DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Trẻ trung và tài năng, tương lai xán lạn bày ra trước mắt, nhưng sẵn tính khác người, chàng bác sĩ Kurihara Ichito đã vứt bỏ cơ hội thăng tiến ở văn phòng y tế đại học mà đâm đầu vào làm việc tại bệnh viện Honjou xứ nhà quê, hòng lánh xa chốn đông đúc, xô bồ.

Vậy mà đời chẳng như mơ, tấm biển “Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày” treo trước cổng bệnh viện Honjou đã khiến Kurihara trở nên tiều tụy và quay cuồng trong nỗi hồ nghi về mục đích đời mình. Làm sao để trở thành một bác sĩ tốt? Hối hả chạy theo những kỹ thuật y học không ngừng phát triển, hay dừng hẳn lại để chăm lo cho những bệnh nhân già yếu cô độc bị xã hội bỏ rơi? Và rốt cuộc cái bệnh viện tỉnh lẻ này có gì để níu chân anh ở lại?

Đầy ắp những khắc khoải nhân sinh, nhưng đồng thời nồng ấm tình người và bừng sáng niềm lạc quan tuổi trẻ, câu chuyện về người bác sĩ do một bác sĩ chấp bút đã làm rung động bao trái tim độc giả, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy tại Nhật Bản và được dựng thành phim điện ảnh.

***

Bệnh án của thần linh là quyển sách cuối cùng mà mình đọc trong năm 2018 (hoàn thành ngay trong đêm 31 luôn) và là quyển sách đầu tiên mình review của năm 2019. Lý do mình biết đến tác phẩm này thì phải quay ngược một chút về mấy năm trước, khi mình tình cờ biết đến nhóm sub phim Gothcafe. Hồi ấy mình theo bộ phim "Quán ăn đêm" mà nhóm thầu, xong thích luôn cách dịch và cách chọn phim để sub của các bạn ấy. Xong đến khi Nhã Nam thông báo sắp xuất bản quyển này và thấy status thông báo dịch giả chính là bạn chủ fanpage thì mình quyết định mua luôn, không đắn đo gì. Một là có niềm tin tuyệt đối về gu của bạn ấy, hai là cái tên truyện nghe đáng yêu quá chừng, và thứ ba là do bìa sách đẹp mê hồn, nhìn phát đã phải lòng luôn. Phải nói đây là quyển sách có bìa đẹp nhất mà mình từng đọc luôn. 
Kết quả hình ảnh cho bệnh án của thần linh 
Truyện kể về cuộc sống của bác sỹ trẻ tuổi Ichito Kurihara tại một tỉnh nhỏ Honjo. Tuy bị đánh giá là tính tình hơi lập dị nhưng với sự dày dặn kinh nghiệm y học và tấm lòng hết mình vì người bệnh và bạn bè mà anh được tất cả mọi người vô cùng kính trọng và thương mến. Đặc biệt trong tình trạng thiếu bác sỹ trầm trọng tại tỉnh lẻ thì người luôn thức đêm thức hôm làm việc suốt 40 tiếng đồng hồ như anh lại càng trở nên quan trọng. Có thể tóm gọn mô tả con người này trong 1 câu là y đức toàn  tài. Ngoài các mối quan hệ tốt trong công việc, Ichito có một người vợ không những luôn thấu hiểu, bao dung mình mà còn luôn khéo léo, tháo vát săn sóc căn hộ nhỏ bé của hai người. Anh còn có hai người bạn tốt đầy mơ mộng hàng xóm cùng khu nhà trọ cũ kỹ, lúc nào cũng sẵn sàng giúp anh giải tỏa bớt nỗi căng thẳng, mệt mỏi trong lòng. Nhìn qua thì có vẻ êm đềm là vậy nhưng vẫn có những lúc anh cảm thấy hoài nghi không biết con đường mình lựa chọn có đúng đắn hay không. Cho đến một ngày anh nhận được thư mời tham gia viện y tế tại trường đại học và......



