Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Những Ngọn Nến Cháy Tàn của tác giả Márai Sándor & Giáp Văn Chung (dịch).
Márai Sándor sinh ngày 11/4/1900, trong một gia đình tiểu tư sản thành thị tại Kassa, khi đó còn thuộc phần đất Hungary của Nền Quân chủ Áo – Hung (1867-1918), ngày nay là thành phố Kosice của Slovakia. Tên họ gốc của gia đình ông là Grosschmid. Thân phụ ông là Grosschmid Géza và thân mẫu là bà Radkovszky Margit, hai người đính hôn ngày 28/7/1899. Sau Sándor, ông bà còn sinh hạ thêm hai con trai và một người con gái.
Từ năm sáu đến chín tuổi, cậu bé Sándor học với gia sư, như sau này ông nhớ lại: “Cô Ema dạy tôi đọc, viết, làm tính và học về địa lí đất nước ta”. Năm 1909, Márai bắt đầu đi học trong nhà trường và sử dụng tên Grosschmid đến tận năm 1918. Năm 1918, sau khi tốt nghiệp trung học, ông đến Budapest học Luật, rồi lại chuyển sang khoa Triết của trường Đại học Tổng hợp. Cũng trong năm đó, ông đã in tập thơ đầu tiên mang tên sổ lưu niệm, một tập thơ nhỏ gồm 12 bài, được nhà thơ danh tiếng Kosztolányi Dezsö viết bài phê bình khen ngợi trên tờ Nhật kí Pest (Pesti Napló). Năm 1919, ông tham gia Nền Cộng hòa xô viết Hungary (Magyarorszagi Tanácsköztársaság) và với tư cách nhà báo, ông có nhiều bài viết trên tờ Cờ Đỏ (Vörös Lobogó). Sau thất bại của Nền Cộng hòa (chỉ tồn tại 133 ngày), ông sang Leipzig. Năm 1921, ông tới Berlin theo học đại học và bỏ dở giữa chừng vì chỉ ham mê viết báo. Ông viết cho nhiều tờ báo ở Berlin và trở thành cộng tác viên chính thức của tờ Frankfurter Zeitung – một trong những tờ báo có ảnh hưởng lớn ở châu Âu bấy giờ, cùng với Thomas Mann, Heinrich Mann và Theodor Andorno.
Năm 1923, ông đính hôn với bà Matzner Ilona tại Budapest rồi cả hai người sang Paris – họ đã quen biết nhau từ khi còn ở Kassa, – bà đã trở thành người bạn đời thủy chung của ông suốt 63 năm về sau. Hai người chỉ dự định ở Paris ba tuần, nhưng rồi họ đã ở lại kinh thành ánh sáng tới sáu năm. Ông đã say mê thành phố này và về sau đã nhiều lần quay trở lại đây. Năm 1926, ông bước vào cuộc hành trình dài ngày tìm hiều vùng Cận Đông, kết quả chuyến đi này là tác phẩm Theo dấu chân các bậc Thánh, xuất bản năm 1927.
Năm 1928, ông rời Paris trở về Hungary, tiếp theo là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Márai: ông làm báo, làm thơ, viết tiểu thuyết, viết kịch bản, dịch thuật... Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã xuất bản gần một trăm đầu sách gồm đủ các thể loại, trong đó có tiểu thuyết Những ngọn nến cháy tàn nổi tiếng (xuất bản lần đầu tiên năm 1942) mà bạn đọc đang có trong tay.
Năm 1942, ông được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.
Tháng Tám năm 1948, ông cùng vợ và cậu con nuôi János sang Thụy Sĩ, bảy tuần sau ông đưa gia đình sang định cư ở thành phố Naples (Ý), tới năm 1952 thì sang New York, ở Mỹ, ông luôn luôn cảm thấy xa lạ, ông không thể nào quen với cuộc sống và lối sống Mỹ. Vì vậy, năm 1967, ông lại đưa gia đình trở về Ý sống trong khoảng hơn mười năm nữa, đến cuối năm 1979. Năm 1980, ông quay lại Hoa Kì. Sau khi bà Lola (cách gọi thân mật của bà Matzner Ilona) mất, ông sống trong tuổi già, bệnh tật và cô đơn. Trong lá thư cuối cùng gửi vợ chồng một người bạn, ông viết: “...thật đáng hổ thẹn, nhưng tôi không thể tiếp tục được. Sức lực tôi đã tàn kiệt, cứ thế này không mấy nữa, chắc tôi sẽ phải trông cậy vào sự chăm sóc của bệnh viện, mà tôi luôn cố tránh điều đó. Cám ơn tình bạn của hai người. Hãy săn sóc nhau chu đáo nhé...”. Chiều ngày 21/2/1989, tại San Diego, ông đã dùng súng ngắn tự sát, thọ 89 tuổi. Hai hôm sau, tro cốt ông được rắc xuống Thái Bình Dương.
