DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Năm 1956, với quyển Văn-phạm Việt-Nam cho các lớp Trung-học 1, sự cố-gắng của chúng tôi đã nhắm vào hai mục tiêu :

Thứ nhứt là uyển-chuyển trong sự hợp-lý-hóa cách mệnh-danh các từ-loại và các nhiệm-vụ văn-phạm để có thể tôn-trọng những thói quen sẵn có.

Thứ nhì là làm cho các điều trình-bày trong sách không có tính-cách những bài học của riêng một lớp nào.

Nay, trong quyển Văn-phạm Việt-Nam giản-dị và thực-dụng, mục-tiêu thứ nhứt không thay-đổi ; để tránh làm xáo-trộn những thói-quen, về một số từ-loại (như đại-danh-từ, trạng-từ, phụ-thuộc liên-từ chẳng hạn). chúng tôi đã theo cách mệnh-danh của quyển Việt Nam Văn phạm 2 thay vì giữ đúng cách mệnh danh mà chúng tôi đề-nghị – vì cho rằng hợp-lý hơn – trong quyển Văn-phạm Việt-Nam 3 do chúng tôi biên-soạn.

Nhưng, về mục-tiêu thứ nhì – cung-cấp tài-liệu tham-khảo cho giáo-chức cũng như học-sinh ở bất-cứ trình-độ nào – chính vì muốn nới rộng mục-tiêu ấy mà chúng tôi đã sửa-chữa và bổ-túc quyển Văn-phạm Việt-Nam cho các lớp Trung-học để có quyển Văn phạm Việt-Nam giản-dị và thực-dụng này.

Thực-tế, ở bậc Trung-học, môn Văn-phạm chỉ được học thành bài riêng, trong chương-trình Quốc-văn của các lớp Sáu và Bảy. Một quyển Văn-phạm, nếu chỉ có phần lý-thuyết, sẽ không giúp ích được cho học-sinh ở các lớp không còn phải học bài Văn-phạm nữa. Mà, chính ở những lớp từ Tám trở lên, học-sinh lại có dịp học thêm nhiều từ-ngữ mới và tập viết loại văn nghị-luận. Học-sinh thường viết sai Văn-phạm vì không biết cách sử-dụng những tiếng mà các em chỉ hiểu nghĩa lờ-mờ dựa vào các câu văn đã học. Học-sinh cũng thường vấp-váp về Văn-phạm, trong những câu nhiều ý của các bài nghị-luận, vì không nắm vững thể-thức trình-bày sự tương-quan giữa các ý trong câu.

Chúng tôi đã lưu-tâm đến sự-kiện vừa kể, khi soạn phần Ứng-dụng với những tỷ-dụ về các lỗi Văn-phạm thường thấy, xếp thành từng loại. Sau mỗi câu sai được đơn-cử, đều có phần giải-thích về lỗi-lầm và phần đề-nghị sửa-chữa.

Phần văn-phạm lý-thuyết đã được giản-dị-hóa đến mức-độ có thể cung-cấp tài-liệu soạn bài học cho các lớp Sáu, Bảy cũng như các lớp tiểu-học. Với phần Ứng-dụngchúng tôi hy-vọng quyển Văn-phạm này sẽ đạt được tính-cách thực-dụng khi trình-bày những kinh-nghiệm mà chúng tôi đã thu-nhặt được trong các việc soạn bài Giảng-văn và sửa bài Nghị-luận cho học-sinh.

Môn văn-phạm trong chương-trình học Quốc-văn của ta vẫn còn mới quá. Đối với rất nhiều học-sinh Trung-học đệ-nhị cấp, chẳng những các bài học Văn-phạm của « thời » lớp Sáu lớp Bảy chỉ là những kỷ-niệm quá lu-mờ mà đến cả ý-thức văn-phạm trong lúc viết văn cũng không còn « vang bóng ».

Diệt-trừ bệnh cẩu-thả trong lúc viết văn là một việc khá quan-trọng của học-đường. Để góp phần vào việc ấy, trong địa-hạt văn-phạm, chúng tôi thành-tâm mong đợi những lời phê-bình, chỉ-giáo của các bậc cao-minh cũng như của các bạn thiết-tha với việc vun bồi tiếng nước ta.

