Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện Tập 7 |
|
Tác giả | Vương Hiểu Lỗi |
Bộ sách | Tào Tháo thánh nhân đê tiện |
Thể loại | Danh Nhân |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 9275 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 mp3 Sách Nói Audio full Vương Hiểu Lỗi Tào Tháo thánh nhân đê tiện Nhân vật lịch sử Tào Tháo Danh Nhân Tam Quốc Sách hay Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Mùa hè năm Kiến An thứ mười một, thiên hạ hỗn loạn đã mười bảy năm trời, những kẻ từng xưng hùng một thời như Viên Thuật, Lã Bố, Công Tôn Toản, Viên Thiệu lần lượt suy bại, duy có Tào Tháo giương ngọn cờ “phụng mệnh thiên tử thảo phạt kẻ bất thần” trở thành bá chủ trung nguyên. Thế nhưng, nhất tướng công thành vạn cốt khô, binh đao nổi lên khắp nơi, máu chảy thành sông, lại thêm thiên tai, bệnh dịch liên miên khiến cho nhân khẩu trong thiên hạ chỉ còn bằng một phần mười so với trước đây, vô số sinh linh phải vùi thây trong khói lửa...
Có điều, chín châu rộng lớn nên cũng có nơi chiến loạn không lan tới được, ví như núi Từ Vô1 ở quận Hữu Bắc Bình, U Châu, là nơi tiếp giáp giữa quận Hữu Bắc Bình và quận Liêu Tây. Trong lúc trung nguyên xảy ra biến loạn, người Ô Hoàn chiếm cứ quận Liêu Tây, núi Từ Vô được coi là biên giới Hồ—Hán. Phía bắc ngọn núi này còn có Vạn Lý Trường Thành vắt ngang từ đông sang tây.
Trên danh nghĩa, Trường Thành ở U Châu do nhà Tần xây dựng, nhưng thực tế nó được dựng trên nền của Yên Trường Thành thời Chiến Quốc, đã có hơn bốn trăm năm lịch sử. Nay không có người canh gác, lại không được thường xuyên tu bổ nên trông thật hoang tàn, đổ nát. Núi Từ Vô trập trùng, vách đá cheo leo, cây cối rậm rạp, bụi gai um tùm càng làm tăng thêm vẻ hoang vu, u tịch của Trường Thành. Vào buổi thái bình, chẳng ai muốn đến nơi hẻo lánh làm gì, nhưng trong thế sự rối ren lúc này, trốn vào rừng sâu núi cao lại có thể tìm được chút an nhàn, yên tĩnh. Nhất là vào giữa mùa hè, tiếng suối chảy róc rách giữa những khe núi hòa với tiếng chim hót ríu rít, vô tình tạo nên khúc nhạc êm tai; trên những mỏm núi đá có nhiều loài hoa dại không tên, đung đưa trong gió, tỏa hương ngào ngạt, khiến cho ngọn núi hiểm trở có phần dịu dàng, nên thơ... Lạ thay, giữa chốn núi rừng âm u đó còn có một ngôi làng, ruộng nương vuông vắn, khói bếp vấn vít, thôn dân sống rất yên bình, tựa như một thế giới khác, hoàn toàn tách biệt với sự chém giết hỗn loạn bên ngoài.
Thôn trang lọt thỏm giữa hai ngọn núi lớn, lối vào thung lũng chỉ có một khe nhỏ nên rất khó phát hiện. Những thửa ruộng nằm rải rác ở chỗ trũng hoặc sườn núi, nhưng khá quy củ. Phía chân núi có những luống rau và cây trái ngay ngắn, còn đáy thung lũng là một dãy nhà tranh, đơn sơ mà ngăn nắp. Giữa các nhà có tiếng gà cục tác, tiếng chó sủa và tiếng trẻ con nô đùa ầm ĩ, người dân trong thôn thảnh thơi lùa dê, bò qua sân. Thậm chí còn có cả tiếng đọc sách oang oang vọng ra từ trường học... Tất nhiên, thôn trang này không phải do tạo hóa ban tặng, mà do một danh sĩ U Châu tên là Điền Trù đã dẫn già trẻ lớn bé trong cả tộc đến gây dựng từng chút một trong suốt những năm ở ẩn. Nếu nhìn kỹ, lối vào thung lũng và trên các đỉnh núi xung quanh đều có không ít trai tráng tay cầm gậy gộc, canh gác nghiêm ngặt, nếu có tên thổ phỉ nào dám bén mảng lại gần, họ sẽ lập tức xông tới liều mạng với chúng.
Đúng lúc ấy, trên con đường nhỏ có một người cưỡi lừa ung dung tiến lại thôn trang. Người này ngoài ba mươi tuổi, tướng mạo khôi ngôi, mình mặc áo vải thô, đẩu tết tóc vấn khăn, nhưng vẫn toát lên khí chất anh tuấn. Có lẽ vì đi đường nóng nực, ông ta mở phanh vạt áo trước để lộ phần ngực, làm tôn lên chòm râu dài phất phơ dưới cằm. Tay gõ gậy trúc, miệng nhẩn nha hát, ông ta cưỡi con lừa đen, mũi phớt hồng, hai mắt tròn xoe, nom thật là tiêu dao.
...