Trình Tự Kudryavka |
|
Tác giả | Yonezawa Honobu |
Bộ sách | 古典部 [Kotenbu] |
Thể loại | Light Novel |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 2095 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Yonezawa Honobu Thanh Trà Câu Lạc Bộ Cổ Điển Hyouka Light Novel Tiểu Thuyết Kỳ Bí Học Đường Văn Học Nhật Bản Văn Học Phương Đông |
Nguồn | ebook©hotaru-team |
Sự kiện mọi người hằng mong chờ - Lễ hội văn hóa trường Kamiyama bắt đầu.
Thế nhưng một vụ việc vô cùng nghiêm trọng xảy đến với câu lạc bộ Cổ Điển của Oreki Hotaro. Tập san Kem Đá Do bị in quá số lượng do một chút nhầm lẫn. Trong lúc các thành viên đang vò đầu bứt tai tìm cách giải quyết núi tập san, một tên “siêu trộm” đã xuất hiện. Quân cờ vây, lá bài tarot, khẩu súng nước… những đồ vật bình thường lần lượt biến mất một cách bất thường. Và câu lạc bộ Cổ Điển quyết định…
Phải giải quyết vụ này để cả trường biết đến câu lạc bộ Cổ Điển, nhờ đó hoàn thành mục tiêu bán sạch đống tập san!
Một lần nữa, chàng “thám tử” Hotaro lại bị sự hăng hái của bạn bè lôi vào một bí ẩn mới…
Kem đá là một tiểu thuyết thuộc thể loại kỳ bí, học đường sáng tác bởi nhà văn Yonezawa Honobu xuất bản năm 2001.
Đây là tập sách đầu tiên trong seri "Câu lạc bộ Cổ Điển" gồm tổng cộng 6 tập tính đến năm 2016.
***
Vì không ngủ được, tôi lặng lẽ ra khỏi nhà.
Lịch sử gia tộc Chitanda hình như kéo dài tới tận đầu thời Edo. Khu đất nông nghiệp mênh mông trải rộng đến tận phía Bắc thành phố Kamiyama thời nay, khi xưa vốn là một ngôi làng. Nhà Chitanda là trưởng làng nên sở hữu rất nhiều đất đai, một phần để tự cấy cày, một phần đem cho thuê. Họ đại diện cho dân làng trong các cuộc đàm phán liên quan đến thuế má với bên lãnh chúa, và còn kiêm luôn cả vai trò quan tòa phân xử những vụ việc đơn giản. Họ cũng luôn là người đi đầu trong việc cải thiện đất đai. Ngay cả trong những lễ hội xuân - thu, nhà Chitanda cũng đại diện cho cả làng.
Vùng đất này không phải là nơi được thiên nhiên ban cho sự trù phú. Tuy thổ nhưỡng nói chung cũng màu mỡ, nhưng cả vùng lại thường xuyên bị bão tố tàn phá, đến mùa đông lại bị tuyết rơi dày chia cắt mọi tuyến đường. Nhưng trên hết là bởi đến tận giữa thời Edo người ta mới tiến hành xây dựng những công trình tưới tiêu, nên lượng nước trong vùng không mấy dồi dào. Chỉ cần thời tiết không thuận lợi một chút thôi là người dân lập tức rơi vào cảnh mất mùa. Tâm trạng e sợ và tôn kính thần phật của họ cũng tự nhiên theo đó mà trở nên mạnh mẽ.
Trong hoàn cảnh ấy, với tư cách là gia tộc giàu có trong vùng, nhà Chitanda đã đứng ra phụ trách phần thế tục trong việc tế lễ. Rất nhiều những lễ vật dâng cho đền thần đều chủ yếu là do nhà Chitanda trích ra từ tài sản riêng, rồi cứ trước vụ gieo và sau vụ gặt, rồi lễ Obon, rồi Tết, họ đều mời người dân xung quanh đến mở tiệc thết đãi. Việc họ có khả năng trang trải những chi phí đó lại càng chứng minh nhà Chitanda thường ngày kiếm được nhiều tiền của đến mức nào. Có lẽ nguồn thu nhập chính của nhà Chitanda đến từ tiền cho thuê đất.
