Đầu tiên tôi phải nói rằng, cuốn sách này thực sự không phải truyện chưởng, chỉ là một cuốn tiểu thuyết thông thường, chẳng qua thời điểm diễn ra được đẩy lên khá sớm mà thôi. Nhưng quả thực tôi cũng không còn cách nào khác, bởi tôi có cảm giác người xưa động một tí là lao vào đánh nhau. Tôi không đặt câu chuyện vào thời hiện đại, có lẽ bởi tôi cảm thấy những câu chuyện không hề có thực ở thời xưa dường như viết tự do hơn, mặc dù hiện thực lịch sử rất khác so với tiểu thuyết, ví như việc từ trước đến giờ chùa Thiếu Lâm chưa từng gặp hỏa hoạn, người xưa cũng không thể tùy tiện cầm đao chạy loăng quăng trên phố, tương tự như việc bạn cầm súng chạy rông trên đường trong thời đại ngày nay, xét cả về tính chất cũng như hậu quả.
Thực ra đây là một cách nghĩ đã có từ lâu, nhưng rất khó thực hiện, bởi lẽ ai cũng đều biết rằng thảng như câu chuyện xảy ra vào thời đại ngày nay, bạn không cần phải thay đổi bản thân, ban ngày có chuyện gì xảy ra, tối đến đã có thể viết lại, nhưng sự việc thời xưa thì không hề đơn giản như thế; tôi đột nhiên hiểu rõ vì sao cần phải lánh mình đi để viết, tôi luôn cảm thấy mình có thể viết trong mọi lúc, song sự thật lại không phải vậy; ngay cả người rộng lượng, không đòi hỏi khắt khe như tôi cũng chẳng thể nào chịu được việc: đang lần từng trang sách để tìm hiểu xem thanh kiếm này quý báu ra sao, được vua ban vào thời nào, thì đột nhiên điện thoại di động đổ chuông, bạn bè thông báo rằng lát nữa cuộc đua Công thức Một sẽ bắt đầu.
Tôi không biết liệu người sáng tác một cuốn sách tự bước vào vở kịch của mình với một vai diễn sắp sẵn và không thể thoát ra khỏi câu chuyện đó hay hơn; hay là cứ ở ngoài lạnh lùng nhìn toán người dưới ngòi bút của mình thực hiện một số việc do mình sắp đặt, rồi thi thoảng bàn luận vài câu hay hơn. Tôi nghĩ cuốn sách này ứng với câu sau, nhưng trớ trêu tôi lại dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, điều này cũng đến khổ cho tôi.
Tuy từ trước tới giờ, tôi luôn cảm thấy ngôn từ trong tiểu thuyết là quan trọng nhất, tư tưởng chỉ là thứ yếu, song thực tế ai cũng muốn tìm hiểu một số vấn đề thông qua tiểu thuyết của mình, ban đầu tôi có rất nhiều ý tưởng, nhưng cuối cùng lại phát hiện ra chẳng có ý tưởng nào được thực hiện. Sự suy ngẫm mà tiểu thuyết đem lại cho độc giả cũng giống như sự hồi tưởng mà một ca khúc mang đến cho người nghe, mỗi người đều có một cảm nhận riêng, tôi không thể nói rõ cho các bạn cách nghĩ của tôi, bởi có lúc ngay bản thân tôi cũng chẳng hề biết cách nghĩ của mình là thế nào. Kết cục luôn có thể khái quát bằng một câu, nhưng quá trình thì kể cả ngày cũng không hết.
Sau cùng tôi phát hiện ra, tiểu thuyết có thể hoàn toàn khác với những tưởng tượng ban đầu của mình, song điều này cũng chẳng sao, bất luận thế nào, tôi cũng thích một số phần, một số chương, một số đoạn hội thoại trong đó. Không cần yêu quá nhiều, chỉ cần yêu đôi chút(1), có lúc cũng đâu phải tồi. Giả như bạn yêu rất nhiều, giống như khi tôi viết cuốn Tam trùng môn vậy. Tôi muốn từng câu đều phải đặc sắc, chẳng qua là mong bạn đọc có cảm giác đó không phải là tiểu thuyết, chứ bản thân tôi thì rất mệt mỏi, những người từng yêu đều biết vậy.
Tôi nghĩ câu chuyện trong cuốn sách này chưa kết thúc. Song tôi cũng không biết liệu có một ngày nào đó tôi sẽ viết tiếp hay không, bởi câu chuyện chỉ là nhìn bề ngoài như thể chưa kết thúc mà thôi. Việc có kết thúc hay không, nên nói thế nào nhỉ? Tôi muốn nói rằng, lần này tạm viết đến đây đã, điều tôi muốn biểu đạt tạm thời chỉ có vậy.
Xét từ khía cạnh bản năng, con người luôn hy vọng người khác nói rõ ràng mọi việc. Trên đời này, sự việc có phức tạp đến đâu đi nữa cũng vẫn có thể nói rõ ràng. Song mấu chốt nằm ở chỗ, đã nói rõ ràng song lại không hiểu rõ ràng, nếu đã vậy thì coi như tôi chưa hề nói rõ.
Bởi cuối cùng bạn cũng phải quay trở về hiện thực, cho nên tôi đành coi đây là kết cục của Trường An loạn.
Hàn Hàn
Mời các bạn đón đọc Trường An loạn của tác giả Hàn Hàn.