Thể loại: Hiện đại, nam nữ cường, OE
Tình trạng: Sách xuất bản
Review bởi: Bòn Idlehouse - facebook.com/hoinhieuchu
Giới thiệu:
Tình yêu xác định như vậy, cả đời chỉ có một lần.
Truyện này chắc lập kỷ lục được tôi đọc đi đọc lại nhiều lần nhất: 6+
Nói về điểm hấp dẫn nhất của một tác phẩm ngôn tình, thì bạn đọc đòi hỏi gì? Cá nhân tôi đòi hỏi chemistry. Giống như coi một bộ phim tình cảm, chemistry rất quan trọng, nếu nhân vật nam nữ mà không có chemistry, cho dù diễn biến tình tiết hay cách mấy, sau khi đọc xong bạn đọc cũng sẽ không cảm thấy lưu luyến chi nhiều. Có nhiều truyện diễn biến nhàm chán bỏ bu, nhưng tôi vẫn đọc, bởi vì những khoảnh khắc khi hai nhân vật chính tiếp xúc với nhau, pháo hoa bắn đầy trời, tim độc giả đập thình thình, cảm nhận được những cảm xúc của nhân vật, không xuất hiện tình trạng độc giả ảo tưởng “nếu như nữ chính đến với nam phụ thì……”
Trong phim, chemistry đến từ diễn viên. Còn trong truyện, chemistry đến từ cái hồn của nhân vật. Không phải cứ trai tài gái sắc là có chemistry, hoặc là tác giả bảo kiếp trước hai người nợ nhau thì thành chemistry của kiếp này. Chemistry nếu được tác giả nuôi nấng đàng hoàng thì Chí Phèo Thị Nở cũng thành một cặp để đời, mặc dù không có độc giả nào mơ mộng muốn tìm một Chí Phèo hoặc làm một Thị Nở. Tôi nghĩ để có được chemistry, một trong những cảm giác tác giả phải đem đến cho độc giả là lòng tin tưởng và cảm giác an toàn. Tin tưởng là tính cách của nhân vật sẽ thoả mãn đòi hỏi logic. Sau đó là cảm thấy an toàn khi hai nhân vật nam nữ đến với nhau: trai tài mà yêu gái sắc thì độc giả phải cảm thấy trai này không chỉ yêu gái khi gái đẹp, còn không thì lỡ may nhan sắc phai tàn nữ phải biết làm sao? Để đạt được điều này, tác giả phải viết ra những tình tiết kéo hai nhân vật đến với nhau và thiết lập quan hệ dựa trên một nền móng cảm tình vững chắc – thông hiểu, ăn ý, hợp gu, bù đắp thiếu sót cho nhau v.v. đều thoả mãn.
Tác phẩm Gió là một điển hình của chemistry chói lọi nhất trong thế giới ngôn tình Trung Quốc. Vũ điệu của hai nhân vật chính là một bản Latin bốc lửa, ngay từ đầu đã có người xác nhận mục tiêu và tỏ rõ ý định. Tác giả Cửu Nguyệt Hy viết truyện này rất sống động và sôi nổi. Vào truyện, mỗi lúc Trình Ca (nữ) và Bành Dã (nam) đụng mặt nhau là mỗi lần toé lửa, vì cả hai đều biết ưu điểm của bản thân, và nhận ra tín hiệu đèn xanh phát ra từ hormones của đối phương, nhưng họ chưa thiết lập được quan hệ vì Bành Dã và Trình Ca không có cùng một nhận định về quan hệ giữa hai người bọn họ.
Đối với Trình Ca, cô chỉ muốn tuỳ tiện hái một cơ thể mang vào giường, bởi vì cô là thợ săn, và đàn ông là con mồi cho cô hồ đồ lấp đi khoảng trống vốn không chỉ thuộc về thân thể. Đối với Bành Dã, anh không biết rõ mình cần gì muốn gì, nên lầm tưởng cuộc đời của anh bên đồng đội và bạn bè là đã đủ, không cần ai khuấy đảo. Cả Trình Ca và Bành Dã đều rất lanh mồm lanh miệng, khi họ quạt nhau, mắng nhau, đánh nhau, hoặc trêu ghẹo nhau, mỗi câu mỗi chữ đều tuyệt vời, thành thử mỗi một đoạn đối thoại trong truyện đều rất đáng nhớ và thú vị.
