Thái Thượng Cảm Ứng Thiên |
|
Tác giả | Đức Thái Thượng Lão Quân |
Bộ sách | |
Thể loại | Tôn giáo - Thiền |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 61 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 Sách Nói Audio full Đức Thái Thượng Lão Quân Vô Tri Cư Sĩ Tôn Giáo Đạo Giáo Tham Khảo Tu Chân Văn Học Phương Đông |
Nguồn | |
Tóm tắt sách "Thái Thượng Cảm Ứng Thiên"
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một tác phẩm đạo giáo nổi tiếng, được cho là có nguồn gốc từ Thái Thượng Lão Quân, với mục đích giáo dục nhân sinh quan về nhân quả và khuyên mọi người làm điều thiện, tránh ác. Bài văn này dài chỉ hơn 1.000 chữ nhưng mang đậm lý lẽ thuyết phục về sự tác động của hành động thiện ác và quả báo trong đời sống. Những câu chuyện trong tác phẩm này kể về các lỗi lầm mà con người thường mắc phải, nhằm giúp người đọc nhận thức và tránh được họa tai từ những hành động sai trái.
Được phổ biến rộng rãi từ đời Tống, tác phẩm này đã được ghi vào Đạo Tạng và trở thành một phần không thể thiếu trong giáo lý Đạo Giáo. Cùng với các giáo lý về bùa chú và tu luyện, nó còn là một công cụ mạnh mẽ trong việc duy trì trật tự và đạo đức xã hội. Bài văn không chỉ giải thích lý thuyết về nhân quả mà còn đưa ra những hướng dẫn thực tế, gần gũi và dễ hiểu về cách sống lương thiện, qua đó giúp con người đạt được sự thánh thiện và minh triết.
Sau nhiều thế kỷ, nhiều học giả đã chú giải và biên soạn lại tác phẩm này, tạo thành một bản "Vựng Biên" với khoảng 200.000 chữ. Bản này chứa đựng rất nhiều câu chuyện, lý luận về nhân quả, báo ứng, và các triết lý đạo đức từ các nguồn kinh điển Nho gia và Phật giáo.
Đánh giá sách
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có một sức ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong lịch sử văn hóa Trung Quốc. Dù có người tranh luận về tác giả thực sự, nhưng giá trị của tác phẩm này không thể phủ nhận. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là những lời khuyên đạo đức, mà còn phản ánh sự kết hợp giữa các triết lý đạo giáo, Nho gia và Phật giáo. Đặc biệt, tác phẩm này đã giúp người đọc hiểu sâu sắc về nguyên lý nhân quả, báo ứng, và cách thức để đạt được sự bình an trong cuộc sống.
Một trong những điểm mạnh của tác phẩm là ngôn từ dễ hiểu và hợp lý, dù chủ đề khá trừu tượng. Các câu chuyện minh họa đã làm cho những lý thuyết về nhân quả và cảm ứng trở nên gần gũi, thực tế hơn. Ngoài ra, sự hòa quyện giữa lý thuyết và thực tiễn trong tác phẩm khiến cho người đọc có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong việc giáo dục con cái, giữ gìn đạo đức và hòa hợp xã hội.
Tuy nhiên, như mọi tác phẩm mang tính triết lý tôn giáo, "Thái Thượng Cảm Ứng Thiên" có thể khiến một số độc giả cảm thấy khó tiếp nhận, đặc biệt là trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay. Những ai không tin vào nhân quả hay cảm ứng có thể khó cảm nhận được đầy đủ giá trị của tác phẩm. Tuy nhiên, đối với những ai tìm kiếm sự an lạc và định hướng đạo đức trong cuộc sống, đây là một tài liệu quý báu, không thể bỏ qua.
Tóm lại, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên không chỉ là một tác phẩm đạo giáo mà còn là một kho tàng tri thức sâu sắc về nhân sinh, nhân quả và cách sống. Dù được viết cách đây nhiều thế kỷ, nó vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong việc hình thành và duy trì các giá trị đạo đức trong xã hội.
