Ở Nơi Biển Cả |
|
Tác giả | Hoàng Xuân Vinh |
Bộ sách | |
Thể loại | Thiếu Nhi |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 2409 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Hoàng Xuân Vinh Thiếu Nhi Tuổi Hoa Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
• THỢ LẶN ĐẠI DƯƠNG • CÁI NGHỀ NGUY HIỂM NHƯNG TẤM LÒNG HÀO PHÓNG • BA MŨI LAO HIẾM VÀ CON MẬP LAM DẰN DỮ • VIÊN SẠN 60 KÝ TRỞ THÀNH... NƯỚC HOA HẢO HẠNG.
Có lẽ suốt đời, Hạnh không thể nào quên được cái buổi chiều ghê gớm đó.
Từ trưa, anh Thành dặn Hạnh :
- Anh đi làm việc với mấy anh bạn ở Viện hải dương học, Hạnh ở với mấy anh đội thợ lặn, cứ chén cơm chiều trước. Tối, anh về, hai anh em mình xuống làng chài chơi ...
Anh Thành đi rồi, mấy anh thợ lặn cũng lục tục sửa soạn chuyến xuống biển mới. Ba anh tất cả. Người trẻ nhất là anh Sâm. Có lẽ Sâm chỉ hơn Hạnh độ bốn, năm tuổi. Trẻ nhất, nhưng anh Sâm lại là người cao nhất nhóm. Dễ đến mét tám. Cặp mắt một mí của anh luôn luôn ánh lên nét cười. Hàm răng anh trắng bong, nổi bật trên nước da nâu của người vùng biển. Một anh khác, Hạnh dễ thuộc tên nhất, là Hải. Anh Hải người vùng biển miền Trung, thấp đậm, có giọng nói nằng nặng, tính rất hồn nhiên. Còn người thứ ba, khi làm quen, Hạnh không khỏi ngạc nhiên. Anh trắng trẻo như một sinh viên. Mái tóc xoăn xoăn sóng lượn, anh cười nói nhỏ nhẹ khác hẳn anh Hải, khi giới thiệu anh với Hạnh, với anh Thành, anh Hải cười khùng khục:
- Anh ni đẹp trai vậy, mà tên lại là Mùng đó. Chả là trắng như dọc mùng mà !
Nhóm ba người thợ lặn mặc bộ đồ lặn cồng kềnh vào người. Anh Sâm hồ hởi:
- Này, anh bạn! ở nhà trông cái « gia tài » cho bọn mình. Chiều về, bọn tớ kiếm ít cá mực tươi thết cậu nhé !
... Ở lại một mình, Hạnh chợt nhớ những chuyện trước khi lên đường.
Hạnh đã chuẩn bị chuyến đi này với biết bao hứng thú. Sau chuyến đi dọc Trường Sơn năm trước, Hạnh phổng phao hẳn lên. Anh Thành nhìn vóc người em trai út, vui vẻ:
- Có lẽ một mùa hè ở rừng làm em cứng cáp hơn mấy năm ở thành phố rồi !
Hạnh vuốt vuốt đám lông mượt mà của chú Vện Ốc, hỏi anh ;
- Kỳ du lịch này, anh có cho Vện Ốc đi không?
Anh Thành cười:
- Có lần anh đã nói với em rồi: ra biển, chú Vện Ốc không thú đâu. Nếu em thích, thì nên mang con Tườu Ngộ thôi...
Kể ra cũng tiếc thật. Suốt dải Trường Sơn năm trước, Vện Ốc, con chó trung thành và thông minh, đã không mấy khi xa rời Hạnh. Những đêm đi săn hươu xạ, buổi bắt rùa suối, trưa săn bò rừng... Con Vện Ốc cũng đã trải qua cái đêm đàn kiến di cư đuổi chạy bán sống bán chết, rồi chiều dông lũ và cái lần bị mất tích ớ chóp núi
cao tít... Vậy mà lần này, Vện Ốc phải ở lại thành phố.
Con Vện Ốc hình như chưa biết nỗi buồn ấy. Nó thấy Hạnh đang vui, cũng ngoe nguẩy rồi ngoáy tít cái đuôi bù xù như đuôi cáo. Nó sủa một tiếng, chạy quanh chân Hạnh, và bỗng dưng quay phắt mình, chồm lên, hai chân trước cào cào nhẹ vào bụng chú khỉ. Tườu Ngộ kêu lên mấy tiếng « Khẹc! Khẹc », nhảy phóc qua đầu Vện Ốc, xoay mình tót lên lưng, hai tay quàng xuống ôm lấy cổ con chó như người cưỡi ngựa.
Hôm anh Thành và Hạnh lên đường, hai anh em nhẹ nhàng ôm con Tườu Ngộ ra chiếc xe com - măng - ca của cơ quan đón ngay trước cửa. Dãy phố nhỏ xinh xắn dường như chưa thức dậy. Bên hàng rào song sắt, những cành hoa hồng vươn ra, khoe những bông hoa rực rỡ.
