Bước ra khỏi đại dịch, ngành xuất bản năm 2022 có nhiều nỗ lực. Số lượng tác phẩm ra mắt dồi dào, các nhà xuất bản, công ty sách mạnh dạn mua bản quyền những tác phẩm được giới phê bình trên thế giới ghi nhận. Hồi tháng 10, trao đổi với Zing, đại diện các nhà xuất bản và công ty phát hành đã cho thấy tinh thần cầu thị khi năng nổ tham gia Hội sách Frankfurt, tìm kiếm những bản thảo tiềm năng, tiếp nhận những chủ đề thời sự được độc giả và người làm sách trên thế giới quan tâm.
Trong lúc chờ đợi những tác phẩm đặc sắc được chuyển ngữ sang tiếng Việt, hãy cùng nhìn lại những tác phẩm văn chương dịch đặc sắc trong năm qua. Nhiều tác phẩm văn học được đánh giá cao trên thế giới đã cập bến Việt Nam. Đó có thể là một tác phẩm kinh điển chưa từng được dịch sang tiếng Việt, một tác phẩm đặc sắc khác của nhà văn đoạt Nobel Văn chương, một tác phẩm được bàn tán sôi nổi của một nhà văn có thể đoạt Nobel Văn chương, hay một tác phẩm khó và đồ sộ, tốn hàng chục năm công sức mới dịch xong.
Dưới đây là một vài tác phẩm văn học dịch đáng chú ý của năm 2022:
NXB Đà Nẵng & Phanbook phát hành tháng 1.
Văn hào người Pháp Gustave Flaubert vốn đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả Việt Nam với tác phẩm gây tranh cãi Bà Bovary. Giáo dục tình cảm là tiểu thuyết cuối cùng của Flaubert, được coi là một trong những tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất thế kỷ XIX.
Cũng như Bà Bovary, tại thời điểm ra mắt, Giáo dục tình cảm nhận những phản ứng trái chiều. Không nhiều người coi trọng tác phẩm này lúc bấy giờ. Phải tầm nửa thế kỷ sau, các tiểu thuyết gia lớn thế kỷ XX mới đánh giá lại Giáo dục tình cảm, ghi nhận những giá trị nghệ thuật và tư tưởng mang tính cách mạng của tác phẩm. Đến trào lưu Phê bình mới, Tiểu thuyết mới, tác phẩm của Flaubert được tôn lên thành kiệt tác.
Dịch giả Lê Hồng Sâm là một dịch giả lão làng, người đã góp công giới thiệu đến độc giả Việt những cây viết đại thụ của nền văn học Pháp như Stendhal, Honoré de Balzac, Gustave Flaubert, Guy de Maupassant, Marcel Proust...
Theo dịch giả Lê Hồng Sâm, Giáo dục tình cảm "viết về những gì gần gũi nhất với bản thân tác giả. Mối tình của Frédéric Moreau, nhân vật chính, đối với Marie Amoux bộc lộ nhiều nét tâm tư của Gustave Flaubert đối với Elisa Schlésinger, người phụ nữ gặp bên bờ biển Trouville, tình yêu sét đánh ở tuổi mười sáu, và suốt đời chỉ là mộng tưởng".
Bà nhận định: "Số phận riêng của nhân vật biểu lộ trải nghiệm chung của cả một thế hệ".
.....................................................................................................................................
NXB Phụ nữ Việt Nam & San Hô Books phát hành tháng 4.
Đây là tác phẩm đầu tay của nhà văn đoạt giải Nobel Toni Morrison. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 1970, cuốn sách đã thu hút sự chú ý của cả giới phê bình văn học lẫn độc giả đại chúng với cái nhìn sâu sắc, bóc trần tâm tư số phận của người Mỹ gốc Phi trước những thành kiến chủng tộc.
Mắt nào xanh nhất là câu chuyện bi kịch của một cô gái da đen đau đáu giấc mơ có được một đôi mắt xanh. Hình tượng mắt xanh trong tâm trí cô bé gắn liền với biểu tượng cái đẹp. Đó là một nét đẹp được công nhận rộng rãi trong cộng đồng người Mỹ da trắng. Cô bé tin rằng, có được đôi mắt xanh như vậy, cô sẽ được xã hội công nhận.
Toni Morrison được mệnh danh là nhà văn của phong trào dân quyền, có tầm nhìn tư tưởng đặc biệt ngay trong tác phẩm đầu tay này. Đến năm 1993, hội đồng Nobel đã quyết định vinh danh Toni Morrison vì “tầm nhìn xa trông rộng và tính thi vị khác lạ trong sáng tác đã lột tả khía cạnh khắc nghiệt của hiện thực Mỹ”.