***
Lời tựa đề xướng in Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, nói đơn giản, chính là bài văn dùng Lý và Sự nhân quả cảm ứng để khuyên mọi người làm lành, bỏ ác. Chẳng biết tác giả là ai! Có người nói là Cát Hồng, người học chưa chắc đã tin theo thuyết ấy. Còn như nói [tác giả là] Thái Thượng [Lão Quân], là giáo huấn xứng theo lòng trời lập ra, thuyết ấy càng mơ hồ, chẳng thể nào tra cứu được! Kể từ đời Triệu Tống đến nay, bài văn này được lưu truyền rất thịnh, được ghi chép trong Đạo Tạng. Ngoài những sách dạy về bùa chú, luyện đơn, hành công, tu luyện ra, đây là một tác phẩm giúp giữ yên cõi đời bậc nhất của Đạo Giáo. Toàn bộ bài văn này chỉ hơn một ngàn chữ, nhưng Lý lẫn Sự đều chu đáo. Trong ấy đã kể ra hơn hai trăm chuyện lầm lỗi mà thế gian thường phạm để cảnh tỉnh mọi người, [bao gồm những điều] to lớn hay nhỏ nhặt, chẳng sót một điều nào, chẳng ngại phiền phức, do thương xót kẻ đôi khi vì chẳng thận trọng mà trót phạm, sẽ chuốc lấy họa tai! Ý tưởng thanh thoát, ngôn từ hòa nhã, nhưng khí thế chánh nghĩa tràn trề, lẫm liệt, dường như có quỷ thần xét soi, khiến cho người đọc hoảng sợ, xót xa, áy náy, hổ thẹn chẳng yên! Từ đấy, tự vấn lòng mình, mạnh mẽ tỉnh ngộ, lại còn lập tức hiểu họa phước là do chính mình tạo, cũng như thấu đạt ý nghĩa sống động trong trời đất, sẽ có hy vọng thành thánh, thành hiền. Do bài văn này chỉ bảo rành rành, dẫu ngu hay hiền, [hễ đọc đến] đều được lợi lạc. Khuyên dụ đủ mọi lẽ, dẫu kẻ học kém vẫn dễ thấu đạt lẽ cao xa, mà cũng toàn là những điều học vấn thiết thực, gần gũi. Do vì như vậy, nó có hiệu quả khuyến thiện rành rành, có công năng giữ yên cõi đời sâu xa. Đạo trưởng dưỡng sự tăng tấn, học vấn nhằm giáo hóa dân, giữ yên mỹ tục, đều được chứa đựng hết trong tác phẩm này. Dẫu nói đây là trước tác của Cát Hồng cũng được, dẫu bảo là lời dạy của trời cao truyền lại, cũng đều chẳng có gì là không được!
Trải các đời, đã có nhiều người chú giải. Có vị giảng giải văn từ, có vị trích dẫn những lời lẽ xiển dương nghĩa lý, có vị dùng những câu chuyện để làm chứng. Cho đến đời Thanh, những người có chí bèn hội tập, chỉnh lý, nhuận sắc, khiến cho ngữ ý tường tận, nghĩa lý thấu triệt, dẫn chứng rộng rãi, đặt tên là Vựng Biên. Do vậy, những lời nghị luận liên quan đến tâm tánh và đức nghiệp trong sách Nho, kinh Phật, những mẫu chuyện liên quan đến nhân duyên quả báo trong chánh sử, dã sử [đều được thâu thập] hết sức phong phú, tinh hoa nối tiếp khôn cùng. [Bộ sách này] có khoảng hai mươi vạn chữ, văn chương trong sáng, lưu loát dễ đọc, Sự lẫn Lý cùng dung hội. Nói chung là lấy lòng nhân từ trắc ẩn làm Thể, lấy chuyện yên đời lợi người làm Dụng. Một niềm khẩn thiết rạng ngời trên giấy, mỗi phen đọc đến, chẳng khi nào không cảm thấy chánh khí tốt lành tràn trề nẩy sanh. Đúng là một bộ đại kỳ thư trong thiên hạ vậy!
Nếu bảo: “Thiện ác là nghĩa lý của Nho gia, nhân quả là pháp giáo trong Phật môn, cảm ứng là sự chỉ dạy của đạo nhân, cớ sao lại khiên cưỡng kết hợp ba thứ ấy? Hơn nữa, để khuyến thiện, cần gì phải dùng nhân quả, cảm ứng? Từ xưa, giáo huấn ‘thành tựu phẩm đức, trọn hết cái tâm để biết tánh’ của bậc thạc Nho đã đủ để nói rồi, chưa hề dùng nhân quả và cảm ứng vì sợ rúng động lòng người. Dùng cảm ứng và nhân quả để khuyến thiện, có nghĩa là đánh động đến họa, phước, lợi, hại. Do vì họa, phước, lợi, hại mà làm lành, điều thiện ấy sẽ chẳng phải là chân thiện!” Tôi cho rằng, phẩm cách của con người có nhiều loại, giáo hóa cũng có nhiều cách. Từ tánh cách như Nghiêu, Thuấn trở xuống, trăm vị quân tử thuở đầu lập chí, chưa vị nào có thể thuần thiện, vô dục! Khi động tâm, lòng canh cánh nhân quả, kiêng dè họa phước, há chẳng phải là đã giúp đỡ to lớn cho sự kiêng sợ, nỗ lực [giữ vẹn phẩm đức] suốt từ sáng đến tối đó ư? Hơn nữa, nhân quả báo ứng, họa phước đưa tới, có cảm bèn ứng, vốn là chuyện thật tình trong trời đất, tạo hóa. Cậy vào đó, sẽ chẳng hề thêm nhiều, dẫu gạt bỏ đi, cũng chẳng ít bớt. Bậc quân tử tăng tấn đức hạnh, có so đo [lợi, hại, họa, phước để làm lành] hay không, lạnh nóng tự biết. Thoạt đầu, dựa vào đó thì nặng nề, cuối cùng bỏ đi thì nhẹ nhàng; cũng chẳng trở ngại công phu tâm tánh có thể ngày càng thêm tinh thuần, danh vọng, tài lộc, địa vị, trường thọ chẳng cầu mà tự đạt! Vì thế, người khéo tu đức, tuy dốc chí nơi tâm tánh, vốn chẳng cầu công quả mà tự có công quả, cớ gì cứ phải vất vả gạt bỏ [nhân quả, cảm ứng] để tự coi mình là cao siêu?
