Bùi Dũng là nhà báo chuyên viết về văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh, đầu tư, anh cũng giữ mục điện ảnh trên một số tờ báo. Các bài viết về phim của anh được tuyển chọn đưa vào sách Film Book ra mắt hôm 23/1.
Đây là cuốn sách viết về điện ảnh với mục đích truyền cảm hứng thay đổi qua nhiều chủ đề. Đặc biệt, sách tích hợp tranh tô màu, công nghệ thực tế ảo 4D giúp người đọc dùng phần mềm quét lên sách và có thể thưởng thức những trích đoạn phim.
Tác giả có cuộc trò chuyện về cuốn sách, đưa ra quan điểm về thưởng thức phim ảnh.
Với Bùi Dũng, phim ảnh cho nhiều bài học mà không nhất thiết phải tốn thời gian, cơ hội, công sức mới rút ra được. |
- Điều gì khiến anh chọn tên “Film Book - Khi chúng ta là nhân vật chính” cho cuốn sách của mình?
- Mới đầu tôi đặt tên cuốn sách là Sống, yêu, làm, xem và chia sẻ. Sau đó, thảo luận qua lại, thì lấy tên Film Book. Tên sách không làm nội dung cuốn sách thay đổi. Tuy nhiên, nó khiến cho người đọc thấy gần gũi hơn thay vì tên trước.
Tên Film Book được đặt với mong muốn những người tìm đến cuốn sách này có thể thấy cảm hứng sống tốt hơn, hoặc tìm được bộ phim tác động đến sự thay đổi.
Mỗi người đều là nhân vật chính trong cuốn phim cuộc đời của chính mình, không phải là ai khác. Khi xem phim, chúng ta thường chắc chắn đó là một bộ phim của người khác, của đạo diễn hay một người xa lạ. Nhưng dù ta tiếp xúc với bất cứ ai, vẫn là con người của chúng ta mang ra xem những bộ phim ấy, thưởng thức chúng; và cuối cùng là chúng ta suy nghĩ như thế nào về bộ phim. Đó cũng chính là cách chúng ta phản ứng với bản thân, nói lên bản thân mình.
- Cuốn “Film Book” có cấu trúc như thế nào, và vì sao anh phân chia như thế?
- Cuốn sách bao gồm những bài viết, tranh tô màu về các bộ phim. Có thể thấy một phần cấu trúc cuốn sách này qua tên ban đầu của sách là Sống, yêu, làm, xem và chia sẻ.
Mỗi chủ đề đều là những điều xoay quanh cuộc sống của chúng ta. Ví dụ như Sống, chắc chắn ai cũng phải sống. Trong bộ phim Dunkirk, sống đã là một chiến công, thì tôi nghĩ, có thể chuyển tải thông điệp ấy, để từ bộ phim có thể truyền cảm hứng sống.
Bên cạnh đó, sách đề cập đến việc chúng ta yêu ra sao, xem thế nào… Như trong phần Yêu, bộ phim Coco có câu nói “seize the moment”, nhưng cũng đưa ra câu “Family come first”. Chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp, công việc, song tình yêu gia đình, yêu bản thân, yêu cuộc sống phải đặt lên trước sự nghiệp.
Ngoài ra, sách có phần nội dung thêm, như một gợi ý nhỏ cho những bộ phim lớn. Hy vọng mọi người thông qua những gợi ý nhỏ, có thể tìm được những điều lớn lao hơn trong phim. Những gợi ý xem phim này phân chia theo mùa: phim cho mùa xuân, phim xem vào mùa hạ, thu hay đông.
- Công nghệ thực tế ảo được đưa vào sách như thế nào?
- Mới đầu, sách được hình thành chỉ có nội dung viết, chưa có yếu tố phụ trợ như biến thành cuốn sách tô màu, tích hợp công nghệ thực tế tăng cường AR.
Sau đó, một người bạn họa sĩ của tôi đưa ra ý tưởng, sao chúng ta không để cho độc giả cuốn sách này đọc xong mà vẫn giữ lại nó chứ không cho đi hay làm mất đi… Bởi vậy, chúng tôi biến cuốn sách thành sách tô màu. Tranh vẽ là các nhân vật, hình ảnh trong một bộ phim nào đó, và người đọc có thể tô màu nhân vật theo ý mình.
Tôi là người thích công nghệ, trong một buổi nói chuyện với những bạn khởi nghiệp, thấy có một thứ công nghệ thực tế ảo phù hợp với cuốn sách của mình, và chúng tôi quyết định áp dụng.
Khi bạn tải ứng dụng "Film Book" về thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, bạn mở ứng dụng ra, quét trên bức tranh trong sách, lập tức cảnh phim sẽ hiện ra. Bạn vừa đọc sách, vừa có thể xem một đoạn phim của sách.
- Sử dụng những hình ảnh trong phim cho ứng dụng công nghệ thực tế ảo, anh xử lý vấn đề bản quyền phim như thế nào?
- Các bạn họa sĩ và làm hình ảnh xử lý vấn đề này. Đây là những hình ảnh trailer miễn phí trên mạng. Thêm nữa, chúng ta sẽ không xem toàn màn hình, mà chỉ xem trong lòng điện thoại của mình.
