Ngôi Nhà Mũi Tên |
|
Tác giả | A. E. W. Mason |
Bộ sách | Inspector Hanaud |
Thể loại | Trinh thám |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 5095 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full A. E. W. Mason Inspector Hanaud Trinh Thám Tiểu Thuyết Văn học Anh Văn học phương Tây |
Nguồn | tve-4u.org |
Bà Harlowe - một người phụ nữ giàu có qua đời. Di chúc của bà không hề đề cập đến người em rể. Như một lẽ tất nhiên, người đàn ông này bực tức cáo buộc người thừa kế - Betty Harlowe, đã giết bà Harlowe nhằm chiếm đoạt tài sản.
Jim Frobisher, cộng sự tại công ty, lập tức đến Pháp để bảo vệ quyền lợi cho Betty. Tham gia cùng anh còn có thám tử Hanaud lừng danh của Sở Cảnh sát Pháp.
Liệu tất cả mọi chứng cứ được phơi bày có giống như vẻ bề ngoài của nó?
Liệu đây có đơn thuần chỉ là một vụ tống tiền lộ liễu hay là một âm mưu được dàn dựng công phu?
Liệu Hanaud danh nổi như cồn đó có hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xuất sắc giống như mọi người vẫn hằng khen ngợi?...
***
Review: Ngôi nhà mũi tên - A.E.W.Mason
Dịch giả: Nguyễn Thành Long
Người viết Hà Quang Huy
#trinh_thám_cổ_điển
#ngôi_nhà_mũi_tên
Nếu các bạn thích trinh thám cổ điển thì không nên bỏ qua cuốn này, cái twist khá ấn tượng . Cái thủ pháp thấy tuy là đơn giản, nhưng ngộ ra nó quả là cao siêu khó lường
Mở đầu là cái chết của bà Harlowe - người phụ nữ giàu có ra đi không để lại tý di chúc nào cho ông em rể, ông ta liền viết thư tống tiền trắng trợn cho Haslitt đồng thời đâm đơn kiện Betty bé nhỏ đã đầu độc bà Harlowe. Nhận được thư, Haslitt điều phụ tá của mình là Jim đến bảo vệ quyền lợi cho thân chủ là Betty xinh đẹp quyến rũ.
Hanaud - vị thám tử trứ danh của sở cảnh sát Pháp được đặc quyền điều tra vụ án khó khăn nhất trong cuộc đời của ông. Một vị thám tử toát lên vẻ trang nghiêm, chói loà rất thân thiện ân cần và khâm phục trước vị thần May Rủi.
Căn biệt thự được thiết kế tinh xảo trang nhã lại ẩn giấu âm mưu u tối xám xịt chết chóc lạnh lẽo. Một tội ác đã xảy ra trong ngôi nhà bất hảo vào cái đêm 27/4 định mệnh dưới bàn tay của "Kẻ gieo tai hoạ". Thứ thuốc độc quỷ quyệt hoang dã giết người không để lại dấu vết được trưng bày qua bao năm tháng đã phát tác mạnh bạo.
Hanaud cùng Jim lần mò trong bóng tối mờ mịt vô phương để tìm ra mạnh mối, giải đáp các bí ẩn dưới đôi bàn tay tội lỗi...Những gì ông cần làm đều đã được đào tạo qua đấu trường bò tót, ông đã quá chai sạn với những bất ngờ, điều khiến ông bất ngờ chỉ là thần May Rủi. Ông đã sống trong thế giới tội ác và tội phạm nên ông hiểu chúng một cách thanh tao, nhìn thấu chúng bằng ánh mắt lạnh lùng sắt đá. Bằng suy luận sắc bén của một kẻ lập dị ông phải diễn trò trên cái sân khấu bất đắc dĩ để lấp đầy nỗi buồn chán và cô độc của bản thân!
Đánh giá khách quan: 8.5/10
***
Trong số các thân chủ của công ty Frobisher & Haslitt, một công ty tư vấn luật nằm tại mạn đông quảng trường Russell, rất nhiều người sở hữu doanh nghiệp tại Pháp; và họ rất lấy làm tự hào về điều ấy.
