Trạm tín hiệu giống như một ngọn hải đăng. Nhưng NASA không thích các trạm viên gọi nó là hải đăng vì thời buổi này ai còn di chuyển trên biển nữa. Mà đã không ở biển thì làm sao được gọi là "hải đăng".
Ở thế kỷ 23 người ta đi bằng tàu không gian với vận tốc hai mươi lần ánh sáng, nhanh hơn cả một cái chớp mắt. Nếu không có trạm tín hiệu thì tàu không gian có thể va vào những vành đai tiểu hành tinh và vỡ vụn trước khi người ta kịp ngáp một cái. Trạm tín hiệu ở đó là để mấy ông lái tàu biết ở đó có khúc cua hay có tảng đá vô duyên to đùng nào đấy. Trạm tín hiệu cũng là để tống mấy người lính muốn ở một mình cô độc đến hết đời lên vũ trụ rộng lớn.
Trạm tín hiệu số 23 đương nhiên là có người canh gác. Một anh lính mà đến cuối truyện ta vẫn chưa biết tên tuổi. Ngày ngày, anh ta giải trí bằng cách ngắm một bức ảnh ở dưới Trái Đất nhiều hơn ngắm vũ trụ qua bức chắn trong suốt ở thành trạm.
Anh dành hàng giờ đồng hồ để quan sát đốm sáng nhấp nháy của trạm tín hiệu bên cạnh cách xa hàng trăm cây số. Anh cũng tình cờ nuôi được một con thú cưng không phải chó cũng chẳng phải mèo, và luôn đinh ninh rằng nó có thể kết nối với tâm trí mình.
Tác phẩm Trạm tín hiệu số 23 của Hugh Howey. |
Trạm viên trạm số 23 vô cùng kiệm lời, dù thực tế anh ta cũng chẳng có mấy ai để nói chuyện cùng. Trừ một hòn đá. Mà là hòn đá phù thủy hẳn hoi nhé. Nó khiến anh cười nghiêng ngả, rồi ngay sau đó lại khóc tu tu.
Nó quan tâm đến anh, lắng nghe thật sự những điều anh chia sẻ, và khiến anh phải mở lòng kể về những ký ức chiến tranh thậm tệ. Hòn đá ấy lẽ ra sẽ là một người bạn đồng hành tuyệt vời, nếu như người ta không bị ảo tưởng khi đã cô đơn quá lâu rồi.
“Ảo tưởng bị cái vấn đề như thế đấy: hình thành thì dễ như chơi, nhưng một khi đã bị đập tan, có trời cũng không ghép lại được. Về mặt này chúng cũng giống con người.” Nhưng anh chàng ở trạm số 23 lại không như vậy.
Anh đục một lỗ giữa hòn đá và đeo nó lên cổ, chờ đợi một ngày nào đó nó sẽ quay lại nói chuyện với anh. Vì anh biết mình có thời gian. Và có cả vũ trụ đang chờ đợi cùng anh. Hoặc ít nhất đó là điều anh nghĩ.
Thời thế tạo anh hùng. Một người lính bị rạch bụng cũng là anh hùng khi là người duy nhất còn sống sót. Một ông lão nhát cáy nhưng vô tình bị chụp lại khoảnh khắc quay lưng đứng trước con sóng cao lừng lững bỗng chốc cũng được người đời ngưỡng mộ. Một trạm viên đã phản bội lại đất nước để ngừng cuộc chiến tranh sẽ giết chết nửa tỉ người cũng trở thành anh hùng. Anh vừa nghĩ, vừa cười, vừa khóc lại vừa thương cho số phận của chính mình.
Trạm tín hiệu số 23 của Hugh Howey là sự pha trộn hoàn hảo giữa một tiểu thuyết hành động kịch tính và một bức chân dung hết sức tâm lý về sự thèm khát có người bầu bạn của loài người.
Cuốn sách đã chứng minh cho ta thấy vũ trụ còn khốc liệt hơn điều ta đã từng tưởng tượng, bởi lẽ không phải con người là sinh vật thông minh duy nhất từng tồn tại mà con người cũng có thể bị nỗi sợ hãi đánh bại.