Tặng các nhà lãnh đạo và các nhà tư tưởng theo nguyên tắc trong quá khứ và hiện tại vì trí tuệ vượt thời gian của họ, và tặng các khách hàng của tôi cùng tổ chức của họ trước thách thức thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
"Triết lý của Covey nhằm tạo ra nhiều mối quan hệ có ý nghĩa hơn và thành công hơn tại nơi làm việc là điều mà chúng ta cần nỗ lực thực hiện xuyên suốt trong hoạt động
kinh doanh, tại gia đình và cả những nơi khác, nếu chúng ta mong muốn có được hạnh phúc và một tương lai mĩ mãn. Tôi thật sự tin tưởng rằng những giá trị mà ông nhấn mạnh trong cuốn Nghệ thuật Lãnh đạo theo Nguyên tắc là điều thiết yếu đối với sự phát triển môi trường chất lượng toàn diện."
- Sam Walton, Chủ tịch, Tập đoàn Wal-Mart Stores, Inc.
"Thế giới cần thay đổi mô thức về thái độ ứng xử và các giá trị. Stephen Covey đã đem đến cho chúng ta bản thiết kế để từ đó tạo ra một môi trường nhân sự, kinh doanh và quan hệ nội bộ tốt hơn, làm tiền đề cho sự thay đổi cơ bản này. Tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là hành động."
- Catherine Crier, Biên tập viên truyền hình, CNN
"Cuốn Nghệ thuật Lãnh đạo theo Nguyên tắc giúp tôi có những nhận thức mới để làm việc cùng và làm việc cho những người tình nguyện của chúng tôi. Các ý tưởng đều là những điều rất cơ bản, tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta bỏ qua những sự thật cơ bản đó. Cuốn sách này tạo cho tôi cảm hứng để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn."
- Phyllis J. Dudenhoffer, Chủ tịch phụ trách quốc tế, Tổng Liên đoàn các Câu lạc bộ Phụ nữ
"Chúng tôi xem Stephen R. Covey là một trong những người có đóng góp quan trọng nhất trong việc hình thành một cấp độ tư duy mới về chất lượng của Mỹ."
- Joshua Hammond, Chủ tịch, Tổ chức Chất lượng Mỹ
"Dù các tác phẩm của Deming và Juran có tác động lớn lao đến chất lượng toàn diện, nhưng chúng cũng mới chỉ đưa ra các mảnh rời rạc – phần ‘sự việc’; còn Covey mang đến phần ‘con người’ – chất keo kết dính các chi tiết đó lại với nhau – vượt trên ‘sự việc’ và tạo ra một tác động cấp số nhân bằng cách trao quyền cho con người."
- Willard Jule, Giám đốc quản lý chất lượng toàn diện, Westinghouse
***
Trong các cuộc hội thảo của mình, tôi thường mời mọi người phát biểu về những vấn đề gai góc nhất hoặc nêu ra các câu hỏi khó nhất của họ. Hiển nhiên là các vấn đề và câu
hỏi này phải liên quan đến những xung đột hoặc nghịch lý không thể giải quyết bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận thông thường. Sau đây là một vài ví dụ:
• Làm thế nào để cân bằng giữa các lĩnh vực cuộc sống cá nhân và sự nghiệp dưới những áp lực và khủng hoảng thường xuyên?
• Làm thế nào để thực sự cảm thấy hạnh phúc trước những thành công và năng lực vượt trội của người khác?
• Làm thế nào để duy trìsự kiểm soát, trong khi vẫn cho mọi người quyền tự do và tự chủ để làm việc hiệu quả và thành công?
• Làm thế nào để tiếp thu các nguyên tắc về chất lượng toàn diện và cải tiến liên tục ở mọi cấp độ và mỗi con người khi họ đã quá hoài nghi đối với tất cả các chương trình hành động trong tháng đã qua?
Có lẽ bạn cũng từng tự hỏi mình những câu hỏi này khi phải vật lộn với những thách thức đời thường trong cuộc sống cá nhân và cả trong tổ chức của bạn. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản của lãnh đạo hiệu quả.
Cho ai một con cá, có thể nuôi anh ta một ngày; dạy anh ta cách câu cá, giúp anh ta kiếm sống cả đời.
Với hiểu biết đó, chính bạn sẽ có thể trả lời những câu hỏi này và những vấn đề khó khăn khác. Bằng không, bạn sẽ phải mày mò và giải quyết mọi thứ theo bản năng.
Trong những năm qua, kể từ khi xuất bản cuốn 7 thói quen để thành đạt, tôi đã gặp gỡ nhiều cá nhân đáng khâm phục khi luôn tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tổ chức của họ. Nhưng, thật đáng buồn, tôi nhận thấy nhiều người sử dụng các phương pháp kém thuyết phục trong nỗ lực chân thành nhằm cải thiện các mối quan hệ của họ để đạt đến những kết quả mong muốn.
Thông thường, những phương pháp tiếp cận này đi ngược lại các thói quen của người thành đạt. Thật vậy, John Covey, em trai tôi và là giảng viên cao học, đôi khi đề cập đến các phương pháp tiếp cận đó như là 7 thói quen của những người không thành đạt, cụ thể là:
• Tiêu cực: nghi ngờ chính mình và đổ lỗi cho người khác;
• Làm việc mà không có bất cứ mục đích rõ ràng nào;
• Chạy theo công việc khẩn cấp trước mắt;
• Tư duy thắng/thua;
• Chỉ muốn người khác phải hiểu mình;
• Nếu không thể thắng thì thỏa hiệp;
• Sợ thay đổi và trì hoãn sự cải thiện.
Thành tích cá nhân sẽ dẫn đến thắng lợi tập thể khi những con người hiệu quả tiếp tục tiến lên trong quá trình tự trưởng thành. Tương tự, thất bại cá nhân là dấu hiệu báo trước các thất bại tập thể khi những con người không hiệu quả liên tục tụt hậu trong quá trình bất trưởng thành của mình
– nghĩa là đi từ trạng thái phụ thuộc mà người khác phải cung cấp các nhu cầu cơ bản và làm thỏa mãn các mong muốn và khát vọng của họ, tới trạng thái chống phụ thuộc, nơi mà họ có các hành vi chống lại hoặc-bỏ-chạy, cho đến trạng thái tương thuộc, nơi họ hợp tác thay vìhủy hoại lẫn nhau.
Vậy thìchúng ta phải làm cách nào để phá bỏ các thói quen cũ đó và thay thế chúng bằng những thói quen mới?
Làm thế nào để thoát khỏi sức trì kéo của quá khứ và tái tạo chính mình để đạt được sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống cá nhân cũng như trong tổ chức?