Cùng lúc ra mắt hai tác phẩm: Tiểu thuyết 2030 và truyện dài Linh thú - Thiên linh cái, Trương Thanh Thùy đã tạo nên bước ngoặt cho sáng tác của mình. Chị “thổi” vào câu chuyện giả tưởng, tâm linh của hai tác phẩm trên một “không gian đậm chất phương Tây” từ văn phong, văn hóa và cả cảm xúc của tác giả chảy tràn trên từng trang viết.
Người đọc dù tinh ý cũng khó có thể nhận ra, câu chuyện ma cà rồng, người sói hay những chuyện xảy ra trong bộ tộc da đỏ kia, lại được viết bằng trí tưởng tượng cũng như ngòi bút của một tác giả Việt.
Hai cuốn sách mới phát hành của Trương Thanh Thùy. |
- Tại sao chị chọn dòng văn học giả tưởng để sáng tạo?
- Mỗi thể loại đòi hỏi một sự sáng tạo riêng. Tính đến combo sách 2030 và Linh Thú - Thiên linh cái thì tôi có 6 đầu sách được in, cả 6 tập đều khác nhau. Tôi đã tự đặt cho mình một mục tiêu là chinh phục nhiều thể loại, nhiều đề tài, và đến hôm nay tôi vẫn từng bước đi đến mục tiêu của mình. Nên thật ra, chạm đến giả tưởng - giả sử chỉ là sớm hay muộn.
- Ma cà rồng, bùa ngải, tiên tri… vốn là những nội dung gây tò mò. Chị chủ trương chọn những đề tài ấy để tăng sức hút cho tác phẩm?
- Khi viết về xã hội, về phụ nữ, việc mình nêu rõ quan điểm về sự thương cảm, cảm thông cho thân phận con người khá dễ. Tôi có lẽ là một đứa ngông nghênh, thích tự làm khó mình vì tôi tin như thế sẽ là cơ hội để bản thân mình tiến bộ, nên muốn thử sức ở một đề tài có vẻ khó hơn trong việc viết về con người - viết cho con người.
Mỗi đề tài sẽ có một nhóm độc giả khác nhau. Vốn tôi cũng đã được một số độc giả công nhận rồi, thử sức ở đề tài mới thật ra là mạo hiểm, vì đâu chắc những độc giả cũ sẽ cảm thông và tiếp tục ủng hộ mình. Nên, việc thể hiện mình ở thể loại mới thật ra chỉ là một bước trong hàng vạn bước trên con đường chữ nghĩa dài bất tận, chứ không có chuyện tính toán hút độc giả về phía mình.
-Tác giả đặt truyện dài "Thiên Linh Cái" và "Linh Thú" chung trong một cuốn sách dù có 2 bìa riêng biệt, quay đầu. Có điểm chung hay dụng ý gì khi "sinh đôi" trong một sản phẩm như vậy?
- Nếu nói về ý tưởng sách tôi phải cảm ơn người em thân thiết là nhà nghiên cứu ngôn ngữ Trần Thanh Thủy, đã gợi ý cho tôi ý tưởng này. Sách chỉ hai truyện dài, văn phong có thể nói là đối lập, bối cảnh cũng không có gì giống nhau cả, nhưng cả Thiên linh cái và Linh thú đều lột tả sự u muội của con người trước những sức mạnh siêu linh mà bản thân họ không chắc chắn có hay không trong cuộc đời.
Điều đó chứng tỏ, xã hội nào cũng có những con người sa vào dị đoan rồi tự chuốc lấy hậu quả. Tôi viết hai tác phẩm này cách nhau một quãng khá xa, khoảng hơn hai năm và cùng “bỏ kho” để chỉnh sửa nhiều lần. Nên thật ra từ đầu bản thân không hề dự định đặt chúng chung với ý tưởng bìa hay trình bày.
- Chị có ý đồ gì khi đưa vào "Linh Thú" những tình tiết dễ gây hiểu lầm là bệnh hoạn khi để người và động vật giao hoan với nhau?
