Trở Về Nơi Hoang Dã |
|
Tác giả | Trang Nguyễn |
Bộ sách | |
Thể loại | Du ký |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3894 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Trang Nguyễn Du Ký Địa Lý Xã Hội Văn học Việt Nam Văn học phương Đông |
Nguồn | |
"Có lẽ cũng như những đứa trẻ khao khát được khám phá thế giới hoang dã, tôi đã từng tưởng tượng mình đang ăn mặc như những nhà thám hiểm thường thấy trên TV, đầu đội mũ cứng, mặc quần áo kaki trắng ngà và đôi giày chuyên dụng. Tôi tưởng tượng ra mình đang đứng trước cây baobab, sờ vào vỏ cây thô cứng, áp tay vào thân cây mát rượi và ngước mắt lên nhìn ánh mặt trời chói chang của vùng đất châu Phi. Đối với tôi lúc bấy giờ, đó chỉ là ước mơ, và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thực hiện được ước mơ ấy. Vậy mà chỉ còn khoảng 20 tiếng nữa là tôi sẽ thực sự đến vùng đất đó, thực sự thực hiện ước mơ thưở nhỏ."
Cuốn sách này ghi lại hành trình năm năm theo đuổi đam mê của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn. Từ lời hứa năm nào với chú gấu tội nghiệp bị nhốt lấy mật, cô gái 9x nhỏ bé quả cảm đã thực hiện những những chuyến đi xuyên địa cầu, đương đầu với những khó khăn cả về vật chất và tinh thần, thậm chí cả căn bệnh ung thư khi đơn độc ở đất khách quê người. Đầy ắp thông tin về môi trường và tình cảm dành cho mẹ thiên nhiên, Trở về nơi hoang dã còn là một cẩm nang thiết thực về việc bảo vệ Trái đất thân yêu cho mỗi người.
Cuốn sách được minh họa bởi họa sĩ Đào Văn Hoàng, một người tâm huyết và gắn bó sự nghiệp nghệ thuật với công tác bảo tồn động vật hoang dã. "Cách viết, lối kể chuyện giản dị nhưng vẫn đầy màu sắc, đôi khi lại rất dí dỏm, và đôi khi ngập tràn cảm xúc mãnh liệt, làm cho người đọc cứ bị cuốn hút để lật tiếp hết trang này tới trang khác, chắc chắn không phải là một kỹ năng mà nhà khoa học, nhà bảo tồn nào cũng có được." - Hồng Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE)
***
Trang Nguyễn sinh năm 1990, là một nhà bảo tồn động vật hoang dã. Bắt đầu tham gia các hoạt động về bảo tồn động vật hoang dã vào năm 16 tuổi, Trang Nguyễn là người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct tại Việt Nam. Hiện nay cô đang thực hiện các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam.
Trang Nguyễn là đại sứ cho quỹ United for Wildlife của hoàng gia Anh. Năm 2018, cô nhận được giải thưởng Future for Nature cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế, lọt vào top 30 Under 30 Forbes Vietnam và Women of the Future – South East Asia.
***
Điều phi thường làm nên một cuộc đời ý nghĩa
Việc bảo tồn động vật hoang dã, việc nghiên cứu thực địa ở trong rừng đòi hỏi rất nhiều yếu tố về sức khỏe, sự kiên trì và lòng nhiệt huyết,… vượt qua mọi mặc cảm “Bọn con gái ở thành phố thì biết gì về rừng?”, “Con gái vào rừng thì làm được gì?”, “Có lội được sông không?” , “Nhìn gầy gò thế này thì làm được gì?” cơ hội được sống an nhàn như bao cô gái khác, Trang Nguyễn đã thực hiện lời hứa năm nào với chú gấu bị hành hạ, cô gái nhỏ quyết tâm bảo vệ động vật hoang dã. Những chuyến đi vô cùng khắc nghiệt, sự yêu thương động vật hoang dã được thể hiện qua từng câu chữ khiến người đọc vô cùng xúc động và khâm phục khả năng phi thường của tác giả.
Đồng cảm hơn với thế giới tự nhiên
Có thể với chúng ta, những màn xiếc thú, biểu diễn điêu luyện của những con vật ở sở thứ hay rạp xiếc đem lại sự thích thú thế nhưng bạn không biết đằng sau những màn biểu diễn ấy là những nỗi đau không ai thấu. Những con vật bị xiềng xích, đánh đập và thậm chí là bị bỏ đói trong quá trình luyện tập. Con người có cảm xúc và động vật cũng vậy. Thế tại sao chúng ta lại thờ ơ với những cảm xúc của động vật chỉ để có được giây phút vui vẻ cho chính mình?
