Theo dõi Tâm nguyện cuối cùng, người đọc vẫn nhận thấy một Lôi Mễ tỉ mỉ trong việc xây dựng cốt truyện với cấu trúc mê cung, truyện lồng truyện, bi kịch này nối liền lên bi kịch khác.
Cô gái mất mẹ từ nhỏ cũng vào vụ án hai ba năm trước. Người cảnh sát già thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày không có tâm nguyện nào hơn ngoài việc phá được vụ án hai ba năm trước bỏ ngỏ. Những sức ép cùng sự biến chất đến từ một bộ phận cảnh sát. Người đàn ông cô độc sống trong nhà tình thương bám víu vào nỗi đau quá khứ để tiếp tục sống những ngày cuối đời....
Vì vậy, dẫu sớm biết hung thủ là ai nhưng độc giả vẫn khó rời mắt khỏi trang sách bởi vẫn tầng tầng bí ẩn sau từng tình tiết.
Và bởi tính đặc thù nghề nghiệp mà tác phẩm của Lôi Mễ không chỉ tỉ mỉ trong tình tiết mà còn tỉ mỉ trong tâm lý, cá tính nhân vật. Điều đó lần nữa được khẳng định ở Tâm nguyện cuối cùng với những lời thoại cùng sự phân tích nội tâm đi sâu vào ẩn khuất của nghề cảnh sát, tâm lý không những tội phạm còn của cảnh sát hay nạn nhân: “Điều khiến người ta ngạc nhiên là, Kỷ Càn Khôn không hề phản bác lại hắn. Sau khi suy nghĩ mấy giây, ông lại gật đầu ‘Mày nói đúng. Mày và tao, đều đáng chết’”.
Tuy nhiên, chính những gì là ưu điểm vốn có trước đó của tác giả Lôi Mễ lại khiến cho câu chuyện trở thành lối mòn và không thể vượt qua series trinh thám tâm lý tội phạm đã từng rất thành công của ông.
Tâm nguyện cuối cùng - tác phẩm trinh thám mới nhất của Lôi Mễ. |
Nội dung, tình tiết của tác phẩm lớp lang, mạch lạc song lại không có nhiều đổi mới, thậm chí có phần dài dòng và có thể coi đây như một sự đuối sức của chính tác giả Lôi Mễ. Chất trinh thám tâm lý không “đậm đặc”, logic như Đề thi đẫm máu; chất hình sự bi thương lại chẳng thể với đến tầm Sông ngầm.
Vẫn hình thức giết người liên hoàn quen thuộc nhưng vụ án không trọn vẹn của Lâm Quốc Đống vào hai mươi ba năm trước trong cuốn sách có quá nhiều “lỗ hổng”. Khác hoàn toàn với sự hoàn hảo không một kẽ hở từ thủ pháp gây án tới xóa dấu vết hiện trường trong năm đề thi được đánh dấu bằng máu tươi đỏ thẫm của Đề thi đẫm máu.
Vẫn sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cảnh sát song Tâm nguyện cuối cùng không đẩy sự tha hóa đó đến tận cùng như Sông ngầm. Và cái kết có phần quá viên mãn tựa cổ tích của cuốn tiểu thuyết: cái thiện chiến thắng hoàn toàn cái ác, không có hy sinh, đổ máu trong quá trình phá án chẳng đủ tạo nên sự ám ảnh như hy sinh đầy thầm lặng của bao bóng lưng người cảnh sát ở Sông ngầm.
Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật cũng mang quá nhiều “đặc trưng” đến từ dàn nhân vật nổi tiếng của Lôi Mễ trước đấy. Người đọc dễ dàng nhận ra bóng hình một Phương Mộc nhạy bén với vụ án nhưng cũng đầy đa cảm qua hình ảnh Ngụy Quýnh; một Hình Chí Sâm chí công vô tư qua Đỗ Thành hay kiểu nhân vật tội phạm có tâm lý vặn vẹo như Lâm Quốc Đống trong hình ảnh Giang Á, Tôn Phổ...
Có chăng ở tác phẩm này, Kỉ Càn Khôn là kiểu nhân vật phá cách nhất: vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ. Nạn nhân của vụ án hai ba năm trước song lại là hung thủ khiến cho vụ án đó xuất hiện những tình tiết mới không thể kết thúc. Tuy vậy, một Kỉ Càn Khôn là không đủ để vực dậy cả một hệ thống nhân vật vốn đã đi vào lối mòn.
Cuốn tiểu thuyết dài hơn 700 trang, nội dung phát triển với lối tự sự không mới, tình tiết nhiều phân đoạn dài dòng, cách xây dựng nhân vật đi vào lối mòn... Bởi thế, dẫu Tâm nguyện cuối cùng vẫn mang những nét hết sức đặc trưng vốn là điểm mạnh của Lôi Mễ như sự tỉ mỉ ở phát triển tình tiết, miêu tả tâm lý nhân vật – nhất là tội phạm và cảnh sát song cũng không thể phủ nhận, sự hụt hơi của ông ở tác phẩm này.
Vì vậy, có thể nói đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám dài dòng nhưng lại không trọn vẹn của Lôi Mễ.