Quyển sách chia thành 4 câu chuyện nhỏ xoay quanh công tác thường nhật của Ichito, đồng thời cũng nối tiếp nhau trở thành cuộc hành trình tìm ra ý nghĩa thực sự của nghề y cũng như quan niệm về sự thành công, sự sống của Ichito. Với thể loại Slice of life thế này thì thực sự là muốn spoil nội dung cũng không biết nên spoil thế nào cho phải, vì chỉ khi cầm quyển sách trên tay, yên tĩnh ngầm nghiễn từng trang sách thì người đọc mới thực sự tìm ra được điều mà tác giả muốn truyển tải. Thú thực là khoảng 50 trang đầu của quyển sách khiến mình hơi hụt hẫng một chút, vì giọng văn tự sự và tưng tửng vốn không phải là gu của mình. Nhưng càng kiên nhẫn đọc về sau mình càng tìm được cảm giác "A, đây chính là quyển sách dành cho mình." Lời văn càng về sau càng rất dịu dàng, mềm mại, đúng chất Nhật Bản mà mình yêu thích. Chưa kể ngoài những dòng tâm sự, triết lý thì những câu tả cảnh sắc và chuyển cảnh vô cùng uyển chuyển cũng cực kì hợp ý mình. 

Mình thích những cuộc nói chuyện dí dỏm mà cũng vô cùng sâu sắc giữa những người sống trong khu nhà trọ ấy. Giữa những bộn bề cuộc sống, thật kì diệu khi đâu đó vẫn còn tồn tại những tình bạn đẹp, chân thành đến thế. Có những người bế tắc suốt bao năm trời luôn thất bại liền liều mình kết liễu bản thân nhưng chỉ một đêm tỉnh dậy, được thức tỉnh bởi hơi ấm tình bạn và gia đình lại tiếp tục tiến về phía trước. Đó chính là kiểu tình bạn mà mình luôn luôn tìm kiếm và ngưỡng mộ. Không cần phải quá thân thiết, dành quá nhiều thời gian cho nhau hay can thiệp đến cuộc sống của nhau nhưng đủ quan tâm và chân thành để làm cuộc sống đối phương hạnh phúc hơn, dù chỉ là những điều cỏn con nho nhỏ. Bên cạnh đó thì mối quan hệ giữa vợ chồng bác sỹ và tình đồng nghiệp giữa các bác sỹ với nhau cũng cực kì đáng yêu, là những điểm sáng của truyện nữa.

Mình cũng cực kì thích cách tác giả truyền tải lí tưởng nghề y và nhiếp ảnh vào câu chuyện. Có thể vì giấc mơ hồi bé của mình là mua được một chiếc máy ảnh để lưu giữ mọi khoảnh khắc tự nhiên trên thế giới này nên mình cực kì thích thú khi đọc những phân đoạn về vợ của Ichito. Thật đáng tiếc là đến giờ mình vẫn chưa đủ đam mê, dũng cảm cũng như tài năng để làm được điều này.

Với cá nhân mình thì dù tương đồng đề tài nhưng Bệnh án của thần linh có lẽ sẽ dễ đọc hơn là Người đan thuyền xếp chữ. Nếu ai đang tìm kiếm một câu chuyện nhẹ nhàng đậm chất Nhật với độ dài vừa phải thì đây sẽ là một lựa chọn hợp lý.

Tổng kết: 8.5/10 (Định cho 8/10 nhưng thôi cho thêm 0.5 vì cái bìa sách quá sức xinh đẹp - đẹp nhất trong số các tác phẩm của Nhã Nam từ trước tới nay với mình -  và văn phong dịch trau chuốt của dịch giả)
Người Review: Blue Faith
***

Chuyện xoay quanh những câu chuyện nghề và trăn trở cuộc sống của bác sĩ Ichito Kurihara ở một bệnh viện nhỏ tuyến tỉnh, cùng với mối quan hệ giữa anh và vợ mình, những người xung quanh và các bệnh nhân “đặc biệt” ở đây.

.Quay lại câu chuyện thì bác sĩ nhân vật chính có cái tên khá đặc biệt: Ichito 一止 nếu viết dọc sẽ là 正 (chính nghĩa). Bác sĩ này khá trẻ, theo mình nhớ là mới tốt nghiệp về lại bệnh viện đây 5 năm, làm việc ở một bệnh viện nhỏ tuyến dưới nhưng lại làm một điều hơi khác thường là treo biển khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày trong năm. Điều này đồng nghĩa với việc cứ cuối tuần sẽ đầu tắt mặt tối, và những ngày nghỉ Tết cũng chỉ còn trong mộng tưởng, đã bận vậy rồi nhưng anh Ichito này còn mắc thêm cái xui là cứ hôm nào ảnh trực đêm thì ca cấp cứu rồi ca nhập viện lại tăng nhiều hơn, tới mức các y tá phải đánh dấu lại ngày nào anh làm để chuẩn bị tinh thần nghênh chiến bão táp. Cuốn này là cuốn đầu tay của tác giả Natsukawa Sosuke, cũng là một bác sĩ, nên những tình tiết trong bệnh viện được mô tả rất chân phương, mộc mạc, bản thân mình lúc đọc truyện quên mất là đã từng xem phim (xem phim lâu lắm rồi, hồi ấy xem vì idol đóng :”>) nhưng chỉ cần men theo những lời văn khắc hoạ trong truyện cũng có thể hình dung ra được một bệnh viện ở vùng quê nhỏ, rồi hình dung được cả con đường heo hắt ánh đèn ở ngoài cổng thành Matsumoto nơi vợ bác sĩ đợi anh về này nọ.