Sài-thành, 16 tháng chạp, 1966

Thanh-Ba Bùi-đức-Tịnh

***

Theo sự nhận-xét của nhiều nhà khảo-cứu. Việt-ngữ là một thứ tiếng thuộc về dòng Thái. Dòng tiếng Thái có hai đặc-điểm : có giọng lên cao xuống thấp như tiếng Trung-Hoa và theo ngữ-pháp đặt xuôi 4 của loại tiếng Ấn-Độ – Mã-lai (Môn-mên, Mon-da, Xăng-ta-li…)

Từ xưa lắm, trước khi bị người Trung-Hoa đô-hộ, tổ tiên ta đã có một ngôn-ngữ riêng-biệt. Có lẽ thời sơ-cổ ngôn-ngữ ấy gồm những tiếng đa-vận và ít có giọng lên cao xuống thấp. (Ví-dụ : tiếng Mã-lai : talang = làng ; genap = khắp).

Dần dần, lối phát âm có thinh bổng, thinh trầm được du-nhập từ các thị-tộc đã tiếp-xúc nhiều với người Hán-tộc. Và lối phát-âm ấy phối-hợp với sự thúc-vận (hay nói ríu) có lẽ đã làm cho những tiếng đa-vận biến thành độc-vận. 5

Khi bắt đầu tiếp-xúc với văn hóa Trung-Hoa, tổ tiên ta đã có một ngôn-ngữ gồm những tiếng đơn-vận có ít nhiều thinh trầm bổng. Đó là cái vốn tiếng Nôm đầu-tiên của chúng ta.

Sau cuộc chinh-phục của Lộ-Bác-Đức (111 trước Tây-lịch), văn-hóa Trung-Hoa bắt đầu xâm-nhập Việt-Nam. Tổ-tiên ta đã học tiếng Hán với các quan cai-trị, với những tội-nhân, những binh-sĩ, những người tránh nạn Vương-Mãng (5-22 sau Tây-lịch) sang sống chung với dân-chúng. Có lẽ ta đã học tiếng Hán theo giọng Trường-An (về sau là giọng Bắc-Kinh). Việc học tiếng Hán càng có ảnh-hưởng sâu-sắc trong sự phát-triển Việt-ngữ, là vì nền học-thuật của nước ta bấy giờ là thuần Hán-học.

Những tiếng Trung-Hoa học được, tổ-tiên ta đã nói trại đi. Sự biến-hóa các tiếng Hán theo âm-hưởng Việt-Nam ấy đã diễn ra bằng hai cách : cách nói trại của dân-chúng (dân-hóa) và cách nói trại của các nhà trí-thức (nho-hóa). Các tiếng Hán nói trại ngày càng xa tiếng gốc, nhứt là khi chúng ta đã tự giải-thoát khỏi ách đô-hộ của Trung-Hoa để xây-dựng nền độc-lập. Những tiếng do các nhà trí-thức nói trại sẽ được gọi là tiếng Hán-Việt. Những tiếng do dân-chúng nói trại đã tăng-gia số tiếng Nôm sẵn có.

II. TIẾNG HÁN-VIỆT

Có thể định-nghĩa một cách giản-dị rằng tiếng Hán-Việt là những tiếng Hán phát-âm theo lối Việt. Ban đầu đó là những chữ Hán mà khi học trong sách Trung-Hoa các nhà trí-thức ta đọc trại đi theo giọng Việt.

Nhưng sự đọc trại của nhà trí-thức đã theo một lề-lối nhứt-định. Đó là do lối phiên-thiết 6 dùng trong các tự-điển Trung-Hoa để chỉ rõ cách đọc mỗi chữ.

Ví-dụ : chữ Hán ta đọc là sỉ (nghĩa : thẹn) vì chữ ấy đã được phiên-thiết bằng hai chữ số và lỹ (theo Khang-Hi tự-điển). Chữ trước chỉ âm khởi đầu (s) và định bậc thanh-trọc (số : dấu sắc thuộc bậc thanh). Tiếng sau chỉ vần (i) và cho biết loại thinh (lỹ : dấu ngã, thuộc thượng thinh) : S + I + ? = SỈ (âm vần thinh, thượng, bậc thanh)

Cách phiên-thiết của những tự-điển có thể khác nhau về những âm gốc, vận mẫu, nhưng tựu-trung vẫn theo đúng nguyên-tắc duy-nhứt đã nói trên : do đó kết-quả được nhứt-trí trong lề-lối phát-âm.

Nhờ cách phiên-thiết, ta có thể đọc được tất cả các chữ Trung-Hoa, nghĩa là có thể Việt-hóa tất cả những tiếng Hán.

