Chúa đã khước từ mở đầu như một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Mười bốn mục sư bị bắt khi quân Bắc Hàn chuẩn bị tiến vào Nam Hàn năm 1950. Mười hai người đã chết, một kẻ hóa điên, và mục sư Shin câm lặng. Sự thật nào đang bị che giấu? Sự câm lặng kia là tuẫn giáo hay hèn hạ?
Câu hỏi ấy không được trả lời ngay. Mục sư Shin hiện lên vừa như Judas “kẻ phản Chúa” nhận lời sỉ vả của giáo dân, vừa như Chris một mình bị đóng đinh vào thánh giá giữa nhân quần đang say máu chém giết. Ông là ai, hỡi người tu sĩ không thần linh, gánh vác trách nhiệm về “sự thật”, về “niềm tin” khi mà Chúa đã bỏ loài người.
Sự thành công vang dội của Chúa đã khước từ nằm ở chỗ nó gợi nhớ đến vô số ẩn dụ lớn về tầm vóc con người trong mối quan hệ với đức tin thiêng liêng: liệu có thể chết cho một đức tin mỏng manh như ảo ảnh; liệu chỉ cái chết mới có thể phục sinh lại những điều tốt đẹp đã mất; liệu cứu rỗi có tồn tại và nếu có, nó có tới từ các thánh thần hay không; liệu có thể có hy vọng nào cho loài người – những kẻ không còn đức tin đang lao vào những cuộc “thánh chiến” ý thức hệ.
Những câu hỏi ấy vang lên khi trong lòng phương Tây đang khủng hoảng niềm tin vào những truyền thống Ki-tô và phương Đông đang rên xiết trong những cuộc tranh chấp quyền lực. Một hiện thực đau đớn đến độ cá nhân tuyệt vọng mong cúi đầu chờ sự ban phước của Chúa trời rồi nhận lại câm lặng hư không. Trong cơn phi lý cùng cực ấy, kẻ vác thánh giá chỉ có thể là cá nhân lẻ loi, như mục sư Shin, chọn im lặng để lộn trái lại hiện thức không còn lối thoát.
Tư tưởng ấy, đúng như lời đề tặng đầu sách, có ảnh hưởng lớn lao từ nhà hiện sinh chủ nghĩa Camus với tiểu thuyết Dịch hạch, khi mà chúng ta không thể trốn tránh và chiến thắng sự phi lý tồn tại hiển nhiên khắp nơi, cái làm nên nhân tính là việc cá nhân đối mặt với sự phi lý ra sao.
Chúa đã khước từ loài người, loài người đã khước từ lẫn nhau, chỉ còn cá nhân và cây thánh giá riêng anh ta phải vác mà thôi.
Là một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực với khả năng phân tích tâm lý vô cùng tinh vi, Alberto Moravia đã khá quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch rất thành công Cô gái thành Rome những năm 1980. Hai tập truyện ngắn mới được dịch gần đây của ông giúp ta khám phá một khía cạnh thiên tài khác của Moravia: sự kết hợp hoàn hảo giữa thủ pháp truyện ngắn cổ điển và hiện đại.
Nối tiếp tập 1 về Rome những năm trước 1945 – thời kỳ đen tối của phát xít Ý, Moravia vẽ lại một cách chân thực nhất con người thành Rome giai đoạn 1950-1960, khi nước Ý đi vào công cuộc tái thiết hậu chiến tranh.
Gồm 20 truyện ngắn, mỗi truyện ngắn đều là một hoàn cảnh trớ trêu mà nhân vật chính bị đẩy vào giữa lòng Rome nhập nhằng giữa một thành phố đói nghèo tan hoang đầy khu ổ chuột với một đô thị hào nhoáng giả tạo bởi guồng máy chính trị châu Âu đương thời.