 

Cuốn này có ba mẩu truyện nhỏ, có những nhân vật khác nhau xuất hiện trong cuộc đời bác sĩ, để giúp bác sĩ đưa ra quyết định to lớn ảnh hưởng tới cuộc đời sau này: tiếp tục ở lại bệnh viện này chữa trị cho những ông bà cao tuổi và những kẻ nát rượu hay đi về bệnh viện đại học tuyến đầu để đương đầu với những ca khó nâng cao tay nghề. Mình rất phục cách viết của tác giả này, chi tiết truyện mà kể thì đau xé lòng, nhưng khi đọc tác giả đan xen những chi tiết rất nhỏ, giọng văn rất vui tươi, đọc xong cảm giác trong lòng nhẹ nhàng thư thái, và đương nhiên là càng thêm kính trọng một cái nghề mà trước giờ mình đã vốn rất ngưỡng mộ: nghề y :D.

Có lẽ ở quanh ta không thiếu những người đang trăn trở về mỗi một quyết định của bản thân mình, nhưng rồi đọc cuốn này xong mình mới nhận thấy, suy nghĩ nhiều trước khi quyết định cũng là chuyện cần thiết, nhưng có những lúc chính một nhân vật không ngờ tới xuất hiện kéo theo câu chuyện giữa ta và họ, kết quả là lựa chọn sẽ rất tự nhiên mà có thôi, đọc hết gập truyện lại thì mình cũng thấy mừng cho bác sĩ, vì đã có quyết định của chính mình, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Sách đọc nhẹ nhàng mau hết, đáng ra thể loại văn học đọc nhanh không lắt léo này mình ít khi có ấn tượng nhiều nhưng cuốn này khá riêng lại đúng ngành nghề mình thích (mình thích bác sĩ và cảnh sát, truyện nào có yếu tố này tự dưng sẽ điểm cao lol), đánh giá cũng cao hơn bình thường chút ^^.

Đánh giá: 4/5 

Review: yuu3008.com

***

Lời bạt

Câu chuyện mùa Xuân

Uehashi Nahoko

sakura

Một câu chuyện thật ấm lòng...

Gấp sách lại, đó là suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong tôi.

Tác phẩm của tôi đã vinh hạnh được nhà văn trẻ Natsukawa ưa thích, và vì cái duyên ấy, anh đã ngỏ ý nhờ tôi viết lời bạt cho cuốn sách của anh. Lúc đó tôi rất bất ngờ, tôi đã thưa với anh rằng chuyện "viết lời bạt" tôi thật không rành cho lắm. Nhưng anh nói rằng chỉ cần viết một đoạn cảm nghĩ là được, nên tôi xin mạn phép mượn một vài trang giấy để chia sẻ cảm giác dễ chịu ấm áp trong lòng tôi với quý độc giả vừa đọc xong truyện. Mong các bạn kiên nhẫn dành cho tôi một chút thời gian.

Khi đọc xong cuốn sách, trái tim tôi như được thắp sáng vậy.

Chẳng hề có những phút hồi hộp, thót tim. Chỉ có ánh sáng nhỏ bé và yên tĩnh tựa ánh lửa nơi đầu ngọn nến, nhẹ nhàng từ những con chữ truyền sang, sáng lên trong tâm khảm, khẽ rung rinh, rồi ngay sau đó lại tiếp tục lưu giữ hình hài một ngọn lửa tĩnh lặng. Đối với tôi, đây là một câu chuyện như thế.

Vừa khắc họa sự sống và cái chết của con người, vừa viết nên một câu chuyện ấm áp tựa ánh nến nhỏ bé, việc ấy thực rất khó. Thế nên tôi đây có đôi phần cảm phục anh Natsukawa, người đã làm được điều đó ngay trong tác phẩm đầu tay.

Sự sống, cái chết, tình yêu của con người, bản thân những điều ấy đã mang theo sức mạnh phi thường.

