Xứ Tuyết |
|
Tác giả | Yasunari Kawabata |
Bộ sách | Nobel Văn Chương |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 20403 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Yasunari Kawabata Giải Nobel Tiểu Thuyết Kinh điển Văn học Nhật bản Văn học phương Đông |
Nguồn | |
Trong “Xứ tuyết”, thiên nhiên Nhật Bản hiện lên giản dị và tĩnh mịch, mong manh và u huyền.
Những tác phẩm của Yasunari Kawabata đã giữ một vị trí đặc biệt trong văn học cận-hiện đại Nhật Bản nói riêng và cho cả nền văn học Nhật Bản nói chung. Trong bộ ba tác phẩm giúp Kawabata dành giải Nobel văn học (Ngàn cánh hạc, Cố đô, Xứ tuyết), tiểu thuyết Xứ tuyết thể hiện quan niệm thẩm mỹ trong truyền thống của người Nhật Bản. Đó là bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên, là bài ca về tình yêu, cũng là nơi tìm lại vẻ đẹp Nhật Bản.
Nhóm sinh viên khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu khoa học “Thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản trong quan niệm Kawabata”, thông qua tiểu thuyết Xứ tuyết của ông. Biên tập viên Sóng Trẻ xin lược trích chương 2 của báo cáo khoa học, “Vẻ đẹp thiên nhiên Xứ tuyết trong quan niệm thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản” ở bài đăng này.
Vẻ đẹp thiên nhiên Xứ tuyết trong quan niệm thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản
Trong Xứ tuyết, thiên nhiên hiện lên với vẻ đẹp xuất phát từ chính những quan niệm thẩm mỹ của Yasunari Kawabata. Cái đẹp phong phú của tự nhiên hiện ra từ chính vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên xứ tuyết. Thiên nhiên xứ tuyết là một bài thơ Haiku bằng văn xuôi dung hợp trong đó những quan niệm thẩm mỹ nổi bật nhất của Kawabata.
Từ đặc trưng của các nguyên lý thẩm mỹ và nội dung cụ thể của tiểu thuyết Xứ tuyết, chúng tôi tiến hành phân loại và tìm hiểu vẻ đẹp thiên nhiên Xứ tuyết trong quan niệm thẩm mỹ của Kawabata với 4 nội dung:
1. Thiên nhiên mang vẻ đẹp giản dị, gần gũi với cuộc sống (Wabi)
2. Thiên nhiên mang vẻ cô đơn, tĩnh mịch và dấu ấn thời gian (Sabi)
3. Thiên nhiên trong cảm nhận về sự mong manh, u buồn (Aware)
4. Thiên nhiên mang vẻ đẹp u huyền (Yugen)
1. Vẻ đẹp giản dị, gần gũi với cuộc sống
1.1. Thiên nhiên với những sự vật nhỏ bé
Trong cảm nhận của Shimamura, bên cạnh những giây phút thiên nhiên hiện ra với vẻ lung linh kì ảo thì đó là hình ảnh thiên nhiên với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc:
“Lưng chừng dốc trên lùm cỏ cao và đám bụi rậm, là một bụi tre lùn rậm rạp mà cành tỏa ra mọi phía. Gần ngay cửa sổ, có một vuông vườn với những luống khoai lang, củ cải, khoai tây vươn thẳng. Mảnh vườn thật bình thường lại rực rỡ ánh ban mai khiến Shimamura được hưởng lần đầu tiên thứ màu xanh tươi tắn lạ, như được đánh bóng lên trong buổi sáng mát lành”.
Hình ảnh bụi tre, vườn tược với những luống khoai lang, củ cải… giống như những biểu tượng của một làng quê hồn hậu, giản dị. Vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của vùng đất phương Bắc băng giá hiện lên từ chính những hình ảnh giản dị này. Thiên nhiên xứ tuyết dường như mất đi cái lạnh lẽo, cô đơn trong mỗi trận bão tuyết mà trở về với vẻ đẹp thường ngày. Hình ảnh thiên nhiên phương Bắc đối lập với sự hoa lệ, ồn ào của Tokyo chính là những gì mà người lữ khách Shimamura đang tìm kiếm. Dường như có một sự cách biệt rất lớn giữa cuộc sống thành thị và thiên nhiên ở xứ tuyết. “Đó cũng là khoảng cách giữa hai cõi: thế giới loài người đang chìm đắm trong chiến tranh, trong lối sống chạy theo dục vọng tầm thường, tâm hồn chai sạn do ảnh hưởng của nền công nghiệp cơ khí hiện đại và thế giới thiên nhiên hoang sơ, trinh bạch còn lưu những giá trị truyền thống”. Qua nhận định trên của TS. Nguyễn Thị Mai Liên, vẻ đẹp Wabi hiện lên trong hình ảnh thiên nhiên xứ tuyết cũng chính là giá trị của cái đẹp theo quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản – cái đẹp đơn sơ, giản dị.
