Việc trở thành một người lắng nghe tốt hơn có ý nghĩa thế nào đối với bạn? Cuộc đời bạn sẽ thay đổi ra sao nếu bạn biết lắng nghe hơn?
Trong thế giới hiện đại ngày nay, dường như chúng ta đã quá quen với việc chạy theo những lợi ích cá nhân và dần quên đi sự quan trọng của việc dừng lại và lắng nghe. Khả năng lắng nghe người khác thực sự có thể được coi là kỹ năng quan trọng nhất, giúp thay đổi cuộc đời của bạn và những người xung quanh bạn. Trong giao tiếp đời thường, kỹ năng lắng nghe sẽ giúp bạn xây dựng các mối quan hệ dựa trên nền tảng tiếp nhận thông tin; trong công việc, lắng nghe không chỉ giúp bạn tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm từ những người có chuyên môn, mà còn giúp bạn thấu hiểu đồng nghiệp hơn và từ đó có thể giúp đỡ nhau cùng phát triển, đạt hiệu suất cao.
Với những ví dụ sinh động, các kỹ thuật dễ học và bài tập thực tế, hãy cùng học lại cách lắng nghe hiệu quả từ bậc thầy về giao tiếp – Dale Carneige thông qua cuốn sách “Nghệ thuật lắng nghe trong giao tiếp”. Bạn có thể tự đánh giá khả năng lắng nghe của bản thân thông qua bài kiểm tra “Bạn có nghe tôi nói không?”. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng sẽ giới thiệu các đặc điểm thường thấy từ bảy lọai hình người nghe để từ đó gợi ý cho bạn cách thức giao tiếp sao cho phù hợp. Trong chương 3, tác giả sẽ phân tích bốn kiểu lắng nghe, bao gồm: Giả vờ lắng nghe, lắng nghe để đáp trả, lắng nghe học hỏi và lắng nghe đồng cảm.Tất nhiên, đây không phải là danh sách tuyệt đối về các loại hình lắng nghe. Chỉ cần lướt nhanh một vòng trên Internet là bạn có thể thấy hằng hà sa số những cái tên và những mô tả cho các loại hình lắng nghe khác nhau. Tuy nhiên bốn loại hình trên đây có thể bao hàm cho các loại còn lại. Hãy tận hưởng trong quá trình đọc và đắm chìm trong những kiến thức chứa đựng trong cuốn sách này.
Món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành tặng cho người khác chính là trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân bạn. Và điều đó bắt đầu với việc trở thành một người lắng nghe hiệu quả hơn.
***
[Bookademy] Review Sách
Có khi nào bạn cảm thấy không muốn nói chuyện với bố mẹ hay người thân vì họ không lắng nghe bạn không? Có khi nào bạn cãi nhau với đứa bạn thân vì hiểu sai ý nhau không? Hay có bao giờ từ bỏ một mối quan hệ vì không thể giao tiếp?
Frank Tyger, nhà báo và nhà vẽ tranh biếm họa người Mĩ, từng nói: “Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Nhưng lắng nghe là cả một nghệ thuật.” Thật vậy. Nhiều người cho rằng việc nghe dễ hơn nói bởi họ không phải nghĩ nên và không nên nói gì. Những người không biết cách trò chuyện lại càng lấy cớ lắng nghe để đẩy trách nhiệm cho đối phương. Tuy nhiên, việc lắng nghe cũng quan trong như việc nói vậy, bởi để giao tiếp thành công cần có sự tương tác hai chiều giữa hai bên đối thoại. Người nghe cần thấu hiểu, hay ít nhất là nắm bắt được chủ đề người nói đang đề cập tới, từ đó khiến người nói có cảm giác thoải mái và tạo dựng được một mối quan hệ tốt đẹp. Lắng nghe, trên thực tế, là một kĩ năng khó. Nhưng cuốn sách “Kĩ năng lắng nghe trong giao tiếp” của Hiraki Noriko sẽ dạy bạn mọi thứ bạn cần để dành 50% chiến thắng trong đời.
Tại sao lắng nghe lại quan trọng?
Mới đây thôi, tôi đã cắt đứt quan hệ tình bạn với một người. Có nhiều lí do dẫn đến kết quả này, nhưng một trong số đó lại là vấn đề giao tiếp giữa chúng tôi. Tôi đã qua tuổi 18, em vẫn còn là một đứa nhỏ cần sự quan tâm và thấu hiểu. Tôi có thể lờ đi mọi thứ khiến bản thân bực bội, em thì thích để chúng vào mắt. Tôi ở một góc độ nào đó đã thấu hiểu sự bất công của thế giới, em thì lại quá nhạy cảm. Mỗi lúc trông thấy tôi, em sẽ quấn quit kể về những điều em trông thấy, cảm thấy và những chuyện xảy ra trong ngày hôm đó. Sẽ không có gì đáng nói nếu tôi không càng ngày càng phát ngán với những câu chuyện tưởng chừng bất tận về cùng hay vài chủ đề luẩn quẩn. Em hay kể những chuyện khiến em không thoải mái, những điều tôi chẳng quan tâm, những thứ tôi đã dặn em đừng làm nữa nhưng em vẫn ngang bướng không nghe.