Tiếng Hán-Việt có hai đặc tính :

1) Về chính-tả, giữa âm và thinh có một sự liên-quan chặt-chẽ. Ví dụ : các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một nguyên-âm chỉ có thể có các dấu sắc, hỏi, hay không dấu ; những tiếng khởi-đầu bằng một hữu-âm (l, m, n, ng, ngh, nh) chẳng hạn chỉ có dấu ngã hay dấu nặng :

Ẩn, ổn, ủy, ỷ, ảnh…

Lễ, mẫu, nỗ, ngũ, nghĩa, nhã…

2) Về vị-trí tương-đối của các tiếng dùng chung, tiếng chỉ-định đứng trước tiếng được chỉ-định. Các nhà ngôn-ngữ-học gọi đó là ngữ-pháp đặt ngược. Ví-dụ :

Hắc y : « hắc » chỉ-định, làm cho rõ nghĩa tiếng « y ».

Ký-sinh-trùng : « ký » chỉ-định « sinh »,»ký sinh » chỉ-định « trùng ».

Trong sự phát-triển của Việt-ngữ, các tiếng Hán-Việt giữ một địa-vị quan-trọng vào bậc nhứt. Nhờ các tiếng Hán-Việt ta có thể Việt-hóa để dùng tất cả các ngữ-từ đã có trong Hoa-ngữ. Chẳng những thế, tiếng Hán-Việt còn là những tiếng gốc mà ta dùng để tạo nên các tiếng mới về văn-nghệ, khoa-học, cũng như kỹ-thuật. Ví dụ : muốn diễn-giải ý-niệm của các tiếng Pháp tangentegammepacte, ta đã ghép những tiếng Hán-Việt để có : tiếp-tuyếnâm-giaiminh-ước

III. TIẾNG NÔM

Tất cả các tiếng không phải là tiếng Hán-Việt được gọi chung là tiếng Nôm. Các tiếng ấy gồm có :

1) những tiếng dùng từ trước đến giờ mà không biết rõ căn-nguyên : buổi, nữa, những, sẽ…

2) những tiếng gốc Hán-Việt dùng làm tiếng Nôm mà vẫn giữ nguyên âm-thinh cũ hay đã nói trại đi :

- cây liễu, trái nhãn, bảng đen (không thay-đổi âm-thinh).

Chổi, lửa, cỏ (do những tiếng Hán-Việt trửu, hỏa, cảo, nói trại về âm và vần).

Quẻ, hãng, chữa (do những tiếng Hán-Việt : quái, hàng, trừ nói trại về vần và thinh).

3) Những tiếng mượn ở các ngôn-ngữ khác : Gần đây trong lúc tiếp-xúc với người Pháp ta có mượn của Pháp-ngữ một số tiếng về khoa-học, kỹ-thuật và những tiếng để gọi tên một ít vật-dụng trong đời sống hằng ngày. Ví-dụ : nhà ga (gare), cái tách (tasse), át-xít(acide).

Ông H.Maspéro 7 có kể một số tiếng Việt mà ông cho là mượn ở tiếng Môn-mên và tiếng Thái. Ví dụ :

- MÔN-MÊN – VIỆT :

mus – (con) muỗi

muh – (cái) mũi

rơh – rễ

- THÁI – VIỆT :

h-yũ – ở

b-nõ – nở

rù – lỗ

Theo dòng lịch-sử, chắc-chắn tổ-tiên ta đã có vay-mượn về ngôn-ngữ ở các dân-tộc đã tiếp-xúc với ta ít nhiều mật-thiết. Tuy-nhiên, không dễ gì định chắc tiếng nào đã được mượn ở ngôn-ngữ của dân-tộc nào. Biết đâu rằng những tiếng cho là đã mượn ở các ngôn-ngữ Mên, Thái… lại chẳng là những tiếng mà ta nói giống các dân-tộc ấy vì đã cùng sinh-sống trong những hoàn-cảnh thiên-nhiên và tâm-lý tương-tợ với nhau.

Điều nên ĐỂ Ý là các tiếng Nôm dầu chuyển gốc Hán-Việt hay mượn ở một ngôn-ngữ nào khác, về văn-phạm cũng đều theo đúng những đặc-tính thuần-túy của Việt-ngữ.