Gai góc và sắc bén, câu chuyện trong Mắt nào xanh nhất vượt xa một câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc thông thường, chạm tới những vấn đề toàn cầu như định kiến xã hội, tiêu chuẩn cái đẹp, nhu cầu được hòa nhập, được công nhận.
Cho tới nay, Mắt nào xanh nhất vẫn là một trong những tiểu thuyết có sức ảnh hưởng lớn nhất của Toni Morrison. Độc giả Việt đã đọc Yêu dấu hay Nguồn gốc của ngoại tộc hẳn sẽ tìm thấy ở Mắt nào xanh nhất một câu chuyện không kém phần ám ảnh.
The bluest eye lần đầu được dịch ra tiếng Việt vào năm 1995, lấy tên là Mắt biếc, do dịch giả Phan Quang Định thực hiện chuyển ngữ. Năm nay, dịch giả Thiên Nga dịch mới tác phẩm, đặt tên là Mắt nào xanh nhất. Bản dịch được nhiều độc giả khen ngợi vì đã dịch trung thành với bản gốc.
.....................................................................................................................................
NXB Văn học & Đông A phát hành tháng 9.
Được giới phê bình đánh giá là tác phẩm hoàn thiện nhất trong sự nghiệp của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz, tiểu thuyết đồ sộ này là thành quả sáng tác kéo dài ròng rã 4 năm của Henryk Sienkiewicz. Lúc đầu, Hiệp sĩ thánh chiến được đăng thành nhiều kỳ trên báo Ba Lan, mãi đến năm 1900, bản sách hoàn chỉnh mới được cho in.
Năm năm sau đó, Henryk Sienkiewicz được trao giải Nobel Văn chương vì những đóng góp của ông trong thể loại sử thi. Ở Việt Nam, các tác phẩm khác của Sienkiewicz như Quo vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm... cũng được đông đảo độc giả đón nhận.
Hiệp sĩ Thánh chiến đặt bối cảnh đầu thế kỷ XV, khi liên minh Ba Lan - Litva hùng mạnh trở thành chướng ngại vật chính ngăn cản sự bành trướng của dòng tu Ki-tô giáo mang tên Giáo đoàn Thánh chiến. Câu chuyện theo chân chàng hiệp sĩ Zbyszko, người tấn công sứ giả của Giáo đoàn và bị đưa lên đoạn đầu đài. Sự kiện này làm mẫu thuẫn tăng cao, những màn trả đũa diễn ra, ngọn lửa chiến tranh chuyển từ trạng thái âm ỉ sang bùng cháy.
Cuộc đụng đầu lịch sử giữa các dân tộc Slav với thế lực xâm lược của Giáo đoàn Thánh chiến được Henryk Sienkiewicz mô tả sinh động. Tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, tôn vinh tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do của các dân tộc.
Bản dịch tiếng Việt của tác phẩm được chia thành 2 tập, mỗi tập hơn 600 trang. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã dành 30 năm để dịch tác phẩm kinh điển này từ ấn bản toàn tập tác phẩm Henryk Sienkiewicz do Panstwowy Instyut Wydawniczy xuất bản năm 1948 tại Warszawa, giáo sư Julian Krzyanowski chủ biên.
Tại buổi ra mắt sách tại TP.HCM hồi tháng 10, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã tâm sự rằng Henryk Sienkiewicz là nhà văn có vị trí đặc biệt trong trái tim ông.
“Có lẽ văn của Henryk Sienkiewicz cũng có điểm tương đồng với động cơ đốt trong, nó cháy bằng chất gì đó trong tôi và trong những bạn đọc Việt Nam suốt thời gian qua và độc giả chắc chắn sẽ càng yêu mến ông qua tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến", vị dịch giả đã nói.
.....................................................................................................................................
NXB Hội nhà văn & Tao Đàn phát hành tháng 3.
Tác phẩm của Diêm Liên Khoa khi dịch sang tiếng Việt chỉ dày 162 trang. Cuốn sách mỏng, nhẹ nhưng chứa đựng một câu chuyện có sức nặng.
Ngày tháng năm kể về cuộc chiến sinh tồn của một ông lão và một con chó mù giữa nạn đói kinh hoàng tại một ngôi làng bỏ hoang. Người dân làng đều đã bỏ đi để tìm cơ hội mới, tìm cái ăn. Còn ông lão, vững tin rằng nạn đói rồi sẽ qua, ông ở lại, chăm sóc cây ngô dưới bầu trời thiêu đốt mùa hạn hán, tìm cách nuôi mình và nuôi chó.
