“Tình yêu không nhất thiết phải được thử thách ở tầng cao của tinh thần, mà ở dưới này, ở thực tại của chúng ta. Nơi đôi khi cũng đầy cay đắng.”
Chàng-nhà báo Đức
Nàng-gái gọi Cam-bốt, còn nhiễm HIV
Cuộc sống từng ngày của họ làm rúng động tất cả
2003, Phnôm Pênh: Benjamin Prüfer làm quen với Sreykeo trên sàn nhảy, như bao anh chàng Tây ba lô với các cô gái bán hoa khác.
Một chút quyến luyến. Benjamin muốn gửi tiền đưa Sreykeo ra khỏi nghề mại dâm.
Nhưng một vực thẳm đã sớm hiện ra: Sreykeo đã nhiễm HIV.
Những chuyến đi về giữa hai đất nước với hai nền văn hóa khác biệt
Niềm hạnh phúc ngọt ngào và ngắn ngủi: Cuộc đấu tranh vì tình yêu đã sớm biến thành cuộc đấu tranh giành sự sống từ móng vuốt tử thần…
Một câu chuyện cảm động tâm can, chỉ có thể do cuộc sống thật viết ra!
***
Đây là một trường hợp nữa của việc mua sách từ lâu nhưng bây giờ mới đọc :)) Và một khi mình đã đọc cuốn này là đọc liền tù tì mấy ngày không dứt được, bởi mình đã bị cuốn sách cuốn hút ngay từ những trang đầu tiên.
Tây ba lô cặp với gái mại dâm ở các nước Đông Nam Á là chuyện không có gì mới. Điều khiến cho cuốn tự thuật này của tác giả Benjamin Prufer trở nên đặc biệt, đó chính là những gì xảy ra sau đó, là tình yêu, là hành trình mang tính khai mở và đầy những trải nghiệm không thể nào quên mà tác giả đã cùng trải qua với Sreykeo - cô gái người Campuchia làm nghề mại dâm anh đã quen trong một hộp đêm tại Phnom Penh. Yêu một người là nhìn nhận người đó theo ý Chúa muốn thế, và Benjamin đã nhìn xuyên qua cái nghề nghiệp bị xã hội đánh giá của Sreykeo để nhìn ra được bản chất thực sự của cô: một người phụ nữ cố gắng bằng mọi cách có thể, chấp nhận mọi đau đớn tủi hổ từ người mẹ chỉ biết xem cô là cỗ máy kiếm tiền để hiện thực hóa ước mơ cả đời của mình - có được một người chồng và một gia đình hạnh phúc với những đứa con.
Sreykeo không còn trong trắng khi đến với Benjamin, nhưng trái tim cô thì trinh bạch, dẫu Benjamin đã phải phạm khá nhiều sai lầm, có lúc tưởng chừng muốn buông xuôi tất cả, mới nhận ra điều đó. Tình yêu của họ dĩ nhiên là không đầy mật ngọt hoa hồng, và nó khá bi thương (đọc một số đoạn khiến mình muốn khóc), nhưng không hề bi lụy. Nó không chỉ là một câu chuyện tình yêu, nó còn là một quá trình hai con người gặp gỡ nhau như thể số phận sắp đặt sẵn, và thay đổi nhau, thay đổi chính mình. Những hiểu lầm, cãi vã, sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, tình cảnh nợ nần ngập ngụa của Benjamin, sự thiếu thốn tiền bạc vào khoảng thời gian đầu, và nhất là cuộc đấu tranh giành sự sống cho Sreykeo từ móng vuốt tử thần của căn bệnh HIV, tất cả đã giúp Benjamin trưởng thành từ một chàng thanh niên 22 tuổi, mới ra trường và học đòi hút weed, cho đến một người đàn ông đủ chín chắn, đủ vững chãi để không chỉ lo cho cuộc đời mình mà còn cả cuộc đời của người phụ nữ anh kết hôn.
Cuốn sách kể về một mối tình khó tin nhưng có thật, và đồng thời, nó cũng miêu tả một cách vô cùng chân thật văn hóa, tín ngưỡng Campuchia, cũng như những quan niệm xã hội khắt nghiệt áp đặt lên người phụ nữ Khmer. Trước khi đọc cuốn sách này, mình đã từng nghĩ quan niệm về trinh tiết của người phụ nữ ở Việt Nam là đã khắt khe lắm rồi (thừa nhận đi các anh, có ai trong các anh muốn cưới một người vợ không còn trong trắng không hả?). Không ngờ là ở Campuchia, quan niệm ấy còn khắc nghiệt hơn, khắc nghiệt đến nỗi nó dễ dàng là tác nhân đưa đẩy những người phụ nữ Campuchia vào con đường mại dâm, sau khi họ đã lỡ đánh mất trinh tiết của mình trước khi kết hôn. Mại dâm, đối với những người phụ nữ bị xã hội gọi là “đen” đó, là sự lựa chọn duy nhất về công việc nếu họ muốn kiếm một tấm chồng. Bởi đàn ông Campuchia không ai muốn rước một cô vợ đã bị “ô uế” về làm vợ cả, chỉ còn lại đàn ông Tây trong những quán bar, hộp đêm là đối tượng khả dĩ duy nhất mà thôi.