“Liệu chúng ta có sẵn sàng đánh đổi điều tuyệt vời mà thiên nhiên đang mang lại chỉ để mua vui bằng vài tiếng cười độc ác không?”
Điều ý nghĩa mà cô gái nhỏ góp phần làm cho Thế giới thêm tốt đẹp
“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” (Albert Einstein)
Thay vì chọn cuộc sống an nhàn như bao cô gái khác ở thành phố, những chuyến đi thực địa ở rừng, Trang Nguyễn hết sức đau lòng trước vấn nạn săn bắn động vật hoang dã trái phép, nạn chặt phá rừng, làm tổn hại nghiêm trọng đến mẹ thiên nhiên. Không chỉ những động vật hoang dã đứng trước nguy cơ diệt vong mà con người cũng sẽ phải trả giá cho những hành động làm tổn hại đến thiên nhiên. Những câu chữ mà Trang Nguyễn viết như truyền đến nguồn động lực cho chúng ta sống đúng đắn với thế giới tự nhiên.
Cảm nhận của độc giả
“Trang cũng quý hiếm như thiên nhiên hoang dã mà cô yêu, không chỉ bởi cô là một người Việt Nam với bộ hồ sơ đáng ngưỡng mộ với nền tảng giáo dục quốc tế và kinh nghiệm thực tế, mà còn bởi cô là phụ nữ. Không chịu khuất phục trước những định kiến xã hội, những gì Trang làm được có tính tiên phong và lan tỏa. Để nghành bảo tồn tiến xa hơn ở Việt Nam trong việc bảo vệ những loài quý hiếm đang bị đe dọa, không thể thiếu được những người như Trang.” - Josh Kempinski(Giám đốc Chương trình Việt Nam. Fauna & Folra International)
“Cách viết, lối kể chuyện giản dị nhưng vẫn đầy màu sắc, đôi khi lại rất dí dỏm và đôi khi ngập tràn cảm xúc mãnh liệt, làm cho người đọc cứ bị cuốn hút để lật tiếp trang này tới trang khác, chắc chắn không phải là một kỹ năng mà nhà khoa học, nhà bảo tồn nào cũng có được” - Hồng Hoàng (Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE)
Điều ý nghĩa mà cô gái nhỏ góp phần làm cho Thế giới thêm tốt đẹp
Trích dẫn hay từ sách
Hãy nhìn sâu vào thiên nhiên, bạn sẽ thấu hiểu mọi thứ rõ ràng hơn. (Albert Einstein)
Tôi không muốn bảo vệ thiên nhiên, tôi muốn tạo ra một thế giới mà thiên nhiên không cần phải bảo vệ. (Khuyết Danh)
Thiên nhiên lặng thầm mà tràn đầy tình yêu thương và khát vọng
Tất cả đều biết nói, nếu lắng nghe bằng cả trái tim.
Sự thật là những cánh rừng chẳng quan tâm tôi là nam hay nữ, béo hay gầy, da sạm hay da trắng. Thiên nhiên không đánh giá tôi là người thế nào qua vẻ bề ngoài của tôi, nó nhìn tôi bằng đôi mắt xanh thẳm, và đánh giá tôi bằng hành động của tôi, bằng cách tôi sống và điều tôi làm.
Lời kết
Không chỉ là tinh thần dũng cảm theo đuổi đam mê mà chính sự phấn đấu để bảo vệ động vật hoang dã đã làm cho cuộc đời của Trang Nguyễn đáng sống hơn bao giờ hết. Hy vọng bạn sẽ không bỏ qua một cuốn sách ý nghĩa như thế này, hãy dừng một chút, lắng nghe thiên nhiên nhiều hơn để góp phần làm những điều tốt đẹp cho thế giới tự nhiên nhé.
***
Mình thật sự có cảm tình với những người “tay ngang” viết sách, như là chị Trang – nhà bảo tồn, Dương Minh Tuấn – bác sĩ, hay nhiều người viết tự truyện về cuộc đời mình. Mình thấy ngôn ngữ nó giản dị, chân thành, không cầu kỳ hoa mỹ. Từ trái tim đến với trái tim. Văn phong của chị Trang đúng là không có gì quá đặc biệt, nhưng chính những câu chuyện, những trải nghiệm, chính sự chân thành của chị đã đủ để thu hút người đọc rồi.