[...]
1.2. Thiên nhiên trong nhịp sống thường nhật
Thiên nhiên xứ tuyết hiện lên trong nhịp điệu cuộc sống thường ngày, phập phồng hơi thở của cuộc sống con người. Thiên nhiên thấp thoáng bóng dáng của con người, của những ngày sống đơn điệu mà đẹp đẽ, yên bình. Trong xứ tuyết, vẻ đẹp của ngày mùa, của những bông lúa hiện lên với tất cả những gì thanh bình, ấm áp. Đó là cuộc sống con người, cuộc sống của vùng núi phía Bắc – một cuộc sống giản đơn êm ả bên cạnh sự lạnh lẽo, dữ dội của những ngày tuyết phủ:
“Lúa khô cũng phơi trên sào trước nhà yoko trong cánh đồng thoai thoải ngăn cách với đường. Một dãy dài treo thành một bức rèm giữa đám cây hồng, trước bức tường trắng bao quanh khu vườn đến tận lỗi vào nhà bên cạnh, một dãy khác, ở góc phải, men theo rìa cánh cổng trước vườn, chìa ra một góc để lấy lối đi lại.
Trong đồng lúa, những cây khoai sọ vẫn đang xanh tốt, tàu khỏe, lá cứng cáp; ngược lại, những đóa thược dược và những hoa hồng thì đã héo tàn. Chiếc ao sen nuôi cá vàng lấp lõ phía sau những tầng lúa…”.
Vẻ đẹp giản dị của thiên nhiên xứ tuyết đã tái hiện nguyên vẹn nhịp sống thường ngày của con người nơi đây. Đó là những vẻ đẹp vẫn luôn tồn tại trong đời sống, vẻ đẹp của mỗi ngày trôi qua ở vùng đất phương Bắc. Nhưng dưới con mắt của Shimamura, nó hiện ra tràn đầy hơi thở, tràn đầy sức sống, nhịp sống chảy trôi, tràn đầy bóng dáng của con người.
2. Vẻ đẹp cô đơn, tĩnh mịch và dấu ấn thời gian
2.1. Thiên nhiên mang vẻ đẹp cô đơn, tĩnh mịch
Sabi được Kawabata khơi dậy trong thiên nhiên Xứ tuyết giống với vẻ đẹp cô đơn, tĩnh mịch trong mỹ học Nhật Bản trung đại với những vần thơ của Basho.
“Tác phẩm không chỉ mang phong cách haiku mà còn gợi nhớ đến tập nhật kí du hành của Basho là Oku no hosomichi (Con đường sâu thẳm). Cả hai đều tìm kiếm cái đẹp trong sâu thẳm thiên nhiên ở tận phương Bắc: Oku của Basho và Xứ tuyết của Kawabata. Cả hai đều tìm kiếm cái tố phác chưa bị những hội chợ phù hoa làm vẩn đục”.
Nhận định trên đây của Nhật Chiêu đã đặt vẻ đẹp ấy trong sự đối sánh với những “Hội chợ phù hoa” của phương Tây. Có thể nói, vẻ đẹp cô đơn, tĩnh mịch của thiên nhiên là vẻ đẹp dường như ngưng đọng trong không gian xứ tuyết, không pha lẫn sự ồn ào, náo nhiệt mà trái lại là vẻ đẹp của sự yên tĩnh, thâm trầm.
Sabi với vẻ cô đơn, tĩnh mịch hiện lên trong thiên nhiên xứ tuyết là hình ảnh những cây bá hương và sự yên tĩnh của những khu rừng bá hương.
