Tây Tạng của những năm 1950 là một cao nguyên phía hoang vu với bầu trời xanh bất tận, không có gì ngoài tín ngưỡng và sinh kế. Kể cả thời gian cũng không, con người chống chọi với thiên nhiên dựa vào bản năng và tâm linh.
Thiên táng được nhà văn Hân Nhiên kể lại chuyến đi đầy gian truân từ quê nhà Tô Châu đến Tây Tạng của cô gái trẻ tên Thư Văn. Các xung đột chính sự không ngăn được tình yêu vĩ đại của Thư Văn dành cho người chồng đoản mệnh của mình.
“Cuộc xung đột từng vùi lấp vết tích người bạn đời cô, giờ đây đẩy cô lạc lối vào một vùng đất tịch mịch và dữ dội. Cuộc tìm kiếm đó kỳ là và dài bất tận, và những bí ẩn cuối cùng chỉ được phát lộ với cái nghi thức nghiêm ngặt tối hậu: Thiên táng.”
Đây là cuốn sách thứ hai của nhà văn Hân Nhiên, chính câu chuyện cảm động đến triệt để này và lối kể chuyện nhanh chậm có chừng mực của người viết mà nhận về nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Hân Nhiên từ đó cũng trở thành một trong những cây bút gốc Hoa đương đại tiêu biểu nhất, cùng với lượng độc giả đông đảo trên toàn thế giới.
Đôi điều về tác giả
Hân Nhiên tên đầy đủ là Tiết Hân Nhiên, sinh năm 1958 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Bà bắt đầu làm việc tại Tân Hoa xã vào cuối thập niên 1980 và nhanh chóng trở thành một trong những nhà báo, phát thanh viên xuất sắc nhất lúc bấy giờ.
Đến năm 1997, Hân Nhiên sang định cư tại Anh quốc và cho ra đời tựa sách đầu tiên mang tên The Good Women of China: Hidden Voices (nội dung ghi chép lại những câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ Trung Hoa mà bà được nghe thời còn làm phát thanh viên cho chương trình Words on the Night Breeze). Tác phẩm này đã thắp bừng ngọn lửa văn chương trong Hân Nhiên, với thành công vang dội đầu thập niên 2000, The Good Women of China: Hidden Voices được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và phát hành ở nhiều quốc gia (tại Việt Nam với nhan đề Hảo nữ Trung Hoa).
Hân Nhiên được đánh giá là một trong số những nữ nhà văn thành công rực rỡ với dòng văn học Trung Quốc đương đại. Các tác phẩm của bà đều đi sâu vào các vấn đề lịch sử, văn hoá, ngợi ca tình yêu và nhân phẩm, hơn nữa còn thể hiện sự thấu cảm chân thành với số phận con người, nhất là các nạn nhân chiến tranh.
Cho đến nay, bà đã ra mắt độc giả của mình năm cuốn sách. Bà hiện vẫn sống cùng chồng và con trai tại Anh, đồng thời cũng là nhà báo nổi tiếng.
Thiên táng là cuốn sách thứ hai trong sự nghiệp viết lách của Hân Nhiên, ra đời vào năm 2004. Với câu chuyện cảm động của người phụ nữ tên Thư Văn, Thiên táng được đón nhận một cách nhiệt liệt, bên cạnh đó cũng đánh dấu tên tuổi và phong cách viết của Hân Nhiên.
Thư Văn và hành trình Tô Châu - Tây Tạng
Hân Nhiên cho biết, đó là năm 1963, người Trung Quốc nói rất ít về Tây Tạng, mà hình như cũng rất ít người biết được điều gì về nơi đó. Dĩ nhiên, các tin tức về vùng đất này cũng hiếm khi xuất hiện. Ngoại trừ một cuộc trò chuyện trên đường phố Bắc Kinh mà người viết nghe được, nội dung là một người lính của đại lục phải trả giá cho việc giết chết một con kền kền bằng chính mạng sống của mình.
