Tập San Sử Địa Tập 14&15 |
|
Tác giả | Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn Nhóm Giáo Sư |
Bộ sách | Tập San Sử Địa |
Thể loại | Biên khảo - Địa Lý |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 1625 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn Tập San Sử Địa 1000 eBook Việt Một Thời Vang Bóng Biên Khảo Lịch Sử Địa Lý |
Nguồn | tve-4u.org |
Tại các nước tiền tiến, Đại-Học đã đóng giữ vai trò quan-trọng để phát triển Văn-hóa. Đại-học chính là những trung-tâm phát-triển Văn-hóa.
Tại Việt-Nam, người ta đã chỉ-trích rất nhiều về Đại học, thiếu hẳn tinh-thần đại học, không khác gì một trường Trung-học.
Quả thật, Đại-Học Việt-Nam hầu như đã thiếu hẳn tinh-thần khảo-cứu và đã không giữ đúng mức vai-trò lãnh-đạo phát-triển văn-hóa nước nhà của nó.
Sự ra đời của Tập San Sử Địa dưới một mái trường đại-học, không nhằm mục đích gì hơn là nói lên khát vọng mong muốn Đại-Học Việt-Nam sớm trở thành những trung-tâm phát-triển văn-hóa nước nhà.
Ngày nay, Đại-Học Việt-Nam đã có nền tự trị đại-học, liệu Đại-Học Việt-Nam đã có kế-hoạch tự phát-triển nào chưa để cải-tiến đại-học nhất là tạo hoàn-cảnh để Đại-Học sớm giữ vai trò thúc-đẩy phát-triển văn-hóa nước nhà của mình.
Nhóm Chủ-trương TẬP SAN SỬ ĐỊA rất ước-ao các Đại-Học Việt-Nam một ngày gần đây sẽ mạnh-dạn thúc-đẩy các hoạt-động văn-hóa, khuyến-khích các nhóm nghiên-cứu hoạt-động tại các phân khoa của các đại-học.
TẬP SAN SỬ ĐỊA đang chờ đợi các bạn đồng hành tại mọi phân khoa thuộc các Đại Học Việt-Nam. Đó là niềm ước vọng tha thiết nhất của chúng tôi.
Sử Địa hiện đương sửa soạn các số đặc khảo về « Việt kiều tại các Lân bang », « Các Nho sĩ Miền nam », « Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt-Nam ». Sử Địa rất mong được sự hợp tác của quí bạn đọc.
TẬP SAN SỬ ĐỊA
***
Nguyên tác : NGUYỄN XUÂN THỌ
Bản dịch : NGUYỄN NGỌC CƯ
L.T.S : Từ Paris, ông Nguyễn xuân Thọ đã gởi về cho Sử Địa bài biên khảo bằng Pháp văn nhan đề : « Le Coup de Force de Hue du 5 Juillet 1885 ; Le Pillage du Palais Impérial ; La Résistance de Hàm-Nghi & Le Règne de Đồng-Khánh ». vì lý do kỹ thuật ấn loát chúng tôi chỉ xin đăng bản dịch của giáo sư Nguyễn Ngọc Cư.
« Hiệp-định Thiên-tân » ký kết ngày 11-5-1884 giữa Hải-quân Thiếu-tá Fournier, đại diện của Pháp quốc và phó-vương Lý Hồng Chương đại diện của Trung-hoa, cùng với-hòa ước Giáp Thân ký tại Huế ngày 6-6-1884 công-nhận Pháp được quyền bảo hộ Việt-Nam không thể đem hòa-bình đến cho Viễn-đông.
Tại Trung-Hoa, đa số quan-lại và nho-sĩ vốn tán-thành chính-sách cứng rắn đối với bọn « Bạch quỷ Tây phương », chống đối Lý Hồng-Chương là lãnh-tụ phe chủ hòa. Tuy nhiên, ngoài sự đối lập theo nguyên tắc, họ thường không đồng ý với nhau về điểm Trung-Quốc nên tiếp tục hay chấm dứt chiến tranh.
Chính Semallé, đại-lý sự-vụ Pháp ở Bắc-Kinh, hằng theo dõi sự tiến-triển của Hiệp-định Thiên-tân, cũng chẳng rõ sự thể ra sao. Ngày 30-5-1884 ông báo cho chính-phủ Pháp hay tin rằng Bắc-kinh không phê-chuẩn bản hiệp-định ; rồi ngày 7 tháng 6, lại trình rằng « chính phủ Trung-Hoa biểu-lộ hảo ý ».
Đầu tháng 4 năm 1884, Cung Thân-vương là người cầm đầu Bộ Ngoại-giao bị thất-sủng vì các cuộc âm-mưu ; Khang thân-vương, một địch-thủ của Lý Hồng-Chương, thay thế. Biến cố ấy không thuận-lợi cho việc thi-hành Hiệp-ước đã bị xếp bỏ trên thực-tế.