“Thân của những cây bá hương ở đằng sau phiến đá cô ngồi vút lên thẳng tắp, cao đến nỗi anh phải ngửa người ra, tựa lưng vào phiến đá, mới dõi mặt được đến tận ngọn cây. Bầu trời bị che khuất bởi một lớp gần như màu đen những hàng cây mọc sít, những cành cây và những lớp lá kim xanh thẫm dày đặc. Yên tĩnh và thanh bình như một bài thánh ca”. Sự cô đơn, tĩnh mịch của rừng cây được gợi tả bằng những cảm nhận nhãn quang về màu sắc: đen, xanh thẫm. Những gam màu tối ấy khiến thiên nhiên xứ tuyết không hiện lên rực rỡ, thanh khiết mà cô đơn, trầm lặng, tĩnh mịch.
“Những cây bá hương phủ một làn voan trắng mỏng nổi lên trên nền tuyết, dù không hề trộn vào nhau vẫn tạo thành một khối sẫm, mà cây nào cây ấy, hiện ra với dáng nét riêng biệt rõ ràng”. Những cây bá hương vào mùa thu hiện lên với màu trắng. Tuy không phải là những gam màu tối mà Shimamura đã cảm nhận khi lần đầu ngắm nhìn những cây bá hương nhưng sắc trắng này vẫn mang lại cho thiên nhiên một vẻ đẹp cô đơn. Sự mờ ảo lẫn vào khu rừng bá hương cũng chính là vẻ cô đơn, tĩnh mịch không lời của thiên nhiên xứ tuyết.
Có thể nói, Sabi với vẻ đẹp không lời của sự cô đơn và tĩnh mịch đã hiện lên nguyên vẹn trong thiên nhiên xứ tuyết. Sự tĩnh mịch gần như ngưng đọng của thiên nhiên xứ tuyết khiến cho cảm nhận về thời gian ở đây dường như không trôi chảy. Đó cũng chính là vẻ đẹp mà thời gian đã ban tặng cho thiên nhiên nơi đây.
2.2. Thiên nhiên cổ sơ mang dấu ấn thời gian
Những thiên tiểu thuyết của Yasunari Kawabata thường xuất hiện vẻ đẹp của thiên nhiên trong cảm quan về thời gian. Trong Xứ tuyết, dấu ấn thời gian hiện lên rõ nét qua hệ thống những biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên. Từ đó, Sabi lại được cảm nhận dưới vẻ đẹp được tạo nên từ thời gian trôi chảy – vẻ đẹp cổ sơ mang màu dấu ấn thời gian.
Trước hết, vẻ đẹp cổ sơ hiện lên từ những hình ảnh biểu tượng của thiện nhiên xứ tuyết. Trước hết, vẻ đẹp đó hiện ra từ hình ảnh con tàu. Ngay từ đầu tác phẩm, con tàu đã hiện lên với tư cách là một phương tiện đến với xứ tuyết – một vùng đất gần như riêng rẽ, tách biệt: “Còn các toa tàu cũ kĩ, chúng như đã trút bỏ trong đường hầm bộ áo lóng lánh của sương giá tuyết băng. Tàu chạy xuống một thung lung, ở đây, những khoảng tối hơi nhuốm màu hoàng hôn và ngập đầy những vực thẳm xen giữa các ngọn núi chồng lên nhau”.
“Con tàu với ba hoặc bốn toa cũ rích và cổ lỗ, chẳng giống gì những đoàn tàu nhanh ở các chuyến lớn trung tâm, khiến ta tưởng như đang ở trong một con tàu của xứ sở khác hoàn toàn xa lạ”.
Con tàu của xứ tuyết cũng mang dáng vẻ của vùng đất này – đó là dáng vẻ của cổ sơ, cũ kỹ trên nền băng tuyết. Con tàu cổ lỗ này giống đã đi xuyên thời gian, xuyên qua quá khứ để đưa con người đến đây. Kawabata đã đặc biệt khắc họa hình ảnh “con tàu của xứ sở hoàn toàn khác lạ” như một vật thể thuộc về vùng đất xứ tuyết, thuộc về thiên nhiên cổ sơ.
Tiếp đến, vẻ đẹp cổ sơ, cũ kỹ từ sự trôi chảy thời gian hiện lên trong những ngôi nhà ở xứ tuyết với bóng dáng của những mái nhà, mái chùa với vẻ cũ kĩ của lớp bụi thời gian.