“Nhờ đó mà chúng tôi trở nên có chỗ đứng trong lịch sử,” ông Jeremy Haslitt vẫn hay nói. “Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1806, khi ông James Frobisher, cộng sự cấp cao rất nhiệt huyết thời bấy giờ của chúng tôi, đã tổ chức cho hàng trăm công dân Anh bị giam giữ theo sắc lệnh của Napoleon Đệ Nhất thoát khỏi Pháp. Công ty được Chính phủ bệ hạ bày tỏ lòng cảm ơn và vẫn may mắn duy trì được mối quan hệ ấy. Tôi đích thân coi sóc mảng đó của công ty.”
Bởi thế, trong số thư từ ông Haslitt nhận được hàng ngày, lúc nào cũng có một lượng lớn thư dán con tem xanh thẫm của Pháp trên phong bì. Tuy nhiên, vào buổi sáng đầu tháng Tư hôm nay, chỉ có duy nhất một bức như vậy. Chữ viết trên đó trông ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc, và ông Haslitt không nhận ra là chữ ai. Nhưng nó mang dấu bưu điện Dijon, thế nên ông Haslitt nhanh chóng xé bao thư ra. Ông có một thân chủ ở Dijon, một góa phụ, bà Harlowe, và như ông nghe kể thì tình trạng sức khỏe của bà đang tệ lắm. Chắc chắn bức thư được viết tại nhà bà ấy, biệt thự Grenelle, nhưng không phải do đích thân bà viết. Ông lật sang phần chữ ký.
“Waberski?” Ông vừa nói vừa cau mày lại. “Boris Waberski?” Và rồi ông thốt lên ngay khi nhận ra người viết thư, “À, phải rồi, phải rồi.”
Ông ngồi xuống ghế và đọc. Phần đầu của bức thư chỉ đơn thuần là mấy câu văn hoa và khen ngợi, nhưng đọc được đến nửa trang hai thì mục đích của nó trở nên vô cùng rõ ràng. Đây là thư yêu cầu vay năm trăm bảng. Ông Haslitt mỉm cười và tiếp tục đọc, vừa đọc vừa độc thoại với người viết.
“Tôi đang rất cần chỗ tiền đó,” Boris viết, “và…”
“Hẳn là như thế rồi,” ông Haslitt nói.
“Bà chị yêu quý của tôi, Jeanne-Marie…”, bức thư ghi tiếp.
“Chị dâu,” ông Haslitt chỉnh lại.
“… không thể sống lâu hơn được nữa, mặc dù tôi đã cố gắng chăm sóc chị ấy hết mực,” Boris Waberski tiếp tục trình bày. “Chắc hẳn ông cũng đã biết, chị ấy đã để lại cho tôi một phần lớn gia sản của mình. Vậy tức là nó đã thuộc về tôi rồi, đúng không? Có nói như vậy thì cũng sẽ không bị ai hiểu lầm ý cả. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Bởi vậy, xin hãy ứng trước cho tôi bằng thư đảm bảo một khoản nhỏ từ phần vốn đã thuộc về tôi, và cho tôi xin được gửi lời chào trân trọng nhất.”
Nụ cười của Haslitt nở rộng hẳn ra. Bên trong chiếc hộp thiếc của ông là một bản sao tờ di chúc của Jeanne-Marie Harlowe, được công chứng viên người Pháp của bà tại Dijon viết lại theo đúng thể thức. Theo di chúc, mọi gia sản bà sở hữu sẽ được truyền lại vô điều kiện cho cháu gái chồng bà và con gái nuôi của bà, Betty Harlowe. Jeremy Haslitt thiếu chút nữa thì đã đem bức thư đi hủy. Ông gập nó lại; ngón tay giật giật trên nó; thậm chí phải đến khi xuất hiện cả một vết rách bên mép mấy tờ giấy thì ông mới đổi ý.
