Sừng Rượu Thề |
|
Tác giả | Nghiêm Đa Văn |
Bộ sách | |
Thể loại | Thiếu Nhi |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 2777 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Nghiêm Đa Văn Lý Thường Kiệt Thiếu Nhi Lịch Sử Tiểu Thuyết Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | |
Tên lính thám mã rạp người trên bờm ngựa phi như bay. Móng ngựa đóng gót sắt, bổ vào đá cuội rải đường thượng đạo tóe lửa. Tiếng nhạc ngựa réo gắt, không còn giữ nhịp gì nữa. Ngựa lao như gió lốc. Vó sắt vang đến đâu, người ngựa ở đó đều tránh giạt sang vệ đường. Không tránh sao được. Vì từ xa, người ta đã nhìn thấy lá cờ đuôi nheo bằng vóc đỏ bay bập bùng như một ngọn đuốc. Không nhận rõ chữ thêu trên cờ, nhưng ở đây không ai không biết rõ rằng lá cờ trên đầu ngựa thêu hai chữ hỏa tốc… Từ mấy năm nay, dân chúng ở đông Cổ Vạn này đã hiểu cái lệ của triều đình nhà Tống do tể tướng Vương An Thạch định ra cho toàn cõi Trung Nguyên: Hễ có lính thám mã tốc đạt việc quan quân thì gặp người, người tránh, gặp xe, xe dẹp, gặp thuyền, thuyền gác mái, gặp chợ, chợ phải tan… ngựa thám mã đạp chết người, không những người kỵ sĩ không bị tội, mà thân nhân của kẻ xấu số còn có thể bị rầy rà vì tội cản việc triều đình. Thám mã cắm cờ hỏa tốc gặp sông gọi đò, đò chỉ cần trùng trình không chở, lính thám mã có quyền vỗ bao kiếm đe dọa. Nếu kẻ chở đò có ý chống lại, thì lính thám mã có quyền tuốt gươm “tiền trảm hậu tấu”.
Vì thế con ngựa của tên lính thám mã đổ như cơn bão trên đèo Cổ Vạn xuống đã làm náo động cả một khúc đường đông đúc trước lối vào chợ phiên. Người ta xô đẩy nhau để chạy giạt ra bên đường tránh cơn gió chết chóc này.
Kỵ sĩ phóng thẳng đến trước ngôi quán xá trước cửa có treo lá cờ đô giáp Cổ Vạn thì gò cương. Con ngựa đang đà phi, bị ghìm bất ngờ, chồm hai vó trước lên trời. Vó ngựa đạp cả đám tua ngũ sắc của lá cờ treo lơ lửng trên cành cây ngô đồng.
Vó ngựa chưa kịp chạm đất thì kỵ sĩ đã tung mình nhảy phắt xuống, và cắm đầu chạy ngay vào trong quán xá. Hắn phủ phục trước một án thư sơn son thiếp vàng, thở hổn hển:
– Cấp báo… cấp báo… có một đoàn người ngựa đang đổ đèo Cổ Vạn, theo đường quan lộ Hàng Châu tiến về phía chúng ta.
Chiếc án thư rung lên dưới sức nặng của một bàn tay võ tướng và tiếng gầm vang lên:
– Vọng gác đỉnh đèo đâu? Sao không giữ chúng lại?
– Dạ, quan giáp trưởng giữ đèo đã chặn chúng lại để xét tín bài.
– Tín bài do ai cấp?
– Bẩm, tín bài do quan châu mục Vĩnh Bình cấp và có đóng dấu của quan tham tri biên ải cửa Tư Minh phê chuẩn.
– Trong tín bài ghi những gì?
– Cứ theo như tín bài thì đây là một đoàn ngựa thồ của lái buôn người Man Giao xin sang ta buôn bán.
Người ngồi sau án thư im lặng trong giây lát, rồi cất tiếng nói như không để ra lệnh và quát nạt mà tự hỏi mình:
– Quái lạ… lái buôn Man Giao sao lại đi đường bộ đến tận vùng này… Thế nhà người có thấy bọn người mà chúng thuê áp tải hàng mang sắc cờ gì không?
