Văn Nguyễn Văn Thọ khá cuốn hút. Anh chinh phục bạn đọc không phải bằng những tình tiết lắt léo hay những cốt truyện ly kỳ, mà bằng sự chân thành, từng trải và giàu tính nhân bản. Mà cũng phải thôi. Bởi trước khi thành nhà văn nổi tiếng, được kháng định bằng nhiều giải thưởng văn chương có uy tín, Nguyễn Văn Thọ từng là lính trận, lại trải qua nhiều năm lặn lội kiếm sống trong nước và cả ở nước ngoài. Chính những năm tháng khốc liệt, sóng gió ấy đã cho Nguyễn Văn Thọ một vốn sống phong phú, sự từng trải đến lọc lõi, thành hành trang giúp anh có thể đi được bển, đi được xa trên con đường sáng tạo văn chương.
Sau tiểu thuyết Quyên, Nguyễn Văn Thọ lại trở về với truyện ngắn. Đọc anh, dù ở bất cứ thể loại nào, không hiểu sao, tôi cứ hình dung một lão thợ đầu lực lưỡng, chân thành và bộc trực. Lão cứ huỳnh huỵch xắn từng mảng đời sống mà vật lên trang giấy. Sự mặn mòi, đắng đót của đời sống đã cho Nguyễn Văn Thọ những trang văn thực sự hấp dẫn, vừa giản dị thật thà, vừa sinh động, biến hóa. Ai đã đọc rồi thì rất khó quên...
Tập truyện ngắn
Sẫm Violet gồm có:
- Lỡ chuyến
- Sẫm Violete
- Tấm chăn màu huyết dụ
- Tiếng Khóc
- Tình yêu người thợ giầy
- Lời hứa của chiến tranh
- Hương Mĩ Nhân
- Lằn ranh kẻ cắp
***
Kết thúc cuộc chiến, hắn trở về nguyên vẹn.
Mười hai năm cuộc chiến như một giấc mộng dài, biến hắn từ một cậu học trò tơ non, thành một cựu chiến binh, dầy dạn kinh nghiệm chiến tranh, thiện chiến. Hắn chợt nhận ra ngay, ở ngày hòa bình đầu tiên, tất cả những sự tích tụ giúp hắn tồn tại, vượt qua cái chết, vụt hoá thành vô dụng trong tích tắc đầu tiên của ngày hoà bình. Hắn, kể từ phút đó, với thời bình, là một tay ngốc ngếch. Một kẻ chỉ biết tuân lệnh và ra lệnh, phải bắt đầu từ con số không, làm quen với tất cả đời sống bình thường của con người. Đúng là khó khăn!
Hắn tự an ủi, trong những ngày đầu ở Hà Nội, khi trở về không một xu dính túi: "Thôi! Ta còn sống để trở về ngôi nhà nhỏ thân thuộc. Bao bạn ta mãi mãi chẳng trở về!" Nghĩ vậy mà vẫn ứa nứớc mắt! Trở về Ngôi nhà ấy, nay đã vắng bóng người mẹ của hắn, người mà có thể chở che và đùm bọc hắn với tấm lòng bao la, yêu thương nhất. Hắn thất nghiệp, lang thang trong thành phố đi xin việc hàng ngày. Và, buổi tối trèo lên gác thượng, gẩy cây đàn ghi ta rè cũ, hát những bài ca cũ. Đôi khí hắn đọc thơ cho cô cháu gái nghe. Cực hình nhất, là khi cô cháu lại thích bài Đợi anh về của lão Simonop với cái giọng chùng buồn ấm áp của hắn. Sau này, có lần hắn nói với cháu: Này, bài đó đọc trong rừng thấy ấm áp. Đọc khi trở về chẳng có người yêu chán và lạnh. Hắn vẫn giữ tính chân thành và thật như đếm.
Nơi hắn ở, gọi là phố mà như xóm, như làng. Đối diện nhà hắn, cách con phố ngang năm mét, có nếp nhà dựng lên trong khi hắn còn ở rừng. Lưng dãy phố tạm ấy, dựa vào khu tường nghĩa địa Tây. Nghe nói dãy dài nhà đối diện, là cửa hàng mậu dịch bán rau và thịt. Chái bán rau, được chia cho một gia đình cán bộ tập kết dọn tới trước khi chiến tranh kết thúc. Bà má của gia đình ở đó, nói giọng miền trung ấm áp. Bà có nụ cười rất tươi, mắt nhân hậu. Có một lần, bà nói với hắn bùi ngùi: "Mẹ cậu là một người rất tốt bụng. Hồi bà còn, cô vẫn hay sang chơi." Qua cô cháu gái, hắn biết được, ngôi nhà ấy có một cô gái bằng tuổi cháu hắn. "Nó mê tiếng hát của cậu lắm. Những tối cậu hát, nó chạy hẳn sang nhà, rủ cháu lên cầu thang nghe trộm". Hắn cười.
Cuộc sống thời bình thật khốn nạn với một kẻ lương thiện, đã hai ba tháng lang thang vẫn không thể tìm một công việc ở Hà Nội, khi mà đi xin việc, đâu cũng nhan nhản lính trở về.
...
Mời các bạn đón đọc
Sẫm Violet của tác giả
Nguyễn Văn Thọ.