John Kenneth Galbraith, nhà kinh tế học và nhà văn, đã dùng cụm từ “quan niệm phổ biến”[1] (conventional wisdom) từ cách đây hơn bốn thập kỷ, trong cuốn sách bán chạy nhất của ông năm 1958 với tựa đề Xã hội Thịnh vượng (The Affluent Society). Theo định nghĩa của Galbraith thì các quan niệm phổ biến là tập hợp các niềm tin của đại bộ phận con người về một đề tài hay chủ thể nhất định. Những niềm tin đó không nhất thiết phải là đúng đắn, mà chỉ đơn giản là chúng được hiểu rộng rãi và được tôn trọng. Từ đó, cụm từ này dần dần xâm nhập vào ngôn ngữ của cuộc sống hàng ngày, và khi ý nghĩa ban đầu của Galbraith vẫn tồn tại thì nó đã khơi gợi cảm hứng cho những biến thể hiện đại khác của khái niệm trên. “Quan niệm phổ biến” của Galbraith là đồng nhất, vững chắc và lan tỏa rộng khắp, còn các phiên bản sau này lại cho rằng chúng là những điều hợp xu thế, hợp thời trang một cách khôn ngoan. Nhưng cho dù cũ hay mới thì quan niệm phổ biến (như Galbraith đề cập đến) lại thường là điều sai.
Đôi khi quan niệm phổ biến còn đối lập với sự thật. Nó thường là sự sắp đặt các dữ kiện và nhận thức một cách nghệ thuật và có chọn lọc, để cho thấy một chân lý đáng tin cậy - mặc dù đó là sự dối trá. Nhưng các quan niệm phổ biến tồn tại được, bởi vì nó kể lại một câu chuyện khá hấp dẫn, xét theo một mức độ nhất định nào đó. Quan niệm phổ biến có được sức mạnh là nhờ vào khả năng đáp ứng được nhu cầu tâm lý hoặc chính trị. Sau đó hành vi của chúng ta lại giúp củng cố niềm tin. Chúng ta sẽ nhìn thấy những gì mình muốn thấy, sẽ nghe được những điều mình muốn nghe. Chúng ta tìm kiếm những người có uy tín để được lặp lại và củng cố lại các niềm tin và thành kiến của mình. Galbraith đã viết: “trong một chừng mực nào đó thì sự gắn kết của quan niệm phổ biến là một nghi thức tôn giáo, đó là hành động để xác nhận lại, như đọc Kinh Thánh hay đi lễ nhà thờ”.
Sớm muộn gì thì quan niệm phổ biến cũng sẽ phải thay đổi hoặc sụp đổ. Nhưng các yếu tố phá hủy nó lại hiếm khi là các phân tích logic hay sự thuyết phục. Đó thường là các tình huống hoặc tác động của các sự kiện thực tế. Với bản chất của mình, quan niệm phổ biến sẽ “phòng vệ” bằng các ngôn từ hoặc lập luận. Người ta không muốn tỉnh ngộ từ các ý tưởng quen thuộc, vị kỷ, và làm vừa lòng họ. Người ta có xu hướng triệt tiêu sự hoài nghi, loại bỏ những bất đồng khó chịu hoặc chối bỏ sự mâu thuẫn. Những gì có thể làm thay đổi tâm trí con người thường là các trải nghiệm rõ ràng không thể phủ nhận và đôi khi khắc nghiệt, sau đó thường thì quan niệm phổ biến bị sụp đổ. Nhưng đây không phải là lý do dễ chấp nhận.
Tôi trực tiếp biết điều này. Năm 1969, tôi là phóng viên của một tờ báo. Sự hấp dẫn chủ yếu của công việc này (ngoài việc được nhìn thấy cái tên của mình in trên báo chí) là các cơ hội học hỏi các điều mới mẻ và giải thích các khám phá này trước độc giả. Đó là cái cớ để đặt câu hỏi, thường là không giới hạn, đối với các công dân bình thường. Cái cần được tìm kiếm luôn luôn là “sự thật”, mặc dù “sự thật” đúng nghĩa - thường là rất phức tạp, không rõ ràng và gây nhiều tranh cãi - là khó hoặc không thể xác định được. Khi tôi trở thành người phụ trách một chuyên mục (columnist) của báo năm 1976, mục tiêu vẫn không đổi: đó là chuyển tải các hiểu biết đầy đủ hơn về một vấn đề hay hiện tượng nào đó. Càng làm việc này thì tôi càng “đụng đầu” với các quan niệm phổ biến, bởi vì đó là nơi mà nội dung bài viết dẫn tới. Các bài bình luận của tôi ngày càng đặt câu hỏi hoài nghi hoặc bác bỏ các quan niệm phổ biến. Một số bài bình luận của tôi đã được thu thập lại và trình bày trong cuốn sách này.