Những ngọn nến cháy tàn được xuất bản lần đầu tiên năm 1942. Từ đó tới nay, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, được chuyển thể thành kịch bản đưa lên sân khấu ở nhiều nước và dựng thành phim. Là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất tại Hungary và nhiều nước trên thế giới.
Đây là câu chuyện về tình bạn, tình yêu, lòng chung thủy và sự phản bội, được tác giả kể lại với một bút pháp mang hơi hướng cổ điển, ngắn gọn, sâu sắc, nhưng cũng hết sức hấp dẫn.
Bối cảnh thời đại của câu chuyện là giai đoạn thịnh trị của Nền Quân chủ Áo – Hung (1867-1918), không gian câu chuyện chủ yếu là thành Viên – kinh đô của Nền Quân chủ – và vùng đất Hungary ngày nay.
Đó là câu chuyện của hai người bạn già, họ quen biết, kết thân với nhau từ tuổi niên thiếu, nay gặp lại nhau sau hơn bốn chục năm xa cách. Trong một đêm, bên ánh nến, họ đã nói chuyện với nhau tới sáng. Họ cùng nhớ lại những kỉ niệm từ thời trai trẻ, tới lúc một trong hai người bỏ xứ ra đi. Trong khi làm sống lại quá khứ, một người đã trở thành phạm nhân, người kia trở thành kẻ phán xét. Một người trước khi ra đi đã phản bội người kia, thậm chí đã suýt giết chết bạn, quyến rũ vợ bạn, làm tan nát cuộc đời bạn mặc dù đã có một thời họ coi nhau như anh em ruột thịt.
Trong đêm cuối cùng gặp gỡ và trò chuyện, khi cả hai đã ngoài tuổi bảy mươi, họ đã nói với nhau tất cả, đặng tìm thấy sự thật, cũng là cách rũ bỏ mọi ân oán cuộc đời trước khi thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Song bi kịch tình bạn của họ không chỉ do sai lầm, yếu đuối nhất thời của con người, nó còn báo hiệu sự rạn vỡ của những giá trị đạo đức truyền thống của văn hóa châu Âu thịnh trị một thời. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.
Những ngọn nến cháy tàn được viết với một bút pháp bậc thầy, đúng như tờ The Observer đã nhận xét: “Bi thương, ảm đạm, ngọt ngào và ấn tượng. Những ngọn nến cháy tàn là một bản luận văn chói lọi về tình bạn. Một sự tiếp cận văn học đầy tham vọng, một tác phẩm vô cùng minh triết...”. Còn tờ Sunday Times thì dành cho tác phẩm và tác giả những lời đánh giá cao nhất: “Với chiến thắng của cuốn tiểu thuyết hai trăm trang này, nền văn học thế kỉ 20 – mà chúng ta nghĩ đã hoàn toàn cáo chung và yên bề – đã nhận được một món quà muộn từ một bậc thầy mới, mà từ nay chúng ta có thể xếp cùng hàng với Joseph Roth, Stefan Zweig, Robert Musil và những bậc thánh xa xôi khác, như Thomas Mann và Franz Kafka. Bậc thầy ấy là Márai Sándor.”
Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm đặc biệt này của văn học Hungary với bạn đọc.
Mời các bạn tải đọc sách Những Ngọn Nến Cháy Tàn của tác giả Márai Sándor & Giáp Văn Chung (dịch).
***
Tóm tắt "Những Ngọn Nến Cháy Tàn" của Márai Sándor
Những Ngọn Nến Cháy Tàn là một câu chuyện đầy bi kịch về tình bạn, tình yêu, lòng trung thành, và sự phản bội. Tác phẩm xoay quanh hai người bạn già, họ gặp lại nhau sau hơn bốn mươi năm xa cách, trong một đêm dài bên ánh nến, họ cùng ôn lại kỷ niệm của tuổi trẻ, những vui buồn, và những mất mát đã xảy ra trong cuộc đời. Câu chuyện diễn ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ở thành phố Viên, Áo – Hungary.