IV. PHÂN-BIỆT TIẾNG NÔM VÀ TIẾNG HÁN-VIỆT

Để phân-biệt tiếng Nôm và tiếng Hán-Việt, có thể dựa vào các tiêu-chuẩn sau đây :

1) Về ý-nghĩa, tiếng Nôm là những tiếng « nói sao hiểu vậy » ; trái lại, tiếng Hán-Việt thường có thể dịch ra bằng một tiếng thông-thường hơn (tiếng sau này là tiếng Nôm). Ví-dụ : tập vở, tờ giấy (nói sao hiểu vậy) ; học-đường (trường-học), đệ-nhứt (hạng nhứt)…

Tuy-nhiên, cũng nên ĐỂ Ý rằng có nhiều tiếng Hán-Việt không thể dịch ra bằng một tiếng thông-thường hơn.Ví dụ : hạnh-phúc, thành-công, kết-quả

Hơn nữa, nhiều tiếng Hán-Việt, nhứt là những tiếng đơn, được dùng làm tiếng Nôm (Những tiếng Nôm gốc Hán-Việt mà vẫn giữ nguyên âm-thinh cũ đã nói ở trên).Ví dụ : lãnh, thưởng, khoái, khổ…

2) Tiếng Hán-Việt theo ngữ-pháp đặt ngược (tiếng chỉ-định đứng trước tiếng được chỉ-định). Trái lại, tiếng Nôm theo ngữ-pháp đặt xuôi (tiếng chỉ-định đứng sau tiếng được chỉ-định). Ví-dụ :

lạc-cảnh « lạc » làm rõ nghĩa tiếng « cảnh » đứng trước tiếng ấy ; « lạc » là tiếng Hán-Việt.

tiểu-quốc : « tiểu » là tiếng Hán-Việt.

gạch tiểu : « tiểu » là tiếng Nôm chuyển gốc Hán-Việt (đứng sau tiếng « gạch » để làm rõ nghĩa tiếng ấy).

3) Trong những tiếng ghép, các thành-phần Nôm liên-kết với thành-phần Nôm, các thành-phần Hán-Việt liên-kết với thành-phần Hán-Việt. Ví-dụ :

tươi-tốt : biết chắc « tốt » là tiếng Nôm, ta có thể quả-quyết rằng « tươi » cũng là tiếng Nôm.

nhạc-sĩ : biết chắc « sĩ » là tiếng Hán-Việt, ta có thể quả-quyết rằng « nhạc » là tiếng Hán-Việt.

Cũng nên ĐỂ Ý rằng trong sự thông-dụng có một số tiếng ghép hợp-thành bởi một tiếng Nôm và một tiếng Hán-Việt. Tuy-nhiên, đây chỉ là trường-hợp đặc-biệt của những tiếng Hán-Việt đã được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm ; chỉ những tiếng Hán-Việt ấy mới có thể liên-kết với tiếng Nôm để tạo-thành tiếng ghép :

máu-huyết : « huyết » là tiếng Hán-Việt có nghĩa « máu », nhưng « huyết » cũng được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm (huyết heo, cháo huyết).

lý-lẽ : « lý » là tiếng Hán-Việt có nghĩa « lẽ » : nhưng « lý » cũng được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm (nói có lý, không có lý).

ưa thích : « thích » là tiếng Hán-Việt được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm.

CHÚ Ý :

Không nên ghép một tiếng Nôm với một tiếng Hán-Việt không bao giờ được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm. Ví dụ : 

một nỗi khổ vô-bờ : « vô » là tiếng Hán-Việt không bao giờ được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm ; vậy nên không thể ghép với « bờ » là một tiếng Nôm.

Cứu-xét : (động-từ này đã được thông-dụng nhưng đã được cấu-tạo sai nguyên-tắc) : « cứu » là một tiếng Hán-Việt (nghiên-cứu khảo-cứu) không bao giờ được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm ; vậy nên không thể ghép với « xét » là một tiếng Nôm.

Tu-sửa : « sửa » là tiếng Nôm, không thể ghép với « tu » là một tiếng Hán-Việt không được dùng đơn-độc làm tiếng Nôm.

4) Nếu hai tiếng có sự liên-lạc mật-thiết với nhau về ý-nghĩa thì tiếng Nôm dùng chung với tiếng Nôm, tiếng Hán-Việt dùng chung với tiếng Hán-Việt. Ví-dụ : không thể nói tối lớn vì « tối » là tiếng Hán-Việt mà « lớn » là tiếng Nôm.

Bởi có nhiều tiếng Hán-Việt được dùng làm tiếng Nôm mà không thay-đổi hình-thức, lắm khi sự phân-biệt giữa tiếng Nôm và tiếng Hán-Việt, đối với những người không thông chữ Hán, không phải là dễ.

Dầu sao, sự phân-biệt ấy cũng rất cần về các phương-diện chính-tả và văn-phạm.

Mời các bạn đón đọc Văn Phạm Việt Nam Giản Dị Và Thực Dụng của tác giả Bùi Đức Tịnh.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000