Cuốn sách này kể về hành trình của chị Trang trong vòng 5 năm, từ lúc bắt đầu là một cô bé sinh viên thạc sĩ mới chỉ 21 tuổi, đến khi cuốn sách kết thúc là một “người lớn” trưởng thành hơn, và chững chạc hơn ở tuổi 26. Bên cạnh đó cũng có những câu chuyện về đời tư của chị như lúc điều trị ung thư và mối tình đáng yêu của chị và Brian.
Đọc những câu chuyện của chị, mình cảm nhận được tâm huyết với ngành bảo tồn, tình yêu tha thiết của chị với thiên nhiên, với động vật hoang dã. Không cần những từ đao to búa lớn, không cần phải nói suốt mình yêu thiên nhiên như thế nào. Đọc những điều chị viết, thấy những việc chị làm, là tình yêu đó truyền được cả sang mình, tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên ngập tràn trong những trang sách của chị. Đọc mà rạo rực, mà muốn làm ngay cái gì đó tốt cho môi trường, thiên nhiên. “Trở về nơi hoang dã” được viết bằng nỗi khát khao được trải lòng, được truyền lửa, được sẻ chia.
Không chỉ truyền tình yêu, đam mê mà chị còn chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích mà thú thật là nhiều điều trước giờ mình cũng không biết. Chính chị cũng viết rằng mình sợ nếu cuốn sách trở nên phổ biến lại có nhiều bạn trẻ vào rừng để ‘thử’ cảm giác đi rừng, mà không hề trang bị đủ kiến thức để sinh tồn cũng như hiểu biết để không làm hại môi trường hoang dã. “Bạn chỉ muốn bảo vệ những gì bạn yêu, và bạn sẽ chỉ yêu những thứ mà bạn có thể hiểu.”
Đọc sách mình hiểu hơn về thực tế nạn săn bắn động vật hoang dã. Những con số đáng sợ về nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã, cả những câu chuyện buồn về những con thú non mất mẹ hay những con thú bị nuôi nhốt, hành hạ… Đọc thấy rất ‘thật’, mà thật rồi lại xót xa, lại thấy con người tham lam đến nhường nào, lại thấy mình thờ ơ ra sao. Mình buồn thay những con người tự cho mình cái quyền chà đạp giống loài khác, cho mình cái quyền tàn phá thiên nhiên.
Một cuốn sách non-fiction hiếm hoi làm mình khóc. Khóc vì nghị lực của chị Trang, khóc vì những nỗi đau mà con người gây ra cho thiên nhiên, cho động vật hoang dã. Khóc vì đến cuối cùng chị vẫn theo đuổi, và còn tìm được một người đồng hành trên chặng đường dài phía trước. Thế giới cần thêm những người phụ nữ như chị. Cảm ơn chị vì đã không từ bỏ, và cảm ơn chị vì đã kể câu chuyện của mình.
Cuốn sách còn là định hướng cho những người muốn dấn thân vào ngành bảo tồn. Trong suốt những câu chuyện của chị, chị đã chia sẻ rất thật về những khó khăn khi làm bảo tồn, đặc biệt là với phụ nữ làm ngành này. Một con đường không dễ để đi, nhưng nếu bạn có tâm huyết và tình yêu đủ lớn, thì cứ vững vàng bước tới.
Nếu như bạn là một người có quan tâm đến động vật hay thiên nhiên nói chung, đây là cuốn sách hoàn hảo dành cho bạn. Nhưng dù cho bạn không hứng thú lắm thì mình nghĩ cũng nên thử đọc xem sao, bởi vì chắc chắn nó sẽ làm cho bạn quan tâm thôi. Tin mình đi!
“ Có lẽ chúng ta không thể cứu được tất cả các muôn loài, nhưng nếu không cố gắng, chúng ta sẽ mất đi tất cả.” (Sir Peter Scott)
Trích dẫn nổi bật của sách Trở về nơi hoang dã
1, “Sự thực là những cánh rừng chẳng quan tâm tôi là nam hay nữ, béo hay gầy, da sạm nắng hay da trắng. Thiên nhiên không đánh giá tôi là người thế nào qua vẻ bề ngoài của tôi, nó nhìn tôi bằng đôi mắt xanh thẳm, và đánh giá tôi bằng hành động của tôi, bằng cách tôi sống và điều tôi làm.”