Tại Huế, ngày 26-7-1884, có tin vua Kiến-Phúc băng-hà vì bệnh, sau sáu tháng trị-vì. Chắc hẳn bệnh tình nhà vua bắt nguồn từ mối bất-hòa với quốc-trượng Nguyễn Văn-Tường và dư luận đồn rằng nhà vua đã chết vì ngộ thuốc…
Theo nguyên-tắc ngai vàng phải dành cho ông Chánh-Mông là nghĩa-tử thứ hai của vua Tự-Đức. Nhưng hai vị phụ-chính Thuyết và Tường không muốn lập người lớn tuổi vì sợ mất hết quyền của họ, bèn chọn hoàng-đế Ưng-Lịch em út cố-quân, mới 12 tuổi, lập lên làm vua, đặt niên-hiệu là Hàm-Nghi. Ngày 14 tháng 8, Cơ-mật Viện cáo-tri việc suy-tôn cho vị đại diện Pháp quốc ở Huế.
Ngày 16 tháng 8, viên Khâm-sứ Rheinart phúc đáp rằng :
« Nam-triều đã tự-tiện chọn lập một vị tân-quân mà không thỉnh-cầu trước và được sự chấp-thuận của bản-chức… như vậy việc tuyển-lựa ấy coi như vô giá trị. Sau khi được bản chức chấp-thuận, triều đình phải thực-hiện một cuộc tuyển-lựa mới và suy-tôn vị ấu-chúa, em cố-quân… Lễ phong-vương phải cử-hành có sự hiện-diện của vị đại-diện Pháp-quốc ; một toán quân Pháp sẽ cùng với vệ-binh Việt-Nam đứng dàn chào tại nội-cung trong khi hành lễ… Nếu đúng hạn mà Nam-triều không theo đủ những điều-kiện ấy, bản-chức sẽ dùng tới võ-lực ». 1
Để tán-trợ thái-độ của mình, viên Khâm-sứ Rheinart đã cho chuyển từ Hà Nội vào 600 binh-sĩ và súng lớn. Khi lực-lượng lớn lao ấy đã tới Huế, Rheinart đòi, trước khi cử-hành mọi nghi-lễ, hai vị phụ-chính phải trao văn-thư xin phép lập và tôn-phong ông Ưng-Lịch. Tường và Thuyết gửi tờ xin phép sang tòa Khâm nhưng viết bằng chữ Nôn. Rheinart không ưng và đòi phải thảo bằng chữ Hán !
Triều-đình cũng phải chiều ý và, ngày 18-8-1884, viên Khâm-sứ cùng vị chỉ-huy quân-sự Pháp trịnh-trọng vào hoàng-cung bằng cửa giữa, từ xưa vốn dành riêng cho các đế-vương, để chứng-kiến lễ phong-vương cho vua Hàm-Nghi.
Cùng lúc vua Hàm-Nghi cảm thấy nỗi bực-bội đầu tiên báo-hiệu những ngày gian-nan hơn sẽ xảy ra, các hành-vi ngang-trái đối với nghi-lễ cổ-truyền là điều sỉ-nhục não-nùng cho triều-đình Huế.
Những viễn-ảnh đen tối đã hiện ra cho vận-mệnh nước Việt-Nam và vương-quyền họ Nguyễn.
Ngày 12-9-1884, Thủ-tướng Pháp Jules Ferry chỉ-định một viên Khâm-sứ mới tại Huế, đó là Lemaire, được bổ làm Toàn-quyền Công-sứ hạng nhì.
Đầu tháng 12 năm 1884, vị Đại-sứ Tây-ban-nha ở Paris được lệnh thăm dò ý-tứ của chính-phủ Pháp về việc lâm-thời bổ-nhiệm những đại-diện chính-phủ Tây-ban-nha tại Việt-Nam. Thực thế, Hòa-ước Tây-Việt ký ngày 27-1-1880, có dự-trù việc cử tới Thị-nại, Ninh-hải và Hà-nội mấy viên lãnh-sự. Các vị này, sau khi được lệnh chấp-ngoại (lệnh cho phép lãnh-sự hay đại-sứ ở ngoại-quốc được chấp-hành sự-vụ), đều được hưởng những đặc-quyền ngang hàng với đại-diện các nước khác. Họ có quyền tài-phán trong những cuộc tranh-chấp giữa kiều dân Tây-ban-nha hoặc giữa người Tây và ngoại-kiều khác ; nơi nào không có đặt lãnh-sự Tây thì các cuộc tranh-chấp do các lãnh-sự Pháp xét xử, còn về những cuộc tranh-chấp giữa kiều-dân Tây và người Việt-Nam thì, nếu vị lãnh-sự không thể hòa-giải hai bên nguyên bị, quyền tài-phán sẽ giao cho một tòa-án trọng-tài gồm vị lãnh-sự và một viên thẩm-phán Việt-Nam.
