Dịch giả Phạm Văn Thiều không chỉ là người chuyển ngữ cuốn sách lớn nhất của Stephen Hawking - Lược sử thời gian (cùng Cao Chi), mà ông còn là người dịch nhiều đầu sách về khoa học nổi tiếng khác.
Bằng sự am hiểu của một người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ngành vật lý (ông hiện là Phó Tổng thư ký hội Vật lý Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Vật lý & Tuổi Trẻ), Phạm Văn Thiều có bài viết về bộ óc sáng chói Stephen Hawking.
Ngày 14/3/2018, theo thông báo của gia đình, giáo sư Stephen Hawking, ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời khoa học đã qua đời tại nhà riêng ở Cambridge ở tuổi 76. Ông từng tuyên bố rằng “Tôi không sợ chết, nhưng tôi không việc gì mà phải vội vã chết cả. Tôi có quá nhiều điều còn muốn làm”.
S. Hawking - một bộ óc vĩ đại nhất thế giới, một cuộc đời truyền cảm hứng. |
Stephen Hawking sinh năm 1942 ở Oxford, trong một gia đình có bố là một chuyên gia về bệnh nhiệt đới và mẹ là một người cấp tiến có tư tưởng tự do, người đã có nhiều ảnh hưởng đến ông.
Năm 8 tuổi gia đình ông chuyển đến St. Albans, ông theo học phổ thông ở đây. Ông được các giáo viên đánh giá có khả năng đặc biệt và đã giành được học bổng theo học vật lý ở Oxford.
Thật không may, năm 1963, ngay sau sinh nhật ông lần thứ 21, các bác sĩ đã chẩn đoán ông mắc một căn bệnh hiểm nghèo, không thể chữa khỏi. Đó là bệnh về thần kinh vận động, chứng xơ cứng teo cơ (ALS). Các bác sĩ dự đoán may lắm ông chỉ sống được vài năm nữa.
Nhưng sau đó không lâu, không giống những người bình thường trong tình trạng ấy, dễ tuyệt vọng buông xuôi, Hawking tập trung xem xét một số vấn đề cơ bản nhất liên quan đến bản chất vật lý của vũ trụ.
Ông khát khao đạt được những thành công phi thường để chống lại sự tàn phế nghiêm trọng về thể chất của mình. Bất chấp những quan niệm đã xác quyết của y học, ông đã sống được thêm 55 năm nữa.
Nhưng những người sống dưới cái bóng của thần chết hóa ra lại sống được nhiều nhất. Chứng kiến cái chết của một cậu bé mà ông quen ở bệnh viện do bệnh máu trắng, trong ông bỗng khởi phát một ý thức mới mẻ về mục đích.
Ông nói: “Mặc dù có đám mây đen luôn treo lơ lửng trên tương lai của tôi, nhưng thật ngạc nhiên, tôi phát hiện ra rằng, giờ đây tôi ham (enjoying) sống còn hơn cả trước đây. Tôi bắt đầu có những tiến bộ trong nghiên cứu”.
Và ông đã nói rõ: ”Mục đích của tôi thật đơn giản. Đó là hiểu biết một cách đầy đủ vũ trụ: tại sao nó lại như hiện có và tại sao nó lại tồn tại”.
Khi mới là nghiên cứu sinh năm thứ hai, bằng những kỹ thuật toán học mà phần lớn các nhà vật lý thời đó còn xa lạ, Hawking đã chứng minh được rằng một ngôi sao nặng khi co sập lại sẽ tạo thành một kỳ dị trong không-thời gian.
Đó là nơi mà mật độ và độ cong của không - thời gian có giá trị vô cùng lớn, một thực thể mà sau này người ta gọi là lỗ đen. Điểm kỳ dị như thế nằm sâu trong một “chân trời” mà cả ánh sáng lẫn vật chất không thể thoát ra ngoài.
Tiếp sau, Hawking đã xác lập được nhiều kết quả quan trọng về các lỗ đen, chẳng hạn như lập luận chứng tỏ hình học của chân trời sự cố của lỗ đen tương tự như mặt cầu.