Tôi không viết bất cứ điều gì để kết tội quan niệm phổ biến. Một số người có xu hướng “chạy theo thời thượng” mới nổi đã quay lại cáo buộc những điều đáng được lãng quên, chỉ vì các sự kiện đó đã làm họ mất uy tín. Vào những năm giữa thập niên 80, đã có những cảnh báo về việc “quá trình suy thoái công nghiệp của Hoa Kỳ” (deindustrialization) khiến chúng ta trở thành một đất nước mà tại đó những người làm hamburger và thợ giặt ủi được trả mức lương thấp (xem “Chúng ta không phải là đất nước của các tiệm giặt ủi”); khái niệm này đã không thể tồn tại sau sự bùng nổ kinh tế trong thập niên 90. Và cũng không có chuyện Nhật Bản sẽ qua mặt chúng ta về mặt kinh tế khi đất nước này vượt qua được sự đình trệ trong thập niên 90. Nhưng những hoài nghi vẫn tiếp diễn, có vẻ như không thay đổi chút nào trước những bằng chứng và lập luận logic bất lợi. Chúng ta được nghe rằng các nhóm lợi ích giàu có và bảo thủ đang thống trị Washington, nhưng thực tế không phải như vậy (xem “Các nhà môi giới quyền lực âm thầm”). Mới gần đây, internet đã được quảng bá là một trong những thành tựu công nghệ vĩ đại nhất từ sau khi ngành in ấn ra đời, sự so sánh này làm tổn thương lịch sử (xem “Internet và Gutenberg”).
Đương nhiên, không phải tất cả các quan niệm phổ biến đều sai. Nếu tất cả chúng đều là sai thì xã hội đã tan rã. Những sai lầm của từng ngày, phát xuất từ các ý tưởng sai, sẽ nhân rộng ra và làm cho sự hỗn loạn lan tràn. Nhưng chúng ta không cưỡng lại được các xu hướng mơ hồ. Tại sao vậy? Galbraith đưa ra vài manh mối. Theo cách này hay cách khác, ông chỉ đơn giản là dán lên cái nhãn mới cho thứ đã xưa cũ: tính ỳ của lòng tin. Người ta bám chặt lấy những gì họ đã biết và những gì làm họ cảm thấy thoải mái. Galbraith đã quy cho hiện tượng này là việc không thích quá nhiều cái mới. Mà không chỉ có vậy. Đó là sự nhượng bộ thực dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng ta liên tục xem xét lại các niềm tin và giả định, chúng ta sẽ đờ đẫn ra vì do dự. Chúng ta sẽ thường xuyên trầm tư và chần chừ không quyết. Nhưng trong văn hóa truyền thông hiện đại, quan niệm phổ biến không còn là những gì như trước đây - và khi đó nó đặt nền móng cho những sai lầm.
Theo Galbraith, quan niệm phổ biến bao gồm các ý tưởng cổ điển. Nó giống như rượu vang để lâu ngày. Nó có danh tiếng thông qua việc được vô số các nhân vật có uy tín nhắc đi nhắc lại liên tục qua nhiều năm. Giống như rượu vang, quan niệm phổ biến cũng có thể bị hỏng. Với các sự kiện hoặc các kiến thức mới, quan niệm phổ biến cũng có thể chỉ còn là chuyện đã qua hoặc lý thuyết lỗi thời. Ngược lại, quan niệm phổ biến ngày nay lại thường xuất hiện từ vô định. Các lý thuyết - hầu hết là bàn về các chủ đề mà gần như tất cả mọi người chưa nghĩ đến hay người ta chỉ có chút ít quan điểm rõ ràng - bất ngờ mang tính thời sự và được chấp nhận. Các lý thuyết này không chín muồi theo cách phù hợp, mà được “đóng gói” nhanh chóng, quảng cáo rầm rộ và “bán” một cách quyết liệt. Quan niệm phổ biến đã ít tự nhiên hơn và chứa đựng nhiều toan tính hơn so với trước kia. Nó ngày càng trở thành hoạt động buôn bán có tính trí tuệ hoặc chính trị.