Trong cuộc trò chuyện này, hai người bạn từng coi nhau như anh em ruột thịt, giờ đây phải đối diện với những sự thật đau đớn: một trong số họ đã phản bội người kia, quyến rũ vợ bạn, gây ra sự tan vỡ trong cuộc sống người bạn còn lại. Trong đêm cuối cùng này, họ tìm kiếm sự thật và mong muốn thanh thản trước khi ra đi. Tuy nhiên, bi kịch của tình bạn không chỉ xuất phát từ những sai lầm cá nhân mà còn phản ánh sự rạn nứt của những giá trị đạo đức truyền thống trong xã hội châu Âu, một dấu hiệu cho sự suy tàn của nền văn hóa đã từng thịnh vượng.
Đánh giá (Review)
Những Ngọn Nến Cháy Tàn là một tác phẩm nổi bật của Márai Sándor, với phong cách viết sâu sắc, cô đọng và đầy ẩn ý. Tác phẩm không chỉ là câu chuyện về tình bạn mà còn là một sự phản ánh về sự thay đổi của xã hội và những giá trị con người. Bút pháp của Sándor sắc bén và tinh tế, khiến cho câu chuyện không chỉ hấp dẫn mà còn đầy cảm xúc, khiến người đọc suy ngẫm về những mối quan hệ và sự lựa chọn trong cuộc sống.
Nhiều tờ báo uy tín như The Observer và Sunday Times đã đánh giá cao tác phẩm này, coi nó là một trong những cuốn sách hay nhất của thế kỷ 20. Sự bi thương và ảm đạm trong câu chuyện của Márai Sándor, cùng với sự tinh tế trong cách ông khai thác những mảng tối trong quan hệ con người, làm cho Những Ngọn Nến Cháy Tàn trở thành một tác phẩm văn học không thể bỏ qua, xứng đáng được đặt ngang hàng với các tác phẩm của Joseph Roth, Stefan Zweig, hay Thomas Mann.
***
'Những ngọn nến cháy tàn' - trang viết về hành trình thấu tỏ bản thân
Họ vừa trải qua một đêm đối diện với chính sự kiêu ngạo, ích kỷ và những hang thẳm của lòng mình.
Như cuốn phim chỉ với một cảnh duy nhất, 200 trang sách của Marai Sandor (nhà văn Hungary, 1900-1989) kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên sau 41 năm 46 ngày của vị tướng già với người bạn thân từ thuở bé.
Herik - vị tướng già, đang sống những ngày cuối đời trong trang viên đổ nát của cha để lại. Đến một ngày, ông nhận được lá thư, báo tin Konrad - người bạn biệt tích nhiều năm, đến thăm. Cuộc gặp gỡ sau hơn 40 năm không phải một cuộc đoàn viên, mà là một cuộc phán xét mà Henrik đã chờ đợi suốt 41 năm, từ ngày Konrad vội vã ra đi như trốn chạy. Hai người đàn ông đã nói gì trong cuộc gặp gỡ ấy? Chính xác là gần như chỉ mình Henrik nói. Ông có quá nhiều điều để chất vấn, để phán tội, để dằn vặt người bạn thân nhất. Vậy còn Konrad, ông trở về đây sau 41 năm, có phải chỉ để thăm lại bạn xưa? Bạn có bao giờ nghe về một quan điểm rất hay gặp trong những bộ phim hình sự: Kẻ tội phạm sẽ luôn quay lại nơi mình đã gây án. Konrad trở về như một tên tội phạm, quẩn quanh hiện trường, thấp thỏm về tội lỗi mình đã gây ra.
Có thể ví mối quan hệ bạn bè của Henrik và Konrad tồn tại hai giai đoạn: Ngày và đêm. Khởi đầu cuộc gặp gỡ, khi những ngọn nến giữa mới vừa được thắp lên cho cuộc gặp gỡ giữa hai người, những ngày tháng đẹp đẽ xa xưa của họ hiện về rõ nét qua lời kể của vị đại tá già Henrik. Ngay lập tức thân thiết với nhau khi vừa gặp gỡ, Henrik và Konrad khác nhau như đêm với ngày, nhưng cũng tuyệt đối cần nhau như đêm với ngày. Henrik - con của một vị tướng, dù sinh ra trong giàu sang quý tộc, tính cách lại thô ráp, hồn nhiên, chân thành. Còn Konrad, xuất thân nghèo khó, mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn, nhưng cũng đầy bất trắc. Những cách biệt về gia thế không ngăn việc Henrik quý mến Konrad bằng lòng nhiệt thành nguyên sơ, còn Konrad, luôn có điều gì đó thẳm sâu trong trái tim người sĩ quan yêu âm nhạc này.
