Nhựa Sống |
|
Tác giả | Bùi Việt Phương |
Bộ sách | |
Thể loại | Tản Văn |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 605 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Bùi Việt Phương Tản Văn Tùy Bút Tập Truyện Ngắn Truyện Ngắn Văn Học Việt Nam Văn Học Phương Đông |
Nguồn | waka.vn |
Bùi Việt Phương - như tôi biết
Cách nay trên dưới mười năm, vào một buổi sáng mùa thu, trời Hà Nội trong văn vắt, có một chàng trai trẻ đến gõ cửa nhà tôi và tự giới thiệu cháu là học viên cao học. Tôi nhận ra ngay, chàng có đôi mắt mơ màng của một thi sĩ, và làn môi thanh tú hay cười.
Ngày ấy, tôi cũng vừa chân ướt chân ráo từ miền rừng Cao Bằng đến cơ quan Hội Nhà văn làm việc. Bùi Việt Phương là vị khách đầu tiên tới xông nhà, chàng khoe rằng đã đọc thơ tôi. Và, có một người bạn thân đang làm luận văn cao học về thơ tôi.
Kể từ ngày ấy, một già một trẻ làm thành đôi bạn văn ngay lập tức. Rồi bẵng đi khá lâu, Bùi Việt Phương về hẳn Hòa Bình. Anh lấy vợ, sinh con, có một ngôi nhà nhỏ xinh, có một công việc yêu thích để làm.
Rồi một hôm, chúng tôi có điện đàm khơi lại khá nhiều chuyện. Chuyện nào cũng sáng long lanh ấm áp. Chợt Phương dừng lại, anh nhỏ nhẹ nhờ tôi viết vài chữ mở đầu cho cuốn sách của mình.
Đây là điều trước nay tôi ái ngại nhất. Bởi tôi biết rõ tạng mình vừa vụng, vừa cũ nát. Không khéo “lợn lành chữa thành lợn què”. Văn người ta hay thế, tinh tế thế, mình đụng bút vào biết đâu lại làm hỏng.
Nhưng với Phương tôi không thể chối từ. Tôi cũng xin nói ngay, đây là tập tản văn ngọt như mía tím, mát như nước sông, thơm như hoa buổi sớm của một cây bút đang còn rất trẻ.
Bùi Việt Phương tự nhận: “Tôi đã từng lớn lên ở miền rừng, thuộc từng loại nhựa cây. Nhựa từ những loại quả rừng làm răng tôi đen xỉn, nhựa bám vào chiếc áo tôi đến lớp…”. Với một giọng văn giàu chất thơ, anh say sưa kể về thiên nhiên cây cỏ, về con người nơi này.
Đọc anh, người ta thấy cỏ cây dù không nói, nhưng chúng đều biết hết gan ruột con người sống trên thế gian này. Cả đời, cây cỏ vì loài người mà phục vụ, vì con người mà tận tụy hiến dâng. Dù chúng không tới nhà ai, nhưng trên tay cây lúc nào cũng có quà cho trẻ và hoa tươi cho đám cưới. Đôi lúc nhà văn cảm thấy mình có lỗi: “… Sớm nay tôi đã làm gãy một chiếc lá, làm dòng nhựa chảy giữa những ngày xuân chưa tới…”. Chỉ một chi tiết rất nhỏ, nhưng thấm đẫm lòng nhân ái, làm rung động người đọc.
Bùi Việt Phương hòa tan vào thiên nhiên và con người miền rừng Hòa Bình. Anh lắng nghe và thâu lượm tiếng của đất trời truyền đến tai người yêu văn chương. Những thanh âm sâu lắng tình người của một vùng đất có bề dày lịch sử nhất nhì ở nước ta.
Nhà thơ Y Phương
***
Năm nay, trời đến lạ, bão còn chưa hết, rét đã về. Rét chửa xong, nắng đã bừng lên, còn sương mù thì lúc nào cũng nghi ngút. Ở phố cũ, nhà cửa, lề phố bao năm vẫn y nguyên, nhưng được cái ấm từng khung cửa gỗ dầu dãi gió sương. Những đám cưới gấp gáp cuối năm, tuổi xuân theo sắc áo lụa nàng dâu lướt đi vội vã.