Cây ngô kia tựa như nguồn hy vọng của ông lão già, là cái để ông bám víu vào, chờ đợi cái ngày trời đổ mưa. Vẫn với giọng văn lạnh, giễu nhại, kết hợp nhiều hình ảnh biểu tượng đa tầng đa nghĩa phản ánh tình hình chính trị, xã hội một cách tinh vi, Ngày tháng năm tiếp tục chinh phục độc giả không chỉ riêng Việt Nam mà cả trên thế giới.
Ngày tháng năm xuất hiện lần đầu vào năm 1997 trên tạp chí Thu hoạch, giành được giải thưởng văn học Lỗ Tấn lần thứ 2 (1997-2000), giải thưởng Bách hoa nguyệt báo tiểu thuyết lần thứ 8, giải thưởng truyện vừa xuất sắc Thượng Hải lần thứ tư.
Năng lực ngòi bút của Diêm Liên Khoa được dịch giả Minh Thương chuyển ngữ trọn vẹn sang tiếng Việt, mang tới một câu chuyện gay cấn về cuộc chiến sinh tồn của con người, cho thấy ý chí ngoan cường của nhân loại.
.....................................................................................................................................
NXB Phụ nữ Việt Nam & Nhã Nam phát hành tháng 9.
Tác phẩm gây chú ý trên văn đàn thế giới khi lọt vào danh sách sơ khảo của Giải Booker Quốc tế và Giải Văn học dịch BTBA vào năm 2019. Cuốn sách của Tàn Tuyết được đánh giá là đã tạo ra một bước đột phá trong văn học truyền thống Trung Quốc.
Bản thân Tàn Tuyết là một tác giả gạo cội tại Trung Quốc, từng nhiều lần được đặt cược cho giải Nobel Văn chương. Những chuyện tình thế kỷ mới cho thấy đặc trưng văn phong của Tàn Tuyết: táo bạo và đầy tính thể nghiệm. Là một nhà văn mạnh dạn khai phá giới hạn của khái niệm tiểu thuyết, Tàn Tuyết được xếp vào hàng ngũ những nhà văn tiên phong của Trung Quốc.
Cố Viện sĩ viện Hàn lâm Thụy Điển Göran Malmqvist từng gọi Tàn Tuyết là “Kafka của Trung Quốc”. Các tác phẩm của bà thường kết hợp giữa trải nghiệm tâm linh và tư duy triết học, khai thác sâu vào những vùng miền sâu kín trong tâm hồn con người.
Ngay khi bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết kỳ lạ này được dịch giả Thúy Hạnh giới thiệu đến độc giả, những người yêu văn chương đã săn đón cuốn sách nhiệt tình.
Khó đọc nhưng đáng đọc là đánh giá chung của nhiều độc giả sau khi thưởng thức tác phẩm. Những chuyện tình thế kỷ mới được xem như một nỗ lực khác trong công cuộc giải phóng quan niệm sáng tác văn chương của Tàn Tuyết.
.....................................................................................................................................
NXB Văn học & Huy Hoàng phát hành tháng 5.
So với các tác phẩm khác trong danh sách này, tác phẩm đầu tay của nhà văn tay ngang Douglas Stuart hẳn chưa được coi là kinh điển. Nhưng câu chuyện mang tính thời đại với những chủ đề gợi nhiều tranh luận trong tác phẩm đã giúp tác giả khẳng định được vị thế của mình, giành giải thưởng Booker năm 2020.
Shuggie Bain kể một câu chuyện cảm động về mối quan hệ giằng xé giữa cậu bé Shuggie và người mẹ nghiện rượu của mình. Thông qua chuyện đời phức tạp của mẹ con Shuggie, Douglas Stuart phản ánh con người của cả một giai đoạn chính trị nhiều biến động thời Margaret Thatcher cầm quyền.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách tối 1/7, dịch giả Trần Quốc Tân đã ví trải nghiệm đọc cuốn sách như chơi tàu lượn siêu tốc, lúc lên lúc xuống. Thạc sĩ Văn học Nguyễn Phương Anh đánh giá Shuggie Bain là tác phẩm khó chuyển ngữ sang tiếng Việt vì sử dụng nhiều từ lóng, tuy nhiên dịch giả Trần Quốc Tân đã truyền tải được thành công văn phong của tác giả, tái hiện trọn vẹn bối cảnh thành phố Glasgow bí bách, u tối của 40 năm về trước.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng kể câu chuyện của một cậu bé thuộc cộng đồng LGBT một cách tinh tế, không khai thác quá đà. Nhiều độc giả quốc tế đã giành lời khen cho tác giả ở khía cạnh này.
Nguồn: zingnews.vn