Mãi đến hơn 30 năm sau, khi đang làm báo ở Nam Kinh, Hân Nhiên xuất hiện suốt một tuần lễ trong chương trình phát thanh đêm khuya, chuyên bàn về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống phụ nữ Trung Quốc và nhận được cuộc gọi từ một thính giả tại Tô Châu. Người này cho hay, anh ta đã gặp một phụ nữ kỳ lạ trên phố, sau khi trò chuyện thì biết bà ấy vừa trở về từ Tây Tạng. Vị thính giả nhanh chóng cung cấp địa chỉ khách sạn mà người phụ nữ đang ở, cho Hân Nhiên biết tên bà ấy là Thư Văn và nghĩ rằng sẽ rất thú vị nếu có một cuộc phỏng vấn.
“Tại đó, trong một quán trà thuộc khách sạn nhỏ kế bên, tôi thấy một bà lão mặc trang phục Tây Tạng, mùi da thuộc cũ kỹ, mùi sữa ôi và phân thú bốc lên nồng nặc. Mái tóc bạc của bà tết thành hai bím rối bù, làn da nhăn nheo trông dạn dày nắng gió.”
Đó là hình ảnh đầu tiên sau khi tác giả lặn lội suốt hàng giờ đồng hồ từ Nam Kinh tới thành phố Tô Châu náo nhiệt, theo chỉ dẫn và gặp được Thư Văn. Dù vẻ ngoài đậm chất Tây Tạng, nhưng ấn tượng của tác giả với bà lão tên Thư Văn là trên khuôn mặt bà vẫn mang những nét đặc trưng dễ nhận biết của phụ nữ Trung Quốc. Đặc biệt là giọng nói, ngay khi cất lời, Hân Nhiên ngay lập tức xác nhận chắc chắn bà là người Trung Quốc. Điều cần làm tiếp theo là truy cầu đáp án để lý giải rằng rốt cuộc diện mạo Tây Tạng của Thư Văn ẩn chứa những bí ẩn gì.
Mất hai ngày ròng rã để người viết lắng nghe câu chuyện của Thư Văn, những gì thu thập được khiến đầu óc Hân Nhiên quay cuồng khi về lại Nam Kinh. Một sự trùng hợp là chính câu chuyện của Thư Văn lại là chiếc chìa khóa giúp tác giả giải mã cuộc trò chuyện mình từng nghe thời thơ ấu ở Bắc Kinh. Thư Văn cũng là một trong những người phụ nữ đặc biệt nhất mà Hân Nhiên từng biết.
Thư Văn cho biết, bà đã lưu lại Tây Tạng hơn ba thập kỷ, chuyến đi này khởi hành sau khi bà đón nhận hung tin người chồng mới cưới qua đời mà không có nguyên nhân cụ thể trong lúc làm nhiệm vụ ở Tây Tạng. Chồng của Thư Văn tên Khả Quân, cả hai đều là bác sĩ và coi sự ly biệt tình yêu là một cơ hội chứng minh lòng trung thành với Tổ quốc.
“Trong chiến tranh, y học là con đường sống duy nhất: dù cuộc chiến có là chính nghĩa hay phi nghĩa, thì việc cứu giúp người hấp hối và người bị thương vẫn là những hành động anh hùng.”
Cuộc phỏng vấn diễn ra không hề đơn giản, Hân Nhiên kể rằng vì sự bối rối do thiếu hiểu biết của bản thân mà việc đặt câu hỏi gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, tác giả còn cảm thấy mình không đủ vốn từ để mô tả trang phục mà Thư Văn đang mặc.
Về sau, khi liên lạc lại vị thính giả đã cung cấp thông tin cho mình và khách sạn tại Tô Châu nơi Thư Văn lưu lại ít lâu, Hân Nhiên chỉ biết bà đã rời đi rồi. Không cách nào, cũng không một ai biết bà ấy hiện giờ ở đâu, Thư Văn chỉ để lại lời nhắn mong muốn Hân Nhiên mang câu chuyện của mình kể cho mọi người.
Dù không dễ dàng gì vì đó là một thời kỳ lịch sử đã khép lại, vậy nên trước khi có thể hiểu ý nghĩa của những gì Thư Văn kể, tác giả cần tìm hiểu thêm rất nhiều thứ về cùng đất Tây Tạng đầy huyễn hoặc. Khi đến Tây Tạng làm phim tài liệu năm 1995, Hân Nhiên mới bắt đầu tiếp cận và lĩnh hội cuộc sống ở đó ra sao.
