DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Từ 'Việt Nam phong tục' nhìn lại phong tục Việt Nam

Ngoài giá trị tư liệu, khảo cứu đã được khẳng định suốt một thế kỷ qua, có thể xem công trình của Phan Kế Bính như một biên khảo khởi đầu cho những ý tưởng về “Người Việt xấu xí”.

Những năm đầu thế kỷ 20, sự tiếp xúc với văn minh phương Tây khiến chúng ta biết được ngày một rõ hơn “gương mặt kẻ khác”. Nhu cầu nhận diện “đối phương” lớn bao nhiêu thì song hành với đó là nhu cầu tự định vị, tự ý thức về chính bản thân mình cũng theo đó mà ngày càng mạnh lên bấy nhiêu.

Giữa buổi giao thời, cái cũ còn chưa phá hẳn, cái mới chưa xây xong, những nhà nho tân học - sản phẩm của nền giáo dục “tân cổ giao duyên” - là người đứng ra lãnh nhận sứ mệnh văn hóa ấy. Bưu Văn Phan Kế Bính (1875-1921) - người  trưởng thành và sống trọn vẹn trong giai đoạn giao thời của đời sống văn hóa, văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 - cùng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - Việt Nam phong tục là một trường hợp như vậy.

Nói đến Việt Nam phong tục”của Phan Kế Bính, từ trước đến nay mọi người hay nhắc đến cùng với tờ Đông Dương tạp chí nơi mà ông từng là một thành viên của ban biên tập. Nhiều người cũng đã từng cho rằng Việt Nam phong tục được in lần đầu trên tờ báo vào năm 1914 nhưng trong lần tái bản này, NXB Kim Đồng đã có một phát hiện khá thú vị: “(...) Khi tìm lại các số Đông Dương tạp chí được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, NXB Kim Đồng không tìm thấy nội dung nào giống như tác phẩm này. Sau khi kiểm tra các nguồn thông tin, NXB mạo muội cho rằng khi Đông Dương tạp chí đổi sang khổ nhỏ và đánh lại số vào đầu năm 1915, Việt Nam phong tục mới được đăng từ số 24 đến số 49, và có lẽ việc đánh số lại đó đã gây ra chút lầm lẫn của giới xuất bản về thời điểm ra đời của Việt Nam phong tục".

Dựng lại bức tranh của phong tục Việt Nam, Phan Kế Bính có một lợi thế rất lớn vì ông chính là người trong cuộc, người đương thời. Là sản phẩm của cả hai nền giáo dục Nho học (cựu học) và Tây học (tân học), Phan Kế Bính có điều kiện nghiệm sinh văn hóa, đằm mình trong môi trường văn hóa truyền thống và tiếp thu cách làm việc, cách tư duy theo lối phương Tây. Việc ông chia công trình của mình làm ba thiên (Thiên thứ nhất – Nói về phong tục trong gia tộc, Thiên thứ nhì – Nói về phong tục hương đảng, Thiên thứ ba – Nói về phong tục xã hội) đã nói lên điều đó.

Tu 'Viet Nam phong tuc' nhin lai phong tuc Viet Nam hinh anh 1
Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính vừa được tái bản với nhiều thông tin mới.

Đọc Việt Nam phong tục, có thể thấy một bức tranh tổng thể về các phong tục xưa của nước Việt Nam, từ những chuyện gần gũi thiết thân như ăn mặc, kiêng khem... đến những chuyện tôn giáo, chính trị... Những nếp xưa, thói cũ theo từng trang sách mà hiển hiện mang đến cho người đọc những xúc cảm thật trong lành và dung dị. Những hội hè, lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, cưới xin... cũng theo đó mà được tái hiện, phục dựng, như đang bày ra trước mắt người đọc, dẫu khoảng cách về thời gian đã gần một thế kỉ.

Tuy nhiên, một trong những điểm mạnh của Phan Kế Bính là ông không chỉ vẽ lại một bức tranh tổng thể về phong tục Việt Nam mà còn “phản biện” đối với các phong tục đã tồn tại qua hàng thế kỷ. Đọc công trình này của Phan Kế Bính, chúng ta không chỉ có cơ hội biết về, hiểu thêm mà còn được khơi gợi, nghĩ tiếp, nhìn lại và nghĩ lại về phong tục Việt Nam.