“Không,” ông tự nhủ. “Không! Với cái tay Boris Waberski này thì không ai mà lường trước được,” và ông nhét bức thư vào một ngăn trong két riêng, sau đó khóa lại.
Ba tuần sau, ông rất lấy làm mừng vì đã làm như vậy. Đó là lúc ông đọc được mẩu tin thông báo bà Harlowe đã qua đời trong cột cáo phó của tờ The Times, và nhận được một tấm thiệp lớn với viền đen rất đậm theo phong cách Pháp từ Betty Harlowe, ngỏ ý mời ông đến dự đám tang tại Dijon. Tấm thiệp mời này chỉ mang tính hình thức. Ông sẽ chẳng thể nào đến kịp Dijon để tham dự, kể cả nếu có khởi hành ngay tức khắc. Ông chấp nhận chỉ viết một vài dòng thành kính phân ưu với cô gái, và gửi một bức thư đến cho ông công chứng viên người Pháp, ghi rằng công ty ông sẽ hỗ trợ Betty. Thế rồi ông đợi.
“Mình sẽ lại nghe tin từ cái tay Boris kia cho xem,” ông nói, và nội trong tuần đó, ông lại nhận được thư. Chữ viết trong thư thậm chí còn loằng ngoằng và nguệch ngoạc hơn hồi trước; sự hoảng hốt và phẫn nộ đã khiến cho câu từ của Waberski loạn hết cả lên; đồng thời hắn đã đòi lượng tiền lớn gấp đôi.
“Thật không thể nào tin nổi,” hắn viết. “Chị ấy chẳng để lại chút gì cho người em trai tận tụy của mình. Có trò gì đó đang diễn ra, và tôi không ưa chút nào. Giờ số tiền sẽ phải là một ngàn bảng, gửi theo đường thư đảm bảo. ‘Boris tội nghiệp của chị, em luôn bị cả thế giới này quay lưng,’ chị ấy nói trong lúc mắt ngấn đầy lệ. ‘Nhưng chị sẽ bù đắp cho em trong di chúc.’ Và giờ thì chẳng có gì cả! Tất nhiên, tôi đã nói chuyện với cô cháu gái của tôi; ôi, con bé thật cứng đầu! Nó búng ngón tay vào mặt tôi! Hành xử theo cái thể thống gì vậy cơ chứ? Một ngàn bảng, thưa ông! Bằng không là sẽ có chuyện khó xử xảy ra! Vâng! Không ai búng ngón tay vào mặt Boris Waberski mà không trả tiền cả. Thế nên hãy trả tôi một ngàn bảng gửi theo đường thư đảm bảo, không là sẽ có chuyện khó xử”; và lần này Boris Waberski không buồn gửi lời chào nào đến cho ông Haslitt cả, cho dù có là trân trọng nhất hay không, chỉ đơn giản ký bằng một nét bút ngoáy tít, nhập nhằng khắp mặt thư.
Ông Haslitt không mỉm cười với bức thư này. Ông nhẹ nhàng xoa hai lòng bàn tay vào với nhau.
“Thế thì chúng ta đành phải để cho chuyện khó xử xảy ra vậy,” ông nói nhanh, và rồi cất bức thư thứ hai vào cùng chỗ với bức thư thứ nhất. Nhưng ông Haslitt cảm thấy hơi khó tập trung vào công việc. Bên trong cái ngôi nhà to lớn tại Dijon là một cô gái đơn côi, và không có người đồng hương nào ở bên cô ấy cả! Ông bất chợt đứng dậy khỏi ghế và băng qua hành lang, vào trong văn phòng của người cộng sự cấp thấp.
“Jim, mùa đông này cậu đã đi Monte Carlo nhỉ,” ông nói.
“Đi một tuần,” Jim Frobisher đáp.
“Tôi nhớ mình có nhờ cậu đến thăm một thân chủ của chúng ta, người sở hữu một biệt thự ngoại ô tại đó - bà Harlowe.”