Thư Văn rời quê nhà Tô Châu để đến Tây Tạng tìm hiểu về cái chết của Khả Quân vào những năm 1950. Cũng từ lúc câu chuyện chính thức bắt đầu, tác giả gọi Thư Văn đơn giản là Văn. Chuyến xe khởi hành từ Tô Châu đi dọc theo dòng Đại Vận Hà, sau khi Văn từ biệt gia đình gồm cha mẹ và chị gái mình.
“Nếu con kênh sâu, lạnh giá này chính là sự kết nối đầu tiên của cô với Khả Quân, nước của nó bắt nguồn từ vùng sông băng và những đỉnh núi phủ tuyết đã nuốt gọn chồng cô.”
Khi nhắc đến Trung Hoa, mọi người thường chú ý Vạn Lý Trường Thành mà vô tình bỏ qua Đại Vận Hà với tầm vóc vĩ đại không kém của nó. Con kênh đào 2400 năm tuổi này nối liền Hàng Châu và Bắc Kinh, nối thông sông Dương Tử, Hoàng Hà và nhiều con sông khác trên lãnh thổ đại lục. Văn cảm thấy đây là mạch liên kết đầu tiên của mình với người chồng đã khuất nhất định có lý do. Bởi tất cả các dòng sông chính của Trung Quốc đều chảy từ Tây sang Đông, điều này có nghĩa chúng bắt nguồn từ Tây Tạng huyền bí, cũng là đích đến mà Văn ngày ngóng đêm mong.
Hành trình của Văn tiếp tục bằng tàu hoả đi Thành Đô, cuối cùng vào đến Tây Tạng bằng trục đường Tứ Xuyên - Tây Tạng. Theo những gì nghe ngóng được, Văn biết đơn vị của Khả Quân cũng vào cao nguyên Tây Tạng theo tuyến đường phức tạp này. Văn nhận được sự hỗ trợ của Quân Giải phóng nhân dân và trở thành một cá nhân trong đội ngũ chứ không phải thường dân. Dù vậy đi chẳng nữa, trùng trùng điệp điệp thử thách trước mắt Văn vẫn không thay đổi.
“Cô không biết nói tiếng Tây Tạng, cô có thể dễ dàng lạc đơn vị, địa thế và độ cao ở đó khiến người ta phát bệnh và chẳng ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Tỷ lệ tử vong cao, và với một người phụ nữ không được huấn luyện thì cơ hội sống sót thậm chí dù chỉ trong một tháng là rất thấp.”
Văn nhớ đến Khả Quân, nhớ đến người đàn ông cô đã nguyện phó thác đời mình, nên đã nhất mực từ chối lời khuyên không nên đến Tây Tạng của chi huy Vương Lượng. Tác giả đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần một thông điệp mà Vương Lượng nói với Văn: “Viết có thể là nguồn sức mạnh”, và Văn đã làm thế thường xuyên trong nhiều năm tại Tây Tạng.
Hai tuần ngắn ngủi đồng hành cùng những người lính, xâm nhập lãnh thổ Tây Tạng bằng con đường nối Thành Đô với thủ phủ Lhasa, Văn học được ngôn ngữ cơ thể của lính tráng. Nhờ vậy mà có thể giao tiếp mà không cần phát ra âm thanh. Có điều, chứng sốc độ cao không bỏ qua bất kỳ ai, đó dường như là quy luật ngầm của tạo hoá mà người nào muốn đến được vùng đất “mái nhà thế giới” trên 4000 mét đều phải nếm trải. Khái niệm thời gian cũng bắt đầu thay đổi, Văn cảm thấy mình lạc vào chốn thần tiên nào đó, một ngày ở đây dài bằng nghìn năm nơi hạ giới.
“Văn không sợ chết. Cô cảm thấy mình đang tới gần Khả Quân hơn nữa. Thỉnh thoảng, thậm chí cô còn hy vọng rằng mình đã đi vào ranh giới giữa cõi sống và cõi chết. Nếu Khả Quân ở phía bên kia rồi thì cô muốn nhìn thấy anh càng sớm càng tốt, bất kể anh đang ở trong cảnh địa ngục tối tăm cỡ nào đi nữa.”