Tườu Ngộ rời vai Hạnh, ngó nghiêng bên cửa kính ô - tô, nhìn những ngôi nhà vùn vụt chạy qua trước mặt. Hạnh thở dài:
- Anh Thành ơi, giờ này Vện Ốc chắc đang đi tìm em hoặc tìm con Tườu Ngộ này đây.
Anh Thành đấm nhẹ vào bả vai nở nang của cậu em:
- Khi về, chúng ta sẽ mang quà ở biển cho nó.
- Quà? Cho con Vện Ốc hở anh?
- Tất nhiên, những con ốc biển thật to, thật đẹp. Nhưng chỉ có cái là không chén được...
Hạnh phì cười:
- Anh làm như Vện Ốc là người!
Chiếc com - măng - ca chạy qua cổng cơ quan anh Thành, nhẹ nhàng đỗ lại trước phòng thí nghiệm của anh. Anh Thành nhanh nhẹn mở cửa phòng, mang ra những đồ dùng cho chuyến đi công tác. Anh xách một ba - lô căng phồng ra đến cửa phòng thì đứng sứng lại, ngạc nhiên.
Từ chỗ cửa xe còn mở, Vện Ốc nhảy phốc ra. Vừa chạm đất, đuôi ngoáy tít, nó đã sủa lên một tiếng khoái trá. Anh lái xe tròn mắt lạ lùng:
- Quái, con cún nằm ở gầm ghế xe từ lúc nào nhỉ ?
Hạnh cũng ngạc nhiên không kém, vội vàng mở cửa xe, chạy đến bên Vện Ốc. Ôi, chú chó tinh khôn. Làm thế nào nó biết được hai anh em Hạnh lên đường sáng nay? Hay nó phát hiện ra Hạnh chuẩn bị cho Tườu Ngộ từ sớm tinh mơ? Phải rồi, con Vện Ốc láu lỉnh này! Nó đã nằm im dưới gầm ghế xe và chắc cu cậu tưởng đến đây là chặng đường cuối của chuyến đi buổi sáng...
Anh Thành đặt chiếc ba - lô lên ghế xe, phân vân:
- Biết làm gì với Vện Ốc bây giờ?
Hạnh đến bên anh trai:
- Hay cứ cho nó đi cùng, hở anh ?
Anh Thành lắc đầu. Anh hiểu, chuyến đi biển không phải dễ dàng như đi công tác trên đất liền. Anh lái xe nhíu trán, quay sang anh Thành:
- Nhốt chú cún này vào phòng. Anh viết tờ giấy, nhờ mấy anh cùng phòng chốc nữa đến làm việc dẫn nó về nhà giúp.
- Thôi, đành vậy - anh Thành gật đầu. – Để mình phạt chú Vện Ốc vô kỷ luật này!
Chiếc com - măng - ca rời cơ quan, Hạnh còn nghe tiếng con Vện Ốc sủa từng hồi lọt qua cửa sổ phòng làm việc của anh Thành. Một nỗi buồn chia tay trĩu nặng trong lòng Hạnh. Cứ như là Hạnh đã đánh lừa con Vện Ốc thân thiết của mình.
Hạnh có biết đâu, Tườu Ngộ cũng đang ngơ ngác phải rời xa bạn. Nó quờ cái tay đầy lông lá, xoa xoa lên cửa kính xe, mắt đau đáu nhìn về phía căn phòng nhốt Vện Ốc. Biết bao giờ Tườu Ngộ gặp lại Vện Ốc?...
Hạnh giở quyển nhật ký ra ghi lại những sự việc trong mấy ngày vừa qua. Hạnh ao ước được theo các anh thợ lặn đi chơi thủy cung một chuyến. Nghe nói các anh đang đi dò luồng lạch chuẩn bị cho dự án làm một con đường vượt biển nối đất liền và đảo. Ôi, cái công việc mới khó khăn và kỳ lạ biết bao! Từ những đáy ngầm này, mai đây sẽ có con đường nhô lên, thẳng tắp qua biển xanh...
Nhưng đêm ấy, chỉ có anh Hải và anh Sâm trở về.
Anh Hải như một người khác hẳn trước, bỗng trở nên lầm lì đáng sợ. Anh không nói một câu nào suốt cả buổi tối. Còn anh Sâm thì khóc nấc lên khi giáp mặt anh Thành và Hạnh. Qua thái độ của hai anh, Hạnh hiểu rằng anh Mùng không còn nữa.
Kế hoạch anh Thành dẫn Hạnh xuống xóm chài, vì chuyện đau buồn này, phải bãi bỏ. Sớm hôm sau, khi Hạnh thức dậy, định dẫn con Tườu Ngộ xuống bãi biển thì đã thấy anh Hải đứng trân trân bên mép nước, đăm chiêu ngó về phía biển khơi.
Hạnh không dám hỏi các anh về cái chết của anh Mùng. Hạnh ôm lấy con Tườu Ngộ, ngồi xuống một gốc phi lao um tùm, ngóng về phía anh Hải.
