Vận Hành Hỗn Mang |
|
Tác giả | Daniel Rondeau |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 316 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Daniel Rondeau Phạm Duy Thiện Tiểu Thuyết Chủ Nghĩa Khủng Bố Tiền Bẩn Hành Động Văn học Pháp Văn học phương Tây |
Nguồn | @huyetleid0907 |
Bản thân là nhân chứng của những trận chiến ngầm giữa các thế lực đen tối, Daniel Rondeau đã đem đến cho người đọc một câu chuyện kịch tính phi thường - câu chuyện của thời đại: Khủng bố, thánh chiến, xung đột sắc tộc, mâu thuẫn giữa Hồi giáo và phương Tây, vấn đề nhập cư trái phép, rửa tiền, buôn bán người và các vụ áp phe vũ khí, đấu tranh chính trị, mại dâm cao cấp... Tác giả đã xây dựng một hệ thống gồm các nhân vật rắc rối, nguy hiểm và cuồng tín, dựng nên một cuốn tiểu thuyết đa âm, với nhiều kiến thức sâu sắc về chính trị thế giới, giống như một bộ phim kinh dị, đưa người đọc đi từ những thủ đô của Trung Đông phức tạp đến những vùng đất hoang tàn của một nước Pháp mất phương hướng, từ biên giới của sa mạc Libya đến trung tâm của quyền lực Paris, trong sự hỗn loạn của một thế giới hỗn độn.
Vận hành hỗn mang là cuốn sách hay nhất kể về một thế giới khi tiền bẩn và chủ nghĩa khủng bố dẫn đường. Một thế giới của những kẻ cùng thời đại chúng ta, những con tin của sự hỗn loạn giống chúng ta, trong một đất nước ngộp thở, vội vàng thanh lý cả cái thiêng và cái tình, cư xử như thể đã đánh mất bí mật của cuộc đời, lang thang trong sự tồn tại của mình tựa như một kẻ xa lạ ngay trên mảnh đất quê hương.
Năm 2017, sách Vận hành hỗn mang được trao Giải Thưởng Lớn của Viện Hàn Lâm Pháp.
Cuộc sống của chúng ta được sắp đặt theo chu kỳ bí ẩn. Chúng ta không hiểu nó cho đến sau này, khi đã quá muộn. Hiện tại với chúng ta thường không thể giải mã được. Cuộc sống xã hội cũng như thế. Từ khi tôi đến Catania, tôi thường nghĩ đến câu nói nổi tiếng của Virgil: “Giờ là lúc trật tự của vũ trụ được lặp lại.” Virgil lấy cảm hứng từ văn hóa Etruscan. Đối với người Etruscan, cuộc sống của nhân loại được thực hiện theo vòng tròn hoặc qua các cuộc cách mạng. Nhiều tác giả (đặc biệt là Dante, và cả Victor Hugo) đã tin, các chuyên gia cho rằng đó là sai lầm, rằng Virgil đã tiên tri về sự ra đời của một kỷ nguyên Ki-tô giáo. Không còn nhiều người vẫn quan tâm đến các câu chuyện về những con cừu bị lạc lối. Không còn người chăn cừu, không còn nhà tiên tri. Không còn ai nói về mối liên hệ giữa Apollo và Chúa Ki-tô nữa.
***
DANIEL RONDEAU sinh ngày 07 tháng Năm năm 1948, là một nhà văn, biên tập viên, nhà ngoại giao của Pháp. Ông từng làm việc cho các tờ báo Libération và L’Express. Trong ngành ngoại giao, Daniel Rondeau là Đại sứ Pháp tại Malta, và là Đại sứ thường trực của Pháp tại UNESCO. Năm 2019, ông được bầu vào ghế số 8 của Viện Hàn Lâm Pháp.Năm 2017, Vận hành hỗn mang của Daniel Rondeau được trao Giải Thưởng Lớn của Viện Hàn Lâm Pháp - Grand Prix du roman de l’Académie Française.