– Bẩm, chúng không thuê bảo tiêu người Tống mà thuê bảo tiêu đám võ sĩ thuộc động Giáp bên vùng đất của Man Giao ạ…
– Thế càng phiền… càng phiền… quan đề đốc Quảng Tây kinh lược sứ vừa xuống lệnh, hạn chế việc đám dân Man Giao vùng ngoại biên phương nam này vào buôn nội địa. Chỉ cho phép ta mở tiếp tục hai cửa giao thương lại bạc dịch trường ở Vĩnh Bình và bạc dịch trường ở Khâm Châu. Ngoài ra không cho một kẻ nào từ ngoài biên vào sâu trong nội địa của ta.
Tên lính thám mã vội nói ngay:
– Dạ, con có nghe rõ đọc tín bài xin vào buôn bán ở bạc dịch trường Giang Đông ngoại vi thành Khâm ạ.
– Đi Khâm Châu sao lại đi lối này… Lệnh ở trên mở hai bạc dịch trường buôn bán giữa hai biên thùy để tiện việc đi lại. Dân các man động đến bạc dịch trường Vĩnh Bình thì đi đường bộ. Còn các lái đi lại buôn bán đến bạc dịch trường châu Khâm thì đi đường thủy, vì bạc dịch trường châu Khâm của ta đây, bên cửa sông Tây Giang… Xưa nay ta chưa thấy những kẻ đi mua đường thế này bao giờ… Lạ thật…
Tên thám mã vẫn phủ phục và thưa rằng:
– Điều này thì quan quản coi vọng gác không thể nào luận rõ được, nên sai con phóng ngựa về đây phi báo trước. Xin tướng quân định đoạt…
Trên đài phong hỏa đặt trước quán đại bảo cạnh đường quan bốc cao ngọn lửa. Lập tức những ngọn lửa từ các động núi xa xôi cũng bốc cao. Cả một vùng núi quanh thung lũng Cổ Vạn như rung động. Tiếng vó ngựa khua vang trên các lối mòn. Đó là những con ngựa được nuôi theo phép bảo mã của tể tướng Vương An Thạch. Viên phòng bên tuần sứ Khâm Châu chia cho các thổ đinh, động đinh ở vùng Cổ Vạn vừa đi cày vừa làm lính chăm sóc ngựa gọi là bảo mã. Ngựa chiến được chia về nuôi tại nhà với đầy đủ yên cương do triều đình cấp. Nếu triều đình không cấp ngựa được đầy đủ thì cấp tiền cho các nhà tự mua sắm lấy yên cương vũ khí. Ngựa được nuôi trong tàu tại nhà các thổ đinh và động đinh, do các giáp trưởng trông coi. Hàng tháng cứ vào tuần trăng giữa tháng, các giáp trưởng cắt ngày tập binh mã và khám nghiệm ngựa chiến. Sau mùa cấy cày gặt hái các đô giáp trưởng phải tập trung thổ đinh và động đinh có tên ở sổ cùng ngựa lại rèn tập võ nghệ chinh chiến liền trong một hai tuần trăng cho thành thục. Và khi có động thì viên tướng trông coi chỉ cần phóng lửa lên đài phong hỏa như thế này, là các thổ đinh, động đinh dù đang cày ruộng, đang gặt lúa, đang đi săn, đang hái củi cũng phải bỏ việc dở dang đấy để nhảy lên yên ngựa phóng như bay về hội quân…
Quân của đô giáp Cổ Vạn ùa ra hai bên đường cái quan đúng vào lúc đoàn ngựa thồ chở hàng của khách thương Giao Chỉ đang đổ dốc thủng thỉnh đi về phía quán đường của viên quan đô bảo.