Tôi cho rằng điều này giúp giải thích tại sao đa phần quan niệm phổ biến đã trở nên hời hợt, nhầm lẫn và ngu xuẩn. Các ý tưởng là tay sai cho tham vọng của con người, các nhóm lợi ích hoặc các chương trình của giới chính trị hay trí thức. Nó không phát xuất từ những nỗ lực vô tư để khám phá sự thật. Nó là sự vận dụng của kinh doanh và phải gánh chịu mọi sự thái quá của kinh doanh. Người ta nhấn mạnh đến những gì làm nên hoàn cảnh của họ, và bỏ qua hoặc tối thiểu hóa những gì “không dính dáng”. Các tuyên bố là quá lời. Sự kiện được chọn lọc. Việc thẩm định bị phớt lờ hoặc không rõ ràng.
Chính trị ảnh hưởng nhiều đến việc này. Nói đến chính trị, tôi không có ý nói riêng về hay tập trung phần lớn vào Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đến khuynh hướng tự do cấp tiến hay bảo thủ. Hình thái chính trị đang thắng thế ngày nay là cái mà tôi gọi là “chính trị giải quyết vấn đề”. Mọi khiếm khuyết trong xã hội, bằng cách nào đó, cần được chuyển đổi thành một “vấn đề” cụ thể, và sau đó có thể được “giải quyết”, thường là do chính quyền, còn nếu không là được giải quyết bởi “thị trường” hoặc một ai khác, một thứ gì khác. Nói chung người Mỹ lạc quan và thực dụng, rất sùng bái sự tiên tiến. Chúng ta gắn bó với ý tưởng cho rằng các vấn đề đều có thể được giải quyết - và từ đó sự không hoàn hảo được giảm đi. Tocqueville cho rằng, người Mỹ tin vào “sự hoàn thiện không giới hạn của con người”. Chúng ta phản đối ý niệm cho rằng một số thiếu sót chỉ đơn giản là những mảng bình thường của cuộc sống.
Sau nữa, đây cũng không phải là một lực đẩy mới. Nhưng trong thời đại của chúng ta thì quan niệm phổ biến đã được nhắc đến nhiều hơn. Nó liên tục được nuôi dưỡng bởi các nhóm chủ trương biện hộ, các nhà chính trị doanh nhân (entrepreneurial politicians) - là các ứng viên hoặc viên chức văn phòng không thể dựa vào một bộ máy đảng phái mạnh tại trung ương để tiến lên phía trước, mà ngày càng phải tự thân vận động - và các trí thức lớn, của cả hai cánh Tả và Hữu. Tất cả họ đều rao giảng cho công chúng về tất cả mọi thứ, từ chính sách của chính phủ đến việc phổ biến văn hóa. Chúng ta được dẫn dắt để tin rằng hầu hết các vấn đề xã hội và kinh tế đều có thể được giải quyết và mong muốn của người dân là có thể được xoa dịu hay đáp ứng. Với những vấn đề được tìm ra để giải quyết, những nhóm chủ trương biện hộ, các chính trị gia, và các vị thương nhân kinh doanh ý tưởng khác nhau đã tự khẳng định mình. Họ thiết lập sự nhận biết, nâng cao tầm nhìn của họ, và kết nối các cử tri hoặc khán giả. Sự chủ trương biện hộ hòa lẫn với tự quảng cáo.
Sản phẩm mà quá trình này tạo ra là sự thổi phồng bất tận. Một vấn đề không thể đơn giản là quá khiêm tốn, bất tiện, khó tránh khỏi, hoặc khó giải quyết. Vấn đề phải là chuyện lớn, nghiêm trọng, nguy hiểm, và bức xúc - và có thể giải quyết được. Vì vậy, các vấn đề được cường điệu hóa lên về mặt quy mô và mức độ nghiêm trọng, theo đó sức mạnh của các giải pháp đề xuất cũng được thổi phồng lên theo. Việc tìm kiếm các khoản đóng góp cá nhân để tài trợ cho chiến dịch chính trị không thể đơn giản chỉ mang tính tự hạ thấp mình và không “sạch”; nó phải khuấy động được những nền móng cho dân chủ - và có thể thu hồi được từ “chiến dịch cải cách tài chính” (xem “Cái Giá của Chính trị”). Chăm sóc sức khỏe được quản lý (managed care) không thể chỉ đơn giản là một phương pháp mới và chưa hoàn hảo để cung cấp các dịch vụ y tế; nó phải là một cuộc tổng công kích không thương xót dành cho sự tích hợp của y học hiện đại và khôi phục được từ “cải cách y tế” (xem “Chuyện hoang đường về “con quái vật” Chăm sóc sức khỏe được quản lý”). Trong những năm 1990, việc các thành viên Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội không thể chỉ đơn giản là sự thay đổi trong quyền lực chính trị để có thể sửa đổi đường lối và bầu không khí chính trị của đất nước. Nó phải là một “cuộc cách mạng” toàn diện làm thay đổi chính trị và cuộc sống như chúng ta đã biết (xem “Họ gọi đây là một cuộc cách mạng?”).