Tôi không sinh ra nơi con phố này nhưng có bao năm mài gấu áo trên chiếc bàn cũ kỹ. Quanh năm, nghề của tôi là cầm chiếc bút soát từng con chữ trên những trang bản thảo cho những cuốn sách sắp in. Những cuốn sách đến rồi đi, con chữ hiện ra, nhảy nhót, kể cho tôi nghe những câu chuyện rồi theo nhau đi mất. Chẳng khi nào tôi gặp lại những ý nghĩ ấy, như chiếc bàn, cái thước kẻ dùng để căn từng hàng chữ, khung cửa sổ, những đồng lương và cuốn sổ ghi chép cũ kỹ... cả năm, chỉ có lớp mồ hôi trên tay tôi bám vít vào chúng mùa nóng nực.
Sớm nay mưa lạnh nhưng trời vẫn hanh, tôi đến sớm đi nép vào mái hiên cũ lên căn gác hai. Ngôi nhà xây đã lâu, từ những năm sau chiến tranh, cầu thang đi bên ngoài nhưng được cây cối um tùm che khuất quá nửa ngôi nhà. Tôi giật mình níu tay chạm phải một chiếc lá. Hoa sữa nở riêng một mùa lặng lẽ, lá xanh sẫm, nhựa tứa ra nơi cuống lá còn sót lại trên thân cây. Giữa mùa đông khô cằn, bất giác tôi giật mình. Lỡ tay... dòng nhựa như không cầm được.
Tôi đã từng lớn lên ở miền rừng, thuộc từng loại nhựa cây. Nhựa từ những loại quả rừng làm răng tôi đen xỉn, nhựa bám vào chiếc áo tôi đến lớp, mặc cho mẹ cố gắng dùng những mẹo chà rửa. Nhưng, dòng nhựa này tươi quá, giữa ngày đông, vết thương ấy làm tôi ám ảnh dù đã bước vào phòng, khép cửa ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc. Hôm nay, bản thảo cuốn sách mở ra trên bàn của tôi là một cuốn sách khá lạ. Những con chữ như xắt ra từ đá, từ nắng gắt, mưa rừng và chắc cũng từng rưng rưng tuôn ra đầu ngòi bút. Đọc đến những trang sau, tôi ngước lên nhìn căn phòng mình chợt thấy xa lạ, phép màu đưa tôi ngược quá khứ về với miền rừng. Tôi đi, bàn chân đạp lên đá, lên đất nâu, mắt dõi theo những con chữ. Tôi cầm bút lên, sửa một dòng, gạch ra ngoài lề để sửa những chữ còn sượng. Nhưng như khi bàn tay tôi bứt chiếc lá, nhựa sống tuôn ra, đọng lại những giọt chữ như đôi mắt nhìn tôi ngơ ngác...
Năm tháng cuộc đời hẳn sẽ dạy chúng ta rằng dòng nhựa ấy sẽ biến thành chồi biếc, thành hoa thơm, quả ngọt rồi lặng lẽ rớt xuống đất nâu mục rữa, góp vào chút mùn ẩm để ấm từ rễ đến thân, cành. Đời không tránh khỏi có lúc nhựa tứa ra như máu, trắng như dòng sữa, nhưng rồi vết thương ấy sẽ lành, cây lại trầm ngâm hơn bên đường đời. Nhưng bất chợt ngẫm ra, cuộc đời mình đang sống, cũng bon chen, bươn chải để vun vén cho vóc dáng, hình hài nhưng chẳng biết trong mình, nguồn nhựa sống ấy có còn vẹn nguyên như nhiệt huyết thuở hai mươi. Đã được sống một đời tràn nhựa sống? Sớm nay, tôi đã làm gãy chiếc lá, làm dòng nhựa ấy tuôn chảy giữa những ngày xuân chưa tới. Tôi viết một trang văn, đền chiếc lá, hay đang tự hỏi cuộc đời mình? Ơi dòng nhựa ngấp nghé đợi mùa xuân!