ngài lúc, ta vốn định xem ngài bộ dáng giật mình, có thể ta nhìn thấy, là ngài cho ta kiêu ngạo ánh mắt, một khắc này, ta bỗng nhiên đau lòng, ta ôm lấy tóc trắng xoá ngài, nhẹ nói lấy.”
Tóm lại, văn của Nhĩ Căn luôn xuất sắc, cho dù ý tưởng không mới, thì chất lượng vẫn luôn là thứ không thể bàn cãi.
***
Người review: Ngũ Gia
Sau thành công của Tiên Nghịch, Cầu Ma thì Nhĩ Căn viết tiếp bộ này. Theo ý kiến nhiều người thì Ngã Dục Pong Thiên không hay bằng 2 bộ trước. Nhưng với mình thì bộ này vẫn có nét độc đáo riêng, tác giả viết chắc tay hơn, bố cục từ đầu đến kết thúc hợp lý, đọc cảm giác khá thỏa mãn, kể cả phần ngoại truyện đều rất đáng đọc. Truyện yy nhưng không não tàn, có âm mưu, có hài hước, có tình cảm, có bi thương, có kích thích…. và nhiều thứ nữa, mình đánh giá bộ này vẫn là siêu phẩm tiên hiệp.
Truyện kể về thư sinh ham tài Mạnh Hạo (chắc có thể vì nghèo nên mới ham tài), hắn ba năm liền thi không đỗ, sau một lần cơ duyên được gia nhập Kháo Sơn tông, bắt đầu tu tiên từ đó. Đây là cách mở đầu truyện mình rất thích ở thể loại tiên hiệp, không gia tộc, không phế vật, không từ hôn, không bị khinh bỉ…
Khi ngươi nhân sinh bế tắc lại gặp được tiên duyên? Là phúc hay là họa? Nhiều người cầu cả đời trải qua bình thường, chẳng qua là họ không thể làm gì khác hơn mà thôi. Nếu có thể tu tiên, có ai không muốn?
Truyện này mình rất thích dàn nhân vật phụ đặc biệt là Kháo Sơn lão tổ (tính cách rất thực tế, bá đạo, nhưng hay bị ăn thiệt thòi bởi Mạnh Hạo), Anh Vũ (tự nhận mình là Ngũ gia, vì chỉ biết đếm đến năm, số năm đối với hắn là vô cùng lớn), và Bì Đống (gọi mình là Tam gia, tương tự chỉ biết đếm đến ba. Đây là 3 nhân vật gây cười nhiều nhất trong truyện.
Truyện này viết về tình cảm không nhiều nhưng phải nói là rất hay, mối tình bình thường nhưng khắc cốt ghi tâm của Mạnh Hạo và Hứa Thanh, tất cả bắt đầu chỉ vì một bình “Trú nhan đan”. Mình thích kiểu nữ chính như Hứa Thanh, đơn giản, bình lặng, ít nói, nhưng rất thấu hiểu, sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu. (gần giống Lý Mộ Uyển trong Tiên Nghịch).
Ngoài ra, truyện còn có rất nhiều đoạn viết vừa cảm động lại vừa hài hước, bạn nào chưa đọc thì cứ nhảy thử xem, còn ai đã đọc rồi không ngại nhảy hố một lần nữa chứ.