Tuyển Tập Ivan Bunin - Ivan Bunin |
|
Tác giả | Ivan Alekseyevich Bunin |
Bộ sách | |
Thể loại | Tuyển tập |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 6353 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Ivan Bunin Tuyển tập Truyện ngắn Văn học Nga Văn học phương Đông |
Nguồn | ttvnol.com |
Ivan Bunin sinh ngày 22/10/1870 tại Voronezh, tốt nghiệp trường Đại học Moskva. Sau đó ông là một nhà báo, và thư ký. Ông xuất bản tập thơ đầu tiên của mình vào năm 1891. Đến năm 1903, ông được nhận giải thưởng Pushkin của học viện Nga về các tác phẩm thơ dịch của Anh và Mỹ. Sau khi cuộc cách mạng bolshevik nổ ra vào năm 1917, ông sang Paris sinh sống.
Các tác phẩm chính của ông bao gồm, các tuyển tập truyện ngắn Gospodin iz San Frantsisko – Quý ngài đến từ San Francisco và Tyomnye Alley – Con đường u ám, các tiểu thuyết Derevnya – Ngôi làng và Mitina lyubov – Tình yêu của Mitia.
Truyện ngắn của I.Bunin phần lớn thuộc loại truyện không có cốt truyện. Các truyện viết chủ yếu là thông qua sự hoài niệm, nhớ lại của tác giả về những gì đã qua. Vì thế, tính chất tự truyện cũng là một đặc điểm nghệ thuật của văn xuôi Bunin.
Có thể là ký ức của chính tác giả, hoặc của nhân vật “tôi” trong truyện. Chính hình thức nhớ lại này đã giúp cho tác giả bộc lộ cảm xúc trữ tình của mình đối với con người và cảnh vật được mô tả.
Trong các truyện ngắn của ông, chúng ta thường thấy các cụm từ "ngày ấy", “vào thời gian đó” hay "hình như ngày đó"... diễn tả khoảng thời gian xảy ra chuyện nhưng cũng chính là hoài niệm của tác giả. Với lối kết cấu này, mặc dù đang sống thời hiện tại nhưng nhà văn có thể trở lại với quá khứ một cách dễ dàng thông qua những hồi ức, kỷ niệm.
Chính sự đam mê hội hoạ và âm nhạc từ nhỏ của nhà văn là yếu tố quan trọng tạo nên chất tạo hình và khắc họa chân dung trong sáng tác của ông. Nhân vật hầu như không có sự xung đột hoặc cãi cọ nhau ồn ã. Sự thất vọng được thể hiện thông qua tiếng thở dài (Lần gặp gỡ cuối cùng); cái lắc đầu và nhắm mắt thay cho sự day dứt, luyến tiếc (Những lối đi dưới hàng cây tăm tối).
Nhà văn dành những năm cuối đời để viết quyển sách về Chekhov, nhưng không kịp hoàn thành. Đêm 8/11/1953, Ivan Bunin qua đời trong tay người vợ của mình. Ông được mai táng tại Sainte-Geneviève-des-Bois, nghĩa trang "người Nga" ở Paris.Ngoài nghĩa địa, trên nấm mộ còn tươi màu đất sét có cắm cây thánh giá mới bằng gỗ sồi, trông nặng nề, phẳng phiu và chắc chắn.
Những ngày tháng tư, trời u ám;từ xa qua những hàng cây trơ trụi lá đã có thể nhìn thấy những lăng xây trong nghĩa trang thoáng đãng của một phố huyện, và gió lạnh réo lên từng hồi dài qua vòng hoa sứ đặt bên chân cây thánh giá.
Đó là Ôlia Mêserxkaia.
Khi còn nhỏ, cô bé Ôlia chẳng có gì nổi bật giữa đám nữ sinh mặc đồng phục màu nâu:có thể nói gì về cô, ngoài điều rằng cô thuộc loại xinh xắn, con nhà giàu có, sung sướng, rằng cô học khá, nhưng tinh nghịch và rất vô tâm trước những lời chỉ bảo mà bà giáo chủ nhiệm lớp đã nói với cô? Ít lâu sau cô bỗng đẹp rực rỡ như đoá hoa nở rộ đổi thay không phải từng ngày mà là từng giờ. Năm mười bốn tuổi Ôlia đã có dáng hình thon thả, đôi chân thẳng, ngực tròn căng, cô đã có những đường nét mà vẻ đắm đuối của chúng xưa nay ngôn ngữ loài người chưa bao giờ diễn tả được;năm mười lăm tuổi, Ôlia đã nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp. Mấy đứa bạn gái của Ôlia thì bao giờ cũng chải chuốt kỹ càng, ăn vận sạch sẽ, chăm chút cho từng cử chỉ dáng điệu đầy ý tứ của mình, còn Ôlia thì chẳng kiêng dè gì cả - cô không sợ các vết mực dính vào ngón tay, không sợ để má mình ửng đỏ, đầu tóc rối tung hay đầu gối lộ trần khi bị ngã. Chẳng cần cô phải quan tâm, cố gắng gì, những điều làm cô nổi bật lên trong trường hai năm gần đây cũng tự nhiên đến với cô- đó là vẻ yêu kiều, đỏm dáng, uyển chuyển khoan thai và ánh mắt sáng long lanh...Trong các buổi vũ hội không ai nhảy đẹp như Ôlia, không ai trượt băng nhanh như cô, không ai được nhiều người theo đuổi tán tỉnh trong các lớp dạ hội như cô, không hiểu sao bọn học trò các lớp dưới cũng ngưỡng mộ cô nhiều nhất. Ôlia trở thành thiếu nữ tự lúc nào không hay, và không biết từ bao giờ ánh hào quang đã bao quanh tên cô trong trường học. Người ta đã đồn đại rằng tính tình cô nông nổi, cô không thể sống thiếu người ngưỡng mộ, rằng cậu học trò Sensin phải lòng Ôlia đến mất trí, rằng hình như cô cũng yêu cậu ấy, nhưng cách đối xử của cô thay đổi luôn luôn, khiến cậu ta đã mấy lần tính kế quyên sinh...
Có lần, vào giờ nghỉ giải lao giữa hai tiết học, khi Ôlia đang chạy như bay giữa hội trường dựng lên bằng cách lắp ghép, đằng sau cô là đám nữ sinh lớp một vừa đuổi theo, vừa hò reo vui vẻ, thì người ta bất ngờ gọi cô lên gặp bà hiệu trưởng. Ôlia đang chạy, đứng sững lại, thở vào một cái rất sâu, rồi bằng một động tác nhanh nhẹn quen thuộc của người phụ nữ, cô sửa lại mái tóc, kéo dải áo yếm lên vai và chạy vội lên gác, mắt sáng long lanh. Bà hiệu trưởng gương mặt trông trẻ hơn tuổi thật, nhưng mái đầu đã bạc, bà điềm nhiên ngồi sau chiếc bàn viết đặt dưới tấm ảnh Sa hoàng, tay cầm cuộn len đan.
...