Con Tườu Ngộ thấy cậu chủ không chạy nhảy trên bãi cát như mọi khi, cũng chỉ quẩn quanh chỗ Hạnh ngồi. Nó nhấn nha đi bứt mấy bông hoa biển xanh biếc, cho vào miệng nhấm nhấm, rồi lại nhăn mặt vứt đi. Gió sớm thổi mơn man đám cỏ rối và lùm hoa dại. Tít xa ngoài kia, nơi anh Hải lặng lẽ đứng, thủy triều đang xuống, vẳng đến tiếng sóng ì oạp buồn bã.
Một con chim biển bỗng sà xuống bãi cát, nhảy nhót tìm mồi. Con chim mải mê với công việc của mình, vừa bay vừa nhảy tít về phía nước biển đang rút dần. Con Tườu Ngộ ngó nhìn Hạnh, rồi bất thần phóng theo con chim bé nhỏ. Hạnh bừng tỉnh, chồm dậy đuổi theo con Tườu Ngộ. Nghe động, anh Hải từ từ quay mình lại. Hạnh bất giác đứng sứng người. Mới một đêm, anh đã gầy tọp hẳn đi. Anh Hải lặng im một thoáng, rồi vẫy tay gọi:
- Lại đây với anh, Hạnh!
Nhìn anh Hải, Hạnh lại trào lên nỗi nhớ thương anh Mùng. Đôi mắt Hạnh cay cay như gặp khói. Anh Hải quàng vai Hạnh, thầm thì:
- Rứa là Mùng hy sinh rồi đó!
Nước mắt Hạnh bỗng trào ra. Cái điều anh Hải nói đơn giản nhưng đau xót biết bao. Qua làn nước mắt, Hạnh thoáng thấy trên gò má anh cũng đầm lìa ướt - Ánh Hải bóp nhẹ lên vai Hạnh, giọng càng trầm xuống:
- Anh thương cậu Mùng đến thắt ruột thắt gan. Mùng nó hiền như con gái. Vậy mà...
Một tiếng nấc nhẹ cắt ngang lời anh Hải.
Cho đến trước buổi anh em Hạnh chia tay nhóm thợ lặn -bây giờ chỉ còn anh Hải, anh Sâm - Hạnh mới được nghe anh Hải kể về cái chết của anh Mùng. Anh Mùng đã đụng phải một con cá lớn như một cái thuyền, truồi lặn ở đáy sâu bất chợt nhao lên từ phía lưng.
Một con mập lam.
Chiếc lưng con mập ánh lên màu lam đen lẫn vào màu nước biển, dài có đến tám mét. Dòng nước ngầm chảy xiết lôi anh Mùng lao hun hút xuống đáy sâu. Anh cắn chặt hai hàm răng, cố gắng khỏi ngất đi sau cái va chạm với con quỷ biển khổng lồ. Đầu anh dốc ngược, và cả thân mình bị đẩy bắn đi như mũi tên. Mũi lao trong tay anh đã văng mất từ bao giờ. Ánh sáng lóng lánh từ lòng nước như vun vút chạy ngược lại theo đà lao đi của anh.
Anh Mùng không kịp vượt ra khỏi dòng nước ngầm quái ác đó. Một cảm giác đau buốt từ bụng xói lên tận óc, làm anh ngất hẳn.
Con mập lam đã đuổi kịp anh. Cái miệng rộng của nó như cánh cửa bẫy mở bật ra và chớp nhoáng sập xuống một nửa người thợ lặn. Đôi chân còn nằm trong áo lặn đứt rời ra, nằm gọn trong miệng con mập lam. Nước biển nhoáng lên và một vùng loang màu đỏ.
Con mập vẫn tiếp tục đuổi theo phần còn lại của anh thợ lặn cuối dòng xoáy nước ngầm.
Lúc này anh Hải đang ở một quãng cách đó khá xa. Anh vừa tuồi lên mặt sóng quan sát, bỗng giật mình. Độ mười mét bên phải anh, nghe ầm một tiếng. Một tấm thân dài, lằn, có lưng màu lam đen, vọt lên mặt nước sau một cái quẫy mạnh. Anh nhìn rõ chiếc bụng con mập láng trắng, bóng ướt, đang thun thút sục xuống nước, hướng về phía anh.
Anh Hải cũng chúi mình nhao xuống đáy nước, mũi lao nhọn hoắt hướng về phía trước. Không phải lần này là lần đầu anh giáp mặt với cá mập. Những buổi chiều mặt trời đỏ ối, những đêm ròng giong buồm đi câu cá mập, anh đã quen với những đận gian nan và nguy hiểm chống chọi với loài quỷ biển này. Bây giờ trước mặt anh là một con mập lam, dữ dằn không kém loài mập trắng; nếu không có kinh nghiệm, khó mà thoát khỏi hàng răng nhọn hoắt của nó. Anh chợt dội lên nỗi lo lắng về anh Mùng. Không hiễu sao lại xuất hiện loại mập lam ở đây? Liệu anh Mùng... Một ý nghĩ thoáng lướt qua trong đầu anh, làm anh rùng mình.