Thời bấy giờ việc thông thương buôn bán đã rộng khắp các vùng thuộc đất Trung Nguyên và các nước lân bang. Buôn bán gần có các chợ họp thường phiên tại các động, các châu, các huyện. Buôn bán xa có các lái buôn cất hàng đi suốt từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ nước này sang nước khác. Những khách thương cất hàng đi buôn bán xa ngoài vạn dặm đường đó là những lái buôn lớn. Hàng của các lái buôn này thường được chở trên các thuyền đinh nếu đi buôn đường sông đường biển. Còn nếu đi đường thượng đạo thì hàng được thồ trên lưng ngựa. Thời bấy giờ dân các khê động cát cứ từng khúc đường mòn, quân ăn cướp lâu la thường lẩn khuất khắp các nơi rừng núi hiểm yếu, vì thế mà các khách thương muốn chuyển hàng đi xa thường phải nhờ các tiêu cục lo việc bảo vệ hàng hóa gọi là bảo tiêu. Công việc của các tiêu cục này là đứng ra nhận của các lái buôn một món tiền lớn, rồi cử những gia nhân giỏi võ được trang bị những thứ vũ khí mà triều đình cho phép để đi cũng khách thương và hàng hóa từ nơi này qua nơi khác. Vì dọc đường thiên lý giặc cướp như rươi, nên bảo tiêu đã thành một thứ nghề kiếm ăn đặc biệt của giới thượng võ khắp vùng lãnh thổ này, và lá cờ phấp phới mang tên những tiêu cục nổi tiếng đã quá quen thuộc đối với quan quân nhà Tống. Không những thế, ngay cả hàng của nhà vua, đôi khi không đủ quân lính áp tải cũng phải nhờ cậy đến các tiêu cục.
Vì thế việc một đoàn khách thương có đến gần một trăm con ngựa vừa chở hàng, vừa yên cương mang theo những kỵ sĩ mà lại không có lá cờ phấp phới của một tiêu cục quen thuộc làm cho viên đô giáp Cổ Vạn cảm thấy lạ lùng. Và lạ lùng nhất là người lái buôn đi đầu cả đoàn người ngựa. Người đó ngồi trên lưng một con ngựa Chàm rất lớn. Thứ ngựa Chàm mua tận đồng cỏ mênh mông vùng thượng lưu của vương quốc Chăm-pa. Loại ngựa này bốn vó cao lênh khênh chẳng khác gì vó ngựa xích thố trong các đền thờ đức thánh quan. Mông của ngựa Chàm nở. Ức của ngựa Chàm rộng. Lưng của ngựa Chàm phẳng. Con ngựa đầu đàn của người lái buôn Giao Chỉ này có đủ tất cả các thứ tướng tốt của loại ngựa Chàm nòi. Đã từ lâu người ta đồn đại về cách cưỡi ngựa lạ lùng của dân Chàm thượng đạo. Cưỡi ngựa không cần yên cương. Không quặp hai chân chặt vào mình con ngựa, mà cứ ngồi vắt chân một bên như ngồi trên tràng kỷ, với cây lao bất hủ đặt ngang trong lòng.
Người lái buôn này, tuy cưỡi ngựa Chàm, và cũng cưỡi không có yên như kiểu dân Chàm thượng đạo, nhưng điều lạ hơn là anh ta không cưỡi ngựa mà ngồi xếp bằng tròn trên lưng ngựa. Ngất nga ngất ngưởng như ngồi uống rượu bên sập gỗ vàng tâm ở nhà. Mà anh ta vừa ngồi xếp bằng tròn trên lưng ngựa vừa uống rượu thật. Chỉ có điều anh ta không uống rượu bằng nậm, bằng vò như dân ở đây vẫn thường thấy. Cũng không uống rượu bằng ly như quan triều đình, uống rượu bằng bát như động đinh thổ đinh. Mà uống rượu bằng vòi. Cái vòi tre dài ngất nghểu cắm vào cái bong bóng trâu óc a óc ách toàn rượu. Sóng sánh theo bước đi nước kiệu của con ngựa Chàm nòi.
Sau chàng lái buôn là hơn hai mươi con ngựa thồ hàng. Hàng chất lên những kiện hàng bó trong những lớp lá gồi ken xòe như mái nhà. Ngựa thồ hàng đi giữa. Con nọ ngửi đuôi con kia mà bước đi với bước nước kiệu gần. Cả một đoàn ngựa thồ hàng có ken mái lá gồi trên lưng làm thành một dẫy nhà lá ám đỏ bụi đường di chuyển. Áp hai bên đoàn ngựa thồ hàng ấy là độ mươi mã phu cưỡi ngựa đeo đoản kiếm và mươi võ sĩ đầu ngựa đeo túi cung ứng, ống tên dài, tay cầm khiên mây, tay cầm trường thương. Chỉ nhìn thoáng, dân đinh động Cổ Vạn cũng đoán ngay qua võ phục, và xì xào với nhau bằng một giọng kính nể:
– Đúng là những tráng sĩ động Giáp.