Đến khi họ chính thức xác nhận quan hệ, chemistry giữa bọn họ vẫn không nhạt đi, bởi vì mâu thuẫn và cản trở giữa họ vẫn còn. Tâm hồn và trái tim của họ đều hướng về nhau, nhưng có khi là hoàn cảnh, có khi là trách nhiệm và lý tưởng, khiến cho họ tiếp tục kéo người đọc cho đến cuối truyện mà không bớt phần hấp dẫn. Những lúc họ ở bên nhau là những lúc họ đem tâm hồn của mình ra san sẻ với người bạn đời, lúc họ quấn quít xác thịt với nhau là lúc tình yêu của họ được Cửu Nguyệt Hy lột tả bằng hành động nguyên thuỷ.
Hồi xưa có lần mấy chị mấy bạn của tôi ngồi thảo luận phim XXX, cuối cùng rút ra một kết luận rằng xem phim XXX kỳ thực cũng không hứng thú nhiều, chi bằng có ai đó lấy những đoạn XX của những phim tình cảm cực kỳ lãng mạn kiểu như “Cuốn Theo Chiều Gió” hoặc “Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết” nối hết lại thành một thước phim, nhiều khi sẽ hưng phấn hơn. Những cảnh nóng trong truyện Gió chính là như vậy. Khi nhân vật xách nhau vô giường, bạn đọc không cảm thấy họ tục. Bạn đọc cũng không cảm thấy đỏ mặt xấu hổ. Trái lại, bạn đọc sẽ có phần chờ mong, có thể mình cũng có cơ hội trải qua thăng hoa trong ái ân như thế (hoặc “đã từng”). Sex qua ngòi bút của Cửu Nguyệt Hy là một quyền lợi, là một niềm vui, là một điều cả nam lẫn nữ đều mong đợi chứ không có màn nam suốt ngày mơ mộng, còn nữ thì luôn miệng than khổ.
Ngoài ra, Cửu Nguyệt Hy có một tài rất tuyệt vời mà cá nhân tôi thấy cô đã thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Gió” và “Thời Niên Thiếu,” đó là cô ấy biết tận dụng những khoảng lặng ở trong truyện. Giống như trong những bộ phim hay mà mang tính chất đa cảm, bạn sẽ bắt gặp những cú quay mà ống kính lưu lại trên một chiếc lá hoặc một giọt sương v.v. gì gì đó để gợi lên cảm giác của một ý tưởng khác, Cửu Nguyệt Hy cũng làm như vậy ở trong truyện gió. Để quân bằng cái chemistry toé lửa của hai nhân vật chính, thường thường sau mấy pha hai bên giương cung bạt kiếm thì Cửu Nguyện Hy cho độc giả một khoảng lặng để suy ngẫm về nhân vật/tình cảnh. Một trong những trích đoạn tôi yêu thích nhất trong truyện là đoạn dưới đây, nằm ngay sau cao trào của diễn biến trong truyện, lúc Bành Dã và Trình Ca khó khăn lắm mới đại chiến ba trăm hiệp lần đầu tiên (đại chiến thật đấy), tác giả chỉ tả cảnh lúc bọn họ tiến vào cuộc mây mưa, sau đó thì cắt qua cảnh này:
Mặt trời đã xuống núi,
Tiếng người trên đường dần biến mất,
Trời tối,
Mặt trăng nhô lên,
Đường phố chìm trong tĩnh lặng của đêm khuya,
Ánh trăng vấy vào phòng,
Các đội viên về phòng mình ngủ,
…
Trên giường dưới giường vô cùng lộn xộn, Trình Ca với mái tóc dài xõa rối bời, gò má ửng hồng, mềm mại trong chiếc giường đầy nếp nhăn.
(chương 31 liufeiyang chuyển ngữ)
-----
Đối với tôi, cái cảnh này vô cùng đẹp. Nó lột tả được một mảng thời gian cực dài đã trôi qua, ngoài ra nó còn dấy lên một sự tương phản giữa những gì bình dị và êm đềm đang xảy ra bên ngoài căn phòng vs. những gì chúng ta không được mục kích đang xảy ra trong căn phòng. Trước đó, cuộc đại chiến giữa nam nữ gay go bao nhiêu, sống động bao nhiêu, thì cảnh vật ngay sau đó lại đẹp đẽ và đơn giản bấy nhiêu.
