Đây là mẫu chuyện đạo được tiểu thuyết hóa bằng địa danh và nhân danh Ấn Độ. Tình tiết được mô tả như bất cứ câu chuyện tình yêu trần tục nào trên trái đất. Nhưng nội dung mang nhiều sắc thái hướng thượng và chứa đựng bản chất giải thoát.
Nhân vật chính là chàng trai Thiện Duyên và cô gái Li Lan. Chàng là con ông Thiểu Lạc và bà Thiểu Thọ. Gia đình nghèo và giai cấp Thủ Đà La. Còn nàng là con ông Đa Phúc và bà Tiểu Tâm. Gia đình rất giàu, giai cấp Bà La Môn.
Nhưng định nghiệp trớ trêu, nhân duyên trái nghịch, xui khiến chàng là công nhân, còn nàng là chủ nhân. Và cũng chính là trong nghịch cảnh này tình yêu chân thành giữa hai tâm hồn trẻ đã kết nụ.
Ngày tháng lặng lẽ trôi nhưng tình yêu thì ngày thêm gắn bó. Trong lúc tình yêu hai người đang tuyệt vời thơ mộng thì bỗng dưng sóng dậy đất bằng, khiến Thiện Duyên phải sống cuộc đời phiêu bạt hải hồ, còn Li Lan cô phòng kiên trinh chờ đợi.
Định nghiệp an bài cuộc sống hai người ra sao, cuộc đời bềnh bồng trên những bến bờ viễn xứ của Thiện Duyên thế nào, cuộc gặp gỡ sau cùng để rồi ngàn thu vĩnh biệt của Li Lan
***
Hướng Nam ngọn Hy Mã Lạp hùng vĩ là xứ Gorakhpur, hướng Tây Bắc của xứ này là con sông Rapdeentee mà trong quá khứ gọi là Aciravati, một trong năm con sông lớn nổi tiếng của Ấn Độ. Phương tiện di chuyển từ Gorakhpur đến Rapdeentee là xe lửa. Khoảng đường dài ngót 100 cây số. Tả ngạn con sông là kinh đô Sa-oách-thi (Savatthi) xứ Cô-sa-la (Kosala).
Cách đây, hơn hai ngàn năm trăm năm, tính theo Phật lịch, kinh đô Sa-oách-thi nổi tiếng phồn thịnh ngang hàng đế đô Ra-Cha-Ga-Ha (Rajagaha) xứ Ma-ga-tha (Magadtha). Ngoài ra không có kinh đô nào sầm uất, thịnh vượng bằng.
Sa-oách-thi chiếm một diện tích rất rộng, từ chân núi Hy-Mã-Lạp chạy dài đến hữu ngạn sông Găn-ga. Các đô thị lớn như Ba-ra-na-si (Baranasi), Sa-kê-ta (Sakêta). Ca-pi-la-oách-thu (Kapilavatthu) v.v... đều nằm trong địa giới của Sa-oách-thi.
Chính tại Sa-oách-thi này, đức Thế Tôn đã an cư trên dưới hai mươi mùa hạ. Có rất nhiều bài pháp được ngài thuyết giảng tại đây. Những người lãnh hội chánh pháp, y giáo phụng hành được thành tựu cứu cánh phạm hạnh, hoặc thượng sanh thiện giới, hoặc hưởng hiện tại lạc trú, lên đến con số nhiều triệu.
Giờ đây, Sa-oách-thi đã lui về quá khứ. Tất cả là bóng mờ sương khói. Những đền đài nguy nga tráng lệ, sừng sững như thách thức với đất trời, san sát như phô trương sức sống nay chỉ còn là những cục gạch vụn vô tri nằm dưới lớp thời gian cát bụi.
Còn những nhân vật nổi danh như vua chúa bá hộ, thương gia, thân hào, nhân sĩ, Sa-môn, Bà- la-môn nay là những nắm xương tàn làm phân cho cây cỏ.
Mời các bạn đón đọc
Trúc Lâm Dậy Sóng của tác giả
Thích Hộ Giác.