Rồi Văn gặp được người Tây Tạng đầu tiên - Trác Mã, một người bẩn đến không tưởng tượng được, chẳng xác định nổi nam hay nữ, vàng bạc châu báu sáng rực phủ khắp người.
Trác Mã kể lại câu chuyện của mình cho Văn sau khi được Văn cứu sống, cả hai cô gái đồng bệnh tương lân bắt đầu kề cận bên nhau đối mặt với nhiều gian nan không thể đoán trước. Trác Mã muốn tìm gặp lại người hầu cận mà cô đã đặt cho cái tên Thiên An Môn. Còn với Văn, nhờ có Trác Mã mà cô bắt đầu ý thức được rằng tôn giáo là máu thịt của người Tây Tạng.
Nhiều biến cố và tai nạn, Văn và Trác Mã may mắn được một gia đình du mục bao bọc. Song, vì nhiều điểm bất đồng từ văn hoá, ngôn ngữ, tâm linh,... mà Văn vừa mang ơn vừa thấy mình lạc lõng với mọi người.
“Bị gạt ra ngoài lề mọi cuộc chuyện trò, đôi khi Văn cảm thấy mình giống một trong những vật nuôi của gia đình họ: được bảo vệ, được đối xử nhẹ nhàng, được cho ăn cho uống, nhưng bị tách ra khỏi thế giới con người.”
Đáng chú ý nhất là miêu tả của tác giả về nề nếp tôn giáo của gia đình người Tây Tạng (theo lời kể của Thư Văn): họ cầu nguyện liên tục, thì thầm câu “Om mani padme hum” trong hơi thở hãy cả trong lúc làm việc; họ cùng nhau thực hiện các nghi thức khi người đàn ông lớn trong nhà xoay khối trụ nặng bằng đồng thiếc đặt trên bàn thờ nhờ một đoạn dây thừng. Trác Mã giải thích đó là bánh xe cầu nguyện, còn Văn thì biết ơn vì nếu không may mắn gặp được Trác Mã có lẽ cô không đời nào hiểu được tâm linh sâu sắc và cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình du mục này. Kể cả việc phụ nữ Tây Tạng có thể có nhiều chồng hay nhà nào có con trai đều phải cho ít nhất một đứa tới tu viện làm lạt ma. Thậm chí, việc khâu vá trong gia đình đều do cánh đàn ông phụ trách, còn người phụ nữ dù vừa làm việc vừa đung đưa người và hát khe khẽ nhưng công việc hoàn toàn không có chút nào nhẹ nhàng.
Tác giả cũng nhắc đến một ngạn ngữ của người Tây Tạng: “Bơ bò là tài sản lâu bền hơn một đứa con trai”. Đại ý là vì con bò chỉ thuộc về một gia đình, trong khi đứa con trai dễ dàng bị tu viện mang đi. Những điều bí ẩn không phải chỉ biết qua lời kể của Trác Mã, mà là hiện thực xa lạ mà Văn buộc phải đón nhận kể từ khi đặt chân vào vùng đất linh thiêng này.
“Ngày nào Văn cũng nhận thấy những điều lạ lùng trong lối sống của người Tây Tạng, và thường xuyên kinh ngạc trước sự khác biệt giữa phong tục Tây Tạng với phong tục Trung Quốc.”
Theo gia đình du mục, Văn di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng trực giác nhạy bén của họ. Mọi việc chăn nuôi và lễ lạc đều tuân theo sự truyền dạy thông thái của tổ tiên dân Tây Tạng. Cho đến khi tai nạn tiếp tục ập đến, Trác Mã bị bắt cóc và nhiều ngày tìm kiếm đều không mang lại kết quả.
Vận mệnh đã an bài sẵn một hành trình cho Văn, nhờ sự trợ giúp từ gia đình du mục và nhiều thành phần khác nữa, Văn dấn thân để tìm cho bằng được điều mình vẫn canh cánh trong lòng.