Đến một mức độ nhất định, sự biện hộ đòi hỏi việc tranh luận phải trở thành các bài học đạo đức: người tốt (hoặc các ý tưởng tốt) đối lập với cái xấu. Người anh hùng và kẻ xấu xa cùng tạo nên “sức nặng” (throw-weight) của trí tuệ và chính trị để cho chương trình nghị sự được nâng cao, đầy hoài nghi, và có các đối thủ công kích nhau. Ở Hoa Kỳ, loại vận động này tìm thấy một đối tượng khán giả sẵn lòng. Vượt trên sự lạc quan - một niềm tin rằng những gì bị hỏng có thể được sửa chữa - là di sản mang tính nhiệm vụ của chúng ta. Người Mỹ luôn luôn tưởng tượng mình là một ngoại lệ đặc biệt và đúng đắn, nhất quyết cải tiến nhân loại với việc tấn công vào thành trì của sự ngu dốt, quyền lực thối nát hay điều ác. Những đặc tính này của dân tộc là rất tuyệt vời. Chúng thường làm chúng ta chìm vào sự ngây thơ ngấm ngầm rằng: nếu chỉ vì cái gì đó chưa được thực hiện trước đây thì không có nghĩa là điều đó không thể được thực hiện. Những niềm tin vào sự tiến bộ có thể tạo ra tiến bộ và thường xuyên là như vậy. Tuy nhiên, một số đức tính tốt của dân tộc, khi để vượt quá mức hợp lý, cũng trở thành thói xấu (xem “Các vết đen trong đạo đức của chúng ta”).
Chính trị “Giải quyết vấn đề” là một trong những loại hỗn hợp khó chịu của sự thành công và thất bại. Khi thất bại, nó dẫn đến một thứ quan niệm phổ biến với đầy rẫy các điều giản đơn và ngớ ngẩn, trong khi vẫn gợi cảm hứng cho các “giải pháp” mà đôi khi có hại nhiều hơn là có lợi. Vấn đề của dịch vụ chăm sóc sức khỏe không phải là “được quản lý”, mà là mâu thuẫn trong nhu cầu của công chúng: chúng ta muốn bảo hiểm y tế toàn diện (universal health insurance), tuyệt đối tự chủ cho các bệnh nhân và bác sĩ trong quá trình điều trị và kiểm soát được chi phí y tế. Không có chế độ nào có thể đồng thời đáp ứng các nhu cầu không nhất quán này. (Nếu tất cả mọi người đã bảo hiểm cho tất cả mọi thứ, và bác sĩ hay bệnh nhân đều có thể yêu cầu bất cứ gì họ muốn - thì chi phí sẽ không thể kiểm soát được.) Vấn đề với “chiến dịch cải cách tài chính” là: nếu sử dụng kết luận logic của nó thì tự do ngôn luận chính trị sẽ bị bịt miệng. Điều phiền toái là truyền thông hiện đại (qua truyền hình, quảng cáo, gửi thư hàng loạt) đều cần tiền. Nếu truyền thông không phải là vấn đề ngôn luận, thì là cái gì? Và nếu mọi người không thể chi tiền để biện hộ cho các quan điểm chính trị và hỗ trợ các ứng cử viên chính trị mà họ tán thành, thì họ “tự do” như thế nào?
Nghệ thuật biện hộ có hiệu quả để khỏa lấp các hoài nghi sẽ làm hỏng các thông điệp đạo đức. Vấn đề sẽ không còn đơn giản như vậy nữa, giải pháp không còn rõ ràng như vậy nữa. Xung đột giữa các mục tiêu mong muốn được tối thiểu hóa, và giới hạn thực tế của các giải pháp đề xuất cũng vậy. Chúng ta, những người trong báo giới, hỗ trợ cho sự lẩn tránh - và đôi khi còn xúi giục nó. Là người Mỹ, chúng ta chia sẻ tính nhạy cảm trong việc giải quyết vấn đề. Ngoài ra, chúng ta cũng có lợi ích riêng. Chúng ta cần thu hút và giữ được độc giả. Cả bản năng và lợi ích của chúng ta đều được đặt trong việc nghiên cứu các mâu thuẫn và xung đột. Chúng ta thường hào hứng tham gia vào các cuộc vận động đạo đức hay chính trị. Đó là câu chuyện hay và thu hút các khách hàng của chúng ta. Mặc dù đó là sự thật từ lâu nay, nhưng thực tế cạnh tranh mới đã thổi phồng các hiệu ứng.