***
Bảo tàng khảo cổ, Cairo, Ai Cập
Một ngày tháng Mười, vào cuối những năm sáu mươi, một người Anh quốc có vóc dáng thiếu niên đẩy cửa phòng làm việc của tôi. Trời đã xế chiều, bảo tàng đã đóng cửa từ lâu, chỉ còn mình tôi với những nhân viên bảo vệ và tôi cũng đang chuẩn bị ra về. Bruce (tôi nghe không rõ tên của anh khi anh tự giới thiệu về mình) vừa mới từ bỏ công việc ở Sotheby’s để theo học ngành khảo cổ ở Edinburgh.
“Tôi tự nhủ chừng này tuổi rồi, mình có sai lầm không khi quyết định quay lại trường đại học?” Anh nói với tôi.
“Tại sao sai lầm?”
“Anh có bị trầm cảm không? Chán sống?”
“Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi thấy đâu có gì liên quan.”
“Rất nhiều nhà khảo cổ muốn lôi chúng ta xuống mồ cùng với họ. Tôi tự hỏi đó có phải là một lời nguyền. Anh thật may khi ở đây, giữa những xác ướp này. Còn tôi, vùng trời của tôi chỉ quanh quẩn trong nước Anh thời La Mã, bị các thành lũy bao vây. Chán nản vô cùng. Tôi cảm thấy tù túng.”
Bruce giải thích với tôi rằng anh muốn quay trở lại Sudan nơi anh đã từng đến cách đây hai năm. Một người bạn làm báo ở Barcelona khuyên anh đến gặp tôi. Vợ mất sớm, tôi bắt đầu học khảo cổ và bằng một sự kì diệu nào đó, tôi tìm được một nơi thực tập ở Cairo. Bruce lớn tuổi hơn tôi, và cũng có vẻ liều lĩnh hơn. Tôi dẫn anh ấy tới quán cà phê Nubien trong một khách sạn ven bờ sông Nile.
“Anh có nghe nói đến dân tộc Beja?” Anh hỏi tôi.
“Chưa bao giờ.”
“Họ là những người du mục vùng Đông Sudan. Kipling ca tụng lòng dũng cảm của họ.”
“Sao anh lại quan tâm đến họ?”
“Họ sống y như cách ta đã từng sống. Những người Bédouin này ngồi không cả ngày, đàn ông chỉ làm những việc vô bổ. Đặc biệt hung hăng hiếu chiến, những chiến sĩ bậc nhất[1], họ chẳng cầu sự tiện nghi vật chất nào.”
“Đó là điều tích cực đối với anh à?”
“Chúng ta đã đánh mất bí mật của cuộc sống. Họ thì vẫn hít thở bầu không khí nơi thiên đường. Anh biết Walt Whitman...”
“Có lẽ tôi sẽ quay về sống cùng muông thú...”
“Xuất sắc! Một người Pháp như anh làm tôi ngạc nhiên đó. Chúa Giê-su, đấng vĩ đại của chúng ta, sinh ra trong một cái chuồng, bên cạnh bò và lừa. Vậy nên Thiên Chúa giáo là một câu chuyện về bầy thú, về những con cừu lạc lối...”
Trước khi đặt chân đến Cairo, tôi là người chưa từng giở cuốn Kinh Thánh, đã mua một quyển kinh Cô-ran, đọc và ghi chú lại. Tôi đã nói với Bruce về tập quán du mục của đạo Hồi và hành hương như Jihad trên con đường của Chúa.
“Anh nói đúng,” Bruce cho biết. “Mahomet đã nói không ai trở thành nhà tiên tri nếu chưa là người chăn cừu.”
Đêm hôm ấy, tôi cho Bruce tá túc trong căn phòng của mình ở viện. Anh hỏi tôi liệu anh có thể lấy địa chỉ của tôi cho bạn bè muốn viết thư gửi anh trong lúc anh ở Sudan không. Sáng hôm sau, tôi dẫn anh đi dọc những con đường ở Cairo. Anh muốn mua bưu thiếp bằng được, sau đó vội vàng viết và gửi đi. Bruce không trở lại lấy thư từ của mình. Tôi không gặp lại anh và thế giới cũng thay đổi nhiều kể từ cuộc gặp ấy.