Cùng với một số đồng nghiệp, ông đã xác lập được một số điểm tương tự quan trọng giữa hành vi của các lỗ đen với các định luật cơ bản của nhiệt động lực học, trong đó diện tích của chân trời sự cố và hấp dẫn ở bề mặt của nó lần lượt tương tự với hai đại lượng nhiệt động là entropy (đại lượng vật lý đặc trưng cho sự hỗn loạn) và nhiệt độ.
Công bằng mà nói trong thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất này của Hawking dẫn tới công trình nói trên này, những nghiên cứu của ông về thuyết tương đối rộng cổ điển là xuất sắc nhất so với bất kỳ đâu trên thế giới vào thời gian đó.
Kết quả cuộc săn đuổi các phát minh có tính cách mạng là Stephen Hawing đã được bầu vào Hội Hoàng gia Anh (tương đương với Viện Hàn lâm khoa học ở các nước khác) vào năm 1974, khi ông mới 32 tuổi.
Sách Lược sử thời gian phiên bản tái bản lần thứ 14 của NXB Trẻ. |
Và 5 năm sau, ông đã được phong chức giáo sư Lucas về toán ở Đại học Cambridge, một chức vị danh giá vào bậc nhất nước Anh, mà Isaac Newton và Paul Dirac (một trong những cha đẻ của cơ học lượng tử) đã từng giữ cương vị đó.
Những đóng góp cơ bản của Hawking vẫn tiếp tục vào những năm 1980. Lý thuyết lạm phát vũ trụ khẳng định rằng vũ trụ non trẻ đã trải qua giai đoạn giãn nở kinh hoàng.
Năm 1982, Hawking là người đầu tiên chỉ ra được các thăng giáng lượng tử - tức những biến thiên nhỏ bé của phân bố vật chất - có thể lớn lên và thông qua lạm phát gieo rắc các hạt giống của các thiên hà, các ngôi sao, các hành tinh và cả sự sống như chúng ta đã biết.
Sau này, Hawking còn quan tâm tới những hiệu ứng lượng tử liên quan tới các lỗ đen. Và ông đã phát hiện ra rằng lỗ đen không thật là đen, nó có phát xạ mặc dù rất yếu. Và bức xạ này hiện nay người ta gọi là bức xạ Hawking.
Thật không may, những phát minh quan trọng của Hawking lại chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm do những phương tiện công nghệ hiện nay không cho phép. Và ông đã ra đi mà không được nhận giải thưởng Nobel danh giá mà các đồng nghiệp và công chúng luôn mong mỏi cho ông.
Nhưng có lẽ cuốn Lược sử thời gian mới thực sự đưa ông tới địa vị một ngôi sao. Được xuất bản lần đầu năm 1988, cuốn sách đã đạt kỷ lục Guinness là trong suốt 237 tuần liên tục có mặt trong danh sách bestseller của báo Sunday Times, một hiện tượng chưa từng có trước đó.
Cuốn sách đã được dịch ra 40 thứ tiếng và đã bán được 25 triệu bản. Ở Việt Nam, Lược sử thời gian đã được dịch từ năm 1993. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, riêng NXB Trẻ đã tái bản tới 16 lần.
Bước vào tuổi xưa nay hiếm, mối quan tâm lớn nhất của Hawking lại không phải là vũ trụ đã hình thành như thế nào từ hư vô, hay làm thế nào mà ông có thể sống được lâu đến như thế với căn bệnh thoái hóa thần kinh, mà điều quan tâm nhất của ông: “Phụ nữ - họ hoàn toàn là một bí ẩn”.
Nhận xét ngắn gọn của ông về phụ nữ đã thu hút nhiều sự chú ý: Tại sao một nhà khoa học đã tìm ra những bí ẩn sâu thẳm của vũ trụ lại thấy phụ nữ bí ẩn?
Người đời thường cảm thấy thỏa mãn với ý tưởng cho rằng các thiên tài đều ngớ ngẩn về mặt xã hội. Nhưng hình mẫu này thực sự là không đúng, đặc biệt là với trường hợp của Hawking.