Chỉ cách đây một vài thập kỷ, trong những năm của thập niên 1960 - phương tiện truyền thông tin tức quốc gia mới chỉ gồm một nhóm nhỏ và ổn định với các tổ chức: 3 mạng lưới truyền hình (ABC, CBS, và NBC); 3 tạp chí (Time, Newsweek, và Thông cáo Tin tức & Thế giới của Hoa Kỳ), một số báo chí quốc gia có tầm cỡ (Thời báo New York, The Wall Street Journal, Bưu điện Washington) trong đó chỉ có một tờ có phạm vi phát hành toàn quốc (tờ Journal) và một vài dịch vụ thông tin chính yếu (Hiệp hội báo chí (Associated Press), Liên đoàn báo chí quốc tế (United Press International). Điều này cho phép các chuyên gia tin tức - các nhà biên tập, các nhà báo - có quyền quyết định những gì là “tin tức” và những gì không phải là “tin tức”. Phán xét của họ rõ ràng là có thể sai lầm và không được “miễn nhiễm” với xu thế chính trị đang thống trị hay xu hướng của giới trí thức. Nhưng các phán xét phần lớn cũng chỉ là phán xét của riêng giới đưa tin mà thôi. Với lượng độc giả ổn định, áp lực thương mại buộc sử dụng tin tức để thu hút người đọc và người xem thời đó là chưa nhiều.
Tình hình hiện nay là hoàn toàn khác. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông thật ấn tượng: đã có các kênh truyền hình cáp (MTV, ESPN, CNN, C-span); có một mạng lưới truyền hình chủ chốt khác (Fox); thêm hai tờ báo quốc gia (tờ Hoa Kỳ Ngày Nay và Thời báo New York); Internet và vô số các trang web với các tin tức, thông tin tài chính, y tế, khiêu dâm và nhiều nhiều nữa. Không ai còn có thể giữ vững lượng khán giả của mình. Khi các mạng lưới truyền thông còn kiểm soát được các kênh truyền hình, người xem phải theo dõi các chương trình tin tức ban đêm (thường là được ấn định cùng thời điểm) - hoặc không có gì khác để xem. Bây giờ họ có thể bấm nút để xem chương trình nấu ăn, thể thao, hoạt hình, phim truyện, câu chuyện du lịch, mua sắm cho gia đình. Hoặc họ có thể lướt net. Lượng khán giả của mạng tin tức ban đêm sụt giảm nhanh. Độc giả của báo chí cũng giảm, tuy chậm hơn nhưng nói chung là đã giảm.
Kết quả là những người kinh doanh tin tức đã mất quyền lực trong việc xác định những gì là tin tức và những gì không phải là tin tức. Ngày càng nhiều, người đọc và người xem mới là những người xác định đâu là tin tức, với việc thu nhặt và chọn lọc những gì họ muốn, hoặc quyết định rằng họ không cần tin tức nữa. Điều này làm tăng thêm yêu cầu đối với người biên tập và các phóng viên báo phải làm sao để cho các tin tức phổ biến hơn và hấp dẫn hơn. Hiện đã có sự nhập nhèm giữa tin tức và giải trí, khi các giá trị của truyền hình đã lan tràn trong tất cả các phương tiện truyền thông. Để lôi kéo khán giả, bài bình luận phải trở nên “cao giọng” hơn. Chương trình “Bắn chéo” (CrossFire)[2] của kênh CNN là người đi đầu: chính trị tương đương như thi đấu vật chuyên nghiệp. Sự độc lập trong công tác biên tập đã bị thu hẹp lại. Biên tập viên vẫn được quyết định những gì sẽ được in hoặc được xem, nhưng nếu những gì họ làm là không thành công trên không gian thị trường, họ sẽ bị thay thế.