Con mập lam đang lao về phía anh Hải. Cái miệng hình vòng cung của nó bập lên bập xuống, phun phì phì những chùm bong bóng nước như mưa, tuôn ra và bốc lên cao. Gần lắm rồi! Người và cá đều lao vào nhau. Anh Hải bỗng dừng lại, chếch vai nhích sang trái. Con mập lam theo đà vun vút tuột qua bên anh. Cả cái lườn của nó như toa tàu trượt qua mắt. Anh phóng mạnh mũi lao, mũi lao chỉ kịp cắm rất nông vào phía dưới lườn con cá biển, đã bị đẩy đi. Anh vừa kịp thu lại ngọn lao trong tầm tay thì con mập đã rùng lên, quẫy mạnh. Cả cái đuôi xòe ra như nan quạt, kéo theo một đường nước xộc qua đầu, đập qua vai anh.
Con cá bị đau càng hung hãn, Nó lao thẳng lên phía trên mặt nước, vọt lên cao, hất mình ngược trở lại. Cả cái bụng trắng nhợt nhạt của mập trong một nhoáng phơi ngửa ra trong nắng trưa vàng rộm, rồi lại chìm nghỉm vào lòng biển.
Anh Hải chỉ chờ khoảnh khắc ấy.
Khi con mập lam lật mình cho bụng xuống phía dưới, anh rún chân lấy đà, cả thân mình như một mũi nhọn, vụt đến sát con cá. Trong bộ áo lặn, anh bật lên một tiếng thét: « Ấy! », và cánh tay săn chắc đã cắm mũi lao hiểm ngập lút vào mang con mập lam. Con cá mập rùng mình, tấm thân nặng nề cong lại như con tôm, và một cơn giật giãy đau đớn làm cuộn lên cả một vùng đáy nước.
Từ trong lòng nước, hàng trăm hàng nghìn sủi nước ùng ục cuộn lên. Trong bọt sóng, máu con mập loang ra đỏ ngầu. Con mập lam quằn quại, quẫy lộn như bị động kinh. Anh Hải chĩa mũi lao di động theo những đường bơi cuối cùng của con cá sắp tử thương. Cái miệng vòng cung của nó bắt đầu hoác ra để lộ những chiếc răng trắng ởn. Cá mập cố đớp như lấy lại sức mạnh. Nước biển ộc vào cái hang miệng trống huếch. Anh Hải bơi vượt qua phía trên lưng con cá đang chìm dần. Đột nhiên anh quay trở lại. Một mũi thứ ba vùn vụt lao về phía mang trái con cá. Khi mũi lao vừa rút nhanh khỏi con vật, anh cũng đạp mạnh chân, bơi ngửa về phíu sau, trượt ra xa. Con mập giật lên một cơn nữa, cả thân mình nó vọt lên cao.
Lần cuối cùng, con mập dữ tợn tung mình khỏi mặt nước biển và đổ sầm xuống, làm tung lên những vạt nước trắng xóa, lấp lánh ngũ sắc trong ánh nắng.
Anh Hải bơi khỏi vùng xác con mập lam, đi tìm anh Mùng. Hạ được con mập, anh cũng chẳng vui gì. Anh cứ lênh đênh trên biển như vậy, lúc hơi trên mặt nước, lúc lặn sâu xuống đáy, chân tay rời rã. Vậy mà Mùng vẫn bặt tăm hơi. « Mùng ơi! Mi ở đâu? »
Mãi đến lúc anh Sâm gặp anh Hải, cả hai người bơi vào bờ, thì anh Hải hầu như đã kiệt sức. Anh chỉ còn đi được dăm bước trên bãi cát thì nằm vật ra. Anh Sâm cúi xuống người bạn lặn của mình, lòng bỗng quặn lại. Hai dòng nước mắt của anh Hải chảy ròng ròng, cùng với nước biển mặn đẫm trên má anh.
Những ngày tiếp theo, hai anh em Thành sống với tốp thợ lặn trong nỗi buồn thương khó nguôi. Ngày chia tay đã đến. Ai cũng cảm thấy bùi ngùi.
Anh Thành giơ cả hai tay nắm chặt lấy bàn tay anh Sâm, anh Hải. Anh nhìn vào mắt anh Hải, an ủi bạn:
- Anh em tôi phải lên đường rồi. Hai anh ở lại đảo công tác. Bọn tôi sẽ mãi mãi nhớ đến các anh, nhớ đến anh Mùng, tuy chúng mình chỉ ở với nhau mấy ngày...
Anh Hải cũng xúc động không kém:
- Hai anh em lên đường mạnh khỏe. Tiếc là Hạnh phải đi ngay. Nếu không, anh sẽ kéo em đi câu cá mập. Chưa biết chừng, em còn học cả nghề săn cá mập nữa đấy!
Rồi anh quay sang anh Thành:
- Tôi quên mất. Việc nghiên cứu của anh trên đảo đã xong chưa ? Nghe nói loại cá nhám đối với ngành y tế quý lắm phải không?
