DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Tác giả Victor Hugo
Bộ sách
Thể loại Sách Nói
Tình trạng Sách Nói
Định dạng Sách Nói
Lượt xem 1815
Từ khóa Audiobook Sách Nói mp3 full Victor Hugo Tiểu thuyết Kinh điển Văn học Pháp Văn học phương Tây
Nguồn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

'Ngày cuối cùng của một tử tù' và tư tưởng nhân văn của Victor Hugo

Đại văn hào Pháp trăn trở về quyền sống con người qua suy tư của một kẻ tử tù trước khi lên đoạn đầu đài.

Tác phẩm viết năm 1829 của Victor Hugo được dịch và ra mắt tại Việt Nam nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ ba. Tại buổi tọa đàm ra mắt sách, thầy Trần Hinh - giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - cho rằng dù không tầm cỡ như Những người khốn khổ hay Nhà thờ Đức Bà Paris, tác phẩm Ngày cuối cùng của một tử tù đóng vai trò hết sức quan trọng vì nó chứa đựng gần như đầy đủ phong cách, mô típ, nhân vật và chủ đề quen thuộc trong sáng tác văn xuôi của Victor Hugo. Ngoài ra, nó chứa đựng những tâm sự nhức nhối của nhà văn suốt đời đấu tranh cho quyền được sống của con người.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cuốn sách mỏng nên có thể đọc nhanh hơn nhiều tiểu thuyết đồ sộ của Victor Hugo, tuy nhiên phải cảm lâu hơn mới hiểu được những dụng ý nhân văn của tác giả.

Tác phẩm ghi lại 24 giờ cuối cùng của cuộc đời một tử tù qua nhật ký của nhân vật xưng tôi - nhân vật không tên tuổi, lai lịch, không nguồn gốc tội lỗi, không ai biết anh ta phạm tội gì đến nỗi trở thành tử tù. Anh ta kể về không gian sinh tồn là nhà tù, những con người va chạm với anh ta trong 24 giờ đó là bạn tù, linh mục, cai ngục... và những người phụ nữ trong tâm tưởng gồm mẹ, vợ và con gái. Tất cả những suy tư đó đan xen với dòng suy nghĩ về việc anh ta sắp bị thi hành án.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tư tưởng của Victor Hugo trong tác phẩm là con người được sống, đáng sống, người phạm tội có thể bị phạt nhưng có thể phạt bằng cách khác ngoài án tử hình.

Các diễn giả cũng bàn về nghệ thuật tiểu thuyết của Victor Hugo trong tác phẩm này, trong đó có việc ông cố tình bỏ qua lý do phạm tội và cảnh xử tử cuối cùng trên đoạn đầu đài. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thùy Linh, án tử hình được lấy cảm hứng từ bối cảnh nước Pháp thế kỷ 19 nhưng ông không miêu tả xã hội đó mà đi thẳng vào suy tư của người tử tù trong không gian hẹp, thời gian ngắn. Chị Linh cho rằng việc đi vào dòng tâm tưởng nhân vật cho thấy sự hiện đại hóa trong bút pháp của Victor Hugo .

Ông Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng dụng ý đó có liên quan tới văn học phi lý thế kỷ 20. Bản thân nhân vật cũng không hiểu lý do mình bị kết tội mà chỉ biết mình rơi vào mê cung và chết mà không hiểu chết vì cái gì. Cách viết tiểu thuyết dồn nén không gian và thời gian, theo ông Phạm Xuân Nguyên, là cách viết đặc biệt chỉ xuất hiện ở một số ít tác phẩm trên thế giới.

***

Khát vọng sống cao đẹp qua “Ngày cuối cùng của một tử tù”

Từ sâu thẳm trong mỗi chúng ta, hình ảnh những tù nhân luôn đem đến một cảm giác đáng sợ, căm phẫn, oán hận, khiến chúng ta chỉ trích, ghét bỏ…Nhưng, có mấy ai tự hỏi rằng bên trong những tù nhân ấy có chăng những điều tốt đẹp như bản tính hướng thiện của con người? Hình ảnh người tử tù khốn khổ trong kiệt tác “Ngày cuối cùng của một tử tù” của đại văn hào Victor Hugo đã đem đến cho chúng ta những góc nhìn khác về phạm nhân…