Khu suối nước nóng mà Shimamura chọn làm điểm nghỉ ngơi với những dãy hành lang hiện rõ thời gian mà nó tồn tại: “… Mỗi bước chân anh trên lớp sàn gỗ cũ kĩ làm kính ở các cánh cửa ra vào rung lên”. Lớp sàn gỗ là dấu ấn của thời gian, là lớp thời gian đã bao trùm lên xứ tuyết. Âm thanh của những cánh cửa là tiếng kêu của thời gian. Dường như đó là vẻ đẹp tích tụ theo dòng chảy của thời gian, vẻ đẹp ngưng đọng từ quá khứ.
Vẻ đẹp cổ sơ của thiên nhiên xứ tuyết còn hiện lên qua hình ảnh những mái nhà, mái chùa với những lớp lợp cũ kĩ: “… Một ngôi nhà cũ, mái đã trĩu xuống với một cửa sổ sơn đã bong vì mưa nắng... Phần lớn lợp bằng gỗ, có chẹn đá, các mái nhà trông như những dãy giống nhau, các hòn đá song song với con đường, những hòn đã to, tròn và nhẵn, trắng xóa những tuyết ở phía bóng râm và sáng loáng ở phía có nắng, đen như mực, chúng bóng loáng không hẳn vì ướt mà chủ yếu vì chúng được bào nhắn bởi băng giá, gió mưa”. Vẻ đẹp của những ngôi nhà, những mái gỗ chẹn đá được Shimamura nhìn nhận dưới những tác động của thời gian. Thời gian đã làm những ngôi nhà, những chiếc mái trở nên cũ kĩ, hao mòn nhưng chính thời gian cũng tạo nên vẻ đẹp cổ kính đặc trưng của những ngôi nhà xứ tuyết. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, của thời gian đã đi qua vùng đất này, của “mưa nắng”, “băng giá” và “gió mưa”. Đó cũng chính là Sabi, là vẻ đẹp hiện lên từ những gì cũ kĩ, hoen gỉ.
[...]
Thiên nhiên mang vẻ đẹp Sabi trong Xứ tuyết còn hiện lên dưới cảm thức thời gian (ảnh: internet)
Trong tác phẩm của Yasunari Kawabata, rất ít khi thời gian chính xác được đề cập trong các chi tiết truyện. Tuy nhiên, thời điểm mùa trong năm luôn được thể hiện rõ nét qua những đặc trưng, dấu ấn của mùa. Điều này giống với cách gợi cảm thức thời gian trong thơ Haiku. Khi Basho viết: “Một đám mây hoa/ Chuông đền Ueno vang vọng/ Hay đền Asakusa” thì thời điểm mùa xuân hiện lên chính từ hình ảnh “Đám mây hoa” đó. Điều này cho thấy sự gắn bó giữa thơ Haiku Nhật Bản và Kawabata trong quan niệm về thời gian.
Những dấu hiệu về thời gian trong ngày hay dấu hiệu về mùa trong Xứ tuyết cũng là một yếu tố khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật trong tác phẩm và đặc biệt, nó thể hiện rõ dấu ấn thời gian trong nguyên lý thẩm mỹ Sabi. “Cái đẹp của tuyết, cùa các mùa và phụ nữ luôn luôn lấp lánh qua từng trang văn, đẹp như thơ”.
[...]
3. Vẻ đẹp u buồn, mong manh
Trong cảm nhận của người Nhật Bản, vẻ đẹp của thiên nhiên có lẽ cũng đi liền với sự buồn bã, mong manh. Điều này thể hiện ở chính việc lựa chọn quốc hoa của đất nước này, đó là hoa anh đào. Hoa anh đào đẹp nhất là khi chúng nở rộ, nhưng dù hoa có nở đẹp đến đâu đi chăng nữa thì nó vẫn mang một nỗi buồn phảng phất bởi một lẽ, anh đào sẽ rụng vào đúng lúc nó nở rực rỡ nhất. Như vậy, ngay từ trong cảm quan của mình, người Nhật đã đã để cho hai khái niệm “đẹp” và “buồn” song hành với nhau. Ngay cả với thiên nhiên, cái đẹp cũng gắn với cái buồn. Đây cũng chính là một trong những quan niệm thẩm mỹ truyền thống của Nhật Bản.