Anh Thành tươi cười:
- Công việc cũng hòm hòm rồi. Tôi định chỉ kiếm một chú nhám, mà các anh lại lôi về con mập. Toại nguyện lắm. Bộ gan cá các anh cho, thật tuyệt vời.
Anh Sâm ngạc nhiên ;
- Anh nói sao, bộ gan cá mập tuyệt vời à? Bọn tôi ở đây, thiếu gì!
Anh Thành giải thích:
- Các nhà bơi lặn thì chẳng thiếu gì. Nhưng với bọn tôi, nhiều bộ phận cá nhám, cá mập là những mặt hàng cao cấp đó. Này nhé, các gân vây là thức ăn quý. Cái đó lâu nay hơi hiếm. Vây cá nhám luộc kỹ lên sau đó lột bỏ bì rút ra những sợi « cước » nhỏ nhắn, tròn trịa, trong trẻo như miến tàu. « Cước » vây đó nấu với thịt gà xé hoặc tôm he... chà chà! chà chà! Nấu cỗ vây cá, quý như ăn yến. Nhưng cái đó là nói về mặt chén cho ngon thôi. Cái chính là dầu gan cá. Vi - ta - min A đó, chất bổ làm mau lại sức đó... Còn một loại mà các nhà hơi lặn cũng ít chú ý: đó là ruột cá! Ruột cá nhà táng.
- Anh Thành đáng nhẽ đi làm công tác hải sản mới phải, - anh Sâm nói - anh kể chuyện cá làm bọn tôi mê rồi đó. Nói đến cá gì, anh cũng nhìn ra nguồn lợi riêng của nó.
- Không, thật ra tôi chỉ chú ý đến nhiều lĩnh vực dược liệu thôi. Nói tiếp về cái ruột cá nhà táng. Lý thú là ở cái ruột nó. Mỗi chú cá nhà táng đều chứa trong bụng nó một « hòn sạn » tới... 60 ki - lô - gam. Khiếp chưa! Sạn ấy, lại được đặt tên rất mỹ miều là hải diên hương. Có vùng lại gọi là long diên hương. Thật ra, nó là một khối chất rắn, màu xám, sinh ra do những tuyến bì của nhuyễn thể chân dầu – một loại thức ăn của cá nhà táng – chưa tiêu hóa hết. Hải diên hương là nguyên liệu pha chế các loại nước hoa hảo hạng. Các cô gái thành thị mà có được một lọ nhỏ xíu loại nước hoa này, chà chà...
Người thích thú nhất có lẽ là anh Sâm. Anh rút vội cái bút trong túi, ghi vài chữ vào trong cuốn sổ tay. Liếc nhìn những động tác vội vã ấy, anh Hải trêu bạn:
- « Ông » Thành xem! « Cha » Sâm đã kịp ghi cái tên « diên hương » của anh kể, để kịp viết thư khoe cô bạn gái ở quê cậu ta đó!
Anh Thành sốt sắng:
- Nếu vậy, « ông » Sâm phải kể trong thư cho đầy đủ, kẻo còn sót. Ngoài tác dụng trong kỹ nghệ làm hương liệu, hải diên hương được các thầy thuốc coi là vị thuốc hoạt huyết, làm giảm đau, sát trùng. Ho, hen, suyễn, đau tim, đau bụng... đều cần đến nó.
Anh Hải cười:
- Rứa là hỏng to. « Ông » Thành xui dại mi rồi đó, Sâm ơi! Mi mà viết thư như vậy, ả sẽ giận mi không thèm ngó đến cho coi. Ai lại gán cho bạn gái xinh đẹp một lô các bệnh hiểm nghèo đó. Chui cha ! Sao dừng lại không ghi tiếp lời anh Thành đi, Sâm?
Anh Sâm đang dỏng tai nghe, cũng phải bật cười.
Nhưng anh Thành đã kết thúc:
- Hết đó. Chỉ còn một bộ phận mỡ trong đầu cá nhà táng là đáng kể nữa.
Anh Sâm vẫn không hết ngạc nhiên:
- Cái gì? Mỡ trong đầu cá? « Ông » Thành nói sao?
- Ờ! Mỡ trong đầu cá nhà táng. Có cái là khối mỡ này to lùm lùm. Dùng để sản xuất nến thì phải biết! Thôi, ông chủ thuyền đang chờ bọn tôi, chắc sốt ruột rồi. Một lần nữa, xin cảm ơn hai anh về mấy ngày qua...
- Cha chả, ông này khách sáo quá - anh Hải phẩy tay đứng dậy. - Có dịp gặp lại dù ở mô, hai anh em cứ đến với bọn tôi. Cái gì chứ món cá biển, mực, tôm tươi, bọn tôi sẽ cung cấp cho đủ ăn cả tháng. Cả chú Hạnh nữa. Cả cái tên « Tôn Ngộ Không » Tườu Ngộ này, cũng xin chu tất!