2, “Chiều tà ở Châu Phi quả thực rất đẹp. Con nắng gay gắt đã tắt, chỉ còn lại màu đỏ cam, vàng rực cả góc trời. Không khí dịu xuống, cũng là lúc những loài động vật bắt đầu hoạt động nhiều hơn: những loài hoạt động về đêm ‘khởi động’ để chuẩn bị cho những chuyến đi săn, những loài hoạt động vào ban ngày cố vớt vát những tia sáng cuối cùng để uống nước, tắm bùn, rồi í ới gọi nhau trốn vào những bụi cây lớn để tránh thú săn mồi.”
3, “Liệu chúng đã nghĩ gì khi giương cung tẩm chất độc chết người để bắn chú voi già tội nghiệp? Cảnh Satao phải vật lộn với sự đau đớn, tiếng kêu cứu thống thiết của Satao liệu chúng có nghe thấy? Có lẽ khi ấy, những kẻ săn trộm chỉ nhìn thấy cặp ngà to khỏe của Satao…Lòng tham cuối cùng cũng chiến thắng tình người.”
4, “Những chú voi con nghịch ngợm đang chạy quanh voi mẹ với đôi tai dang rộng vì phấn khích. Thế rồi, tôi nhận ra Jumbo, chú voi khoảng 3 năm tuổi từng bị những người khách du lịch vô trách nhiệm phóng xe quá tốc độ trong khu bảo tàng đâm phải. Chú voi tội nghiệp tự lết đi đằng sau cả đàn, thỉnh thoảng lại dừng lại để nghỉ chân rồi lại vội vã lết đi. Tôi có thể thấy cả đàn đều rất nhẫn nại chờ chú: thỉnh thoảng chúng dừng lại, ngoái về phía sau để chắc chắn rằng Jumbo vẫn đang theo kịp đàn. Những chú voi khác lúc lắc đầu, rướn vòi về phía sau như kêu gọi, động viên Jumbo cố lên. Cả đàn cứ di chuyển chậm như thế, cho đến khi Jumbo dường như đã mệt lắm rồi, chú đi chậm hẳn lại, vung vẩy chiếc vòi với vẻ cáu kỉnh. Những thành viên khác trong đoàn đều dừng cả lại, ngoái nhìn, có cô tỏ vẻ sốt ruột, dùng chân đá đất khô ở dưới tạo thành những đám bụi nhỏ. Tôi thắc mắc liệu chúng có bỏ mặc Jumbo không nhỉ?
Thế rồi, điều kỳ diệu xảy đến: một bạn voi khác trong đàn, có lẽ chỉ hơn Jumbo vài tuổi, đi từ từ về phía Jumbo. Cô bé ấy nhẹ nhàng đặt trán mình đối diện với trán Jumbo, như để tỏ vẻ thông cảm, rồi dùng vòi của mình quấn lấy vòi của Jumbo, và dắt Jumbo tập tễnh từng bước một, từ từ, chậm rãi đi về phía cả đàn.
Đó, là tình cảm gia đình. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, mạnh mẽ nhất mà nhiều khi thế giới loài người, vì bận rộn mà bỏ quên.”
***
Và thế là tôi ngồi đó, cùng với nào ba lô, túi xách, võng, lều, nồi niêu, xong chảo và ti tỉ những vật dụng khác nữa, trong khi dân làng, từ đám trẻ nhỏ, đến phụ nữ, thanh niên, nam giới và người già lần lượt kéo đến, cùng với một đám gà qué thả rông của ai đó, tạo thành vòng tròn lớn, không ngại ngần nhìn tôi chằm chằm.