Cái đoạn anh tác giả miêu tả đám cưới theo phong tục truyền thống của anh và Sreykeo đúng là mắc cười quá xá. Cứ ngỡ phong tục cưới Việt Nam đã rườm rà lắm rồi ấy chứ (bởi vì thế mà sau này, nếu mình có “lỡ dại” bước chân vào “cái lồng hôn nhân” thì mình muốn một đám cưới đơn giản, tổ chức ở sân vườn, mời những người thân thiết nhất mà thôi, kiểu giống như Tây ấy :D), không ngờ đám cưới đúng truyền thống ở Campuchia còn nhiều lễ nghi hơn gấp bội ^^ Mà gặp anh Benjamin cũng là người chịu khó hòa nhập, chịu khó học cách đối đãi, học ngôn ngữ, học văn hóa Campuchia. Chứ gặp kiểu con gái bướng bỉnh như mình thì tiêu rồi, chắc không tiến tới được cái bước kết hôn luôn ấy chứ :D
P.S.: Cuốn tự truyện này đã được dựng thành phim, tên là “Same Same But Different”, mà sao mình coi trailer thấy diễn viên hổng giống người thật ngoài đời chút nào hết… Anh Benjamin tóc xoăn tít thò lò mà lên phim được đóng bởi anh diễn viên David Kross tóc thẳng đơ, mặc dù anh này đẹp trai khỏi nói rồi ha (hồi đó đóng vai chính trong phim “The Reader” chung với Kate Winslet đó mấy mẹ ^^).
***
Heart of Darkness(1)
Tôi gặp cô hôm 8 tháng Chín năm 2003, bên rìa sàn nhảy của Heart of Darkness, một câu lạc bộ ở Phnom Penh được cẩm nang du lịch miêu tả là “tưng bừng từ nửa đêm trở đi, và có thể có nhạc hay.” Tối hôm ấy một gã người Khmer bán cho tôi thứ bột mà gã cam đoan là cocain, giá năm đô la. Cơn phê thuốc thoắt tiêu tan, đem theo cả hứng thú bia rượu và phiêu lưu. Sau đó tôi chỉ uống nước. Cũng đã ba năm trôi qua rồi, chả trách mà tôi quên bẵng hôm ấy nghĩ gì. Có lẽ tôi chỉ ngồi đực ra đó và ngạc nhiên tự hỏi - không phải lần đầu và cũng không phải lần cuối trong chuyến du lịch này - thế lực quỷ quái nào đã đưa mình đến châu Á này.
Thùng loa ném ra một hỗn hợp ngớ ngẩn pha trộn nhạc rock thập niên 80 với hip hop khiến tôi nhớ đến buổi liên hoan tốt nghiệp trung học. Trong ánh sáng nhập nhoạng tôi thấy các cô gái Campuchia và Việt Nam quấn lấy mấy du khách Tây ba lô trẻ. Gái Việt Nam nhanh nhẹn và mảnh mai, gái Campuchia rám nắng và bí ẩn. Quanh tường là đám con trai nhà giàu xổi của Phnom Penh đứng khoanh tay nhìn ngạo mạn. Một người tách khỏi đám đông. Đó là Ed, sinh viên Y khoa ở Munich; trước đây mấy hôm tôi làm quen với cậu ta trên thùng xe Toyota bán tải. Chúng tôi ngồi trên đó cùng một núi ngô và hai gia đình Campuchia phóng xòng xọc trên đường rừng của Mondulkiri(2). Đồng tử của Ed nở to như hai hòn bi ve. “Không tưởng tượng nổi. Mình đang ở trong hộp đêm của Campuchia và hít thứ bột trắng này. Ôi, Campuchia là thế đấy!” Vừa dứt lời, cậu lại biến vào biển người.
Đột nhiên cô gái hiện ra từ trong bóng tối và hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh bồi, xin phép được ngồi cạnh. “Vâng,” tôi nói. Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau một hồi. Sau đó cô ta thử bắt chuyện. Cô xòe tay cho tôi xem: “Trông này, em mới làm móng tay hôm nay. Anh thấy chưa? Hai đô la đấy.”
Tôi nhìn móng tay cô. Đó là móng tay của một cô gái thành phố: dài, đỏ, mỗi móng vẽ một vệt quệt ngang màu bạc lấp lánh hình tia chớp. Tương phản một cách kỳ lạ với da tay thô ráp, nhăn nheo, nhiều sẹo của những vết xước. Đó là đôi tay của người làm ruộng. Trước mắt tôi thoáng hiện hình cô đang cấy lúa, đầu quấn tấm khăn vải ố vàng che nắng nhiệt đới, chân trần ngập đến đầu gối trong bùn nóng.
“Làm móng tay mà những hai đô la thì hơi nhiều đấy,” tôi nói.
Tôi không rõ cô ta muốn gì ở mình. Cô không son phấn như những cô gái khác ở hộp đêm. Và cũng không gây ấn tượng mơi tôi làm một cú phiêu lưu với cô. Cũng chẳng ăn mặc khêu gợi. Có lẽ không phải gái mại dâm.
“Tên em là gì?” tôi hỏi.
“Rose.”
Không phải tên Campuchia.
“Đó không phải tên thật của em,” tôi nói.
“Sreykeo,” cô nói.
Tôi không phát âm được, và rồi cũng quên luôn. Chúng tôi lại im lặng.
Rồi cô ngả đầu lên vai tôi. Một cử chỉ tinh tế và thân mật khiến tôi luống cuống. Tôi ngồi cứng đờ và tự hỏi liệu cô đã ngủ thiếp đi chưa. Một lát sau chúng tôi ra sàn nhảy. Tôi định hôn cô vì cho rằng cô cũng muốn thế. Nhưng cô ngượng ngập. Một lúc sau cô kêu mệt.
Tôi làm quen Sreykeo như thế đó.
Mời các bạn đón đọc Sống Từng Ngày - Một Mối Tình Khó Tin Có Thật của tác giả Benjamin Prüfer.