Khi nhắc tới Nhật Bản, những cụm từ đặc trưng sẽ xuất hiện là hoa anh đào, núi Phú Sĩ, kimono, võ sĩ (samurai) và võ sĩ đạo (bushido). Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu thấu đáo thế nào là võ sĩ đạo, và tại sao võ sĩ đạo lại trở thành một trong những biểu trưng văn hóa Nhật.
Cuốn sách Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản giúp độc giả hiểu võ sĩ đạo là gì, có nguồn gốc như thế nào, vị trí ra sao trong đời sống Nhật Bản.
Sách Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản mới tái bản hôm 11/6. |
Cuốn sách được coi là kinh điển về văn hóa Nhật Bản, được dịch bởi Lê Ngọc Thảo - một người Việt sống ở Nhật hơn 40 năm và thấm nhuần văn hóa Nhật Bản.
Xã hội Nhật Bản thời trung đại, sau khi giai cấp quý tộc suy yếu, giai cấp võ sĩ ở Nhật Bản đã nắm quyền chính trị.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - chuyên gia về giáo dục Nhật Bản - trong cuốn sách Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản, tác giả đã tập trung làm rõ về võ sĩ đạo với tư cách như là hệ thống đạo đức của võ sĩ.
Bản thân tác giả Nitobe Inazo nói rõ về nội dung sách: “Điều tôi muốn nói ở đây thứ nhất là gốc và nguồn của võ sĩ đạo; thứ hai là đặc tính và giáo dục của nó; thứ ba là sự cảm hóa của võ sĩ đạo đối với mọi người; thứ tư là ảnh hưởng liên tục và lâu dài của nó”.
Theo quan niệm của Nitobe Inazo, võ sĩ đạo được hiểu ngắn gọn là quy phạm đạo đức của võ sĩ, là đạo (con đường) của võ sĩ đồng thời cũng là nguyên tắc hành động, nghĩa vụ của võ sĩ.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển trong cuộc sống của võ sĩ, võ sĩ đạo dần trở thành một hệ thống có ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của người Nhật.
Đó là giáo huấn nghiêm khắc về “nghĩa”. Là dũng khí, tinh thần gan dạ và sự nhẫn nại. Là chữ “nhân, tấm lòng trắc ẩn” đối với giai cấp, với đồng loại, là quy tắc lễ nghĩa, là lòng trung nghĩa, là sự thành thật.
Cuốn sách mang đến quan niệm sâu xa về danh dự, “danh dự không phải là thứ do hoàn cảnh tạo ra mà là thứ có được khi mỗi cá nhân làm tốt phận sự của mình”. Danh dự cũng là phẩm chất có liên quan mật thiết đến chế độ tự sát và chế độ phục thù của võ sĩ Nhật.
Sách khẳng định tinh thần võ sĩ đạo sẽ còn mãi. |
Thực tế tự sát là một chế độ, có tính luật pháp và tính nghi lễ chứ không phải là “hành vi tự sát”. Đặc biệt, trong cuốn sách tác giả đưa ra những nhận định và phân tích đa chiều và thực tế về địa vị của phụ nữ trong xã hội nói chung cũng như phụ nữ trong võ sĩ đạo nói riêng.
Cuốn sách đúc kết vai trò cảm hóa lớn lao của võ sĩ đạo: “Nhật Bản của quá khứ có được là nhờ ơn của võ sĩ. Võ sĩ không chỉ là cành hoa của quốc gia mà còn là gốc rễ nữa”. Võ sĩ đã “lập ra tiêu chuẩn đạo đức cho quần chúng, tự mình làm mô phạm, hướng dẫn quần chúng”.
Vì vậy, “võ sĩ đã trở thành lý tưởng cao đẹp của toàn thể dân tộc”, “đã, đang vẫn là tinh thần hoạt động và là động lực của toàn dân tộc”. “Là một quy định luân lý độc lập, võ sĩ đạo có thể tiêu tan, nhưng sức mạnh của nó sẽ còn mãi trên trái đất”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, tác giả Nitobe Inazo qua đời năm 1933, nên ông không được chứng kiến sự thật bộ máy quân phiệt lợi dụng tinh thần võ sĩ đạo để phục vụ cho các cuộc chiến tranh đẫm máu.
Cùng sự chấm dứt của chế độ phong kiến, sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II và sự tái thiết nước Nhật dân chủ cũng như cuộc đấu tranh giằng co của các thế lực chính trị trong bối cảnh đối đầu Đông - Tây kéo dài trong thế kỉ 20 đã khiến cho võ sĩ đạo bị người dân, giới trí thức nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ và cảnh giác.
“Tuy nhiên, thật thú vị, đúng như Nitobe Inazo dự đoán, trong vài thập kỷ gần đây, võ sĩ đạo ở Nhật dần dần được yêu mến và quan tâm trở lại”, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương nói. Và anh tin tưởng: “võ sĩ đạo có thể sẽ tiêu tan, nhưng sức mạnh của nó sẽ còn mãi trên trái đất”.