Huống hồ dân chúng khắp cõi nước do ôm lòng lợi hại mà làm, người tránh được lỗi lầm sẽ nhờ đó càng đông. Tâm tánh khó thể thành lập, nhưng nhân quả lại dễ hiểu. Chẳng nói đến họa phước vì sợ lòng người kinh hãi, làm sao có thể khuyên răn rộng rãi [mọi người] tránh né tội lệ cho được? Vì thế, người khéo nói nhân quả, tuy lời lẽ phải dựa vào họa phước, rốt cuộc vẫn là chú trọng nơi tâm tánh, nhưng ít nhắc tới tâm tánh đó thôi! Sao lại cứ phải ra rả nêu lên những điều như thế để bắt chẹt người khác ư?
Nếu có thể dốc ý nơi tâm tánh mà bàn nhân quả, khiến cho nhân dân vì sợ quả báo mà chẳng dám làm ác hòng gieo nhân, dần dà, họ sẽ an trụ nơi tâm tánh, thích làm lành, hòng thành tựu đức hạnh. Đấy chính là phương tiện môn trong Phật pháp, chuyển thành công năng bổ trợ sự giáo hóa của Nho gia. Thiện ác và nhân quả, dùng cảm ứng để kết hợp chặt chẽ, một Thể thành tựu lẫn nhau. Đấy chính là phương tiện chân thật, mà cũng là sự giáo hóa chân thật.
Nếu nói rộng ra, sẽ là do “tận hết cái tâm để biết tánh” của Nho gia mà tâm tánh ấy ắt sẽ là đức hợp thiên địa. Phật môn liễu nhân chứng quả, ắt nhân quả ấy sẽ bao trùm trọn khắp pháp giới. Đối với đạo thì cảm thấu suốt, ứng cùng cực, ắt sẽ do sự cảm ứng ấy mà thấu triệt u minh. Thiên địa, pháp giới, u minh, đều trọn đủ vô lượng đức, vô lượng nghĩa. Nói tâm tánh, nói nhân quả, nói cảm ứng, xét theo phương cách giáo huấn, chẳng thể nói là không khác; nhưng xét theo thật lý, ắt có chỗ tương đồng! Không chỉ là ý tưởng dạy dân, hướng dẫn thế tục tương đồng, mà kể cả sự thành tựu cũng tương thông, chẳng thể nói là sai khác!