Khi thì nhân vật nghèo đến nỗi chỉ thèm có một đôi giày thôi, rồi phải làm việc xấu để có giày. Và khi bị đẩy vào tù thì tự nhiên ao ước thành hiện thực, một đôi giày đã ở dưới chân. Khi thì nhân vật bị lường gạt bởi hào quang rạng rỡ nhân văn nhất của nước Ý: điện ảnh. Khi thì tâm tính nhân vật bị tha hóa và nghiến nát bởi biểu tượng mới của nền văn minh tiền bạc: xe hơi hạng sang. Tất cả các truyện ngắn đều mở đầu khi nhân vật chính bắt đầu với một dằn vặt thường ngày của những kẻ dưới đáy và kết thúc khi sự trớ trêu của hiện thực vừa ập đến một cách chua xót và mỉa mai.
Nếu như trong tập trước, Rome chỉ là phông nền u xám cho những cảnh đời cơ cực, thì ở tập này, Rome xuất hiện như một biểu tượng phức hợp hơn: thành phố của chủ nghĩa tư bản suy đồi, thành phố của “cơ giới hóa” dần mất tính người, thành phố của sự đổ vỡ quan hệ giữa các cá nhân,…. Ở đó con người hiện “nguyên hình” hơn, với tất cả ghen tức, đố kỵ, tha hóa, đớn hèn, lừa lọc. Và tất nhiên, cũng có cả tình yêu, tương trợ và hy vọng.
Cuốn sách Những Câu Chuyện Thành Rome này sẽ làm thỏa lòng bất kỳ ai yêu mến thể loại truyện ngắn bởi nó vừa gợi nhớ đến kỹ thuật viết truyện ngắn kinh điển kiểu Chekhov: dùng một con dao phẫu thuật lạnh lùng để luồn lách vào từng khoảnh khắc mà khám phá ra toàn bộ hiện thực; vừa gợi nhớ ra những kỹ thuật điện ảnh cách tân của phái Tân hiện thực Ý – khi hiện thực không phải một khối đứng yên mà là mê cung bất định nơi nhân vật không bao giờ biết bấu víu vào đâu.
Rolland – tác giả của bộ tiểu thuyết vĩ đại Jean Christophe - viết Đời Tolstoy năm 1911 khi Lev Tolstoy vừa vào cõi vĩnh hằng và mây đen chiến tranh dần xuất hiện khắp châu Âu.
Tolstoy đã nhìn thấy trước sự suy đồi của văn minh phương Tây và gửi những thông điệp đau đớn đến toàn châu Âu qua những kiệt tác Anna Karenin, Cái chết của Ivan Ilyitch,… Tiếng vọng từ lương tri ấy thống thiết đến nỗi khi Rolland hồi tưởng lại tuổi trẻ của mình, khi băn khoăn đứng trước những dòng tư tưởng, thì ông và đồng môn, sau mọi trường phái văn học, chung cục lại đều bàn về Tolstoy.
Cuốn hồi ký này độc đáo ở chỗ dù gần 20 chương được cấu trúc theo thứ tự thời gian từ lúc Tolstoy thơ ấu đến những biến động khác lạ cuối đời ông, nhưng tên mỗi chương lại gắn liền với một vấn đề tư tưởng lớn hoặc một tiểu thuyết định hình văn chương Tolstoy.
Chính sự đan cài khéo léo ấy khẳng định rằng không có sự phân chia rạch ròi cuộc đời hay tiểu thuyết Tolstoy, không có Tolstoy trước khủng hoảng hay sau khủng hoảng, không có Tolstoy hiện thực hay siêu hình, không có Tolstoy Nga hay châu Âu. Chỉ có duy nhất một Tolstoy – “mẫu người cao nhất trong số các Ki-tô tự do, phấn đấu suốt đời cho một lý tưởng [bác ái] mà ngày càng xa xôi”.
Để khước từ những thứ dán nhãn mang tính chính trị hẹp hòi trên, Rolland đã viết về thần tượng văn chương của mình bằng cách kết hợp các dấu ấn trong đời Tolstoy với những tư liệu văn chương để đạt đến lối phân tích thấu suốt kiểu sử gia.