Con thuyền rời bến, đưa hai anh em Hạnh xa dần hòn đảo nhỏ heo hút. Đảo mờ dần trong màu xanh của bầu trời, của mặt biển. Tiếng những sợi dây chằng lá buồm cọ vào vải buồm ọt ẹt, ọt ẹt nghe buồn buồn. Gió biển thổi lộng từng hồi. Hút cuối tầm nhìn, Hạnh chỉ còn thấy một vệt nhỏ nhoi của doi cát trắng phau cuối hòn đảo của những người thợ lặn biển sâu. Những con sóng xô đẩy vào mạn thuyền.
Con Tườu Ngộ thoắt cái đã tìm được trò chơi mới. Nó khuỳnh hai tay, phốc lên cột buồm. Chiếc cột buồm gỗ nghiến, thân bóng như sừng trâu, dáng vững chắc, cao vút lên trời xanh. Tườu Ngộ tung mình vừa nhảy vừa leo lên tận nửa lả buồm đang no gió. Nó quay đầu ngó nghiêng nhìn xuống con thuyền, buông ra một tràng tiếng kêu rin rít thích thú.
*
**
CHƯƠNG 2
• CỐC RI VÀ CHIM CỐC TRỞ THÀNH BÈ BẠN THÂN THIẾT • TRẬN SÓNG THẦN KHỦNG KHIẾT CHỈ GẶP MỘT LẦN TRONG ĐỜI • NHỮNG CON BÀO NGƯ MANG CẶP VỎ BẢY SẮC CẦU VỒNG.
- Con khỉ trông buồn cười quá, anh nhỉ?
Đang liu thiu ngủ, Hạnh bỗng choàng dậy. Tiếng một cô bé vẳng lên bên tai. Hạnh quay lại, ngạc nhiên lắm.
Cô bé chừng mười một, mười hai tuổi, đôi má đỏ như hai quả đào chín. Không biết cô bé chui từ đầu ra trên cái thuyền buồm chẳng rộng lớn gì này. Hạnh không ngờ ngoài ông cụ chủ thuyền cho anh em Hạnh đi biển, lại còn cô bé nhỏ xíu này.
Cô bé gầy, người loắt choắt như cái nấm rơm, đôi bím tóc đuôi sam đen nhánh cũn cỡn một cách ngộ nghĩnh. Hạnh cười làm quen:
- Em là con cụ chủ thuyền à?
- Ông nội em đấy chứ! – Rồi cô bé phụng phịu: - Có thế mà không biết!
Hạnh suýt phì cười. Làm sao Hạnh biết được mà cô bé đã dỗi. Y như cái Lan, em gái Hạnh, ở nhà. Thấy cô bé ngúng nguẩy quay đi, Hạnh kéo tay áo hoa của cô, làm lành:
- Em thích con Tườu Ngộ lắm à?
- Em chẳng thích con khỉ đâu. Nom nó gớm chết. Nhưng trông nó leo cột buồm cũng buồn cười, anh nhỉ!
Em có một con này thích hơn cơ. Đẹp ơi là đẹp. Em chẳng cho anh xem đâu!
Chao! Đã khoe lại đem giấu. Chẳng khác cái Lan nhà mình. Hạnh tủm tỉm:
- Thế tên em là gì?
Cô bé cười:
- Là Xoan đấy. Nhưng ông em cứ gọi là Cốc Ri. Anh có thích cái tên ấy không?
- Cái tên Cốc Ri ấy à? Thích. Anh cũng gọi là Cốc Ri nhé! Cốc Ri không đi học à?
Cô bé giảu môi, trông đến buồn cười:
- Thế nghỉ hè mà còn đến trường à? Anh này rõ chán! Cả mấy tháng nghỉ hè, ông em cho đi biển cho quen đấy. À, em biết cả tên anh, cả tên con khỉ kia rồi nhé...
Cô bé Cốc Ri nói xong chui tọt luôn vào « ngôi nhà » trên thuyền: đó là một khoang thuyền khum khum đủ để một gia đình dân chài ở.
Trong khoang, anh Thành đang ngồi nói chuyện với cụ chủ thuyền. Anh Thành huơ huơ chén nước chè thơm nức còn bốc khói lên ngang miệng, cởi mở:
- Có lẽ năm nay cụ đến ngoài sáu mươi?
- Sáu mốt rồi. Nghề cá vất vả, nhưng được cái quanh năm đi khơi ra lộng, gió biển, muối biển làm khỏe ra, anh ạ...
Đúng là cụ chủ thuyền còn khỏe thật, dáng quắc thước với gương mặt vuông vức màu đồng hun, không thể lẫn với một cụ già nông dân vùng đồng bằng. Cụ chủ thuyền chiết thêm một đợt nước nữa vào chén anh Thành, đôi mắt nâu nheo lại vui vẻ:
- Anh nghe thấy không. Đó, có tiếng con chim của tôi về rồi đó!
- Cụ nuôi chim câu trên biển ư?
- Sao lại chim câu? Anh thử lắng nghe rồi đoán xem...