- Khi chúng ta viết - đọc bằng tâm hồn, bằng trái tim, thì rất khó để có thể nói rằng tình tiết nào, đề tài nào, hoặc tác phẩm nào là “bệnh hoạn”. Với tôi, khi xử lý những tình tiết quá nặng của Linh thú, sự căng thẳng là có, nhưng tôi không nghĩ việc người và vật có sự va chạm là bệnh.
Tôi nghĩ, việc con người ta u muội mà đánh rơi cả cuộc đời mình còn khủng khiếp hơn, cay đắng hơn. Mọi tình tiết trong truyện đều để phục vụ nội dung, vốn truyền thuyết nó thế tôi cũng không làm khác đi được.
Bạn cứ thử cắt bỏ hết những tình tiết bị gọi là bệnh trong Linh thú đi, bạn sẽ thấy tác phẩm ấy chẳng còn mấy giá trị đầu tư nữa.
Tác giả Trương Thanh Thùy. |
- Hai đầu sách mới ra mắt của chị đều ẩn chứa nhiều thông điệp cho người đọc khám phá. Chị nghĩ văn của mình hợp với giới nghiên cứu hay độc giả đọc giải trí?
- Mỗi đề tài, mỗi thể loại có một nhóm độc giả riêng, nên văn tôi chắc rồi sẽ có những người đồng cảm, nhiều hay ít đều nằm ở duyên thôi. Cái duyên đầu khi đến với nghiệp chữ nghĩa, tôi nhận ra mình đọc là vì tham kiến thức, nên tự nó ăn sâu vào trong mình là viết thì phải đầu tư, phải lột tả được những mảng kiến thức hay - đẹp theo góc nhìn của mình.
Nên nếu hôm nay, có ai bảo với tôi rằng văn mình khó đọc, thì đấy thật sự là một lời khen. Tôi chấp nhận sách in một vài nghìn bản mà độc giả ghi nhận mình sâu sắc, hơn là ồ ạt số lượng rồi bị lãng quên.
- Bộ combo tiểu thuyết "2030" và "Linh thú" của Trương Thanh Thùy được gọi là “đứa con lai Tây” với bối cảnh, phong cách đậm chất châu Âu. Điều đó có làm khó một cây bút sinh sống ở phương Đông như chị?
- Không biết các tác giả khác thì thế nào, còn bản thân tôi, viết là để thỏa mãn đam mê. Nếu tôi viết mà phải cân đong đo đếm thử bao nhiêu người mua sách, bao nhiêu người ủng hộ rồi so sánh với số người phản bác để tìm hướng đi an toàn, thì làm gì có chuyện chạm được đến cảm giác hạnh phúc khi hoàn thành một tác phẩm.
“Kho” của tôi còn nhiều đề tài khó nhằn hơn. Tôi mà tính chuyện viết ra bán được hay không thì có lẽ “kho” rỗng mất. Nỗi ám ảnh đề tài lớn đến độ nó khiến tôi quên hết mọi sự trong đời. Thật sự, với tôi, đứng trước một đề tài đáng viết, hấp dẫn mà không dám viết, dù bất kỳ lý do nào thì cũng gây ân hận, và tôi không để mình ân hận bởi những điều ấy.
- Khi hai đầu sách của chị ra mắt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét đây đều là tác phẩm "tự tin, bứt phá". Chị nghĩ sao?
- Nếu thật sự được một hoặc một vài nhà phê bình đưa ra đánh giá cao, bản thân tôi chỉ thấy áp lực, là mình phải làm tiếp và làm tốt hơn, còn hồi hộp, lo sợ hay hy vọng thì hoàn toàn không.
Đề tài đến bởi duyên, nhân vật dẫn mình đi theo cách của họ, tôi có lo lắng thì cũng vô ích, nên, thời gian ấy để dành để trau dồi kiến thức.