Nhưng lối viết lại không lạnh lùng, bởi cái cuối cùng Rolland tìm đến không phải những kết luận chung cục mà là sự cố “hiểu mà cảm” những mâu thuẫn không dứt giằng xé nội tâm Tolstoy: Phải ứng xử ra sao với tình yêu? Tại sao mỗi cá thể vừa tầm thường ở mức cá thể vừa thánh thiện ở mức đại thể? Có hàng triệu người đang đau khổ, tại sao các người chỉ nghĩ về tôi [Tolstoy]? Chọn gì, sự thật hay tình yêu?
Cuốn sách này còn thú vị với độc giả Việt Nam bởi nó gợi mở góc nhìn sâu sắc và mới lạ về những tác phẩm đã quen thuộc: Phục sinh, Sebastopol, Anna Karenina…
Là tác phẩm thứ ba của Kazuo Ishiguro được dịch tại Việt Nam, Người khổng lồ ngủ quên tiếp tục thể hiện khả năng tưởng tượng xuất chúng khi xây dựng cả một thế giới rộng lớn để tái khám phá những câu hỏi bản chất nhất của sự tồn tại, cả ở cấp độ thân phận cá nhân lẫn cấu trúc xã hội: Ký ức đến từ đâu? Cách mỗi cá nhân tái hiện ký ức, truy tìm những điều lãng quên có thực sự đúng đắn không? Xã hội này sẽ về đâu nếu nó không còn có ký ức hay từ chối các ký ức?
Đưa người đọc về nước Anh thời trung cổ, hai vợ chồng già bỗng một ngày nhớ ra hình như mình có một đứa con rồi muốn tìm lại đứa con đã lâu không gặp ấy. Một hình ảnh rất khác với mô típ thông dụng của tiểu thuyết và phim: những đứa trẻ rời bỏ thế giới rộng lớn để quay về ngôi nhà xưa – nơi chất chứa các ký ức - để rồi ghép các mảnh quá khứ cùng hiện thực lại thành một bức tranh mới về những khoảnh khắc gia đình tưởng như vĩnh viễn bị chôn vùi. Hai người già bắt đầu một chuyến phiêu lưu ra ngoài thế giới nhưng cái đợi họ chỉ là màn sương dày, hai người đồng hành kỳ lạ: một hiệp sỹ với những sứ mạng phong kiến đầy thù hận không dứt và một đứa trẻ cô độc.
Màn sương bao phủ tất cả làng quê, bởi một con rồng đâu đó xa xôi tạo ra, nhưng đậm đặc hơn là màn sương trong tâm trí mỗi người, sống quá lâu trong cảnh vật lãng đãng và xã hội chồng chéo những giả tạo, họ không còn biết đâu là ký ức cá nhân đến từ quá khứ hay là một quá khứ mới được “chế tạo” ra mà họ tự nhận vào đầu. Hai người già ấy thực sự sẽ tìm thấy gì khi họ thật chậm, thật chậm, dần khám phá ra những ký ức đã mất sau những cú chuyển hiện thực đầy bất ngờ, rằng ký ức sẽ lật nhào tất cả những gì họ tưởng rằng mình đã có.
Cuốn tiểu thuyết này không phải để trả lời câu hỏi: Hiện thực nào là đúng, quá khứ nào là sai. Nó trả lời một câu hỏi đau đớn và bất định hơn: Liệu chúng ta có nên học cách quên? Liệu chúng ta có nên truy tìm ký ức hay không, hay cứ sống yên với ký ức luôn được tạo mới mỗi ngày để tồn tại trong một thế giới phủ sương?
Đặt ký ức vào hai tình huống lớn lao nhất của nó: chiến tranh và tình yêu, Kazuo Ishiguro tái hiện một cách tinh vi nhất cách cá nhân trong mối quan hệ với chính nó và với toàn xã hội thông qua thái độ đối với ký ức. Vì thế đây là cuốn sách về trách nhiệm của sự lãng quên và mất mát của việc nhớ lại.
Lang Minh - Zing.vn