Có kẻ bảo: “Tôi thường cảm thấy thuyết nhân quả huyền hoặc, sâu thẳm, lạ lùng, hư huyễn, chuyện cảm ứng hết sức dính dáng ‘quái lực, loạn thần’, nay đang thuở khoa học phát triển rực rỡ, phàm những chuyện không có căn cứ để khảo sát, hãy nên xem như mê tín mà phá trừ. Cớ sao tin sâu chẳng nghi? Há chẳng phải là tự dối mình, lừa người đấy ư?” Tôi nói: Đấy chính là lời lẽ của kẻ chẳng hiểu rõ khoa học vậy. Khoa học là thái độ hễ tin thì truyền bá lòng tin, hễ nghi thì truyền bá lòng nghi, chẳng vượt phận, chẳng tràn lan. Bọn chúng ta cố nhiên chẳng thể dối gạt chuyện huyễn vọng thành chuyện thật sự có, mà bọn họ cũng chẳng thể nói “những gì chẳng thể chỉ rõ, ắt sẽ là hư vô” được! Ngán thay, kể từ phong trào Ngũ Tứ đến nay, hễ nói đến khoa học, [thiên hạ] thường nghĩ những gì có thể chứng nghiệm bằng vật lý là chân thật duy nhất. Ngoài những thứ ấy ra, nhất loạt coi là mê tín. Chẳng biết Lý có nhiều đường lối, mà Sự chẳng dễ nêu rõ, cứ lỗ mãng diệt trừ, bác bỏ, sổ toẹt hết thảy, tự cho mình là đúng, coi kẻ khác sai bét. Đấy chính là sự mê tín lớn nhất. Bản chất và biểu hiện của nhân quả cảm ứng đúng là mờ ảo, xa vời, khó hiểu, lời lẽ [phê phán] trong cõi đời chẳng tránh khỏi xuyên tạc, thêm thắt. Thế nhưng Lý rạng ngời, Sự rành rành cũng có chẳng ít, sao lại nhất loạt bác bỏ là không có? Đối với những chuyện cần phải thể nghiệm sâu xa, khó thể tra cứu, suy lường, cái trí thông tục hiếm có khi lãnh hội được, càng phải nên kính sợ, để lại đó chớ bàn luận, sao lại khổ công bộp chộp gièm báng? Nếu có kẻ vờ vịt bày chuyện nhân quả hòng dối gạt kẻ ngu, lừa bịp thế tục, ai nấy đều phải nên bài xích, đả phá; chứ đối với những bậc khéo dẫn chuyện báo ứng để khuyên đời, lợi lạc cõi tục, đại cơ đại quyền lập ra những lời dạy bảo chánh đáng, lợi ích cõi đời rất nhiều, cớ gì cứ khăng vội vã gạt bỏ? Vì thế, ắt phải là bậc hiếu học, suy nghĩ sâu xa, khiêm tốn, biết kiềm chế, hiểu rõ tường tận, khéo vận dụng trí thức, chẳng mặc tình khuấy loạn thì mới thật sự là bậc thông thạo trong giới khoa học vậy!
Lại có người đọc tác phẩm này, thấy nêu ra các chuyện chứng thực toàn là chuyện cũ người xưa, bèn cho là chẳng phù hợp thời thế khít khao, coi những chuyện sách đã kể như chó rơm. Nghe xong lờ đi là được rồi, sao cứ phải khăng khăng ôm lòng chê bai là viễn vông, vớ vẩn? Tôi cho rằng, sự việc trong thiên hạ có Lý, có Sự. Đời có thể đổi khác, nhưng tánh con người chẳng khác, Sự có thể biến đổi, nhưng lòng người chẳng cần biến đổi! Tánh chẳng khác, tâm bất biến, vậy thì Lý ấy luôn tồn tại. Các nhà Duy Thức từ Sự mà tìm ra Lý, dùng Lý để ứng Sự, vậy thì người xưa chuyện cũ có thể dùng để giúp cho thời nay thường chuyển pháp luân. Đối với tác phẩm này, nếu có người có thể nêu bày những sự việc khác, phù hợp khít khao hiện thời để thay thế, cố nhiên là chuyện tốt đẹp. Nhưng nếu chưa có, thì bản xưa cũng đủ để ứng dụng rồi, tùy thuộc độc giả tự lựa chọn như thế nào!
Nhằm đang lúc thời thế suy vi, đạo học tuyệt diệt, đang buổi lòng người suy đồi, vùi lấp, có những bậc lo cho đời, mạnh mẽ phát chí khuông phò mỹ tục, đề xướng in bộ Vựng Biên này, sai tôi viết lời tựa, bảo là có thể giúp lưu truyền rộng rãi hòng phụ trợ giáo hóa cõi đời! Than ôi! Sự giáo hóa cõi đời hưng thịnh vốn do mạng trời, tôi còn chẳng đủ thời gian để phản tỉnh, há dám rườm lời tán trợ, tuyên truyền! Nhưng thấy người ấy lòng thành, bèn lược thuật những điều tâm đắc của chính mình khi đọc Vựng Biên trình lên, nguyện những người có lòng nhân trong thiên hạ gắng sức, cũng như đề nghị đại chúng đọc kinh hãy nên đọc đi đọc lại bộ sách này. Chẳng đầy năm ngày hoặc một tuần, sẽ có thể ghi nhớ nằm lòng, ắt sẽ được thọ dụng suốt đời chẳng hết. Người có thể hiểu văn nghĩa, hãy để bộ sách này bên cạnh chỗ thường ngồi, luôn luôn giở xem, ắt sẽ được lợi ích tăng tấn nơi sự tu tập và đức hạnh chẳng thể lường được!
Ngày Rằm tháng Sáu, Trung Hoa Dân Quốc năm 87 (1998), Vương Tài Quý kính đề