Các nhà phê bình trong lĩnh vực truyền thông đại chúng thường xuyên than phiền rằng sự thống trị của một vài doanh nghiệp lớn đã hạ thấp các giá trị của thông tin xuống mức chỉ còn là lợi nhuận. Tình trạng này, trong nhiều khía cạnh, lại là ngược lại. Cạnh tranh mạnh hơn đã tấn công vào sự tự chủ trong biên tập. Càng có nhiều gã khổng lồ trong ngành truyền thông thì các giá trị của tin tức lại càng trở nên khó khăn hơn. Khi một vài công ty lớn thống trị thị trường (ba mạng lưới truyền hình là ví dụ rõ ràng), họ có thể chấp nhận sự độc lập cao hơn từ các phòng ban tin tức, chính xác là vì tổng lợi nhuận là con số chắc chắn và có thể dự đoán được. Ngược lại, số lượng các “đại gia truyền thông” ngày nay là rất nhiều và họ cũng ít được an toàn hơn trước. Sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy khách hàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thành công trong thương mại và xói mòn các giá trị thuần túy của việc biên tập. Đến một mức độ nhất định thì tin tức đã được dân chủ hóa. Nó ngày càng được tung ra theo mệnh lệnh của thị trường. Điều này tạo thuận lợi cho một phong cách biên tập, theo đó nhấn mạnh vào các câu chuyện đạo đức của các đấng anh hùng và những kẻ vô lại, rồi rút ra những xung đột một cách sâu sắc - về bất cứ điều gì để tạo ra một “tin đồn”.
Những gì mà tôi muốn đề xuất là: cách thức mà chúng ta, ở đây được hiểu như một xã hội, tổ chức và trình bày thông tin - một cách có hệ thống và hầu như dự đoán được từ trước - ngày càng dẫn đến sự sai lạc. Truyền thông không chắc chắn và những người thực hành chính trị “giải quyết vấn đề” (các chính trị gia, các nhóm biện hộ, “những cái đầu hiểu biết”) đã “kết hôn” với sự dễ dãi. Họ cùng nhau khai thác để đạt được mục tiêu hẹp: có được sự nổi tiếng hoặc khét tiếng, thúc đẩy một chương trình nghị sự của giới chính trị hay trí thức, nắm bắt được khán giả và thị phần. Kết quả là chúng ta bị oanh tạc bởi các luồng vấn đề miên man không dứt (một số vấn đề xã hội, một số căng thẳng trong vấn đề con người - ma túy, bệnh tật, lạm dụng trong hôn nhân gia đình, stress) và các giải pháp đi kèm. Nhiều vấn đề trong số đó là có thật, một số các giải pháp có thể thực sự có ích. Nhưng có sự cường điệu thổi phồng trong cả hai nội dung: vấn đề và giải pháp, bởi vì đó là những thứ thu hút sự chú ý.
Tôi gọi quá trình này là “cái sai”. Đó là sự xuyên tạc thực tế nói chung, tuy nhiên không phải là kết quả của sự dối trá cố tình. Đúng hơn thì đó là sản phẩm bình thường của chính trị và truyền thông dân chủ của chúng ta. Điều đó xảy ra, khi chúng ta tìm hiểu và tranh luận các vấn đề có ảnh hưởng đến cả tập thể. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ không phải là chính chúng ta nữa. Nhìn chung, tiến trình này là lành mạnh. Nhưng quá trình này sẽ trở thành không lành mạnh khi nó đơn giản hoá quan điểm của chúng ta về sự thật và lãng mạn hóa sức mạnh của chúng ta khi thay đổi sự thật đó. Đối với tôi, sự đơn giản hóa và cường điệu hóa nhằm phục vụ lợi ích bản thân là một cánh đồng phì nhiêu cho các báo cáo và bình luận. Chúng cầu mong để được trở nên tinh vi và xác thực. Tôi đã cố gắng để cung cấp được một bối cảnh: để cho mọi người có bức tranh vô tư và đầy đủ về thế giới của chúng. Kết luận của tôi là: quan niệm phổ biến (thường) là sai, vì nó là phương tiện cho một số chương trình chính trị hay tham vọng cá nhân.
Trong thực tế, tôi không tin rằng có bất kỳ một nhóm chính trị, kinh tế, xã hội, hoặc một nhóm ý thức hệ nào lại có “độc quyền” về cái sai. Bạn có thể nhìn thấy một cơ chế tương tự cũng hoạt động như vậy trên khắp các quang phổ chính trị và trên tập hợp các mối quan tâm và yêu cầu của xã hội. Những người bảo thủ có xu hướng ca ngợi “thị trường”, ngay cả khi thị trường rõ ràng phạm sai lầm (xem “Sự sáp nhập kỳ lạ”). Những người tự do cấp tiến có xu hướng nói quá lời trước những ảnh hưởng dần dần về sau của sự bất bình đẳng trong thu nhập (xem “Không phải là các hộ gia đình điển hình”). Các chuyên gia môi trường bàn về việc hủy diệt hành tinh trong bối cảnh của “ngày tận thế” (xem “Bạn đừng lo lắng”). Một lần nữa, những vấn đề thường là có thực, nhưng chúng cần phải được trình bày trong những điều kiện khắc nghiệt nhất để khơi dậy sự quan tâm hay củng cố cho giải pháp đề xuất.