Và tôi bắt đầu hờ hững với em, hờ hững lắng nghe những câu chuyện em kể. Có quá nhiều khác biệt giữa chúng tôi khiến việc chấm dứt chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng tôi đã nghĩ đến một cái kết trong êm đẹp, chứ không phải bắt đầu bằng việc tổn thương em bởi sự hờ hững ích kỉ này.
Thế đấy, bạn của tôi ạ, lắng nghe quan trọng bởi nó có thể giúp bạn giữ lại dù chỉ một chút kỉ niệm đẹp về đối phương, để bạn không phải ngày ngày canh cánh trong lòng hai chữ “xin lỗi”, và nếu bạn không phải là một kẻ xấu xa như tôi, có thể bạn sẽ hàn gắn được mối quan hệ đang rạn nứt này với tình yêu thương và tấm lòng thông cảm, bao dung.
Như đã đề cập ở trên, lắng nghe là một trong hai chiều của giao tiếp. Nếu việc nói giúp bạn bộc lộ bản thân và chia sẻ quan điểm thì việc nghe giúp bạn hiểu đối phương, từ cách suy nghĩ đến tính cách và thái độ của người đang cùng bạn trò chuyện, rồi dựa vào đó mà khéo léo tạo dựng được những mối quan hệ phù hợp, có thể khiến bạn được yêu mến nữa (Bởi là thôi nào, có ai mà không yêu mến người khiến mình thoải mái trò chuyện và được thấu hiểu chứ?) Như Johann Wolfgang von Goethe có nói: “Nếu bạn muốn hiểu tư duy của ai đó, hãy nghe anh ta nói.” Tác giả Hiraki Noriko cũng cho biết:
Những người không biết cách lắng nghe, không nắm bắt được chủ đề đối phương đang nói, tuy không phải là người xấu nhưng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Nói một cách cực đoan thì họ sẽ không tạo dựng được mối quan hệ với mọi người trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, thậm chí những việc đơn giản như mua đồ tại cửa hàng cũng trở nên khó khăn với họ. Hơn thế nữa, những người như vậy cũng khó có thể hi vọng rằng mình sẽ có một mối quan hệ thân thiết hay sự đồng cảm sâu sắc với người khác.
Từng ấy lí do đã đủ khiến lắng nghe trở nên quan trọng chưa?
Về đối tượng hướng đến
Theo từ điển Oxford, giao tiếp (communication) là hành động hay quá trình cung cấp thông tin, diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc đến mọi người. Trong tiếng Anh, “communication” (giao tiếp) và “community” (cộng đồng) có cùng từ gốc Latin “communis”, mang nghĩa chung, phổ biến. Bên cạnh đó, tiếng Latin còn có từ “communicare”, nghĩa là khiến cái gì đó trở nên phổ biến với nhiều người, chia sẻ, truyền đạt, chia ra. Do vậy, ta có thể suy ra bản chất của giao tiếp chính là sự sẻ chia.
Theo tâm lý học, giao tiếp là hoạt động xác lập, vận hành các mối quan hệ giữa người với người nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội, là nhu cầu sớm nhất của con người từ khi tồn tại đến khi mất đi. Con người gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hóa, đạo đức, chuẩn mực xã hội thông qua giao tiếp. Như vậy, con người không thể tồn tại mà không có giao tiếp, và ai cũng cần quan tâm đến cách lắng nghe.
“Kĩ năng lắng nghe trong giao tiếp” của Hiraki Noriko phù hợp với mọi đối tượng. Dù bạn là cô gái tuổi đôi mươi hay đã là phụ huynh của hai nhóc tì, thậm chí là một ông lão tóc bạc trắng, dù bạn có đang gặp khó khăn trong giao tiếp nói chung và kĩ năng lắng nghe nói riêng hay không, dù bạn có muốn thay đổi hay không, bạn vẫn có thể đọc hiểu và áp dụng cuốn sách này. Ở mỗi chương đều có những hình minh họa tóm tắt và ví dụ cụ thể mà người đọc dễ dàng liên hệ vào thực tế.
Càng đọc những lời khuyên của Hiraki Noriko, tôi càng nhận ra bản thân đã mắc quá nhiều lỗi trong việc lắng nghe như thế nào, dù tôi luôn nhận mình là đứa giỏi nghe hơn nói. Chà, nghe mỉa mai nhỉ? Nhưng đó là sự thật. Bởi tôi đã nhầm tưởng về việc lắng nghe như bao người ngoài kia. Tôi nhận ra, nghe và hiểu điều đối phương muốn đề cập không phải là tất cả, đáp lại đối phương như thế nào cũng vô cùng quan trọng. Nếu bạn đã từng gắt gỏng với bố mẹ, từng không muốn trò chuyện với gia đình vì không ai hiểu cách suy nghĩ của bạn hay từng đánh mất một mối quan hệ và cách lắng nghe là một trong nhiều vấn đề dẫn đến rạn nứt, giống như tôi, thì bạn nên ra hiệu sách và mang cuốn này về, bởi nó sẽ giúp bạn nhiều hơn bạn tưởng tượng về một cuốn sách kĩ năng.
Mời các bạn đón đọc Nghệ Thuật Lắng Nghe Trong Giao Tiếp của tác giả Dale Carnege & Ngân Nga (dịch).