Hòa-ước Tây-Việt có hiệu-lực và sẽ xảy ra nhiều điều bất lợi cho Pháp khi mà Tây-ban-nha thực-thi kế-hoạch cử sang những lãnh-sự có những thẩm-quyển tương-khắc với việc sử-dụng quyền bảo-hộ. Vì vậy, chính-phủ Pháp yêu-cầu Tây-ban-nha đừng thay đổi gì hiện-trạng trước khi bình-định xong Trung và Bắc-phần Việt-Nam Pháp vẫn hy-vọng rằng nếu về sau chính-quyền Madrid còn nài nỉ, thì có thể thuyết-phục họ từ-khước quyền tài-phán của đại-diện Tây như ở xứ Tunisie. Hiệp-định Thiên-tân ký vào mùa xuân, rất bấp-bênh ; tân chính-phủ Trung-Hoa coi sự vội-vàng chấp-nhận của Pháp như là một dấu hiệu nhu-nhược và không coi là trọng chữ ký của một viên Hải-quân Thiếu-tá, « nhà ngoại-giao ngẫu-nhiên ». Lại nữa, bản văn hiệp-định, thảo vội và dịch sai, đã gây mập mờ trong bản chữ Hán.
Đại đa-số nho-sĩ Trung-hoa chống lại bản hiệp-ước đã để cho Pháp chễm-chệ hiện-diện ngay giáp biên-thùy phía Nam. Giới nho-sĩ vốn chủ-trương bài-ngoại và chẳng muốn Trung-Quốc « khai-phóng » chút nào. Đứng đầu phe chống-đối là một lão-tướng 79 tuổi. Tả Tôn-Đường, người đã chiến thắng loạn Thái-bình thiên-quốc ; ông đã làm phấn-khởi toàn-thể nho-sĩ khắp trong nước và ai nấy đòi hoãn thi-hành hiệp-ước mà họ muốn tu-chính.
Khi ở Huế, người Pháp tiêu-hủy chiếc ấn-tín phong-vương lớn là biểu-hiệu quyền tối-thượng của Trung-Quốc, chính-quyền Bắc-kinh phản-kháng. Trung-Hoa phủ-nhận rằng Hiệp-ước dự-liệu việc triệt-thoái tức-khắc khỏi địa-phận Bắc-kỳ. Về phía Pháp thì, theo chỉ-thị của Fournier, quân-đội chuẩn-bị gấp để chiếm-giữ các đồn mà quân Tàu phải triệt-thoái.
Vì thế đã xảy ra « vụ Bắc-lệ ». Ngày 23-6-1884, trên đường tiến lên đóng ở Lạng-sơn theo các chỉ-thị kể trên, một đạo quân Pháp đụng độ với nhiều quân Tàu gây chiến, và phải rút lui sau những thiệt-hại nặng nề.
Thực ra thì không có cuộc « mai-phục ở Bắc-lệ » như một số sử-gia Pháp đã nghĩ. Việc xảy ra chỉ tại bên phía quân Tàu, thượng lệnh đã chuyển tới rất chậm. Vì đường xa mà các phương-tiện giao-thông lại thô sơ, các chỉ-thị của Bắc-Kinh đã không tới kịp cho quân Tàu đang trú-đóng tại Bắc-kỳ, nên cuộc đụng-độ đã xảy ra.
Vụ này đã khích-nộ chính-phủ Pháp tới cực độ. Ngày 12-7-1884 Thủ-tướng Jules Ferry đã cho chuyển tới Bắc-Kinh một tối hậu-thư được gia hạn cho tới ngày 19 tháng 8.
Lại nữa, trong trận đánh chiếm thành Sơn-tây, Đô-đốc Courbet đã bắt được những văn-thư của viên Tổng-đốc Lưỡng-Quảng gửi cho Lưu Vĩnh-Phúc, chứng tỏ rằng Trung-Quốc đã chính-thức tham-dự chiến-cuộc Việt-Nam.