[…]
3.1. Thiên nhiên trong sự lạnh giá
Thiên nhiên xứ tuyết mang một sự lạnh giá đến gay gắt. Tuyết ở đây rơi rất nhiều và mạnh, “tuyết rơi nhiều đến nỗi các đoàn tàu luôn bị những khối tuyết lở chặn lại”. Không chỉ có tuyết bao phủ “dày hai, ba mét, đôi khi đến hơn bốn mét” mà ở nơi đây, nhiệt độ cũng xuống rất thấp: “năm ngoái, nhiệt độ ở đây xuống đến hơn hai mươi độ âm”. Khí hậu khắc nghiệt đã tạo cho xứ tuyết một cái lạnh không giống với bất kì một nơi nào khác, “sờ vào vật gì, ta cũng thấy nó lạnh khác lắm”. Xứ tuyết lạnh giá tạo nên một vẻ buồn man mác. Sự lạnh lẽo ấy thấm hết vào cảnh vật, khiến chúng cũng trở nên khác biệt với Shimamura.
Cái lạnh của xứ tuyết không chỉ thể hiện trực tiếp ở khí hậu nơi đây mà còn thể hiện gián tiếp qua sự hòa hợp của ánh sáng, bóng tối. Cứ mỗi lần sáng, tối lồng vào nhau, là một lần tạo cho người ta cảm giác hoài vọng, nuối tiếc và u buồn.
Bóng tối đang hiện hữu thì ánh sáng cũng xuất hiện. Ngay khi đang nồi trên tàu, dưới con mắt tinh tế của Shimamura hay của chính Kawabata, bầu trời đêm hiện lên và để lại ấn tượng thật đặc biệt: “Phía trên những quả núi, hoàng hôn còn để lại vài vệt đỏ sậm muộn màng và ở tít xa, trên đường chân trời, còn có thể nhận ra được mấy ngọn núi tách biệt”. Bóng đêm đã bao trùm lên xứ tuyết nhưng ở đằng xa, ánh sáng vẫn còn hiện hữu. Dù có ở trong toa tàu hay bên cánh cửa sổ, Shimamura vẫn luôn cảm nhận được sự xen kẽ sáng tối này.
[…]
Cũng chính từ căn phòng mình, Shimamura nhìn thấy “ở đáy thung lũng, nơi thường tối sớm, đã bắt đầu tối. Nhô cao ở bên ngoài vùng tối, các ngọn núi ở đằng kia rực rỡ nắng chiều, chúng như gần hơn bởi chúng tương phản với những hõm tối và màu trắng của chúng như ánh lân quang dưới bầu trời đỏ ối”. Và Shimamura “cảm thấy mỗi lúc một buồn”. Bóng tối và ánh sáng cùng nhau xuất hiện trên khung cảnh thiên nhiên xứ tuyết, sự tồn tại song song của cả bóng tối lẫn ánh sáng làm cho thiên nhiên như lạnh hơn, tạo nên một khung cảnh băng giá đầy u buồn, hoài vọng.
3.2. Thiên nhiên mang vẻ đẹp mong manh
Trong quan niệm của người Nhật Bản, cái đẹp và cái hư vô, mong manh luôn đi cùng với nhau. Điều này được thể hiện khá rõ qua thơ Haiku. Nhà thơ Shiki đã từng viết:
“Đẹp lạ lùng
Ai mà không ghen tị
Lá đỏ rời cành phong”
Vẻ đẹp mong manh ấy hiện lên trong Xứ tuyết là thiên nhiên ngập trong sắc trắng. Màu trắng cũng là màu sắc được nhắc tới khá nhiều trong Kinh Phật. Màu trắng là biểu tượng của sự tinh khiết, thanh cao và cũng là màu của sự hư ảo. Trong Xứ tuyết, rất nhiều lần tác giả nhắc tới sắc trắng. Có khi, cảnh vật trở nên mềm mại hơn khi được che phủ bởi sự nhẹ nhàng của tuyết: “Xa xa, trên các ngọn núi, tuyết trông như một lớp kem mềm mại được bao phủ một làn khói nhẹ”. Tuyết cũng làm cho mọi thứ trở nên nặng nề, chật hẹp và cô đơn: “Sự chật hẹp của cái thung lũng bé xíu bị ép chặt giữa những ngọn tuyết phủ dày. Nơi đây chẳng khác gì một cái túi tối om, một cái hốc xiết bao đơn độc giữ lòng núi hẻo lánh này”.
[...]