Những động đinh, thổ đinh trong đô bảo đổ ra đường thiên lý vô cùng ngạc nhiên khi thấy đoàn ngựa thồ của lái buôn cứ thong dong đi nước kiệu giữa hai hàng gươm giáo sáng lóa và tiếng phèng la báo động. Đi thong dong dưới bầu trời đã mịt mù ngọn khói phong tỏa. Họ càng ngạc nhiên hơn, khi nhận ra trong đoàn ngựa thồ còn có cả những người mặc một thức phẩm phục hết sức lạ lùng. Thứ phẩm phục của quan lại một nước phương nam xa xôi.
Đoàn ngựa thồ có lẽ cứ thế thong dong mà buông nước kiệu qua cửa quán xá đô bảo bên đường thiên lý, nếu viên quan võ tướng đô bảo trưởng không thét động đinh hạ mũi giáo cản đường.
Mãi cho đến lúc nhìn thấy những mũi giáo sáng lóa ghìm ngay trước ức ngựa của mình, người lái buôn mới ung dung vỗ vào bờm tía của con ngựa. Con ngựa lập tức dừng vó, không thả nước kiệu nữa, những vẫn gõ móng sắt trên đá của đường cái quan ra chiều bực bội lắm. Người lái buôn vẫn ngồi yên trên lưng ngựa, ung dung tự tại rút giấy tín bài trong ống tay áo, xòe ra phía trước, ý như muốn bảo: nào ai muốn xét tín bài thì xét đi… Làm gì mà xét lắm thế… Cứ vài dặm đường lại xét một lầm thế này thì bao giờ ta mới tới được bạc dịch trường ngoại vi thành Khâm Châu…
Nhưng không ai đón lấy tín bào của người khách thương cả. Một tên vệ sĩ của viên tướng Tống giữ chức bảo giáp động Cổ Vạn quát lên bằng cái giọng vừa hống hách vừa đe dọa:
– Bớ khách thương, chủ tướng của ta đòi khách thương vào bản doanh hầu chủ tướng. Tất cả người ngựa phải đóng trại tại chỗ, không được nhúc nhích… Tất cả chờ lệnh của chủ tướng.
Khách thương chưa hết cơn say, vẫn ngất ngưởng trên lưng ngựa. Anh ta quay lại đám thuộc hạ của mình và xòe bàn tay giơ lên. Đó là lệnh cho phép nghỉ chân. Cái lệnh câm này, tất cả thuộc hạ trong đoàn ngựa thồ hàng đều hiểu. Nên khách thương chỉ cần giơ tay lên ngang đầu là lập tức có tiếng dạ vang. Và tiếng chân người nhảy từ trên mình ngựa xuống đất. Những mã phu đã nhanh nhẹn tháo bao thóc cho ngựa ăn. Những dũng sĩ người động Giáp đã dàn ngựa hoàng nganh ngọn trường thương bày thế trận sừng trâu bảo vệ cho cả đoàn ngựa thồ nghỉ ngơi.
Khách thương lại vẫy tay một cái. Khi vẫy tay, anh ta vẫn không đổi cách ngồi xếp bằng tròn trên lưng ngựa. Thế mà khi bàn tay anh ta vừa vẫy thoáng một cái như chớp mắt, anh ta đã ung dung dưới đất. Theo hiệu tay vẫy của anh ta những người mặc phẩm phục triều đình đã tiến đến bên cạnh anh. Anh ta không nói một lời, cứ thế thủng thẳng cắp cái bong bong trâu óc ách rượu đi thẳng vào quán xá. Anh cũng chẳng buồng ngoái cổ lại xem những người mặc phẩm phục có đi theo anh không. Và cũng không buồn để ý xem hai hàng võ sĩ gồm những động đinh bảo giáp lực lưỡng đang cắp gươm dàn thành hai hàng uy hiếp mỗi bước chân đi của anh.