Giống như Einstein ngoài đời thực, Hawking cũng có một cuộc sống rất lãng mạn, được đánh dấu bởi hai cuộc hôn nhân. Căn bệnh hiểm nghèo của Hawking hóa ra lại không ảnh hưởng gì tới nam tính của ông, bằng chứng là ông đã có tới ba người con. Người ta đồn ông đã nói rằng: “căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến các cơ chủ động mà thôi”.
Stephen Hawking có cuộc sống lãng mạn dù bị liệt. |
Hawking từng được gọi là “kẻ ve vãn bất trị” và “kẻ thích tiệc tùng nhảy nhót trên chiếc xe lăn”. Khi nhìn thấy ông chơi đùa với người cháu ở phía sau sân khấu trên chiếc xe lăn sau một buổi thuyết trình ở Seattle, ta có thể tin điều đó. Và khi nhìn thấy ánh mắt đầy biểu cảm của ông có thể làm cả khán phòng sáng lên, ta biết rằng ông có thể trở nên quyến rũ bất chấp sự tật nguyền của mình.
Trong một thời gian dài, Hawking đã có một sự quan tâm đặc biệt với Marilyn Monroe. Một bức chân dung lớn của cô được treo ngay tại phòng làm việc của ông ở Cambridge.
Và ông đã từng nói với phóng viên của tờ Guardian rằng nếu có thể du hành về quá khứ, ông thà tới gặp Marilyn Monroe còn hơn là gặp nhà bác học Isaac Newton, người có “một tính tình rất khó chịu”.
Không chỉ công chúng mà các đồng nghiệp cũng đều cảm nhận được sự bí hiểm của Hawking. Nhà vật lý nổi tiếng Leonard Susskind đã dành nhiều trang trong tác phẩm phổ biến khoa học Cuộc chiến lỗ đen của ông để mô tả về Hawking.
Ông đã từng kinh ngạc khi dự các cuộc thuyết trình trước công chúng của Hawking. Mặc dù, tiếng nói qua máy tính đã khó nghe, nội dung thì không phải là dễ hiểu, nhưng cả hội trường hàng trăm người đều im phăng phắc và trên sân khấu chỉ có đôi mắt của Hawking phát sáng một cách tinh quái.
Susskind còn kể trong lần đi chơi bạn bè, Hawking đã thả phanh cho chiếc xe lăn của ông lao xuống một con dốc dựng đứng. Rồi có lần trong một nhà hàng, một người bồi bàn đã đến quỳ xuống trước ông để xin ông ban phước.
Một số phát biểu thẳng thắn nhất của Hawking cũng đã đụng chạm đến tôn giáo. Ông công khai tuyên bố rằng vũ trụ là không có biên trong không gian và vô thủy vô chung trong thời gian, chẳng có việc gì cho Chúa làm ở đây cả.
Và trong một cuộc phỏng vấn của tờ Guardian, ông cũng nói rằng: “Tôi coi bộ não cũng giống như cái máy tính, nó sẽ dừng hoạt động khi các linh kiện trong nó hư hỏng. Chẳng có thiên đường cũng chẳng có thế giới bên kia đối với các máy tính đã hỏng. Đó chẳng qua chỉ là câu chuyện cổ tích dành cho những người sợ bóng tối mà thôi”.
Giờ đây Hawking đã đi về cõi vĩnh hằng, giả dụ có phải đối mặt với Chúa Trời (nếu có) liệu ông có rút lại những phát biểu quá ư dứt khoát của mình hay không?
Stephen Hawking là một nhà vật lý học, vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học người Anh. Hawking đã nghiên cứu những định luật cơ bản chi phối vũ trụ, về sự khởi nguyên và cấu trúc của vũ trụ. Trong số những công trình khoa học của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với nhà vũ trụ học Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát và tiên đoán hố đen phát ra bức xạ. Ngoài ra, Hawking cũng nổi tiếng với việc viết sách khoa học; quyển "Lược sử thời gian" xuất bản vào năm 1988 trở thành quyển sách bán chạy nhất của Sunday Times trong thời gian kỷ lục 237 tuần.
Bạn có biết: Năm 2009, Hawking được Tổng thống Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, giải thưởng dân sự cao quý nhất của nước Mỹ.