Cũng như vậy, sau khi Bành Dã xác nhận quan hệ với Trình Ca ở trong lòng, và giữa hai người trải qua một màn ân ái tương thông từ thể xác lẫn linh hồn, thì tác giả viết vầy:
Đêm đã khuya, âm thanh ngoài cửa sổ dần tan đi, thỉnh thoảng có vài khách qua đường đi ngang, tiếng nói chuyện giống như thì thầm trong bóng tối.
Mùi trên đường cũng tiêu tan, chỉ còn lại hương vị sau khi hoan ái trong phòng.
Người phụ nữ trong lòng đang ngủ, gương mặt khi ngủ yên ổn, lại có chút mong manh. Cô nghiêng người, tay vẫn ôm hông anh.
Bành Dã nhìn cô rất lâu, dưới lầu có cô gái đi qua, khe khẽ ngâm nga ca khúc chưa xong nọ:
“Nhưng trái tim tôi luôn bị người chiếm giữ từng phút từng giây
Người tựa vầng trăng luôn mãi im lặng
Tiếng vĩ cầm đơn độc đang tấu khúc ca ‘Nửa vầng trăng sáng tựa cuối thu’
Lo lắng của tôi, khát vọng của tôi, từ nay về sau”
Bành Dã lấn người sang, đặt một nụ hôn lên trán cô.
**
Mấy tiếng trước, cửa quầy bán đồ vặt,
Người phụ nữ đứng đường chặn lối của người đàn ông lại, hỏi một cách yêu kiều: “Anh ơi, cần em bầu bạn không?”
Người đàn ông cười cười, nói: “Cô nhìn người bên kia… Đúng, người phụ nữ hút thuốc… Đó là vợ tôi.”
– chương 45 (liufeiyang chuyển ngữ)
-----
Bài hát dưới đường vẳng lên giữa đêm khuya là tiếng lòng của Bành Dã sau khi đã bị Trình Ca thu phục. Trình Ca thu phục anh không chỉ bằng thân thể của cô, mà bằng chính con người của cô, những gì anh hiểu biết về cô và nhận được từ cô. Một Bành Dã mài mòn mưa nắng bao năm, vẫn tưởng mình đã biết yêu đương là gì, tưởng mình cầm lên bỏ xuống đều được, đến giờ phút này nếm trải qua tình yêu với Trình Ca, trái tim mới hiểu nỗi âu lo trong lời ca “nhưng trái tim tôi luôn bị người chiếm giữ …… lo lắng của tôi, khát vọng của tôi, từ nay về sau.” Cửu Nguyệt Hy không cần phải phân tích hoặc miêu tả tâm lý của Bành Dã một cách trực tiếp, mà xuyên qua tả cảnh, cô đã cho chúng ta cảm nhận được cảm xúc của Bành Dã.
Cửu Nguyệt Hy dùng những khoảng lặng như vầy rải rác trong truyện, chúng nằm ở những đoạn mấu chốt, chúng chất chứa nhiều tình cảm và cảm xúc, nhưng chúng không sến. Bởi vì sau mỗi khoảng lặng này, diễn biến lại sôi nổi lên, hoặc là chủ đề sẽ đổi qua một khía cạnh nào đó mang một bầu không khí khác chứ độc giả không bị nhấn chìm trong cảm xúc cho đến lúc cảm mạo mà chết.
Bản thân của nhân vật Trình Ca và Bành Dã không sến, nên mỗi lúc họ nói chuyện thì thường là vui vui hoặc rất bộc trực, thế nên họ giúp độc giả cân bằng lại cảm xúc (nếu không mà cứ phải FEEL suốt truyện thì mệt chết.) Những khoảng lắng đọng trong truyện bồi đắp cho chemistry giữa hai nhân vật rất gián tiếp, nhưng không chối cãi vào đâu được. Mỗi lần hai nhân vật đến bên nhau, chúng lại nổi lên như gió nhẹ, mơn man lòng của độc giả, để độc giả nhận thấy thế giới này đẹp thế nào khi nam chính và nữ chính ở bên nhau.
Bạn đọc có thể đến với “Gió” thông qua những chủ đề nặng ký mà tác giả ấp ủ, ví dụ như chính nghĩa và hy sinh, lỗi lầm và cứu chuộc, đồng đội và bảo vệ môi trường v.v….. Hoặc bạn đọc có thể đến thuần tuý chỉ vì tình yêu giữa Trình Ca và Bành Dã, khi họ va vào nhau, pháo hoa bắn đầy trời, phàm là người có mắt, sẽ không nhịn được mà nhìn, bất kể là thích hay không thích.