Mặc dù các kỹ thuật đã phổ biến rộng rãi, vẫn có xu hướng nghiêng về các loại “sai lầm” nổi trội nhất: đó là những cái sai “cấp tiến” (liberal untruths). Lý do chính yếu là tầng lớp “viết nguệch ngoạc và nói huyên thuyên” - các nhà báo, biên tập viên, các nhà nghiên cứu học thuật, các nhà bình luận - có xu hướng tự do cấp tiến nhiều hơn là bảo thủ. Rất nhiều các cuộc điều tra đã xác nhận điều này trên báo chí. Năm 1992, gần 90% các nhà báo của
Washington ủng hộ Bill Clinton, theo kết quả một trong những cuộc thăm dò ý kiến. Nhưng trên phạm vi quốc gia, lượng phiếu phổ thông dành cho Clinton chỉ là 43%. Một cuộc khảo sát trong giới học thuật (dành cho các giáo sư tại các trường cao đẳng và đại học hệ 2 năm và 4 năm) được xuất bản trong cuốn Giáo dục cấp cao Ký sự (Chronicle of Higher
Education) cho thấy: 5,2% cho rằng mình “cực tả”; 39,6% “tự do cấp tiến”; 37,2% “trung lập” (không tả mà cũng không hữu); 17,6% “bảo thủ”; và 0,4% “cực hữu”.
Kết quả không phải là một liên minh có ý thức giữa báo chí và nhóm ủng hộ tự do cấp tiến và nhóm chính trị gia Dân chủ. Hầu hết các nhà báo và nhà biên tập (ít nhất là của báo chí, tạp chí tin tức, và kênh truyền hình chính thống, mặc dù rõ ràng không thuộc các tạp chí hoặc chương trình truyền hình chuyên bày tỏ quan điểm) đều tán thành ý kiến cho rằng họ nên khách quan và trung lập. Họ hào hứng đăng tải các scandal liên quan đến những người tự do cấp tiến cũng như bảo thủ. Họ biết rằng hầu hết các chính trị gia và những người theo một phe phái nào đó đều cố gắng “thêu dệt” nên các câu chuyện. Một số nhà báo tự xem mình như là nền tảng thụ động để người khác tuyên truyền. Tất cả chúng ta đều biết rằng mọi người có xu hướng để cho các “nguồn” khác sử dụng. Phần lớn những gì báo chí thực hiện lại không đả động gì nhiều đến các nhà chính trị hay các phe phái. Chúng ta chỉ đơn giản là kể lại một “câu chuyện hay”, hoặc đóng vai trò truyền thống là “giám sát” chính phủ, các cơ quan và các tập đoàn.
Xu hướng này còn tinh tế hơn. Những câu chuyện do các chính trị gia tự do cấp tiến và các “chuyên gia” các loại (nhà kinh tế, nhà khoa học, bác sĩ, nhà khoa học xã hội, nhà giáo) kể lại đã tìm thấy những người nghe đồng cảm nhiều hơn là những câu chuyện kể của những người bảo thủ. Các anh hùng và tên vô lại của phe tự do cấp tiến, các giá trị và niềm tin của họ tương ứng sát sao hơn với các triết lý và thành kiến của nhà báo và nhà biên tập. Những gì đến từ các nguồn tự do cấp tiến có vẻ như đáng tin cậy hơn và xác đáng hơn. Nó phù hợp với các ý niệm về xung đột xã hội và theo đuổi một xã hội tốt. (Họ cho rằng) Đây không phải là thành kiến. Đó là thực tế. Thông thường họ không thể tưởng tượng các sự vật theo cách nào khác. Ngược lại, những người bảo thủ - hoặc người không thuộc nhóm tự do cấp tiến -thường được xem là người biện hộ cho các doanh nghiệp và người giàu có. Hoặc họ bị bêu riếu là những người nhẫn tâm và kỳ quặc.
