“Như con tằm rút ruột nhả tơ”, NSƯT Thành Lộc đã dành cả đời mình để mang trọn vẹn xúc cảm cho khán giả. Mỗi đêm diễn, khi tấm rèm nhung mở ra, anh sống trọn một cuộc đời khác: cuộc đời của nhân vật. Khán giả khóc cười theo nhân vật, theo anh. Xưa, có những người đóng vai Quan Công, trước đó phải nằm đất ăn chay, thậm chí không được gần vợ để hoàn toàn tin mình là Quan Thánh Đế. Vậy chuyện gì đã xảy ra với NSƯT Thành Lộc trong suốt 45 năm qua? Cái con người đã gần 600 lần xắn xương máu và linh hồn của mình chia đều cho 600 vai diễn?
45 năm qua, thử coi, anh đã chết bao nhiêu lần trên sân khấu. Anh đã cưới bao nhiêu cô, đã bị thất tình, phản bội. Đêm anh làm vua, đêm khác làm giặc. Bữa anh làm lão, bữa khác anh làm đứa trẻ tung tăng…Có lúc anh là Ignacio nổi loạn trong vở kịch Trong Hào Quang Bóng Tối chống lại cái ác, cái xấu và nhận lãnh kết cục bị thủ tiêu. Rồi có khi anh lại là một Tạ Thanh mưu mô trong Bí mật Vườn Lệ Chi đẩy Nguyễn Trãi vào cái án oan phải tru di tam tộc. Có đêm anh trong vai một cô gái bán thân chuyên trị những kẻ đạo đức giả mạo với bề ngoài lịch lãm trong Hợp đồng mãnh thú. Cả một xã hội đảo điên, điên đảo… Rồi đêm khác anh lại là một Lý Thường Kiệt không phải trong vai một anh hùng mà ở khía cạnh rất đời thường trong Ngàn năm tình sử của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Trong hàng ngàn đêm diễn trong cuộc đời mình, mỗi đêm, nhìn xuống hàng ghế khán giả, chỉ mong tìm được một ánh mắt có cùng tần số cảm xúc là anh hạnh phúc lắm rồi. Một khán giả, là một nhà sư bên Pháp về, xem vở Bí mật vườn Lệ Chi mà Thành Lộc dồn tất cả nỗi đau của mình vào Dàn Đồng Ca ở cuối vở. Dàn Đồng Ca trong một đống vải lùng nhùng như hồn của đất, hồn của nhân loại cố làm như không biết, không thấy, không nghe… Nhà sư đã tâm sự: “Tôi đã nhìn ra Dàn Đồng Ca đó tuy là chứng nhân lịch sử, nhưng không thể nói ra những sự thật kinh hoàng mà mình từng chứng kiến”. Vâng. Chỉ cần nhiêu đó thôi, khi khán giả nhìn ra những trăn trở mình gửi gắm qua từng vai diễn, với Thành Lộc hạnh phúc đã đủ đầy.
Cộng đi trừ lại, anh còn được gì sau ngần ấy phân thân? Anh bảo: “Khi sáng tạo một vai diễn, dựng một vở, tôi luôn làm như đang làm một cái gì đó cho người mình yêu”. Phải. Chỉ khi làm cho người mình yêu (dù là tưởng tượng) thì Thành Lộc mới có thể thổi cho những con chữ im lìm trong kịch bản sự sống, rót xương máu và linh hồn của mình vào những cái vỏ vô hình ấy.
“Bạn nên biết là Thành Lộc cũng thích ăn nói tục tằn, thích được chửi thề để xả phần nào những áp lực công việc không chia được với ai, cũng mê những việc rất Con Người, cũng thích yêu đương, dù lăng nhăng hay nghiêm chỉnh, thích hưởng thụ sân si”… Thành Lộc sau khi trải hết lòng mình, đã mong bạn đọc hãy hiều anh cũng rất Con Người như thế.