Jim Frobisher gật đầu. “Tôi đã ghé. Nhưng bà Harlowe ốm rất nặng. Có một cô cháu gái, nhưng cô ta lúc ấy đang đi vắng.”
“Thế tức là cậu không gặp ai cả?” Jeremy Haslitt hỏi.
“Không, không phải,” Jim chỉnh lại. “Tôi thấy một nhân vật kỳ lạ ra mở cửa và xin lỗi thay bà Harlowe. Một ông người Nga.”
“Boris Waberski,” ông Haslitt nói.
“Đúng cái tên đó rồi.”
Ông Haslitt ngồi xuống một cái ghế.
“Kể cho tôi nghe về ông ta đi, Jim.”
Jim Frobisher nhìn vào hư vô một vài giây. Anh là một thanh niên hai mươi sáu tuổi, mới chỉ tham gia làm cộng sự kể từ năm ngoái. Mặc dù rất nhanh nhẹn khi cần hành động gấp, anh lại hết sức cẩn trọng khi đánh giá bản chất người khác; và anh còn rất kính nể ông Jeremy Haslitt già, thế nên cứ mỗi khi làm gì liên quan đến công việc của công ty là lại cẩn trọng gấp đôi. Một lúc sau anh trả lời.
“Ông ta là một người cao lớn, đi đứng trông có vẻ nặng nhọc, bên trên một vầng trán ngắn và một cặp mắt hoang dại là một mớ tóc bạc dựng thẳng đứng như dây kẽm gai. Ông ta gợi cho tôi nhớ đến một con rối không được gắn dây tử tế lên chân tay. Tôi tin con người này có bản chất khá ngông cuồng và dễ bị kích động, ông ta cứ liên tục miết bộ ria mép với mấy ngón tay dài ngoằng, ố màu thuốc lá. Đây là cái kiểu người có thể nổi điên bất cứ lúc nào.”
Ông Haslitt mỉm cười. “Đúng như những gì tôi nghĩ.”
“Ông ta gây rắc rối gì cho ông à?” Jim hỏi.
“Chưa đâu,” ông Haslitt nói. “Nhưng bà Harlowe đã chết, và tôi tin rằng rất có khả năng ông ta sẽ giở trò gì đó. Ông ta có hay bài bạc gì không?”
“Có, chơi rất khát,” Jim nói. “Tôi đoán là ông ta sống bám vào bà Harlowe.”
“Tôi cũng nghĩ thế,” ông Haslitt nói, và ông im lặng ngồi đó một lúc. Thế rồi ông nói: “Thật đáng tiếc là cậu không được gặp Betty Harlowe. Tôi từng một lần ghé thăm Dijon trên đường đi qua miền Nam nước Pháp năm năm trước, hồi Simon Harlowe, chồng bà ấy, hãy còn sống. Betty hồi đó là một cô bé chân dài gầy gò, đi tất lụa đen, sở hữu một gương mặt trắng, sáng sủa, và mái tóc đen sẫm cùng cặp mắt lớn, xinh xắn lắm.” Ông Haslitt dịch người trên ghế một cách không thoải mái. Cả một ngôi nhà cổ với khu vườn lớn đầy dẻ và sung, trong khi cô gái kia thì một thân một mình, sống cùng với một tay đầu óc có vấn đề, đang bực bội và muốn gây chuyện khó xử cho cô. Ông Haslitt không thích cái hình ảnh đó chút nào!
“Jim,” ông bất chợt nói, “cậu có thể thu xếp công việc sao cho nếu cần thiết thì sẽ có thể rời đi ngay lập tức được không?”