Anh Thành cố phân biệt trong tiếng gió vi vút, tiếng sóng oàm oạp, một tiếng chim lạ nào đó. Ông cụ vẫn tủm tỉm cười. Phải rồi, lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió, văng vẳng đến tai anh Thành một điệu hót lạ lùng. « Tri tri... kiu, tri tri kiu..., kiu... iu, hu hu hu hu ». Đã sống quen trên rừng, anh Thành cũng chưa nghe loài chim nào có tiếng hót như vậy. « Tri tri kiu, kiu... iu... hu hu ».
Cụ già vẫn lặng im, chếch chếch một bên tai nghe ngóng. Đôi mắt cụ đã nhè nhẹ nhắm lại, nhưng miệng cụ vẫn còn nét cười đôn hậu.
Anh Thành uống cạn chén nước chè đặc quánh, nhìn ông cụ chủ thuyền:
- Cháu xin chịu. Chắc cụ nuôi được con chim lạ và quý lắm.
Ông cụ như bừng tỉnh dậy :
- Ờ lạ, ờ quý. Dưng mà, anh phải ra coi đã.
Ông cụ thủng thẳng đứng đậy, lom khom ra cửa khoang thuyền. Anh Thành bước theo. Cô bé Cốc Ri cũng quẩn quanh bên ông. Đi ngang qua chỗ Hạnh ngồi, Cốc Ri vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu:
- Anh Hạnh ơi, ra mà xem con cốc của ông em !
Cả anh Thành, cả Hạnh đều « ô » lên thích thú. Hạnh ngỡ ngàng thật sự. Có bao giờ Hạnh nhìn thấy con chim đẹp và lạ như thế này đâu.
Con cốc đang đứng ở mũi thuyền. Đôi cánh nó giũ mạnh, làm tung những giọt nước biển còn sót lại trên bộ lông mượt mà. Đôi cánh đến là rộng, xòe ra đến bốn mươi phân. Còn cái mỏ dài mới khiếp, hơi khoằm khoằm như mỏ vịt. Hạnh say mê ngó nghiêng con chim lạ. Đầu, mào, lưng và đuôi chim óng ánh màu xanh lục. Khi xòe cánh, những cánh lông lại ánh lên màu tía đỏ. Mội vệt khá rộng trên sườn chim là đám lông trắng muốt.
Cụ chủ thuyền ném cho con cốc một chú cá con, thong thả nói:
- Giống chim này, mùa hè lông đẹp hẳn lên, nhưng sang những ngày đông tháng giá, màu lông nó đổi khác. Sở dĩ vậy, vì lông bông ở đầu và cổ, cũng như đám lông trắng bên sườn sẽ biến đổi, nên trông như đổi màu bộ áo nó.
Rồi cụ quay sang anh Thành:
- Anh có biết con cốc của tôi một ngày kiếm được cho nhà này bao nhiêu cá không?
Anh Thành lắc đầu :
- Cháu chưa biết « tài ba » của nó.
- Trừ đi việc nó ăn no rồi, cốc mang về cho tôi từ năm đến tám cân cá đó! Anh lạ lắm phải không? Cái mỏ của cốc trông thế mà khỏe. Nó có thễ lặn xuống biển và cắp lên một con cá dài đến ba tấc. Phải, ba tấc không kém!
Hạnh ghé vào tai Cốc Ri, thầm thì với cô bé:
- Lúc nãy em khoe em có con chim này hả?
Cô bé gật đầu, nét mặt sáng hẳn lên. Cốc Ri đến bên con cốc, ôm nó vào lòng, vuốt vuốt lên đôi cánh con chim, khoe với Hạnh:
- Ở đất liền, nhà em còn một con nữa cơ. Cũng lởn gần bằng con cốc này...
Hạnh rụt rè vuốt lên đuôi chim xòe ra như đuôi nhạn. Con cốc nghiêng cổ nhìn Hạnh. Đôi mắt nó trong suốt, ánh ánh màu xanh lục. Cô bé Cốc Ri rủ rỉ:
- Con cốc này, ông em nuôi nó gần bốn năm rồi đấy. Có lần nó còn theo em đến lớp học, em phải đuổi nó mới chịu bay về. Hồi còn sống, bố mẹ quý nó lắm... Nghe đứa cháu nội liu riu kể chuyện, ông cụ chủ thuyền bỗng trở nên rầu rĩ. Đôi mắt chơm chớp, ông quay ra nhìn những con sóng lô nhô trên biển.
Con thuyền đang được gió, chạy ngang qua một dãy những mỏm đá nhô lên mặt biển. Nhìn nét mặt ông già sạm hẳn lại, anh Thành lo lắng.
- Cụ thấy khó chịu trong người à?
- Không. Tôi chỉ nhớ đến chúng nó thôi. Là tôi nói thằng con trai và đứa con dâu tôi. Cơn sóng thần... Ờ, các cụ thường bảo, cơn sóng thần...
Anh Thành chưa rõ cụ chủ thuyền lầm bẩm nói cái gì, thì cụ đã đột ngột quay lưng, chui vào khoang.
Đêm ấy, cụ chủ thuyền lên cơn sốt cao.