Chấn động và ám ảnh (cảm nhận sau khi đọc)
Hai trăm trang sách khép lại, với thông tin từ tác giả Hân Nhiên rằng tung tích của Thư Văn sau lần gặp đầu tiên cũng như cuối cùng tại Tô Châu năm đó đến nay hoàn toàn là một ẩn số. Không chỉ riêng tác giả, người đọc cũng mong mỏi vì không biết cuối cùng Trác Mã và Thiên An Môn thế nào, Thư Văn có còn cơ hộp đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm bôn ba hay không.
Kể từ giây phút từ giã gia đình ở Tô Châu thơ mộng, Thư Văn, một cô gái trẻ chỉ vừa kết hôn được vài tuần, quyết định bước chân vào lộ trình với vô vàn thách thức chực chờ sẵn phía trước. Mỗi hồi ức, mỗi kỷ vật, mỗi dòng suy nghĩ của Văn là một tác động để người đọc quặn lên trong lòng và rơi lệ. Đằng sau tờ giấy báo tử không ghi rõ nguyên nhân của Khả Quân, hành lý của Văn là sức mạnh của tình yêu và sự động viên của gia đình.
Dù cuốn sách không quá dày, tựa đề cũng súc tích và trần trụi, nhưng đó là một cuộc tìm kiếm dài đằng đẵng đến ba thập kỷ cuộc đời của một cô gái. Tây Tạng - vùng đất được thắc mắc nhiều nhất, với lối sống, tín ngưỡng và con người khó nắm bắt nhất, cũng là nơi Phật giáo đạt đến trạng thái siêu việt, đã cho một bác sĩ như Văn kinh nghiệm nhiều thứ mà đến ngôn từ cũng khó lòng diễn tả.
Sau khi Thư Văn ngừng kể, tác giả Hân Nhiên vẫn không cách nào ngăn mạch chảy của tâm trí, người đọc cũng vậy. Nghĩ về quá trình một cô gái Trung Quốc chuyển hoá nhiều năm thành một Phật tử trung niên Tây Tạng. Nghĩ về sự liên kết vô hình đầy nội lực của con người, tôn giáo và tự nhiên. Nghĩ về tất thảy những điều mà Thư Văn đánh mất lẫn nhận được khi kinh qua khắp các vùng trên lãnh thổ Tây Tạng, nhất là ở mười ba ngọn núi thiêng. Cuối cùng là ngưỡng mộ về tình yêu, ý chí sắt đá và niềm tin chưa từng mai một của người vợ mất chồng ngay chính giai đoạn tân hôn.
Giọng văn của Hân Nhiên không dài dòng, đi thẳng vào vấn đề với nhịp độ nhanh chậm tuỳ theo kịch tính của câu chuyện. Không mất quá nhiều thời gian để nắm rõ nội dung của Thiên táng, song việc chiêm nghiệm và nghiền ngẫm lại các yếu tố lịch sử, văn hoá, tôn giáo và triết lý sống mới quan trọng. Tình yêu, trí tuệ của phụ nữ thời chiến mà Thư Văn là đại diện được tác giả khắc họa sâu sắc, sinh động. Lòng chung thuỷ đã nâng đỡ tâm hồn con người vượt qua mọi biến đổi khôn lường của số phận. Cả tác phẩm được dệt nên từ những chi tiết đầy hấp dẫn và thú vị từ văn hoá Tây Tạng cùng với Phật giáo tại đây. Đáng trân trọng hơn là những yếu tố chính sự dưới ngòi bút của Hân Nhiên có thể thấy rõ nỗ lực hòa giải đẹp đẽ, nhân văn và thấm đượm nhân sinh.
Thiên táng là chuyến hành trình vĩ đại, câu chuyện khép lại nhưng nỗi ám ảnh và day dứt trong lòng người đọc vẫn tiếp tục kéo dài. Cảm xúc đọng lại cũng tương tự như lời nhận xét về Thiên táng của tờ báo Sunday Times, Anh quốc: “Câu chuyện về người phụ nữ phi thường được viết bởi một phụ nữ phi thường khác này sẽ còn mãi trong lòng độc giả.”
--------------------------------------------------
Tóm tắt bởi: Anh Thư