Tác giả Nobel 2017 tiên tri về sự phi nhân của xã hội văn minh
Giới văn chương trong nước không lạ với tác giả Kazuo Ishiguro, bởi ông là người viết nên những tác phẩm dự báo về sự suy thoái nhân tính con người...
Tác giả Nobel 2017 tiên tri về sự phi nhân của xã hội văn minh.
Giới văn chương trong nước không lạ với tác giả Kazuo Ishiguro, bởi ông là người viết nên những tác phẩm dự báo về sự suy thoái nhân tính con người.
Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng tên người đạt giải Nobel năm nay là Kazuo Ishiguro, có thể chưa nhiều người biết tới ông, bởi trong danh sách cá cược cho giải Nobel, ông không phải cái tên thực sự nổi bật. Còn trong giới văn chương, nhà văn Anh gốc Nhật Bản này không phải là cái tên xa lạ.
Nhà văn Kazuo Ishiguro vừa được vinh danh tại giải Nobel 2017.
Tác phẩm xuất bản tại Việt Nam từ 10 năm trước
Ở Việt Nam, tác phẩm của Kazuo Ishiguro đã xuất bản ở Việt Nam từ 10 năm trước. Tới nay, ông có ba cuốn sách đã in tiếng Việt, gồm: Mãi đừng xa tôi(Trần Tiễn Cao Đăng dịch), Dạ khúc: Năm câu chuyện âm nhạc và đêm buông (An Lý dịch, phát hành năm 2015) và Người khổng lồ ngủ quên (Lan Young dịch, phát hành tháng 4/2017).
Bởi vậy, với những người mua bản quyền, dịch và phát hành tác phẩm của Kazuo Ishiguro tại Việt Nam, thì thông tin ông được giải là một niềm vui. Ông Xuân Minh - trưởng bộ phận khai thác bản quyền Nhã Nam, đơn vị xuất bản cả ba cuốn sách của Kazuo Ishiguro - chia sẻ: “Tôi hơi bất ngờ, nhưng rất vui khi thấy ông được giải. Ông là một tác giả rất lớn rồi, nhưng trong danh sách các nhà cái cá cược cho Nobel, Kazuo Ishiguro chưa bao giờ là cái tên nằm ở top”.
Đại diện đơn vị phát hành sách Kazuo Ishiguro tại Việt Nam cho biết tác phẩm của ông thuộc thể loại văn chương kén người đọc, nên lượng phát hành không lý tưởng. “Hy vọng say giải thưởng, lượng người biết tới Ishiguro sẽ nhiều hơn nữa” – ông Xuân Minh nói.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, giải Nobel cho Kazuo Ishiguro là hoàn toàn xứng đáng. Trong các dự đoán, Ishiguro không nổi bật, nhưng ông thực sự là một tên tuổi lớn, được đánh giá cao trong nền văn chương Anh ngữ mấy chục năm qua.
Hai tác phẩm của Kazuo Ishiguno đã phát hành ở Việt Nam.
Ông Ngô Thanh Tuấn - một người chơi sách và có bộ sưu tập hàng nghìn cuốn sách, hiện vật của tác giả được giải Nobel - bình luận việc Kazuo Ishiguro được giải khiến ông có chút ngạc nhiên, nhưng cũng không phải là một cú sốc như khi Bob Dylan được xướng tên vào năm ngoái.
Cảm giác ngạc nhiên này đến từ việc Ishiguro được dịch sang Việt Nam từ lâu nhưng ông không thực sự nổi bật trong dòng văn học nước ngoài ở Việt Nam. “Fan của Murakami chắc chắn sẽ buồn, vì Ishiguro cũng là một tác giả gốc Nhật đang sống tại châu Âu đã được giải. Nhưng dù sao vẫn chúc mừng Ishiguro” – ông Ngô Thanh Tuấn nói.
Nhà văn Uông Triều bày tỏ sự đồng tình với quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Anh hài hước: “Năm ngoái, sau khi ‘gặm nhầm’ khúc xương Bob Dylan, có vẻ ủy ban Nobel đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Kazuo Ishiguro, một nhà văn cứng cựa”.
Uông Triều cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho đơn vị làm sách đã đưa sách hay về Việt Nam trước khi nó được tôn vinh: “Vấn đề không phải ai đã ăn giải Nobel, mà là đủ tinh nhạy nhận ra ai sẽ ăn giải để săn sách trước”.
Mãi đừng xa tôi - tiểu thuyết mang tính tiên tri về sự phi nhân của xã hội văn minh.
Tác phẩm dự cảm chính xác về sự phi nhân trong xã hội văn minh
Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu đã đọc tác phẩm của Kazuo Ishiguro từ khá lâu. Anh ấn tượng nhất với tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi. Cuốn sách viết về những con người được nuôi trong một môi trường riêng để trở thành nguyên liệu, nơi mà những bộ phận trong cơ thể họ sẽ được ghép vào cơ thể của những người khác.
Tác phẩm cho thấy những tiến bộ của khoa học công nghệ luôn đi cùng mặt trái của nó. Xã hội nếu đi tận cùng duy lý sẽ bộc lộ sự phi nhân của con người, con người thành một thứ công cụ.
Qua câu chuyện, tác giả cho người đọc khái niệm thế nào là sự phi nhân trong một xã hội văn minh. Sự phi nhân ấy không phải tội ác, không phải chiến tranh, mà nó song hành với sự tiến bộ.
Theo nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu, tác phẩm Never let me go (Mãi đừng xa tôi) được viết trước khi nhân loại nhân bản thành công cừu Dolly. Bởi vậy, tác phẩm đã đưa ra những dự cảm chính xác về tương lai nhân loại. “Tác phẩm đưa ra cái hậu nhân loại, những dự cảm tương lai nhân loại. Ở đó, nó nhìn thấy những nguy cơ như cấy ghép bộ phận con người là một sự nhân bản vô tính, đe dọa tính đa dạng của con người” - Trần Ngọc Hiếu nói.
Đưa ra những dự báo về quá trình cơ giới hóa nhân tính con người trong xã hội hiện đại, Mãi đừng xa tôi từ rất nhiều năm trước đã trình bày ra một hiện thực diễn ra trong vài năm gần đây. Nạn buôn người, buôn nội tạng gần là những vấn nạn trong khoảng hai năm nay, nhưng đã được Kazuo Ishiguro cảnh báo từ trước.
Hình ảnh trong phim chuyển thể từ tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi.
Nếu Mãi đừng xa tôi dựng lên một thế giới tưởng tiến bộ nhưng lại thoái hóa, thì tập truyện ngắn Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông lại là khúc trữ tình, đi vào những lát cắt ngập ngừng, mơ hồ trong thế giới tình cảm con người.
Tác phẩm Người khổng lồ ngủ quên là một suy ngẫm u sầu nhưng thấm thía về sự lãng quên, tình yêu, cuộc sống, cùng cả chiến tranh và sự hận thù.
Thu Hiền - Zing.vn