Thư |
|
Tác giả | Higashino Keigo |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | GianggSmith |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 120 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Higashino Keigo GianggSmith Trinh Thám Tâm Lý Xã Hội Tiểu Thuyết Văn Học Nhật Bản Văn Học Phương Đông |
Nguồn | GianggSmith Radio |
Thư - một tác phẩm nổi bật của Keigo Higashino
Là một nhà văn trinh thám hàng đầu Nhật Bản, Keigo Higashino gây ấn tượng với độc giả qua các tác phẩm trinh thám nổi tiếng như Phía sau nghi can X, Phương trình hạ chí, Sự cứu rỗi của thánh nữ,... Thế nhưng không dừng lại ở đó, sự tài hoa của ông còn được thể hiện ở một thể loại khác cũng khó nhằn không kém, tâm lý xã hội. Và Thư, là một trong những tác phẩm như thế.
Trong thế kỷ 21, là kỷ nguyên mà người người nhà nhà chạy đua với nhau về vũ khí hạt nhân và trí thông minh nhân tạo. Là lúc mà các nhà cầm quyền và những người có tầm ảnh hưởng nói với chúng ta về các vấn đề biến đổi khí hậu, phong trào nữ quyền hay chấp thuận hôn nhân đồng giới thì Thư, lại chọn cho mình một hướng đi khác. Không phải là một đề tài đao to búa lớn, Thư kể cho chúng ta về cuộc sống của con người phía sau một bản án. Thế nhưng không giống như Bí mật của Naoko, là tác phẩm không tập trung vào nỗi đau của nạn nhân hay gia đình nạn nhân, cũng khác với Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7, là câu chuyện diễn ra ở thế giới phía sau song sắt hay lên án lỗ hổng của pháp luật. Câu chuyện trong Thư chính là câu chuyện về cuộc sống của người nhà phạm nhân. Sau khi người thân của họ bị giam cầm trong tù tội, bị mất đi tự do với thế giới bên ngoài, thì họ, những con người gián tiếp liên quan đến vụ án, liệu có còn được tiếp tục sống một cuộc sống tự do hay không, khi mà những định kiến, những miệng lưỡi người đời luôn bủa vây họ, khiến họ mang danh là người thân của một kẻ sát nhân.
Với một đề tài mới lạ cùng một góc nhìn độc đáo như thế, Thư là một tác phẩm rất đời, rất thực, hứa hẹn sẽ mang đến cho người đọc một trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời nhất, day dứt nhất.
Tóm tắt nội dung
Nội dung câu chuyện kể về 2 anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người anh khoẻ mạnh nhưng thành tích học tập không xuất sắc, Takeshima Tsuyoshi, và người em Takeshima Naoki thông minh giỏi giang. Hai anh em, với 2 thế mạnh khác nhau, cứ thế sống yêu thương và nương tựa lẫn nhau. Để rồi một ngày, khi biến cố ập đến đã làm thay đổi hoàn toàn và mãi mãi cuộc sống bình yên ấy của họ.
Người anh Takeshima Tsuyoshi, với khát vọng giúp em trai được vào đại học, mà không ngừng làm việc vất vả ngày đêm, đến nỗi kiệt quệ. Thế nhưng số tiền ít ỏi đó cũng không đáng là bao so với những khoản chi mà hai anh em phải trả. Thế rồi trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, anh đã đưa ra một quyết định hết sức ngu ngốc, anh đã cướp của giết người.
Vụ án đã được phá một cách nhanh chóng. Tsuyoshi phải thi hành bản án. Còn ở ngoài kia, người em Naoki sau khi đã mất đi nguồn lao động chính ở trong nhà, anh cũng không thể tiếp tục đi học được nữa, giấc mơ từ đó mà dang dở.
Cuộc sống của Naoki đã thay đổi hoàn toàn. Từ một cậu học sinh cấp 3 bình thường, giờ đây anh phải đối diện với biết bao ánh mắt dè dặt, xa lánh của mọi người khi mang trong mình thân phận là em trai của một kẻ sát nhân. Còn người anh Tsuyoshi ở trong tù, cứ mỗi tháng sẽ gửi cho em một lá thư để kể về cuộc sống của mình. Thế nhưng đó lại là điều mà Naoki không hề mong muốn. Vì từ trong thâm tâm của mình, chính anh là người muốn cắt đứt mối quan hệ này hơn ai hết.