Những nhận định, đánh giá của Phan Kế Bính có thể gây sốc không chỉ với những độc giả đầu thế kỷ 20. Ông đi vào mổ xẻ, nhận xét, bình luận, đánh giá hầu hết những phong tục được mô tả trong cuốn sách này. Có lẽ hiếm khi nào mà các “thuần phong mỹ tục” lại bị điểm mặt chỉ tên một cách hệ thống và kỹ càng đến thế.

Từ quan điểm của mình, Phan Kế Bính cho rằng người Việt có vô số thói xấu, tục dở như “lo những ngôi thứ trong làng, lo những danh phận vô ích”; “nhiều nhà vì cớ nay giỗ mai Tết mãi mà sinh ra khốn khó; hoặc là vì việc cúng cấp ăn uống mà anh em thường hay khích bác nhau” hay vì kiêng tên húy thái quá thành ra “ngộ quá”, “nực cười quá”; “cứ như lối học của ta thuở trước thì chẳng những là chậm đường tiến hóa cho dân, mà lại làm hại cho tính thông minh của người ta nữa”; “ta nhầm vì theo tục Tàu, lại nhầm vì tin chuyện huyền hoặc của Tàu mà mỗi năm bỏ ra bao nhiêu tiền về hương về pháo, về vàng về mã, thực là món tiền tiêu vô ích, phí của quá”...

Tu 'Viet Nam phong tuc' nhin lai phong tuc Viet Nam hinh anh 2
Những phong tục tập quán của người Việt được Phan Kế Bính hệ thống lại và "mổ xẻ" trong cuốn sách của ông.

Có thể nói, Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có được cái nhìn khá sắc lạnh về phong tục truyền thống của Việt Nam là do tác giả có được sự nâng đỡ của nền tri thức và phương pháp làm việc theo lối phương Tây, đặc biệt là do ông có cái nhìn so sánh trong khi làm việc.

Ông cho rằng “mừng thọ và mừng sinh nhật của cha mẹ (...) có lẽ hơn là làm giỗ ngày húy nhật”, hoặc “nhiều người kiến thức hẹp hòi, không bằng được người các nước vậy”, “tục tang ma Âu châu (...) thanh giản mà tỏ lòng hiếu kính biết là dường nào”, “tục Nhật Bản cũng dùng một lối thanh đạm mà tống táng”... Đặc biệt, trong công trình này xuất hiện dày đặc cụm từ “tục Âu châu”, “thói Âu châu”... như một minh chứng cho tinh thần so sánh Đông – Tây khá triệt để của cụ Bưu Văn. Ông gần như đã khách quan hóa được vị trí và cái nhìn của mình khi nhìn về vốn cổ.

Không phải nhận xét nào của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục cũng hoàn toàn xác đáng như việc ông coi hội “giã La” là “vui mạt”, coi cởi trần đóng khố đánh vật là “thô tục” hay cho nhiều phong tục làng xã là “dã man”, “nực cười” khi chưa truy đến tận cùng nguồn gốc, bản chất của các phong tục đó...

Tuy nhiên, ngoài giá trị tư liệu, khảo cứu đã được khẳng định suốt một thế kỷ qua, có thể xem công trình của ông như một biên khảo khởi đầu cho những ý tưởng về “Người Việt xấu xí”, “Người Việt trong mắt ai?”... xuất hiện sau này dầu cho chính bản thân Phan Kế Bính – với bản chất ôn nhu đôn hậu của nhà nho – đã “biện minh” cho những hạn chế ấy. Theo ông,  “đó cũng không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một tầng. (...) Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần (...)”.

Đọc Việt Nam phong tục để hiểu về phong tục Việt Nam, cũng là dịp để ta nhìn lại phong tục Việt Nam bởi phong tục cũng chỉ là “hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen; hoặc bởi ở phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra; hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục” và có thể thay đổi nếu cần. Nếu giữ thái độ hoài cổ vô điều kiện thì chúng ta còn bảo thủ hơn cả một nhà nho sống cách đây gần một thế kỷ. Từ cuốn sách này, ta sẽ thấy cái gọi là “thuần phong mỹ tục” thực ra cũng chỉ có ý nghĩa tương đối và cần được định nghĩa theo từng hoàn cảnh mà nó xất hiện và được nhân danh.

Bởi theo Lỗ Tấn, “Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Thêm nữa, không có gì ra đời từ hư không và nhất thành bất biến.


Giá bìa 85.000

Giá bán

68.000

Giá bìa 85.000

Giá bán

68.000