Nhưng ánh sáng ban ngày trong tình bạn của hai người đàn ông chẳng thể kéo dài mãi, khi ánh mặt trời dần khuất, những nơi chốn thẳm sâu trong tâm hồn con người, mới dần sáng tỏ. Henrik cưới Kristina, và chàng đã nghĩ, có ai hạnh phúc hơn chàng, khi cuộc sống ngập tràn trong tình yêu với Kristina và tình bạn tâm giao với Konrad.
Có hai khoảnh khắc giao nhau giữa đêm với ngày: Ngay sau hoàng hôn và ngay trước bình minh. Marai Sandor đã viết thế này: "Và có những khoảnh khắc, khi đêm đã dứt nhưng ngày chưa đến trong trái tim con người, khi con thú hoang bò ra khỏi nơi ẩn náu của linh hồn, khi trong tim ta lay động và biến thành hành động nơi đôi tay, một hành động ta vô ích thuần hóa và giáo dục nhiều năm trời, đôi khi gần cả đời người...". Vào một khoảnh khắc khi đêm đã dứt và ngày chưa lên, chàng Henrik trẻ tuổi phải đối mặt với con thú hoang vừa bò ra khỏi tâm hồn của người bạn thân nhất. Khi ấy, trong một cuộc đi săn, chàng đứng quay lưng lại với người bạn, không một mảy may nghi ngờ. Nhưng với bản năng của một người ham thích đi săn từ bé, chàng lập tức biết được, người bạn thân nhất vừa định làm gì với cuộc đời chàng.
Con thú hoang vừa bò ra khỏi tâm hồn của Konrad không đủ sức tạo ra một tội ác hay bi kịch nào cho Henrik, nhưng con thú ấy vĩnh viễn đẩy tình bạn của họ vào bóng tối. Và sau đó, Konrad rời đi, không một lời từ biệt, ra đi như trốn chạy khỏi khoảnh khắc mà ý nghĩ của chàng đã trở nên tàn nhẫn, nhưng đôi tay lại vẫn run rẩy trước chút ánh sáng còn sót lại của tâm hồn chàng. Bóng tối phủ lên tình bạn, phủ lên cả cuộc đời Henrik, Konrad và Kristina. Kể từ hôm ấy, Henrik chẳng bao giờ còn gặp lại Konrad, và chàng cũng chẳng nhìn thấy Kristina thêm lần nữa, dù hai người vẫn sống chung nhà, cho đến khi Kristina mất đi, tám năm sau ngày Konrad trốn chạy.
Nơi căn phòng hai người đàn ông già nua đối diện nhau, mọi vật dụng đều y hệt như ký ức 41 năm trước của họ, chỉ khác rằng khi xưa họ còn có Kristina trong mọi cuộc đàm luận thân tình. Kristina là người thiên cổ hơn 30 năm, nhưng ký ức về nàng vẫn dằn vặt Henrik và Konrad. Trong ngăn kéo bàn của Henrik già nua, chỉ còn sót lại cuốn nhật ký của Kristina. Nàng đã tiết lộ gì trong mẩu ký ức ấy? Mà, việc biết những bí mật trong cuốn nhật ký của Kristina, có làm cho đêm đen ngăn cách cuộc đời của Henrik và Konrad tan đi?
Nhưng bí mật bên trong cuốn nhật ký của Kristina chẳng bao giờ được hé lộ, vì Herik đã ném cuốn nhật ký vào ngọn lửa, ngay khi đêm vừa tàn. Vì có nghĩa lý gì khi làm sống dậy đêm đen trong tâm hồn của một người đã khuất, trong khi hai con người kia vẫn đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, vẫn chưa thấu tỏ bản thân. 41 năm cho một cuộc gặp gỡ để mỗi người tự vấn bản thân mình: "Bởi sống không có cách nào khác, ngoài việc thừa nhận ta là ta đối với bản thân và với thế giới bên ngoài. Cần thừa nhận, ta là như thế này, hoặc thế khác và cần biết, khi ta thừa nhận, ta có được lời khen vì sự thông thái này chăng, người đời có gắn huân chương lên ngực ta hay chăng, khi ta biết và thừa nhận ta kiêu ngạo hoặc ích kỷ... Hãy thừa nhận bản thân, bí ẩn chỉ có thế".
Cuộc phán xử kéo dài đến gần sáng. Cuộc phán xử này rốt cuộc chẳng buộc được ai phải đền tội, chẳng bắt ai phải ăn năn, nó chỉ giúp Henrik và Konrad thấu tỏ bản thân. Họ vừa trải qua một đêm đối diện với chính sự kiêu ngạo, ích kỷ và những hang thẳm của lòng mình.
Nguyễn Thanh Vy
Mọi người cũng tìm kiếm