Anh lừng lững tiến đến phía án thư, nơi viên đô giáp tướng quân đang bực bội đợi anh. Biết thế, nhưng anh cứ tảng lờ như chưa hay biết chuyện gì. Từ trên án thư tiếng bàn tay vỗ án vang dội cả bảy gian quán xá. Từ xưa đến nay chỉ có quan văn là ngồi sau án thư. Tiếng vỗ án thư của các vị quan văn, xuất thân từ loại thư sinh trói gà không chặt, chỉ vang lên để lấy oai thôi. Còn võ quan, vỗ xưa nay chỗ ngồi là trên yên ngựa. Có ra oai thì vỗ bao gươm mà thét. Từ ngày tể tướng Vương An Thạch trẻ tuổi chấp chính quyền bính Trung Nguyên, các chức quan coi ngoại biên đều lọt từ tay văn thần sang tay võ tướng. Vì thế mà tiếng vỗ án thư hôm nay chuyển răng rắc dưới sức nặng võ biền của bàn tay vỗ án thư, anh chàng lái buôn Giao Chỉ khẽ nhếch mép cười ruồi…
Tiếng quát trên án thư chói chát:
– Tín bài đâu?
Chàng khách thương vẫn thủng thẳng:
– Bẩm quan trấn thủ, chúng tôi là khách thương nên bao giờ cũng có đủ tín bài. Qua mỗi quan ải một lần trình, qua các trấn sở lại một lần báo… Xin quan trấn thủ cứ xét ạ.
Chàng lái buôn đệ tấm thẻ tín bài lên án thư. Viên quan trấn thủ với tay nhấc tấm thẻ tín bài một cách lơ đãng. Bỗng một ánh chớp vàng như đốm lửa cháy lên. Một tiếng keng khô gọn và ngân nga. Một đĩnh vàng tuột khỏ tờ tín bài rơi xuống án thư. Mắt viên tướng trấn thủ cũng ánh lên một ánh lửa sáng như ánh vàng. Và tay của hắn mất hẳn cái oai dũng lúc trước, mất cả cái lơ đáng quan cách vừa rồi. Bàn tay nhanh như đang thi triển một thế võ lén lút, chộp lấy đĩnh vàng. Nếu là quan văn, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Vì quan văn có cái ống thụng của tay áo. Chỉ cần đẩy các đĩnh vàng nén lên và hất ngược ống tay thụng, là nén vàng đã mất tăm rồi. Nhưng tay áo của tướng võ không những hẹp, lại thít trong vòng ốp tay bằng đồng thau. Không dễ gì giấu ngay được đĩnh vàng trước mặt đám thuộc hạ của mình đang có mặt trong quán. Nhưng quan võ lại có cách riêng của quan võ. Tay vừa chộp được đĩnh vàng, viên đô bảo ngang nhiên đĩnh đạc vừa giắt đĩnh vàng vào tấm bối tử có thêu đầu cọp vừa sang sảng quát:
– Tên tuổi! Khách thương phải khai tên tuổi cho bản chức biết.
Lái buôn đã nghe thấy giọng đổi khác của viên đô bảo, nên mỉm cười thủng thẳng trả lời:
– Bẩm quan trấn thủ, tên tuổi của kẻ hèn này đã ghi rõ ràng trong tín bài… Xin quan trấn thủ cứ đọc.
Viên quan trấn thủ đúng là một kẻ vũ dũng vô học nên khó khăn lắm mới nhận nổi mặt chữ. Cứ như lúc khác, viên võ tướng chắc chắn lại hét vang lên. Nhưng bây giờ khác rồi. Đã có nén vàng nằm trong tấm hổ phục, nên viên võ tướng cứ phải toát mồ hôi mà cố nhận mặt chữ; người lái buôn Giao Chỉ không cần giấu giếm nụ cười. Một lát sau, viên đô bảo mới ngẩng lên hỏi với vẻ không tin lắm vào cách nhận mặt chữ của mình:
– Có phải nhà ngươi họ Lý tên Chằm không?
Chàng khách thương mỉm cười:
– Họ Lý thì đúng. Nhưng tên tôi phải đọc là Chăm mới đúng. Vì ở xứ tôi, chữ Chăm chỉ tên, tức là khi đẻ tôi ra bố mẹ tôi đã muốn tôi khi lớn lên phải thành người chăm chỉ, tin ở sức lực của mình. Ấy thế mà khi trưởng thành, tôi lại là một kẻ lười biếng, không chuyên việc tầm tang, không mê việc thổ mộc, không lo việc trồng cấy… Tôi chỉ thích giang hồ làm khách thương mà thôi…
Viên đô bảo cắt ngang câu chuyện của chàng khách thương:
– Ừ thì tên người là Lý Chăm… ta biết rồi, Vậy quê quán người ở đâu?