Câu chuyện về hai anh em sẽ tiếp diễn như thế nào? Liệu Naoki sẽ đối mặt với những định kiến đó ra sao? Và giữa tình thân và định kiến xã hội, bên nào sẽ chiến thắng?
***
Các độc giả của Việt Nam chắc chắn không xa lạ gì với cái tên Keigo Higashino, một nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với thể loại trinh thám. Giọng văn của ông không bùng cháy rừng rực nhưng tạo độ thấm và ngấm rất lâu trong lòng người đọc. Tác phẩm đầu tiên mình đọc của Keigo chính là Phía sau nghi can X và thực sự đã bị ấn tượng và thu hút. Những tác phẩm sau đó cũng tạo nên những dấu ấn riêng cực kỳ rõ nét của tác giả.
Quyển sách Thư hay có tựa đề tên Nhật là Tegami xuất bản lần đầu tiên tại Nhật năm 2003. Sách được mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam với nhà phát hành IPM. Thực ra trước đây mình đọc sách của IPM phần lớn đều là light novel và manga, Thư là quyển sách thuộc thể loại tiểu thuyết đầu tiên mình đọc của nhà xuất bản này.
(Bài viết tiết lộ nhiều chi tiết trong sách)
Sau khi đọc xong sách, cảm nhận chính của mình đó chính là hụt hẫng.
Không phải là truyện không hay mà mình đã đặt kỳ vọng hơi cao nên khi kết thúc cảm giác mang lại vẫn chưa lấp đầy được kỳ vọng đó. Mạch truyện khá gượng ép, cũng như tác giả muốn đưa quan điểm cá nhân vào không được mượt mà dẫn đến tạo cảm giác khô cứng và giáo điều. Và một điều quan trọng là mình không đồng ý với một số quan điểm của tác giả trong sách này.
Câu chuyện bắt đầu trong gia đình nhà Takeshima. Một gia đình nghèo khổ, bố chết vì tai nạn sau nhiều ngày làm việc đến kiệt sức, người mẹ một mình gồng gánh làm đến chết để nuôi và mong muốn hai con trai được vào đại học. Người anh trai lớn Tsuyoshi tiếp nối nguyện ước của mẹ bằng cách gánh vác trách nhiệm là chăm sóc, nuôi nấng em trai Naoki lên đại học. Tsuyoshi đã làm quần quật đến mức bệnh tật đầy mình giống như cha mẹ họ, rồi khi không đủ sức khỏe thì đã bị công ty sa thải. Việc mất, tiền không có, em trai lại sắp đến thời điểm thi đại học. Những nỗi trăn trở đã biến thành tâm bệnh đến cuối cùng để kiếm tiền cho em trai yên tâm học đại học thì người anh đã đi ăn trộm, và trong lúc trộm bị phát hiện đã ra tay giết người. Tsuyoshi đã kết án 15 năm trong trại giam Chiba là cái giá đích đáng dành cho những gì Tsuyoshi gây ra. Từ đó mỗi tháng người anh vẫn đều đặn gửi thư về cho em trai với những câu từ đơn giản và mong ước giản đơn.
Câu chuyện được bắt đầu bằng một vụ án mạng và kết nối giữa không gian và thời gian bằng những lá thư.
Truyện mang đậm tính chất tâm lý xã hội. Lâu nay trong truyện của Keigo Higashino, dù thuần trinh thám hình sự như Phía sau nghi can x thì cái chất tâm lý xã hội vẫn tồn tại song hành. Và có vẻ các tác phẩm về sau này thì Keigo gần như nghiêng hẳn về phía tâm lý nhiều hơn, tuy nhiên sẽ luôn bắt đầu câu chuyện bằng một vụ án.
Cái chất buồn buồn lửng lơ trong lối viết của keigo luôn thu hút mình một cách lạ kỳ.
Theo như mình thấy phong cách viết của Thư có nét gì đó hao hao giống Thánh giá rỗng, tuy nhiên cấu trúc lại đơn giản hơn. Cả hai đều đặt ra câu hỏi về một vấn đề xã hội.