“Đến với đời này với Tâm Thành, mang tài năng của mình đến với khán giả như để tặng Lộc cho đời. Rồi có được đời nhớ hay bị người phũ phàng quên, thì cũng là hên xui của số mệnh”. Người đời sẽ không dễ dàng lãng quên đã từng có một Thành Lộc tài năng mà họ vô cùng yêu mến. Khán giả sẽ kể với con cháu họ, bắt đầu bằng: “Ngày xửa, ngày xưa, trên sân khấu thoại kịch ở Sài Gòn, có một Thành Lộc…”.
***
Đã có rải rác vài lời đề nghị tôi viết hồi ký hoặc ngồi kể cho người ta ghi lại từ nhiều năm trước nhưng tôi đã từ chối bai bải... vì thấy mình chưa đủ độ dầy và độ... sạch sẽ để cho người ta đọc về mình, phần cũng lười lắm nên thôi...
Bây giờ nghe nói chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, bà bạn thân của mình chấp bút thì đúng như là cái điều kiện ắt có và đủ để cho cái phản ứng hóa học nó hình thành đúng thời điểm, gọi là thiên thời địa lợi nhân hòa đã có đủ, hai chị em lần nữa lại dính duyên như cứ phải làm kịch của chị ấy... suốt đời vậy!
Chị Ngọc viết vài lần cho đọc nhưng không ưng, vì nó không phải giọng điệu của mình. Tới lần nầy thì thấy lạ lắm! Người nghe kể chuyện có khi sẽ bị lẫn lộn về thời gian, không gian, nhưng đó đúng là cách viết lại của một người nhớ đến đâu thì kể đến đó, như những thước phim đời ghép lại từ những ký ức lúc nhớ lúc quên, không tuân thủ theo những quy luật tự nhiên của một cuốn hồi ký cổ điển, quen thuộc. Bà chị Ngọc đã chọn đúng cái lối dụng văn của thằng em, thằng bạn nầy khi kể, nó rất ngẫu hứng và... ngang bướng, lúc lương thiện, lúc lại ranh ma và có chút vị ươn ươn của mùi máu điên chạy rần rần trong thằng nghệ sĩ. Chắc tại chơi thân quá nên chị hiểu chứ không là chị, tôi không biết nhờ ai! Cảm ơn chị!
Sẽ có người phán: Vậy là nó biết nó già rồi nên mới chịu làm cuốn sách. Dạ nói sao cũng được, cũng đúng hết vì trong thời điểm nầy đây thấy làm điều đó đã là cần thiết, đời sống có hiện đại bao nhiêu, có tân tiến bao nhiêu thì đều cũng phải cần có những câu chuyện kể ngày xửa ngày xưa, nó là truyền thống kế thừa và nối tiếp những bước đi làm dài thêm quang lộ của đời, để đời luôn tồn tại, phát triển và vĩnh hằng. Sẽ có câu chuyện hay, cũng có những câu chuyện chưa thật hay, thậm chí các bạn ở thế hệ 8x và 9x sẽ không cảm hoặc cả không tin vào những mảng đời, câu chuyện mà chỉ có sinh ra và trải nghiệm sống trong thời điểm đó của lịch sử mới hiểu rằng đó là sự thật, dù sự thật khó tin hay không nhưng chắc chắn nó cũng sẽ góp phần làm phong phú vốn đời cho một thế hệ đang chuyển động và làm chủ cuộc sống hiện tại. Nhưng không phải là hồi ký thì cái gì cũng được kể lại, có những chuyện mà người trong cuộc cũng chỉ muốn giữ lại cho riêng mình, huống chi đây không hoàn toàn là một cuốn hồi ký, chỉ là những câu chuyện được kể lại, kể cho nhau nghe để còn nhìn nhau mà cười, gửi đến nhau những nụ cười viên mãn. Đời vậy là đủ đẹp, cau mày với nhau làm gì!
Ai cũng một lần được nghe kể những câu chuyện xưa với lời mở đầu là: Ngày xửa ngày xưa, có một...
Dạ, cũng thấy được an ủi lắm khi mai sau với khán giả yêu kịch nghệ cũng sẽ có một câu chuyện tương tự ngày xửa ngày xưa nơi đây đã từng có một...
THÀNH LỘC
Mời các bạn đón đọc Tâm Thành và Lộc Đời của tác giả Thành Lộc.