Cuốn sách của Ari Shavit tạo nên những góc nhìn đa chiều về Israel. Ông không khen ngợi, không oán trách, không đổ lỗi. Bằng ngòi bút sắc sảo, dẫn dắt linh hoạt, cùng sự quan sát chi tiết, ông đã phản ánh được hình ảnh Israel vừa kiêu ngạo, hùng vĩ, vừa bi thương, bế tắc, chao đảo. Như ông chia sẻ: “Thông qua lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân, và các bài phỏng vấn sâu, tôi sẽ cố gắng nói đến câu chuyện rộng hơn và câu hỏi sâu hơn về Israel”.
Sách Miền đất hứa của tôi. Ảnh: |
Ở Miền đất hứa của tôi, Shavit chọn 16 ngày trong biên niên sử của chủ nghĩa Zion và Israel, từ năm 1897 đến năm 2013, từ đó kể lại câu chuyện của đất nước. Anh đi tìm những kho lưu trữ, gặp gỡ con người, lắng nghe, và suy tưởng bằng ngòi bút của mình.
Đêm 15 /4 /1897 khi 21 hành khách đầu tiên hành hương từ London trở về đất Israel, lịch sử của người Do Thái ở Israel bắt đầu.
Khi ấy, những người Do Thái có ý định “tiến về phía trước”, tạo dựng một đất nước của người Do Thái, và họ đã “không thấy ngôi làng Palestine Abu Shusha ở lưng chừng núi Gezer”. Đất nước hình thành song song với sự xâm chiếm, tước đoạt, đàn áp.
Năm 1921 những người thuộc chủ nghĩa Zion Do Thái bắt đầu tiến sâu vào thung lũng, với việc hình thành công xã Ein Harod, báo hiệu những biến động ở mảnh đất này, như Ari Shavit viết: “Hai mươi hai năm nữa, lực lượng quân sự này sẽ có thể tấn công các làng Nuris, Zarin, và Komay. Nó sẽ đẩy tất cả cư dân Palestine ra khỏi thung lũng”.
Sách có những đoạn mô tả vẻ bi hùng, những sự kiện ám ảnh trong lịch sử Israel. |
Chương sách gây ám ảnh nhất của Miền đất hứa của tôi, chính là chương Lydda, năm 1948. Trong kí ức của những người đã trải qua những ngày sát hại tàn bạo ấy, nỗi đau đớn câm lặng vẫn đang tồn tại.
Những năm trước, người Do Thái ở châu Âu cũng đã phải chịu sự tàn sát bạo liệt của Đức Quốc Xã, nó khiến một dân tộc đã đứng bên bờ vực bị tiêu diệt. Người Israel buộc phải hành động, họ hành động hoặc sẽ chịu số phận lưu vong suốt đời.
Bằng những chiếc xe bọc thép, với một đội quân được trang bị súng đạn, chủ nghĩa Zion Do Thái “đã gây ra một vụ thảm sát tại thành phố Lydda”, họ đã phá hủy hoàn toàn thành phố này, chỉ trong ba ngày: “ba ngày của mùa hè đại hồng thủy”.
Những ngày tàn bạo ấy trở thành nỗi ám ảnh của tất thảy những người dân Israel. Ari Shavit đã rất dụng công khi tìm hiểu những câu chuyện, những trang nhật kí, những chia sẻ của con người Israel thời ấy “Chúng tôi thật độc ác”; “Cuộc chiến đáng nguyền rủa này đã biến con người thành con thú”… Dấu vết của Lydda đã trở thành một vết đen trong lịch sử đất nước.
Từ trong vùng đen Lydda ấy, một đất nước Israel đã phát triển nhanh chóng, nhưng những vấn đề về đạo đức, văn minh, bền vững, hòa bình vẫn nhức nhối ở đó.
Những cuộc ám sát, ném bom, bạo loạn vẫn đang diễn ra hàng ngày, khi những người trẻ ném mình vào những quán bar, vào rượu, ma túy, để tìm những huyễn tưởng, trốn tránh thực tế, những người mong muốn hòa bình cũng mệt mỏi bởi những đấu tranh không kết quả, đất nước đứng trên những lằn ranh mong manh của sự phát triển.
Shavit đã nhìn Zion ở hai mặt đối lập, với chủ nghĩa Zion là một lịch sử kì diệu, và chủ nghĩa Zion cũng là một lịch sử tàn bạo. Nhưng cuốn sách của Shavit rõ ràng nghiêng về phía vinh quang của chủ nghĩa Zion thay vì miêu tả kĩ về “hộp đen” của Zion. Có đến 5 chương viết “vinh quang” Zion, với những thành tựu đạt được, như khai hoang, canh tác, cứu người bị tàn phá bởi bóng đem Holocaust, chỉ có một chương duy nhất viết về “hộp đen Zion”.
Tác giả Ari Shavit. |
Trong Miền đất hứa của tôi, Ari Shavit để các nhân vật kể lại những câu chuyện của đời mình. Mỗi cá nhân ấy đều là những câu chuyện của lịch sử, góp phần vào lịch sử đất nước Israel, hiện diện cho tính cách, con người Do Thái. Những người Ả Rập, Palestine cũng xuất hiện nhưng suốt hơn 500 trang sách, chỉ có 4 người, 4 câu chuyện được kể ra, trong nỗi đau mất mát, họ lưu vong trên chính quê hương của mình.
Shavit là một trong những nhà báo tài năng nhất của Israel trong thế hệ ông. Ông viết Miền đất hứa của tôi bằng một thứ ngôn ngữ đậm chất văn chương. Những trang viết chân thực, miêu tả sự kiện lịch sử rõ ràng, đồng thời ở đó, khung cảnh thiên nhiên đất nước Israel hiện ra rực rỡ, u buồn, nhưng cũng đầy hùng vĩ. Miền đất hứa của tôi còn mang đậm dấu ấn cá nhân, với những hồi ức, tình cảm kín đáo, những day dứt, yêu mến Shavit đã đặt trong đó.
Miền đất hứa của tôi là cuốn sách không chỉ là một cuốn sách rất thành công về mặt thương mại, nó còn được đánh giá cao bởi cách một nhà văn Israel giải thích lịch sử phức tạp của đất nước ông cho độc giả.
Nhà báo Thomas Friedman (Mỹ) đánh giá đây là cuốn sách “phải đọc”. Shavit đã giành được giải thưởng Sách quốc gia Do Thái trong hạng mục lịch sử Do Thái với cuốn sách này.