Thiên nhiên xứ tuyết là nơi “cư ngụ” của những kiếp phù du như những loài côn trùng. Màu xanh của loài bướm đêm đã gây một ấn tượng cho anh. Với anh, đó là “màu xanh ngỡ ngàng, đơn độc, ngược ngạo thay, nhuốm màu chết chóc”; “nó rơi xuống như một chiếc lá khô, chậm và nhẹ buông rơi, lúc lên lúc xuống, trước khi chạm đất” hay lời tự hỏi “không biết con côn trùng đã chết chưa”. Chúng chỉ là những sinh mệnh mang kiếp phù du, bay lượn trong không trung rồi lìa đời nhanh chóng. Cuộc đời của những kiếp phù du luôn là như vậy. Cõi đời này sẽ không lưu lại được gì từ những vẻ đẹp ấy.
[...]
4. Vẻ đẹp u huyền, kì ảo
Trong các tác phẩm của Kawabata, thiên nhiên thường xuyên xuất hiện trong gương. Thiên nhiên qua những tấm gương hiện lên rất sống động nhưng cũng manh đầy vẻ siêu thưc, huyền ảo. Thiên nhiên vẫn luôn là bí ẩn mà con người luôn muốn tìm kiếm và chinh phục. Thông qua chiếc gương soi, thiên nhiên bỗng trở nên kỳ ảo hơn, khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Với Xứ tuyết, Shimamura không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp u huyền con người mà còn cảm nhận được cả vẻ u huyền của thiên nhiên nơi xứ tuyết. Gương phản chiếu hình ảnh của tuyết, làm cho tuyết kỳ ảo hơn rất nhiều: “Tuyết bỗng sáng rực thêm nữa trong gương, chẳng khác gì ở đó có một đám cháy băng giá”. Tấm gương khiến cho lớp tuyết trắng “bỗng sáng rực”, đây vừa là hình ảnh tự nhiên của tuyết nhưng cũng lại là hình ảnh tuyết được “cải biến” trong thế giới gương soi. Từ trong gương soi, thiên nhiên đã đổi khác. Thiên nhiên không chỉ hiện lên với vẻ đẹp tự thân của nó mà vẻ đẹp ấy còn được nhân lên, đưa con người vào một thế giới mới với những khung cảnh vừa thực mà vừa hư: “Trong bầu trời đêm, phía trên những quả núi, hoàng hôn còn để lại vài vệt đỏ sậm, muộn màng và ở tít xa, trên đường chân trời, còn có thể nhận ra được mấy ngọn núi tách biệt”.
Thiên nhiên trong gương soi được Shimamura cảm nhận không chỉ với hình ảnh đơn lẻ mà nó còn hòa vào vẻ đẹp của con người xứ tuyết. Thiên nhiên và con người như soi chiếu vào nhau: Cảnh đêm và điểm sáng đều được Shimamura nhìn qua tấm kính của toa tàu. Chúng ở phía xa và ở đằng sau, chúng mang những cái đẹp lung linh và huyền ảo. Shimamura cảm nhận được những vẻ đẹp ấy và anh cũng không thể rời mắt khỏi Yoko: “Anh bàng hoàng khi một ánh lửa tít xa trong núi bỗng lóe sang ở giữa gương mặt đẹp của người đàn bà trẻ, khiến cho vẻ đẹp không thể nào tả xiết ấy đạt đến đỉnh điểm”. Trong tấm gương soi, thiên nhiên và con người cùng tồn tại, vẻ đẹp thiên nhiên làm nổi bật vẻ đẹp con người. Chính và thế mà vào một buổi sáng, khi nhìn thấy vẻ đẹp của Komako hiện lên trong gương và trên nền tuyết, Shimamura đã nhớ lại vẻ đẹp của Yoko được phản chiếu lại trên cửa kính của toa tàu. Vẻ đẹp của Komako cùng với vẻ đẹp của tuyết trắng tạo nên một điểm nhấn cho bức tranh. Ở đây, tuyết trắng như làm nền cho Komako. Cụ thể hơn, vẻ đẹp của tuyết làm nổi bật đôi má đỏ hồng của cô.
Shimamura hay chính Kawabata đã “mượn những chiếc gương soi để tạo lập nên một thế giới huyền ảo chưa từng có nhưng lại làm cho chúng ta tin tưởng vào đấy”. Thiên nhiên trong gương soi mang một vẻ đẹp của sự hư ảo, của sương khói bao phủ và của tuyết trắng. Chính bản thân Shimamura cũng giống như một chiếc gương. Ở đó ta có thể nhìn thấy sự mơ hồ của anh cũng giống như lúc anh nhìn thấy sự mơ hồ, kì ảo của thiên nhiên qua tấm gương.