Vì vậy, Pháp đòi Trung-Quốc phải triệt-thoái ngay khỏi Bắc-kỳ và bồi-thường chiến-phí 250 triệu quan Pháp. Chính-phủ Pháp giao cho Đô-đốc Courbet, hiện đang phong-tỏa bờ biển Việt-Nam, quyền chỉ-huy tất cả lực-lượng hải-quân Pháp trên mặt bể Trung-Hoa, gồm 40 chiến-thuyền. Để tán-trợ bức tối-hậu-thư, Đô-đốc Courbet đi lùng chiến-thuyền Trung-Hoa ; khi thấy hạm-đội mạnh nhất ở gần cảng Phúc-châu bèn tấn-công và đánh đắm một phần lớn, rồi bắn phá công-binh xưởng và các pháo-đài. Theo chỉ-thị của chính-quyền Paris, Đô-đốc không mạo-hiểm xâm-nhập vùng phụ-cận Bắc-kinh hầu tránh làm mích lòng Lý Hồng-Chương và khỏi gây ra những phản-ứng bất-lợi của các cường-quốc hàng-hải đang lo-ngại cho hoạt-động thương-mại của họ. Cũng do những chỉ-thị của Paris, Đô-đốc Courbet tấn-công đảo Đài-loan để chiếm mỏ than đá lớn ở Cơ-long.
Tại Việt-Nam, quân Tàu và quân Việt-Nam cố-gắng thêm một phen nữa. Tôn Thất-Thuyết tổ-chức tại miền châu-thổ Hồng-hà một cuộc tổng phản công lớn với quân Cờ-đen, những toán người Mường và những đạo quân chính-quy. Các quan Tàu và Việt-Nam truyền hịch hô hào cuộc kháng-chiến và phá-hoại các cơ-sở của Pháp.
Ngay từ tháng 4 năm 1884, triều-đình Huế cho tổ chức những doanh-trại lớn trong hai tỉnh Thanh-hóa và Nghệ an. Các quan phủ, huyện ra lệnh động-binh toàn-thể ; những công-tác lớn lao được thực-hiện trong việc sửa chữa đường Đồng-Vang để chuyển viện-quân Trung-Hoa vào tới Quảng-bình và Quảng-trị là hai tỉnh đã chuẩn-bị xong việc đồn-trú và tiếp-tế lương-thực. Một pháo-đài đã được xây cất tại huyện Cam-lộ (Quảng-trị) có nhiều núi, rừng, để tiếp đón nhà vua cùng triều-thần và dùng làm đại bản-doanh cho một cuộc tổng khởi-nghĩa. Tôn Thất-Thuyết sẽ hộ-giá vua Hàm-Nghi tới đó ; Hoàng Kế-Viêm đem 5.000 quân từ Quảng-nam và Quảng-ngãi ra Hưng-hóa là miền ông thông-thuộc và đã có dịp chiến-đấu chống quân Pháp ; Đề-đốc Ngô Tất-Ninh dẫn 400 tinh-binh ra Thanh-hóa và chỉ-huy nhiều nghĩa-quân do Cai-Mão đã tập-hợp để tiến ra đánh Ninh-bình. Viên tri-châu Điện-biên phủ cùng con trai là Điêu-văn-Xanh sẽ xuôi dòng Hồng-hà để chiếm Tuyên-quang và Sầm Cung-Bảo nhận lệnh đánh phủ Lâm-thao.
Rủi ro là tất cả các kế-hoạch được chuẩn-bị tỉ mỉ đã bị quân Pháp thông tỏ : trong một bức thư đề ngày 6-11-1884 Giám-mục Puginier đã báo-cáo đầy đủ chi-tiết cho Thiếu-tướng Tư-lệnh đạo quân viễn-chinh. Lập-tức vị tướng này bố-trí đề phòng mọi bất ngờ và xin thêm viện-binh.
Cho nên các cuộc hành-quân tái-diễn quyền chỉ-huy của Thiếu-tướng Brière de l’Isle. Ngày 8-10-1884, tại Kép, tướng Négrier đẩy lui một đạo quân Tàu từ Quảng-tây tiến sang ; một đạo quân Tàu khác đe dọa thành Tuyên-quang do Thiếu-tá Dominé giữ. Cuối tháng 12, Tướng Lewal, tân Bộ-tưởng chiến-tranh gửi thêm viện-binh sang và đảm nhiệm việc lãnh đạo các cuộc hành-quân. Đầu tháng 2 năm 1885, quân-đội Pháp lại mở cuộc tấn-công. Thành Tuyên-quang được giải tỏa ; quân Pháp chiếm Lạng sơn. Theo lệnh của Paris bấy giờ muốn gây áp-lực trong các cuộc thương-nghị đang tiến hành với Trung-Hoa, tướng Négrier xâm-nhập lãnh-thổ Trung quốc nhưng rồi lại phải triệt-thoái vì vấp phải những lực-lượng trội hơn nhiều. Trong cuộc lui quân, tướng Négrier bị thương ; vị tướng-lãnh kế nhiệm đã mất cả bình-tĩnh, ra lệnh cho quân sĩ mạnh ai nấy chạy, và bỏ thành Lạng-sơn ngày 28 tháng 3.
Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 14&15 của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.