Khỉ thật, tại sao tôi lại tự làm khổ mình như thế này cơ chứ? Tôi có thể như đám bạn cùng lứa ở nhà, đi làm ở một nơi nào đó ổn định, có mức lương kha khá, thỉnh thoảng đi du lịch đây đó, chụp vài bức ảnh selfie, có một cậu bạn trai cao ráo, yêu thương mình hết mực, có lẽ là chuẩn bị tính đến chuyện lập gia đình, lấy chồng và sinh con. Tại sao tôi lại không nghe theo lời khuyên của bố mẹ, đi một con đường bằng phẳng và sống đơn giản hơn… Thay vào đó tôi bị tắc ở đây, một cái làng bé nhỏ ở nơi khỉ ho cò gáy mà tôi còn chả biết là ở đâu nữa, với một đám người hiếu kỳ lạ mặt đang kéo đến ngày một đông, với đám quần áo và ba lô bẩn thỉu dính đầy bùn đất, với những vết gai cào đầy trên tay và chân, với vết bầm tím do bị ngã trên đùi. Vừa tức, vừa bực, vừa tuyệt vọng và căng thẳng, nước mắt tôi bắt đầu ứa ra, chảy thành dòng trên khuôn mặt. Và ngay lập tức tôi hối hận vì đã khóc - đám người bắt đầu chỉ trỏ, cười ngạo nghễ nhìn tôi như thể họ đang xem xiếc thú!
* * *
Bốn tháng trước đó…
Tháng Tư năm 2012 là khoảng thời gian ban nhạc người Ireland - Westlife có những liveshow cuối cùng để chia tay khán giả ngay sau khi công bố về chuyện tan rã của nhóm. Vốn là một fan ruột của ban nhạc này từ năm 1998, dĩ nhiên tôi cũng đã tự mua cho mình một vé xem liveshow ở London vào đầu tháng năm. Thế nhưng, nếu muốn xem buổi diễn này thì tôi sẽ phải trì hoãn chuyến đi thực địa gần hai tuần. Một điều mà những nhà bảo tồn nghiêm túc sẽ không bao giờ làm! Thầy Giuseppe đã nhìn tôi một cách rất nghiêm khắc, khi tôi cầm cái vé xem ca nhạc một cách đau khổ, cố gắng trình bày với thầy rằng thì là mà, tôi đã phải canh chừng giờ bán vé như thế nào để mua được vé chỗ đẹp, đã phải tiết kiệm tiền ra sao, và trên tất cả - đây là buổi hòa nhạc cuối cùng của Westlife! Nhưng dĩ nhiên ông thầy người Ý vốn dĩ chỉ yêu chuộng cà phê thượng hạng, nhạc thính phòng và dành cả đời để nghiên cứu về vượn cáo của tôi không thể nào hiểu được vì sao tôi lại nhiệt tình với một ban nhạc “vớ vẩn” sắp tan rã đến như thế! Cuối cùng thì sau ngày hôm ấy, tôi đã suýt khóc khi phải nhượng lại cái vé này cho một fan khác ở tận Manchester. Mấy đứa bạn tôi đã cười phớ lớ và an ủi tôi rằng đó là “sự hy sinh cao cả cho khoa học”. Còn thầy Giuseppe thì nói đó là “sự lựa chọn đúng đắn” để “sử dụng thời gian cho việc có ích hơn”.
Điều cần làm ngay sau đó là phải đi tiêm chủng để phòng bệnh. Đây là một trong những điều bắt buộc dành cho những sinh viên nghiên cứu tại Anh để đảm bảo về sức khỏe khi đi thực địa. Đến Madagascar thì không cần phải tiêm phòng bệnh vàng da, nhưng vẫn phải tiêm chủng chống uốn ván, viêm gan A, viêm gan B và phòng dại. Bên cạnh đó tôi cũng phải đến phòng y tế của trường để xin thuốc uống chống sốt rét. Loại thuốc này thật rắc rối, vì mỗi ngày tôi đều phải uống vào một giờ nhất định. Và vì tôi đi ba tháng nên phải uống đủ lượng thuốc của bốn tháng (uống 2 tuần trước khi đi và 2 tuần sau khi về). Vì là con gái, nên chúng tôi cũng được khuyên rằng nên uống thuốc tránh thai. Một là nếu uống liên tục không nghỉ, thì chúng tôi có thể làm tạm mất kỳ nguyệt san trong vòng hai hoặc ba tháng khi đang ở trong rừng, mặc dù vậy tôi cũng phải nhấn mạnh rằng đây là do bất khả kháng vì nó không có lợi cho sức khỏe. Khỏi phải nói có tháng bất tiện như thế nào trong điều kiện không có nhà vệ sinh và nước sạch. Hai nữa là nếu có chuyện không hay xảy ra trong rừng, thì ít ra chúng tôi cũng vẫn được “bảo vệ” bằng cách này.
Mời các bạn đón đọc Trở Về Nơi Hoang Dã của tác giả Trang Nguyễn.