– Tôi là dân gốc của đất kẻ Cời, xứ Đông Ngàn, đất Bắc lộ thuộc…
– Thuộc Giao Chỉ chứ gì?
Lý Chăm lắc đầu:
– Cái thời nội thuộc gọi là quận Giao Chỉ cũng được. Nhưng cái thời quận huyện ấy đã qua lâu rồi… Chính Tống triều đã phải nhận phong Vương cho vua của nước tôi…
– Ừ thì người là dân thương của nước Giao Chỉ…
Khách thương họ Lý vẫn lắc đầu:
– Nước Giao Chỉ là tên cũ rồi. Mới đây đời tiền đế của chúng tôi, nhà vua đã chính thức cáo cùng các nước lân bang để đặt quốc hiệu cho nước mình Đại Việt.
Hình như với viên võ tướng nhà Tống này thì hai chữ Đại Việt khó mà nghe lọt tai lắm. Cứ như bình thường hắn sẽ chẳng để ai yên, khi dám cả gan cao giọng nhắc đến hai tiếng ấy. Nhưng bây giờ thì hai đĩnh vàng có sức mạnh kìm giữ của nó. Tuy thế viên đô bảo châu Cổ Vạn vẫn bực bội gạt đi:
– Biết rồi… biết rồi… thế tại sao nhà ngươi không đi chợ ở ngay bạc dịch trường nơi cửa khẩu châu Vĩnh Bình. Mà lại diễu suốt cả mấy trăm dặm đường đến mãi bạc dịch trường châu Khâm?
Khách thương Lý Chăm vẫn điềm tĩnh mỉm cười:
– Thưa tướng quân, điều đó cũng đã ghi rõ trong tín bài của chúng tôi và đã được phép kiểm chứng của quan trấn thủ Vĩnh Bình rồi đấy ạ. Lời phê có áp trấn son của quan trấn thủ Vĩnh Bình và lời chiểu của quan khâm sai tuần ty bạc dịch trường cửa khẩu cũng có đóng đồng triện đầy đủ.
Viên võ tướng bực bội:
– Ta không thèm xem… Nhà ngươi không trình bày rõ ta sẽ khép nhà ngươi tội mượn cớ đi buôn để vào sâu đất Tống do thám… Lệnh của tể tướng Vương An Thạch cấm tất cả các dân Man giao vào sâu trong đất đai của thiên triều.
– Nhưng triều đình quý quốc vẫn cho mở các bạc dịch trường ở châu Vĩnh Bình và châu Khâm cơ mà… mở chợ buôn bán giao thương giữa hai nước thì phải cho khách thương đi lại chứ? Tôi… tôi…
– Bất tất phải nhiều lời…bạc dịch trường vẫn mở… Nhưng mở đường đến bạc dịch trường chỉ có một lối gần nhất so với ải quan cửa khẩu. Vào bạc dịch trường Vĩnh Bình chỉ có lối qua đò sông Kỳ vượt đèo Quyết Lý. Còn bạc dịch trường Giang Đông ở châu Khâm chỉ mở một khẩu trên sông Tây Giang đi bằng đường biển. Đường này không ghi trong quân lệnh là đường mở cho khách thương phương nam đi nghe không!…
– Vâng, điều đó tôi cũng biết.
– Biết sao còn đi?
– Điều này đã được quan tuần ti bạc dịch trường Vĩnh Bình ghi và áp triện thị thực trong tín bài rồi ạ. Xin tướng quân cứ đọc.