Cuốn Film book có những trang tô màu, tích hợp công nghệ thực tế ảo 4D giúp độc giả vừa đọc sách vừa tô màu và xem phim trên sách. |
- Các bài viết trong sách được thực hiện ở khoảng thời gian nào? Chúng được đăng tải tại nhiều báo, vậy làm sao để chúng có nội dung nhất quán?
- Trong vòng 5 năm, tôi viết khoảng hơn 250 bài báo. Trong đó, tôi chọn ra những bài theo chủ đề rõ ràng vào sách, chứ không thể dùng tràn lan theo cách gom tất cả bài viết lại. Có những phim hay nhưng mình viết chưa thấy hay thì không chọn, có những phim không quá xuất sắc, nhưng cảm thấy mình viết hay thì đưa vào sách… Tất cả đảm bảo sự logic cho cuốn sách.
Khi bắt đầu viết báo về văn hóa nghệ thuật, tôi nghĩ mình phải có một lĩnh vực viết sâu, chứ không thể viết theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước” được. Sau đó tôi viết âm nhạc, hội họa một chút, phim ảnh, mỹ thuật, di sản… nhưng không thỏa mãn khi cái gì mình cũng chỉ biết qua loa.
Tôi tìm kiếm cái gì phù hợp với mình, và chọn điện ảnh như mảng mũi nhọn. Nhưng cho đến thời điểm khi cuốn sách ra đời, đây cũng không phải là một cuốn chuyên sâu về điện ảnh. Tôi viết cuốn sách này không phải một nhà phê bình, nhà nghiên cứu. Tôi viết từ trải nghiệm xem phim của mình.
Khi quyết định chọn phim ảnh, tôi cũng không phải bắt tay viết luôn. Đứng mục phim ảnh ở các tờ báo, tôi thường đặt bài những cây bút am hiểu, sắc sảo trong lĩnh vực. Tôi có một quá trình xem phim dài, thậm chí xem xong có khi chưa viết ngay. Tôi cần có một cái gì đó tương đối sâu, cần cái gì ra tấm ra món, bởi vậy tôi tập trung xem phim.
Giống như chúng ta đi học đại học 4 năm, thì ở đây tôi có 4 năm xem phim. Sau 4 năm, tôi thấy mình có tự tin để viết rồi. Nhưng kiến thức chỉ là một phần. Những bài tôi thấy viết được được chút, đều phải có cảm xúc.
- Ở góc độ nào đó, sách này như một gợi ý cho người muốn tìm hiểu phim ảnh tiếp cận, liệu cách nhìn nhận của anh qua những bài viết có gây ảnh hưởng, áp đặt lên người đọc trong việc tiếp cận bộ phim?
- Nguyên tắc viết của tôi là phải để khoảng trống cho khán giả tham gia vào đấy, tôi không nói toạc ra mọi thứ, đặc biệt bài cảm nhận không kể nội dung phim. Chính vì thế, độc giả đọc cuốn sách này xong, có thể tìm phim để xem, và từ đó gợi mở ra những hướng suy nghĩ khác.
- Cuốn sách được giới thiệu là “truyền cảm hứng thay đổi”. Vậy bộ phim nào có tác động thay đổi cuộc đời anh?
- Một trong những bộ phim thay đổi cuộc đời tôi là Nobody Knows của Nhật Bản. Phim nói về sự vô cảm trong cuộc sống hiện đại. Phim ảnh có tác động tới cảm xúc con người, khiến con người trở nên “người” hơn, trong thời đại của máy móc, công nghệ, 4.0 như bây giờ.
Đôi khi có những bộ phim mình chẳng cần học gì cả, chỉ xem thôi. Nhưng càng xem thì cái nhìn của mình càng gần với cái nhìn của những người thường đưa ra đánh giá chuyên sâu về điện ảnh. Như vậy, tất cả các bộ phim có tác động tới góc nhìn thẩm mỹ.
- Nhiều người cho rằng xem phim để giải trí. Vậy ngoài giải trí, điện ảnh còn nói với ta điều gì khác?
- Phim ảnh có nhiều tác dụng. Giống như tên của nó - nghệ thuật thứ 7- nên có lẽ ngoài giải trí nó còn 7 chức năng nữa. Mỗi người sẽ nhận thấy phim có những chức năng riêng.
Phim giúp ta học hỏi ở đấy nhiều điều, mà chúng ta không phải trả giá bằng thực tế. Tức là mình tiếp nhận được, trải nghiệm từ những bộ phim để bớt đi việc phải bỏ chi phí thời gian, cơ hội trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có một điều cần cảnh giác khi xem phim. Trong một thế giới hình ảnh ngày hôm nay, hình ảnh chiếm quá nhiều trong cuộc sống chúng ta. Ví dụ, chúng ta chụp ảnh đăng trên Instagram, mạng Facebook tràn ngập hình ảnh, việc xem phim cũng toàn hình ảnh.
Vậy chúng ta cần ý thức được chúng ta có muốn chiếm trọn tâm trí của mình là hình ảnh hay không, hay còn là trí tưởng tượng, hay là những khoảng trống mà ta cần bù đắp bằng những hình thức giải trí, tương tác khác như đọc sách, nghe nhạc, hoặc chẳng làm gì mà chỉ ngồi tưởng tượng…