Sau Thế chiến II, trong cuộc cải cách ruộng đất*, nhà Chitanda cũng mất đi phần lớn đất đai giống như những đại địa chủ trên khắp Nhật Bản lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trưởng tộc đương thời, ông Chitanda Shonosuke, là một người cực kỳ giỏi nắm bắt cơ hội. Ông đã dồn tất cả tiền kiếm được từ việc đầu cơ để nhanh chóng hiện đại hóa mảng nông nghiệp của nhà Chitanda, từ đó khiến của cải lại càng thêm dồi dào. Với số tiền kiếm được, ông Shonosuke đã dần dần mua lại số đất đai bị mất ngày trước. Kết quả là đến lúc cha tôi lên làm trưởng tộc nhà Chitanda, gia tộc đã thu hồi được hơn nửa diện tích điền trang năm xưa. Vào cuối thời Chiêu Hòa*, đây là một diện tích khổng lồ.
Thế này hơi giống ông hát cháu khen hay, nhưng ông Chitanda Shonosuke không chỉ là một thiên tài buôn bán, mà còn là một nhân vật có phẩm cách khiến người khác tin tưởng. À quên chưa nói, ông Shonosuke chính là ông nội của tôi. Vì ông mất sớm nên tôi không nhớ được nhiều điều về ông.
Nói chung gia tộc Chitanda đã vượt qua được những hỗn loạn trước, trong và sau Thế chiến II mà không lâm vào cảnh tán gia bại sản, thậm chí vẫn tiếp tục gánh vác vai trò thờ cúng như xưa.
Nói vậy thôi, nhà Chitanda chúng tôi bây giờ tuy có giàu, nhưng chẳng đến mức nứt đố đổ vách như Fukube vẫn hay kể đâu. Vậy nên những buổi thết đãi dân trong vùng đã cắt giảm từ một năm bốn lần xuống còn hai lần vào mùa xuân và thu, và lấy của khách tham gia một khoản gọi là “phí rượu”, nhưng trên thực tế thì là phí vào cửa. Như vậy thì chẳng thể gọi là thết đãi nữa, mà chỉ còn là một buổi tụ tập ăn uống thôi nhỉ. Vì không biết uống rượu nên tôi cũng chưa tham gia mấy bữa tiệc này bao giờ.
Lễ hội xuân - thu được tổ chức tại một ngôi đền nhỏ, đúng nghĩa một “vị thần làng”. Sau khi những nghi thức múa lân, rước kiệu đã hoàn tất, người nhà Chitanda sẽ đại diện cho tất cả những người viếng đền bước vào trong, mùa xuân thì cầu mong mùa màng tươi tốt, mùa thu thì cảm tạ thần linh vì đã ban cho một năm an bình, đồng thời báo cáo những việc đã xảy ra trong năm.
Ngay cả tôi, từ khi đủ nhận thức cũng đã tham gia việc cúng lễ này. Có lúc bạn bè hỏi rốt cuộc nhà tôi làm việc gì trong đền, nhưng thực ra cũng chẳng có gì khác biệt. Điểm đặc biệt duy nhất có lẽ là tất cả chúng tôi đều được nhắc nhở không gây tiếng động cho đến khi cầu nguyện xong. Vậy nên dù nói là lên đền, nhưng chúng tôi cũng không vỗ tay*.
Tôi không nghĩ mình là người có tinh thần tôn giáo mạnh mẽ, tính ra thì chắc cũng chỉ như những bạn cùng trang lứa thôi. Nhưng chẳng biết có phải vì đã có kinh nghiệm làm lễ với gia đình không mà mỗi khi có chuyện phiền lòng tôi lại tìm đến ngôi đền này và cầu nguyện. Đây là thói quen bí mật của tôi. Tôi không biết liệu đây có phải là vì trong thâm tâm tôi vẫn tin vào tám triệu thần linh*, hay chính hành động cầu nguyện làm cho tôi nhẹ lòng, giống như một dạng tự kỷ ám thị đã được hệ thống hóa. Nhiều khi điều đó làm tôi rất tò mò, nhưng mãi mà vẫn chẳng tìm được câu trả lời.
Gần đây, tôi đã cầu nguyện lúc sắp sửa thi lên cấp ba. Rồi còn cả khi xảy ra vụ “Kem đá”, như Fukube đặt tên nữa.