“Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá.[1]”
Pablo Neruda đã gọi đây là “lần khải huyền lớn lao nhất trong tiếng Tây Ban Nha kể từ Don Quixote của Cervantes.” William Kennedy coi đó là “tác phẩm văn học đầu tiên sau sách Sáng thế [2]mà toàn thể nhân loại nên đọc.” Mặt khác, Harold Bloom lại cảm thấy cuốn tiểu thuyết “ngập tràn dòng chảy cuộc sống, vượt quá khả năng cảm thụ của bất kỳ độc giả nào.”
Để kỷ niệm 50 năm xuất bản tác phẩm hiện thực huyền diệu của Gabriel García Márquez – thiên sử thi của bảy thế hệ gia đình Buendía ở thị trấn Macondo giả tưởng – chúng ta hãy cùng nhìn lại một số lời phê bình bằng tiếng Anh đầu tiên dành cho Trăm Năm Cô Đơn.
“Macondo vẫn là chốn bùn lầy, nhơ nhớp ngay cả khi nó trông huyền ảo và vui thú nhất. Nó là nơi tràn đầy những câu dối trá và những kẻ lọc lừa, nhưng cùng lúc lại được bao phủ bởi sự chân thực. Đôi tình nhân trong cuốn tiểu thuyết này có thể lý tưởng hóa lẫn nhau thành những linh hồn không thân xác, rên rỉ sung sướng trên chiếc võng, hoặc như trong một dịp, là phủ lên thân mình trần trụi thứ mứt đào và cứ thế ân ái với nhau ngay trên hiên nhà. Người anh hùng có một cuộc viễn chinh kiểu Don Quixote băng qua rừng, và dù anh chưa bao giờ đạt được mục tiêu, nhưng ngôn ngữ mô tả hành trình của anh ta là vô cùng nhức nhối.
“Thật không dễ để mô tả các kỹ thuật và chủ đề của cuốn sách mà không, một cách ngớ ngẩn, khiến nó trở nên phức tạp, khó khăn và gần như chẳng tài nào đọc được. Nhưng thực ra cuốn sách không hề như thế. Dù được tạo dựng từ những điều kỳ quặc, những bí ẩn cổ xưa, những bí mật gia đình và những mâu thuẫn khác lạ, cuốn sách vẫn có ý nghĩa và đã đem đến niềm vui bằng hàng tá cách thức.
“… việc tách biệt các chi tiết, thậm chí cả những chi tiết hay, ra khỏi cuốn tiểu thuyết này là một việc làm bất công. Márquez đã tạo ra một chuỗi liên tục, một mạng lưới các liên hệ và quan hệ. Dù các chi tiết này có kỳ lạ hay khôi hài đến mức nào đi chăng nữa, thì hiệu quả lớn hơn [mà chúng đem lại] là niềm đam mê cháy bỏng và tính hài hước tuyệt vời, và quan trọng hơn, là về lương tri và lòng trắc ẩn. Dường như tác giả đã để cho các nhân vật sống nửa mơ nửa thực trong câu chuyện của riêng mình và ông cũng đủ khôn ngoan để không đưa ra lời bào chữa cho cách sống của họ. Không bào chữa thực sự là cần thiết. Bởi Macondo là vùng đất không có thực. Người dân của nó sẽ đau khổ, già đi và chết, nhưng là theo cách riêng của họ.” –Robert Kiely, The New York Times, 08/03/1970
“Nước Anh bây giờ chắc chắn là vùng đất văn minh cuối cùng chưa chịu công nhận đó sự hăng hái và tính độc đáo phi thường của tiểu thuyết Mỹ Latinh đương đại.
Trăm Năm Cô Đơn đã được sáng tác trong xu hướng văn học huyền ảo Mỹ Latinh gần đây, đến mức chắc chắn rằng ở một mức độ nào đó, nó gần như là sự nhại lại và nghĩ suy về những gì đã xảy ra trước đó. Các nhà văn như Borges, Fuentes, Rulfo, Cortázar và đặc biệt là Carpentier, tất cả đều được ám chỉ gián tiếp trong cuốn tiểu thuyết.
Tuy nhiên, khác xa với việc lạm dùng những trò đùa văn chương xấu xí, tác phẩm của García Márquez là nhằm mục đích diễn giải và tỏ rạng cho ta thấy những gì đã xảy ra trước đó, đưa ra một lời giải thích và một bối cảnh cho những điều tưởng chừng như ảo tưởng.
“Có nhiều yếu tố của tiểu thuyết Mỹ Latinh đương đại xuất hiện trong cuốn sách này. Giống như trong các tiểu thuyết khác, đặc biệt là ở sách của Carpentier, đó là bản chất tàn bạo đã nhẫn tâm hủy hoại văn minh khai sáng để kìm chân bạo loạn; là việc sùng bái tính mạnh mẽ của nam giới cách nhiệt tình và lâu bền; cũng như trong nhiều tiểu thuyết Mỹ La Tinh khác, sự kiện không được hóa giải dần dần nhưng là theo chu kỳ.