Jim ngước nhìn lên, tỏ vẻ ngạc nhiên. Loạn cào cào, như kiểu dân sân khấu hay nói, không phải là chuyện hay xuất hiện tại công ty Frobisher & Haslitt. Dù cho đồ nội thất của họ hơi xỉn màu, tác phong của họ rất trang nghiêm; thân chủ có thể gặp chuyện khẩn, nhưng vội vã và gấp gáp là những từ công ty không bao giờ sử dụng. Chắc chắn đâu đó quanh đây sẽ có một luật sư chịu hiểu cho họ. Ấy nhưng giờ đây, đích thân ông Haslitt, cùng với mớ tóc bạc trắng và gương mặt tròn trịa khác thường, nửa trẻ con, nửa thông minh xuất sắc, lại đang đề nghị cộng sự cấp thấp của mình chuẩn bị sẵn sàng để đi thẳng sang đại lục châu Âu ngay khi có lệnh.
“Tôi chắc chắn có thể làm vậy,” Jim nói, và ông Haslitt nhìn anh với vẻ hài lòng.
Jim Frobisher sở hữu một nét tính cách rất khác người. Ngay cả người quen của anh, cho dù có là bạn bè thân thuộc, cũng mới chỉ từng biết đến các dấu hiệu anh để lộ ra bên ngoài. Anh là một người cô độc. Cho tới nay, anh chỉ quan tâm đến một số rất ít người, và ngay cả những người ấy anh cũng chẳng thiết tha gì mấy. Đam mê của anh là được cảm thấy rằng cuộc đời mình và ý nghĩa cuộc đời mình không phụ thuộc vào người khác. Trong những tháng được rảnh rang, anh luôn theo đuổi dam mê ấy. Một chiếc thuyền buồm nửa boong* chỉ cần một người lái, một cây rìu phá băng, một khẩu súng trường, một vài cuốn sách dài bất tận, chẳng hạn như Chiếc nhẫn và cuốn sách*. Đó chính là những người bạn đồng hành của anh trên biết bao chuyến thám hiểm cô đơn, bên cạnh các vì sao và những suy tư của riêng mình. Hệ quả là anh đã tự tạo cho bản thân mình một vẻ lạnh nhạt khác thường, khiến cho anh lập tức trở nên nổi trội giữa đám đông. Đây là một diện mạo đầy vẻ dối lừa, bởi lẽ nó dễ gợi lên sự tin tưởng cho người khác, mặc dù có khi chẳng có lý do nào để họ đặt lòng tin như vậy cả. Chính cái vẻ ngoài ấy bấy giờ đã thuyết phục ông Haslitt. “Đây đích thị là một người thích hợp để đối đầu với cái ngữ như Boris Waberski,” ông nghĩ thầm, có điều không nói hẳn ra như vậy.
Điều ông nói là: “Có khi cũng chẳng cần thiết phải làm vậy đâu. Betty Harlowe có một luật sư người Pháp. Chắc chắn anh ta sẽ đủ sức giải quyết. Ngoài ra…” - và ông mỉm cười lúc nhớ lại một câu trong bức thư thứ hai của Waberski - “Betty có vẻ là người rất có khả năng tự bảo vệ mình. Cứ để rồi xem.”
Ông quay trở lại văn phòng của mình, và suốt một tuần liền ông không nhận được thêm bất cứ tin tức gì từ Dijon nữa. Lúc ông đã gần quên đi sự lo lắng của mình thì bất thình lình, một tin động trời xuất hiện, và nó được truyền đến thông qua một kênh rất bất ngờ.
Jim Frobisher là người báo tin cho ông biết. Anh xộc vào văn phòng của ông Haslitt đúng lúc người cộng sự cấp cao đang đọc cho anh thư ký ghi lại lời phúc đáp cho mấy bức thư buổi sáng của mình.
“Ông Haslitt!” Jim la lên, và ngưng bặt khi nhìn thấy viên thư ký. Ông Haslitt nhìn lướt qua gương mặt người cộng sự trẻ của mình và nói: “Godfrey, lát nữa chúng ta sẽ tiếp tục trả lời thư sau.”
Viên thư ký mang cuốn sổ tay tốc ký ra khỏi căn phòng, và ông Haslitt quay sang Jim Frobisher.
Mời các bạn đón đọc Ngôi Nhà Mũi Tên của tác giả A. E. W. Mason.