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, đúng hơn là một cuốn nhật ký của người tử tù ghi lại những dòng tâm trạng, ký ức, cảm xúc khi gần cõi chết của nhân vật “tôi”- một nhân vật vô danh, không tên- với 5 chữ: “Bị kết án tử hình”. Cùng với đó là hiện thực khắc nghiệt khi ông bị giam cầm trong ngục tối, thân thể bị xiềng xích, nội tâm, ý chí bị hành hạ. Một suy nghĩ khủng khiếp vây chặt lấy ông: Tôi bắt buộc phải chết. Suy nghĩ đó như bóng ma đeo bám lấy nhân vật chính, ám ảnh “tôi”, ngay cả trong giấc ngủ chập chờn. Người tù phải sống chung trong nỗi sợ hãi, ăn không ngon, ngủ không yên, rối loạn tinh thần…

Chuỗi cảm xúc của người tử tù khi đứng ở vị trí cận kề cái chết khiến người đọc đầy xót xa. Ở những giây cuối cùng của cuộc đời, con người có xu hướng hồi tưởng lại ký ức, kỷ niệm, quá khứ đã qua. Nhớ về tuổi thơ êm đẹp, thanh bình, nhớ mối tình đầu đời trong sáng, luyến tiếc cuộc sống… Chịu án tử hình, “tôi” để lại một người mẹ, một người vợ và một đứa con. Như vậy, sau khi “tôi” chết, có ba người phụ nữ mồ côi theo ba kiểu khác nhau. Nhất là bé Marie bé bỏng sẽ phải sống bơ vơ trên thế gian tàn nhẫn này, trong khi bé con vẫn còn ngây thơ lắm. Lần cuối gặp bố, tuy cô bé không nhận ra mặt bố đẻ, nhưng em nói luôn cầu nguyện cho bố hằng đêm. Chính điều đó mới khiến “tôi” khổ sở. Trái tim người tử tù đau xót đến tê tái khi nghĩ đến gia đình chịu khổ đau, phỉ báng, lăng mạ vì mình.

Trước những xúc cảm ấy, có thể thấy người tử tù chưa sẵn sàng để chết. Ông hối hận, muốn sống, muốn làm lại cuộc đời, nhưng không ai trao cho ông cơ hội ấy khi bản án tử đã đóng dấu.

Cái gì đến cũng sẽ đến. Ngày thi hành án đã đến. Phạm nhân bị đưa ra pháp trường trong tiếng hò reo, vui cười, hớn hở của đồng loại. Họ sốt ruột vì chờ xem việc chém đầu tử tù. Khi ấy, người tử tù không còn đủ can đảm nữa, thứ ông khiếp đảm không phải là cái đầu rơi xuống mà chính là tiếng la hét bất nhẫn kia. Người tử tù không chịu đựng được đã quỳ mọp xuống kêu lên: “Ân xá cho tôi! Hãy rủ lòng thương cho tôi thêm chút nữa… Chết như thế này kinh khủng lắm”. Tôi đã thực sự bị ám ảnh bởi lời cầu xin này, đó không phải lời cầu xin được sống, mà là lời cầu xin được đối xử như một con người.

Người tử tù trong tiểu thuyết của Victor Hugo không có lấy một cái tên, thậm chí án cũng không rõ ràng, cụ thể. Bản thân nhân vật cũng không biết mình kết án vì tội gì mà chỉ biết mình rơi vào vòng xoáy công lý và chết một cách không rõ ràng. Điều đó càng khiến nỗi đau của người tử tù lớn hơn nữa. Sự bi thảm, nhá nhem, khốn cùng và cả man rợ này phản ánh xã hội Pháp thế kỷ XIX lúc bấy giờ. Đó là sự bất công trong xã hội, khi tầng lớp bình dân, người nghèo bị đối xử không phải là con người, bị dồn đến bước đường cùng.

“Ngày cuối cùng của một tử tù” dù không đồ sộ về nội dung như các tác phẩm khác của Victor Hugo, nhưng để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về lòng nhân đạo và quyền được sống, khát vọng sống của mỗi con người. Mỗi một sinh linh, mỗi sinh mạng dù đẹp đẽ, trong trắng hay tội lỗi, sa ngã đều đáng sống và có quyền được sống, được đối xử đúng là một con người. Tôi tin rằng, bất cứ ai đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ cảm nhận rõ ràng giống như tôi, đó là biết trân trọng cuộc sống hơn, trân quý hơn mỗi người, mỗi sinh linh trong đời sống này. Bởi, phía sau đó, đều là những khát vọng sống đẹp đẽ.

NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG 


Giá bìa 75.000   

Giá bán

60.000 

Giá bìa 75.000   

Giá bán

60.000