Anh Thành đã ba lần thay khăn mặt ướt đắp lên trán ông lão, mà cơn sốt chưa nguôi.
Hạnh và cô bé Cốc Ri thức khuya đã mệt, nằm lăn lóc trong góc khoang. Những con sóng rì rầm vỗ nhẹ lên mạn thuyền như một bài ca xa vắng buồn bã, mãi không thôi.
Sau khi uống mấy viên thuốc hạ sốt anh Thành mang theo, cụ chủ thuyền đã nằm im. Anh Thành tưởng ông lão ngủ yên, đã mừng, nhưng ông lão lại xoay mình, nói trong cơn mê:
- Cơn sóng thần năm đó. Phải rồi. Cơn sóng thần tan đi, nhưng tôi chỉ còn con cốc thôi! Chỉ còn có con Cốc thôi!
Ông lão bỗng khóc nấc lên. Anh Thành vội vã vuốt lưng, vuốt ngực cho ông.
Nửa đêm, anh Thành vừa chợp mắt được một lúc thì ông lão lại tỉnh dậy. Ông lão ngồi lên như chưa hề biết đến cơn sốt ban tối. Vặn to ngọn đèn, ông lão nghiêng người quờ quờ lần tìm trong góc chiếc chõng tre. Có tiếng va lách cách của bộ ấm chén làm anh Thành tỉnh giấc. Ông lão than thở:
- Đến khổ vì mắt với mũi!
Anh Thành nhấc lên mấy chiếc chén lăn lóc:
- Cụ đang sốt, còn dậy pha chè làm gì?
- Cảm ơn anh. Tôi qua khỏi rồi. Ấy, độ ít lâu nay, tôi thường bị những trận sốt đột ngột như vậy. Nhưng chóng ốm, cũng chóng khỏe. Như là người có ma làm. Ta pha ấm nước chè ngon chứ, anh Thành?
Cơn buồn ngủ cũng tan đi. Anh Thành gợi chuyện:
- Lúc tối, cụ làm cháu lo quá. Cơn sóng thần nào mà làm cụ sợ hãi, cứ nhắc mãi khi lên cơn sốt thế?
*
**
Hạnh đã ngủ một giấc lâu lắm. Kể từ hôm ra đi, đến tận đêm nay Hạnh mới thật sự có một lần lênh đênh trên biển. Ngọn đèn bão từ trong khoang thuyền hắt ra ánh sáng yếu ớt thành một vệt mỏng manh đầu mũi thuyền.
Bốn bề mênh mông sóng nước. Giấc ngủ tan biến khỏi đầu Hạnh. Những ngôi sao đêm trên biễn sáng chói lên, hơn cả ở trong đất liền. Đến là nhiều sao. Như một đêm tụ hội của những ngôi sao. Ở tít chân trời xa xôi kia. Ở trốn đỉnh cao thăm thẳm kia.
Biển về đêm hơi lành lạnh. Con Tườu Ngộ co mình, rúc đầu vào trong nách Hạnh, ngủ say sưa như một chú bé. Hạnh bỗng thấy buồn cười. Tườu Ngộ kém hẳn chú Vện Ốc về cái tài thức đêm. Bây giờ, Vện Ốc đã ở xa Hạnh hàng mấy trăm cây số. Chắc nó óan anh em Hạnh lắm về cái buổi sáng lên đường, anh Thành đã nhốt nó vào căn phòng làm việc...
Bất giác, Hạnh bỗng trở mình nằm nghiêng, nhìn những con sóng rập rềnh đầu mũi thuyền. Tiếng sóng rất nhẹ, rất êm như vỗ về người ta vào giấc ngủ. Hạnh chăm chú nhìn. Trên lưng những con sóng, lung linh những quầng sáng rực rỡ. Không phải ánh sao trời. Ánh sao xa vời yếu ớt lắm. Hạnh nhớ ra ròi. Ánh sáng của những con trùng roi, của những sinh vật phù du trên biển mà có lần anh Thành đã nói với Hạnh. Những đốm sáng, lúc tản ra lúc tụ lại thành quầng, loang loáng, nhấp nhánh như lân tinh. Một chú cá đi ăn đêm bỗng từ trong sóng nước vọt lên và như mảnh thia lia phóng ngang mặt nước ròi lại chui vào lòng biển cả.
Từ trong khoang thuyền, có tiếng ấm chén lách cách, tiếng rì rầm của anh Thành và cụ chủ thuyền. Cô bé Cốc Ri chắc đang ngủ say rồi. Cô bé thật ngoan. Cái bím tóc của nó trông ngộ quá. Những ý nghĩ mông lung thoáng ẩn thoáng hiện trong đầu Hạnh. Tiếng sóng nước vẫn đều đều dặt dìu bên tai. Bỗng Hạnh lắng tai nghe. Hình như cụ chủ thuyền nhắc đến con cốc. Giọng ông lão trầm trầm. Sao trong giọng cụ chủ thuyền, có cái gì buồn bã đến thế...
Mời các bạn đón đọc Ở Nơi Biển Cả của tác giả Hoàng Xuân Vinh.