“Cuối cùng, cầu mong rằng cuốn tiểu thuyết cực kỳ hấp dẫn này sẽ không gặp phải sự thờ ơ lãnh đạm mà các tiểu thuyết Mỹ Latinh khác đã gặp ở đất nước chúng ta.” –David Gallagher, The Observer, 28/06/1970
“Người ta chỉ cần đọc một vài trang trong cuốn tiểu thuyết của Márquez để hiểu được phản ứng mà nó gây ra. Ngay lập tức, người đọc cảm nhận được một tiếng nói chỉ đơn giản là táo bạo, cảnh báo rằng anh đang dự vào một thứ gì đó còn hơn là một tiểu thuyết bình thường, và rằng bày trước mắt anh là một tác phẩm không chút giả định, một cuốn sách bắt đầu từ khởi nguyên của cả văn học và lịch sử, như thể sự tồn tại của nó còn chưa hề được lưu giữ trước đây.
“Trăm Năm Cô Đơn thực sự là một mô tả về một thời kỳ và một nền văn hoá, nhưng Márquez cũng đã nói rõ, câu chuyện của ông là giấc mơ nghệ thuật hơn là tuyển tập sự thật lịch sử và xã hội, và ở cuối tác phẩm, giấc mơ trở thành phép ẩn dụ rằng: khi tất cả vòng luân hồi của cuộc sống con người biến mất, người ta sẽ nhận ra sự xuất sắc của cuốn sách là ở chiến thắng của nó trước những chuyện kỳ quặc và giai thoại; ở tầm nhìn vững bền trước những hư không ,cùng những đam mê vụn vặt mà nhân loại đã dùng để cố gắng ngăn chặn số phận; và ở nghệ thuật và thực tế, hài hước là, trong cái vô thường.
“Qua từng trang sách, Márquez cho ta thấy sự kỳ diệu và phi lý của cuộc sống, trong khi đang miệt mài chế nhạo dòng chảy của cuộc sống ấy; và khi cuốn sách kết thúc với sự giác ngộ đột ngột và những hàm ý về sự hủy diệt, trong ta nhen nhóm nỗi kiệt sức dịu êm mà chỉ những tiểu thuyết vĩ đại mới có thể đem đến; vì chúng cho phép ta, trong một khoảnh khắc cân bằng đầy tinh tế, có được một tầm nhìn – chắc chắn là vừa sợ hãi, vừa hài hước – về khởi đầu và kết thúc của sự sống. Márquez, với câu chuyện về Macondo và dòng họ Buendías, đã tạo ra một cân bằng như thế, và khiến chúng ta cảm thấy như thể ta đã sống sót qua năm tháng của những giấc mơ chỉ để rồi thức giấc và khám phá ra rằng cuối cùng mơ sẽ trở thành sự thật.” –Jack Richardson, The New York Review of Books, 26/03/1970
“Cuốn tiểu thuyết phi thường này đã hủy hoại hoàn toàn phả hệ trongmột khu rừng văn xuôi tràn ngập sự lộng lẫy. Sau tất cả, García Márquez (thông qua dịch giả của mình) đã liên tục nuôi dưỡng con mắt của tâm hồn, nhiều đến mức ta sớm thấy được rằng chưa bao giờ cái mà chúng ta thờ ơ gọi là ‘bề ngoài của cuộc sống’ thực ra lại có rất nhiều dáng hình, rất nhiều chi tiết có ảnh hưởng sâu sắc, rất nhiều phong trào vĩ đại, rất nhiều tư thế và bầu khí kỳ quặc.
“Hãy nói rằng, dù những câu chữ của người đàn ông [trong Trăm Năm Cô Đơn] đều được chuẩn bị kỹ càng, thì tầm nhìn của họ vẫn chứa đựng bạo lực và khủng khiếp, khiến tác phẩm của hai nhà văn Mỹ Latinh nổi tiếng là J. L. Borges và Julio Cortázar, bỗng chốc lần lượt trở nên yếu đuối và xinh đẹp.
“Đó là một áng văn xuôi luôn được kiểm soát, nhưng nó thể hiện một tầm nhìn đầy lung lay, bộc phát, ảo giác điên cuồng, cùng những bấp bênh kỳ lạ. Lần theo lịch sử của Macondo, García Márquez giống như một vị thần từ trên cao nhìn xuống một hành tinh sục sôi, rồi nguội dần, sau đó hình thành sự sống và cuối cùng là bị hủy diệt. Tất nhiên, thị trấn ấy cũng như cánh rừng già bất tận, chỉ được dựng nên từ văn xuôi, và nhờ sự ngay thẳng của văn xuôi, bạn như đang sống cùng với Buendías (và những người còn lại), trong họ, qua họ, và vượt khỏi họ, trong tình yêu, sự điên cuồng và chiến tranh, sự trung thành, sự thỏa hiệp, ước mơ và cái chết của họ.”
“Phương thức kể chuyện Mardi Gras của tác giả gợi lên cảm giác trước và sau (sinh và tử), mà không thủ pháp cường điệu nào, của chính ông hay của chúng ta, có thể thay đổi. Giống như rừng rậm, cuốn tiểu thuyết cứ quay vòng trở lại, xuất sắc, hoang dại, và chẳng thể chối từ.” –Paul West, The Washington Post, 22/02/1970
Kim Phụng (bookaholic.vn -Theo Literary Hub)
[1] Tham khảo bản dịch “Trăm Năm Cô Đơn” của Dịch giả Nguyễn Trung Đức
[2] “Sáng Thế” (Book of Genesis) là cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh Công Giáo