Tuân Tử |
|
Tác giả | Nguyễn Hiến Lê Giản Chi |
Bộ sách | Bách Gia Tranh Minh |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 2100 |
Từ khóa | AudioBook Sách Nói mp3 full Nguyễn Hiến Lê Giản Chi Phương Anh Tuân Tử Bách Gia Tranh Minh Danh nhân Triết học Văn học Phương Đông |
Nguồn | Phương Anh |
Đọc danh mục sách của cụ Nguyễn Hiến Lê, chúng ta thấy có khá nhiều tác phẩm cụ ký tên chung với cụ Giản Chi, như: Đại cương triết học Trung Quốc (1965), Chiến Quốc sách (1968), Sử Kí của Tư Mã Thiên (1970), Hàn Phi, Tuân Tử… Trong Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê nói về sự hợp tác giữa hai cụ như sau:
“Biết cái vốn Hán tự của ông (tức cụ Giản Chi), nhất là Bạch thoại, hơn tôi nhiều, tôi đề nghị với ông cùng viết bộ Đại cương triết học Trung Quốc, ông nhận lời, và chúng tôi hợp tác với nhau về cổ học Trung Quốc cho tới sau ngày giải phóng…
Sự hợp tác đó rất vui và có lợi cho cả hai. Nhờ có ông, tôi mới mạnh bạo tiến vào khu vực đó, và nhờ tôi thúc đẩy, từ đó ông mới sáng tác mạnh. Ngoài những tác phẩm viết chung với tôi, ông còn dịch A.Q. chính truyện (của Lỗ Tấn), Tuyển tập Lỗ Tấn, Cái đêm hôm ấy (S. Maugham)… Chúng tôi nhận định giống nhau, biết châm chước ý kiến của nhau và cùng có lương tâm như nhau. Tôi nghĩ nếu không gặp ông thì công việc nghiên cứu của tôi đã theo một hướng khác, vì không hợp tác với ông thì tôi không thể hợp tác với người nào khác trong ngành Cổ học Trung Quốc; còn ông cũng nhận rằng trước khi gặp tôi ông không có ý bước vào khu vực đó. Thực là một duyên tiền định, có lẽ chưa hề thấy trong văn học sử nước nhà từ đầu thế kỉ đến nay.
Ông cho tôi là một bạn tương tri của ông, có lần gởi cho tôi hai câu này:
Nhớ đâu thuở ấy “xào” Trung triết,
Đâu chỉ thời xưa mới Thúc Nha.
Tôi cũng coi ông là bạn tương tri, khi có người bàn với ông giới thiệu tôi về Giải tuyên dương sự nghiệp, ông gạt đi: “Bác ấy không chịu đâu, đừng giới thiệu”.
Trước đó cả hai anh em tôi đã từ chối Giải thưởng văn chương toàn quốc về bộ Đại cương triết học Trung Quốc.
Khi mới soạn xong bộ đó, trao nhau bản thảo để đọc lại cho nhau, ông khen phần “Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoa” viết chưa kĩ nhưng được lắm; và tôi cũng nhận phần Vũ trụ luận và Tri thức luận của ông, khó có ai viết hơn ông được”.
Cụ Nguyễn Hiến Lê còn cho biết thêm:
Do những tác phẩm viết chung với cụ Nguyễn Hiến Lê về triết học Trung Quốc, do những năm dạy Trung triết ở Đại học Sài Gòn và Huế, và có lẽ do nhiều lí do khác nữa mà nhà giáo Nguyễn Hữu Tá trong bài “Xuân này, học giả Giản Chi tròn trăm tuổi”[1], bảo rằng: “Nghiên cứu và hiểu biết triết học cổ Trung Hoa thật sự uyên thâm và thấu triệt, có lẽ thế kỷ 20 này ở VN ta chỉ có hai người: cố giáo sư Cao Xuân Huy và giáo sư Giản Chi”. Ông Nguyễn Hữu Tá còn cho biết: “Trong vùng thành thị miền Nam từ 1954 – 1975 cụ là người dịch và nghiên cứu về Lỗ Tấn một cách công phu và đầy đủ hơn cả”, và “Từ 1965, nhiều thế hệ sinh viên Sài Gòn, Huế ở các trường đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm đã may mắn được học giáo sư Giản Chi. Không ít người nay là những trí thức có uy tín, đã nhắc về người thầy cũ của mình với tất cả sự kính trọng và cảm phục, về đức độ cũng như tài năng”. Cụ Giản Chi mất 22 tháng 10 năm 2005, hưởng thọ 102 tuổi. Một cựu sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Việt Hán, khóa 1973-1976, cô Nguyễn Thị Tuyết, trong bài “Tưởng nhớ Thầy Giản Chi Nguyễn Hữu Văn”, bảo cụ có cách dạy “không giống ai”. Cô viết:
“Thầy dạy Triết học Đông phương. Giờ học với Thầy sinh động hơn hẳn những giờ học khác, bởi cách dạy của Thầy không giống ai.
“Tôi còn nhớ khi dạy Kinh Dịch, Thầy cho chúng tôi một tháng để đọc hết tài liệu (cours) của Thầy biên soạn cho sinh viên và một danh sách dài ngoằng tên các quyển sách đọc thêm. Khi vào lớp, Thầy dạy chúng tôi ứng dụng vào việc “bốc quẻ”. Thầy kể nhiều giai thoại về những quẻ kiết, quẻ hung trong lịch sử Trung Quốc, trong Sử ký Tư Mã Thiên, trong Tam quốc diễn nghĩa, trong Thủy hử… Thầy nói rất nhiều về “Đạo” của người quân tử. Thầy yêu cầu chúng tôi đọc rất nhiều sách về nhân sinh quan của người Trung Quốc. Sau khi sinh viên đọc xong những tài liệu, sách vở, Thầy bắt đầu kiểm tra chúng tôi bằng những vấn đề do Thầy đặt ra.
Rồi Thầy trao đổi với chúng tôi về văn chương Trung Quốc và văn chương Việt Nam đã ảnh hưởng triết lý Đông phương như thế nào. Đặc biệt hơn nữa, Thầy còn ngâm thơ do chính Thầy sáng tác…”.