-Câu hỏi đặt ra trong thánh giá rỗng là liệu rằng tử hình có phải là hình phạt thích đáng cuối cùng cho mọi tội ác?
-Câu hỏi đặt ra ở trong Thư là Sự kỳ thị đối với gia đình của tội phạm có phải là đúng hay không? Và những người dù vô tội nhưng bị tội ác liên đới bằng cách này hay cách khác thì phải đối diện với xã hội kỳ thị ra sao?
Đối với mình, cảm xúc khi đọc Thư khá khác so với các cuốn sách khác của tác giả Keigo. Những truyện trước đây mình đọc của tác giả thường có mạch chậm và đều đều ở đầu truyện nhưng càng đọc càng bị cuốn hút về sau. Tuy nhiên ở Thư lại ngược lại. 1/3 truyện thu hút, nhưng về sau tác giả triển khai cũng như giải quyết vấn đề tạo độ hẫng trong lòng mình khá nhiều. Vấn đề xã hội được đưa ra trong sách chưa tạo cảm giác bức bối hay trăn trở vốn có.
Quay về với nội dung sách. Với cái danh “em trai của kẻ giết người cướp của” Naoki đã trải qua rất nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống. Giống như trong truyện đã viết, cái danh đó giống như một bức tường ngăn cách cậu với xã hội ngoài kia.
Công việc làm thêm, ước mơ ca hát, giấc mộng yêu đương, công việc tử tế và cả cuộc sống bình yên của gia đình nhỏ. Tất cả đều chỉ vì là “em trai của kẻ sát nhân” gây khó khăn, trở ngại và hoàn toàn vụt khỏi tầm tay.
Diễn biến tâm lý của Naoki được Keigo diễn tả vừa vặn và khá phù hợp. Trải qua biết bao nỗi thất vọng bởi sự bất công vô hình của xã hội, khiến một người thanh niên dần cảm thấy nản lòng đến mức phải thốt lên“Tôi quen với việc từ bỏ rồi.”
Theo như lý giải của tác giả trong sách thì sự kỳ thị hay xa lánh của người đời đối với những người thân của kẻ phạm tội chính là một sự trừng phạt đối với kẻ gây ra tội lỗi. Thế nên việc đó trở thành hiển nhiên, được chấp nhận.
Thế nhưng với mình đây chỉ là lý luận bao biện cho một xã hội thực dụng và thiếu tình người. Và nó hoàn toàn không thể đại diện cho một xã hội thực tế ngoài đời.
Có thể quan điểm của mình, giống như đánh giá của tác giả trong truyện là “ngây thơ” nhưng cách nhìn của tác giả về xã hội trong truyện là tiêu cực một cách hơi thái quá.
Không phủ nhận xã hội thực tế luôn luôn chứa đựng sự kỳ thị, điều đó diễn ra xung quanh chúng ta hằng ngày. Ta không đánh giá việc đó là đáng hay không đáng như trong truyện. Nhưng bản chất con người luôn hướng tới sự thiện lương. Có thể chúng ta kỳ thị lúc này nhưng cùng thời gian xoa dịu, lòng người luôn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và sự bao dung tha thứ.
Tác giả nhận định rằng: xã hội tàn nhẫn mới là một xã hội hiện thực. Đúng là, xã hội tràn đầy sự bất công, chúng ta có thể làm thật tốt, cố gắng hết mình nhưng cái nhận lại được có khi chỉ toàn là thất bại và đau khổ. Dù là vậy, giữa những bất công và bất lực, con người vẫn luôn vẫy vùng để cố gắng giữ vững hạt giống yêu thương, giữ vững cái tôi ngay thẳng thiện lương.
Nếu như theo cách nhìn của Keigo thì con đường phía trước của những kẻ phạm tội và gia đình họ hoàn toàn tăm tối. Giống như câu cuối cùng của truyện khi Naoki thốt lên rằng “ Anh ơi, tại sao chúng ta phải sinh ra trên đời.”
Trừng phạt là cái giá xứng đáng cho kẻ phạm tội nhưng đừng vì thế mà đóng sập mọi cánh cửa tương lai của họ.