Viên võ tướng lúng túng, và lại cảm thấy toát mồ hôi vì có nguy cơ lại phải nhận mặt chữ khó khăn nên lúng túng một lát rồi dấm dẳn nói:
– Ta không tin lời thị thực… nhà ngươi phải trình ta nghe…
Anh chàng khách thương Lý Chăm lại đặt thêm một đĩnh vàng nữa lên án thư và thủng thỉnh trình rằng:
– Nguyên là chúng tôi lần này cất một chuyến hàng lớn, gồm các loại trầm hương, xạ hương, quế chi, loại quế vùng Hoan Diễn, hồ tiêu, thứ Hồ Tiêu Ô lý. Ngà voi, loại ngà lấy từ thứ voi lớn của nước Lão Qua. Và rất nhiều các thứ sản vật phương Nam quý giá khác. Số hàng rất lớn này không phải là vốn riêng của chúng tôi mà một phần lớn vốn xuất ra từ quốc khố của triều đình Thăng Long chúng tôi. Nguyên do là năm nay triều đình chúng tôi sẽ làm lễ hạ giá cho công chúa Thiên Thành kết duyên cùng tù trưởng động Giáp tên là Thân Cảnh Phúc. Việc kén phò mã đã định vào năm Bính Ngọ. Năm nay sẽ làm lễ vu quy. Để lễ thêm phần trang trọng danh giá, triều đình cậy kẻ hèn này khó nhọc viễn thương mang hàng quý phương nam để đổi lấy những sản vật của phương bắc, làm sao cho đám cưới công chúa Thiên Thành huy hoàng không kém gì đám cưới của các công chúa của triều đình nhà Tống… Chúng tôi cũng chỉ định đến bạc dịch trường Vĩnh Bình mở quán đường trao đổi hàng hóa. Nhưng ở đó chỉ kén được loại trìu Tây Tạng và dạ Mông Tự mà thôi. Còn các thứ đồ sứ bịt vàng, đồ gốm bịt bạc của đất Giang Tây, loại lụa quý của đất Cô Tô, loại sa mỏng của đất Ba Thục, Tứ Xuyên nghe nói phải đến tận bạc dịch trường Giang Đông mãi Châu Khâm mới có. Vì nhẽ ấy chúng tôi đã xin phép quan trấn thủ Vĩnh Bình thị thực vào tín bài để được dùng đường thượng đạo nhằm hướng Châu Khâm mà đi. Vì nếu phải lộn lại đi ngược đường về Thăng Long, rồi từ Thăng Long bốc hàng xuống thuyền đi đường thủy đến Châu Khâm thì là nhỡ việc của triều đình giao cho. Các quan trấn thủ và trấn ải cũng đã xét thương tình mà cho đi… Ải này là ải cuối cùng trước khi đến bạc dịch trường đây ạ.
Viên tướng trấn thủ đô bảo động Cổ Vạn thở dài:
– À ra thế… nghe cũng được… Nhưng sao các người không thuê các bảo tiêu người Tống dẫn đường áp tải hàng hóa mà lại đưa võ sĩ động Giáp tự tiện theo ngựa thồ vào sâu trong đất của thiên triều?
– Dạ điều này cũng ghi trong tín bài rồi ạ… Xin chủ tướng cứ đọc sẽ rõ…
Viên đô bảo Cổ Vạn nổi nóng:
– Ta hỏi thì nhà ngươi phải trả lời… Sao nhà ngươi dám bắt ta đọc…
– Dạ kẻ hèn này đâu dám bắt chủ tướng… chỉ xin chủ tướng xét cho vì những điều ghi trong tín bài đều có thị thực kiểm chứng đầy đủ ạ.
– Ta không cần biết… Ta hỏi ngươi phải trình cho rõ.
– Dạ nguyên do chuyến hàng này kẻ hèn đi lo cho đám rước vu quy của công chúa thiên thành, nhưng cũng lo cho phò mã tù trưởng động Giáp sắm đồ sính lễ. Tù trưởng Thân Cảnh Phúc cũng gửi theo nhiều sản vật quý, cậy kẻ hèn này mang đến bạc dịch trường để đổi lấy những vật phẩm vô giá của thượng quốc. Bởi nhẽ ấy, tù trưởng động Giáp đã cắt cử những võ sĩ thân tín nhất để áp tải hàng thay vì lo việc thuê tiêu cục như thường lệ. Việc này đã được các quan giữ ải tra xét và chuẩn y…
Viên đô bảo giáp gật gù:
– Ta cũng cho là đúng… Nhưng còn mấy viên kia sao lại có mặt trong đoàn khách thương?