Các giá trị của riêng tôi là khá chính đáng (tôi tin là vậy), mặc dù những người khác có dán lên cái nhãn là quá bảo thủ hoặc - ít khi hơn - là quá tự do cấp tiến. Tôi tin rằng Chính quyền trung ương nhìn chung là đem lại các lợi ích cho quốc gia, nhưng tôi cũng nghĩ rằng việc mở rộng chính phủ sẽ đem lại nhiều vấn đề khó khăn mang tính thực tiễn và tạo điều kiện cho sự lạm quyền. Người ta có thể trở nên quá phụ thuộc vào phúc lợi của chính phủ. Thuế có thể tăng quá cao và ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế hoặc tự do cá nhân. Mặc dù khó có thể xác định được các giới hạn nhưng chúng thực sự tồn tại. Tương tự như vậy, tôi đặt nhiều niềm tin vào các “thị trường” - sự tự do để xác định những gì mà chúng ta cần sản xuất, giá cả của chúng, cách thức chúng ta tiết kiệm và đầu tư, và nơi chúng ta làm việc - nhưng tôi không tin rằng các thị trường là cái hiểu-biết-hết-mọi-thứ hoặc hoàn hảo. Các thị trường cũng có sai lầm và cần sự giám sát và điều tiết của chính phủ. Thường thì có ranh giới mỏng manh giữa mức độ quá ít và quá nhiều của công việc này.
Sau cùng, tôi tin vào những gì đôi khi bị chế nhạo là “những giá trị truyền thống gia đình”: tình yêu cha mẹ và kỷ luật của cha mẹ, nếu có thể. Với sự may mắn, các bậc cha mẹ có thể giúp con cái của họ lớn khôn và thành những người lớn có trách nhiệm và tự lập. Cha mẹ đem lại tình yêu, các bài học nhỏ về cuộc sống hàng ngày, và những kiến thức cần có. Từ thử thách này mà một cá nhân có thể có năng lực và sự tự tin. Mặc dù việc nuôi dạy con cái là một việc phức tạp - và không có sự đảm bảo cho thành công - các tổ chức của chính phủ và xã hội không thể dễ dàng thay thế cho các bậc cha mẹ đầy tình thương yêu và đủ khả năng (xem “Thứ mà tiền không thể mua được”). Tôi đã có vợ và ba đứa con, hiện chúng ở độ tuổi từ mười đến mười lăm. Đó là những phần quan trọng nhất của đời tôi.
Các nhà báo, những người phụ trách chuyên mục là “con lai” (tôi tin là như vậy). Quan điểm của tôi cho rằng họ không phải là nhà báo thuần túy, cũng không phải là người biện hộ thuần túy. Họ là sự kết hợp của cả hai. Họ pha trộn quan điểm và tình cảm trong bài báo của mình. Mối nguy hiểm lớn nhất - hậu quả của việc quá ấn tượng với tầm quan trọng của riêng mình - là trở thành kẻ “nhai lại chính mình” (self-parody): một người có quan điểm và phong cách có thể được dự đoán trước, và có thể bị bắt chước theo một cách dễ dàng. Sự nguy hiểm của riêng tôi là, từ việc liên tục thách thức quan niệm phổ biến, tôi trở thành người hoài nghi chính mình (reflexively skeptical) trước bất kỳ quan điểm nào của đám đông hoặc thường xuyên phê phán bất cứ điều gì là mới hoặc khác biệt. Tôi nhận thức được sự nguy hiểm, nhưng không phải lúc nào tôi cũng có thể vượt lên trên nó.
Đa phần trong nghề báo chí, những gì chúng tôi viết ra thường là vào thời hạn chót. Các đánh giá phải được thực hiện một cách nhanh chóng. Chúng thường sai. Tôi nghi ngờ việc liệu có hay không những người phụ trách chuyên mục lớn mà lại không lúng túng vì một số bài viết của mình trong quá khứ. Nếu có những người này thì tôi không nằm trong số đó. Lẽ ra tôi có thể đưa vào cuốn sách này những sai lầm ngớ ngẩn của riêng tôi. Một trong những bài viết yêu thích nhất của tôi đã đặt ra khái niệm về “công nghệ trì hoãn” - đối lập với công nghệ tiên tiến, chúng là các công nghệ mới tạo ra những phương pháp cồng kềnh và đắt tiền để thực hiện các công việc đã được làm một cách đơn giản và không mấy tốn kém trước đây. Một ví dụ là sách điện tử, đối với tôi thì đây đã từng là một ý tưởng tồi, trong khi dùng sách giấy là quá thuận lợi. Sau khi suy xét, tôi đã quyết định không đưa vào đây bài viết này.
Robert J. Samuelson
Ngày 26, tháng 9 năm 2000
Washington, D.C.I
Mời các bạn đón đọc
Nói Vậy Mà Không Phải Vậy của tác giả
Robert J. Samuelson.