Mình không nói quan điểm về xã hội của Keigo là không đúng nhưng nó quá gay gắt và mất niềm tin. Sự mất niềm tin đó thể hiện ở cái cách mà vị chủ tịch Hirano nói chuyện với Naoki. Điềm nhiên pha lẫn sự lạnh lùng và giáo điều. Giống như cái cách Keigo xây dựng nhiều nhân vật trong truyện cảm thông cho Naoki nhưng chỉ có 2 người thực sự bước qua bức tường ngăn cách để tiếp nhận Naoki. Phải chăng lòng tốt quá ít ỏi trong xã hội hiện đại?
Với mình, quyết định Naoki cuối truyện chính là sự phản bội. Phản bội tình yêu thương. Naoki luôn cho những rằng đau khổ mà mình đã gặp phải trên cuộc đời này chính là do tội lỗi của người anh trai. Vì cảm thấy đã không còn chịu đựng được nữa nên quyết định cắt đứt mối quan hệ.
Nếu Tsuyoshi vốn là kẻ tàn nhẫn máu lạnh, nếu Tsuyoshi vốn là kẻ không có chút tình người hành hạ em trai thì quyết định của Naoki không khiến mình khó chịu. Nhưng Tsuyoshi lại không phải thế. Tsuyoshi yêu thương em trai biết bao nhiêu, đã hi sinh tất cả để cho em có một cuộc sống vô lo vô nghĩ, động cơ phạm tội cũng là muốn dành cho em trai điều tốt nhất.
Naoki đau khổ vì những bất công xã hội để rồi luôn đổ lỗi tại anh trai. Nhưng những bất công của Tsuyoshi phải gồng gánh suốt từ khi mẹ chết liệu có khi nào anh lôi ra để trách móc không? Mình tin là không bao giờ. Cuộc sống của em trai, tương lai của em trai, với anh đó chưa bao giờ là gánh nặng. Dù để làm được việc đó anh đã phải đánh đổi toàn bộ tuổi trẻ, sức khỏe của mình. Chưa một giây phút nào trong đời Tsuyoshi nghĩ rằng vì phải lo em trai mà bản thân phải sống cuộc đời khổ sở và vất vả như vậy. Đó mới là tình cảm gia đình vô điều kiện.
Ngay từ ban đầu Naoki đã coi anh trai và tội lỗi của anh là gánh nặng của cuộc đời cậu. “Lỗi tại anh trai nên cuộc đời cậu mới bị như vậy” đã trở thành một định kiến. Để rồi bất cứ việc gì không ổn cũng bị câu lôi ra làm cái cớ cho thất bại.
Ví dụ như chuyện tình yêu. Cậu cho rằng vì lá thư đến không đúng lúc, vì cái danh tội phạm của anh mà cậu đã không thể cưới được người con gái mình yêu. Vậy thì đặt giả thiết, Tsuyoshi không phạm tội và Naoki vẫn đi học đại học bình thường. Chắc chắn lúc đó gia cảnh của cậu cũng sẽ không khá giả hơn là bao nhiêu. Trong hoàn cảnh đó, thì tôi tin Naoki cũng sẽ không cưới được Asami. Bởi cốt lõi của việc thất tình này bắt nguồn từ việc gia cảnh hai người quá khác biệt.
Theo tôi, Naoki đã hành xử bất công với người anh trai đã yêu thương mình. Cậu quên mất, hoặc cố tình quên chính là anh trai vốn là người tốt, bản chất của anh không hề xấu xa như cái tội danh đang mang. Và 15 năm trong nhà tù là cái giá anh phải trả cho những gì bản thân gây ra. Và với tính cách của Tsuyoshi thì không chỉ 15 năm mà đến suốt đời anh vẫn sẽ luôn luôn ân hận về hành động của mình.
Thế nên, thân là người em trai, người được Tsuyoshi yêu thương và chăm sóc, là gia đình, Naoki nên đối diện với bất công và kỳ thị kia bằng sự gánh vác. Tức là giúp đỡ anh trai trả một phần nợ đời, thay vì chối bỏ, né tránh và coi bản thân cũng là nạn nhân của anh trai.
Thế nên hành động của Naoki cuối truyện đối với tôi chính là sự phản bội tình yêu thương. Có chăng, những điều Naoki đáng phải làm thì được tác giả chuyển hết sang cho người vợ của anh là Yumiko.
FULL: MP3 |