– Dạ việc này cũng ghi trong tín bài ạ… Nguyên là chuyến hàng này rất lớn, mà là hàng của triều đình, nên việc cân đong đo lường phải làm nghiêm ngặt. Vì gần đây khách thương bên các bạc dịch trường thường đo sai cân thiếu… Tuy thước đo chung đều lấy mẫu từ nhà Chu, quả cân chung đều lấy khuôn của nhà Hạ, nhưng việc buôn bán biến hóa khôn lường… Triều đình bên nước tôi xin được cử quan lại coi việc chuẩn định đo lường đến tận nơi để sao lại thước, định lại quả cân để việc buôn bán giao thương từ chuyến hàng này không bị sai lệch…
Viên đô bảo gật gù:
– Nhà ngươi trình việc xem ra cũng có lý…
– Bẩm chúng tôi là những khách thương quen thuộc, làm việc gì cũng rõ ràng… nếu chủ tướng thấy mọi việc rõ ràng, xin chủ tướng áp ấn trấn thủ cho phép chúng tôi được khởi hành sớm ngay bây giờ, kẻo lỡ dịp đón các thương gia lớn từ Cô Tô, Tứ Xuyên, Ba Thục, Giang Tây, Hồ Nam đang có mặt ở bạc dịch trường…
Và khi cái ấn trấn thủ Cổ Vạn có chữ thị thực của viên thư lại giúp việc đô bảo giáp vừa hiện tiếp trên tín bài, khách thương Lý Chăm vẫy tay ra lệnh khởi hành. Và cũng với cái vẫy tay, không biết bằng cách nào, anh ta đã từ dưới đất nhảy lên phắt lên lưng ngựa ngồi xếp bằng tròn chễm chệ và lại tiếp tục vít cần rượu cắm trong cái bong bóng trâu óc ách ngất nga ngất ngưởng ung dung tự tại lên đường. Cứ bằng vào phong thái ung dung của anh chàng lái buôn Lý Chăm người gốc kẻ Cời xứ Đông Ngàn thì tưởng như cái đoàn ngựa thồ này nhẩn nha thong dong lắm…
Xong việc quân, viên đô bảo Cổ Vạn xuống lệnh bãi binh. Các thổ đinh, động đinh thuộc các giáp, các đại giáp ghìm cương ngựa trở về với công việc còn dang dở của mình. Kẻ về cày nốt sá cày ngoài ruộng, người vội vã ngược lên ngàn bó lại gánh củi cành để gánh về ngày mai đón phiên chợ sớm… Họ ai oán nguyền rủa ngọn khói phong hỏa bốc lên vì cái việc không đâu làm mất ngày mất buổi của họ…
Nhìn đám bụi hồng của đoàn ngựa thồ khuất mãi nẻo xa trên con đường thiên lý viên đô bảo giáp Cổ Vạn hả hê cười. Hắn móc từ trong tấm bối tử của bộ võ phục ra những đĩnh vàng vừa được đút lót, nheo mắt ngắm nghía. Vàng nặng trên tay và ánh lên trong mắt. Những thứ để hưởng hết niềm vui, và để tin chắc rằng vàng trên tay mình là có thật chứ không phải trong mơ, viên võ tướng đưa đĩnh vàng lên miệng ghé răng cắn thử.
Răng nhọn của viên võ tướng vừa nghiến trên đĩnh vàng thì tiếng vó ngựa của quan thám mã lại vang lên ở trước cửa quán xá. Tên lính thám mã lao vào quán đường như một cơn gió lốc.
Mắt viên võ tướng lại sáng lóe lên; tiếng hỏi của hắng dồn dập:
– Lại có khách thương hả… khách thương Giao Chỉ hả?…
Tên lính thám mã thở hổn hển như sắp đứt hơi, lắc đầu:
– Bẩm… không… lệnh truyền của quan khâm sai tuần sứ.. là phải đốt lửa đài phong hỏa… huy động dân đinh bắt giữ ngay tên lái buôn Giao Chỉ họ Lý tên Chăm…
Viên đô bảo Cổ Vạn rụng rời:
– Sao… sao… sao… lại có lệnh ấy?…
– Bẩm, có người báo cho thượng quan biết là tên khách thương họ Lý tên Chăm là một tên thám tử vào sâu trong lòng đất Tống để do thám… Phải bắt giữ ngay chúng lại giải về dinh quan khâm sai sứ ở thành Ung châu…