Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Những Kẻ Thiện Tâm của tác giả Jonathan Littell & Cao Việt Dũng (dịch).
Những kẻ thiện tâm là tiểu thuyết được viết bằng tiếng Pháp của nhà văn Mỹ Jonathan Littell. Cuốn sách là những câu chuyện do một nhân vật giả tưởng Maximilien Aue đã từng tham gia vào các cuộc tàn sát người Do Thái trên quy mô lớn dưới thời Đức quốc xã trong vai trò sĩ quan SS kể lại.
Những kẻ thiện tâm' - cuốn sách 'bất thường và kỳ dị'
Thành tựu đáng kinh ngạc của nền văn học đương đại Pháp vừa được xuất bản tại Việt Nam. Cuộc hội thảo bàn tròn về cuốn sách, tổ chức hôm 24/1, đã khai phá phần nào những chiều kích của kiệt tác được coi là một "Chiến tranh và Hòa bình" thời hiện đại.
Hà Linh -
Sách do Công ty Nhã Nam mua bản quyền ấn hành tại Việt Nam qua bản dịch của Cao Việt Dũng. Những kẻ thiện tâm (Les Bienveillantes) là cuốn tiểu thuyết của Jonathan Littell - nhà văn người Mỹ hiện sống tại Tây Ban Nha. Cuộc hội thảo có sự tham gia của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Chí Hoan, dịch giả Cao Việt Dũng, giảng viên văn học Christine Ottenwelter và nhà văn Pháp Glenn Pian.
Cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, bản gốc dày hơn 900 trang, là câu chuyện về Max Aue - cựu sĩ quan thuộc lực lượng SS khét tiếng của Phát xít Đức. Aue là một trí thức, am hiểu khoa học, văn chương, triết học và âm nhạc. Trong chiến tranh, hắn không trực tiếp chiến đấu mà đóng vai một thanh tra, chuyên tổ chức và giám sát những cuộc diệt chủng tàn khốc với người dân Do Thái, Di gan. Tình yêu khác giới duy nhất của Max là mối tình với người em gái sinh đôi. Còn lại, hắn thờ ơ trước đàn bà nhưng lại dấn thân vào các cuộc tình đồng giới.
Một thời gian ngắn sau khi ra mắt, cuốn sách trở thành best-seller và dễ dàng chiếm được những giải thưởng lớn của văn đàn Pháp: Grand Prix du Roman (Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp) và giải Goncourt 2006. Chính Littell cũng không lý giải nổi thành công này. Anh nêu ra hai nguyên nhân phỏng đoán: "Lý do thứ nhất nằm ở chủ nghĩa quốc xã và mối quan hệ mà người Pháp có với giai đoạn lịch sử đó. Lý do thứ hai nằm ở văn chương... ở nhu cầu dành cho những cuốn sách dày, mang tính tiểu thuyết nhiều hơn, được cấu trúc thật tốt".
Tại cuộc hội thảo, các diễn giả đều cho biết, họ choáng ngợp và cảm thấy ngần ngại trước độ dày và sự kềnh càng mà cuốn sách đưa lại, nhưng càng đọc, Littell càng cuốn hút bởi chiều sâu tư tưởng và và cảm xúc thể hiện qua câu chữ. Nhà văn kỳ cựu Nguyên Ngọc cho rằng: "Max là hiện thân có tầm cỡ Faust của cái ác, cùng lúc kinh tởm và lôi cuốn. Và vô cùng gần gũi. Câu chuyện kinh hoàng của con quái vật phát xít đó, Jonathan Littell muốn nói với chúng ta, không phải là câu chuyện của loài thú. Đó là một câu chuyện của con người. Câu chuyện về các lý thuyết của con người có thể đưa đến đâu. Chính cái thế giới này, nhân loại này đã đẻ ra thứ người dã thú đó".
Lấy bối cảnh Thế chiến II, cuốn tiểu thuyết đầy ắp tư liệu và không hề dễ đọc. Nhà văn Glenn Pian thừa nhận, anh không thích cuốn sách ngay từ đầu vì có quá nhiều chi tiết về lịch sử. Nhưng sau nhiều lần ép buộc mình phải đọc cho đến hết, anh nhận ra trong Những kẻ thiện tâm những nhân vật đa chiều, phức tạp, khiến cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm văn chương đích thực chứ không phải là tư liệu khô khan.
Đi sâu vào phân tích nhân vật chính, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Max Aue là một tội phạm. Jonathan Littell nói anh tìm kiếm không phải sự giống thực, mà là sự thật. Sự thật ở đây tôi đọc thấy là sự mê lú của một dân tộc, của cả giống người hiện thân qua sự mê lú của một trí thức, của tầng lớp trí thức".
38 tuổi, không hề trải qua chiến tranh, nhưng Littell đã viết về cuộc chiến đã thiêu rụi cả thế giới bằng con mắt lạnh lùng, khách quan mà theo nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan là "bình thản và vô cảm" - một lối viết "loại trừ cảm xúc". Anh gọi cuốn sách này "chắc chắn là một bất thường, một điểm kỳ dị, một sự kiện trên dòng chảy của văn chương không chỉ vì các giải thưởng văn học lớn nhất đã được trao cho nó nhanh đến thế".
Những kẻ thiện tâm không chỉ mang niềm kiêu hãnh đến cho tác giả, nó còn tạo ra niềm tự hào cho người dịch. Mất đến 13 tháng trời để hoàn thành công việc chuyển ngữ 2 tập sách trên dưới 1.000 trang tiếng Việt, nhưng Cao Việt Dũng đã tạo được một thành quả trong sự nghiệp mới bắt đầu của một dịch giả trẻ. Anh cho biết: "Có những thời gian, tôi chỉ nghĩ về Những kẻ thiện tâm. Đây là một thử thách. Nhưng bao giờ cũng thế, bản dịch thường có lúc tưởng như vượt khỏi tầm tay của tôi".
Dẫu còn nhiều tranh cãi, nhưng không ai phủ nhận sự xuất hiện lừng lững, đồ sộ của Những kẻ thiện tâm. Tuy nhiên, đây cũng là tác phẩm khó đọc, khó chinh phục độc giả ngay từ những dòng đầu tiên. Chính vì vậy, khi khép lại cuộc hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hy vọng, độc giả Việt Nam sẽ cố theo cuốn sách cho tới tận dòng cuối cùng.
Mời các bạn mượn đọc sách Những Kẻ Thiện Tâm của tác giả Jonathan Littell & Cao Việt Dũng (dịch).