Trong chương trình Hành trình nhỏ của đài truyền hình NHK có một phiên bản được thực hiện bằng cách đọc những lá thư từ khán giả, nếu quý độc giả đây đã từng xem chương trình ấy thì có lẽ sẽ hiểu được điều tôi muốn nói. Những câu chuyện liên quan đến sự sống - cái chết hay tình cảm hướng về người khác, dù chỉ xuất hiện trong hồi ức của những con người đã sống một cuộc đời hết mực bình thường, vẫn mang theo sức cuốn hút mãnh liệt, tác động mạnh mẽ tới trái tim người nghe.

Khoảnh khắc đời thực ấy vô cùng sống động, lại mang sức mạnh sâu sắc nên chẳng cần phải biên tập làm tăng phần kịch tính, chỉ cần những câu chuyện từ những cánh thư đã vang vọng tới trái tim những khán thính giả ở nơi xa xôi.

Tại những cơ sở y tế, nhất định cũng có rất nhiều câu chuyện như thế.

Thiết nghĩ, trong tâm tư của người bệnh, hay trong vô vàn cách thức mà họ lìa bỏ cõi đời, hẳn đã khỏi sinh một điều gì đó sống động rực rỡ. Những vị bác sĩ ngày ngày chăm sóc cho họ, tiếp xúc trực tiếp với họ nhất định không thể ngăn bản thân mình trằn trọc suy nghĩ về điều ấy, rằng dù mô tả thế nào chăng nữa thì vẫn có gì đó không đúng, không chính xác... Thế nên, dẫu các bác sĩ biết rằng mọi trải nghiệm của họ khi thuật lại đều có thể làm lay động trái tim độc giả, nhưng để viết thành truyện thì thật là một công việc khó khăn.

Tuy không phải là bác sĩ, nhưng bấy lâu nay tôi cũng đã xỏ hai chiếc dép rơm mang tên "nhà văn" và "nhà nghiên cứu nhân học văn hóa" mà bước đi, nên tôi hiểu rất rõ tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà trải nghiệm cuộc đời trao tặng cho những người sống bằng ngòi bút.

Muốn viết, nhưng càng viết lại càng cảm nhận được khoảng cách với "điều ấy".

Sự tiến thoái lưỡng nan này, có lẽ những tác giả viết thể loại phi hư cấu sẽ nhận thấy rõ nét hơn.

Còn đối với những nhà văn, tôi nghĩ đó chính là một viên đá thử vàng.

Chỉ với những mô tả bằng văn chương - tức sự hư cấu mang tên "chuyện kể" - ta mới có thể biến những kinh nghiệm cá nhân thành thứ gì đó ngân vang trong lòng những độc giả chưa từng có trải nghiệm tương tự. Đó chính là công việc của một nhà văn.

 

Trong số những bác sĩ ngày ngày đối diện với sinh tử của con người, có vài vị đã viết nên những tác phẩm tuyệt vời. Phương pháp mà họ sử dụng để chuyển hóa "kinh nghiệm" thành "chuyện kể" vô cùng đa dạng, nhưng thảy đều hấp dẫn. Điều đó cũng giống với những chi tiết về "cà phê" xuất hiện nhiều lần trong cuốn sách này. Có người đặc biệt sử dụng bột cà phê hòa tan, tạo ra hương vị đậm đặc quá mức, tầm thường một cách có chủ đích, vừa ngọt lịm lại vừa đắng ngắt. Có người lại kén chọn hạt cà phê, chỉ uống loại cà phê đen nguyên chất thơm lừng.

Tác giả Natsukawa không nhấn mạnh vị đắng gay gắt, cũng không câu nệ những giá trị lớn lao, mà đã tạo ra cho cuốn sách này một hương vị thơm ngon, chân thành, dễ chịu, giống như cà phê Trân Châu Ả Rập của hãng Inoda được pha đầy sữa - loại cà phê mà Ichito ưa thích.

Cách nói chuyện của Ichito, vẻ dễ thương của Haru, không khí trong lành của Matsumoto, sự hiền từ của bà Azumi, sự quan tâm của các bác sĩ cấp trên, tất cả những điều ấy nhẹ nhàng bao bọc hiện thực nghiệt ngã về sinh và tử, khiến nó tái sinh trở thành một câu chuyện tựa như nắng ấm.

Vì lẽ nào đó mà một số người thường hay hiểu sai về "truyện", họ cho rằng truyện là thứ nông cạn, ấu trĩ, và vô giá trị hơn nhiều so với "hiện thực cuộc sống". Theo tôi, định kiến ấy là hết sức sai lầm.

Nếu không phải là một người đã cắm mũi kim cảm xúc vào sâu bên trong "hiện thực", thì không thể nào viết nên được một truyện hay.

Một câu chuyện hay, đó là thứ kết tinh từ ước mong tha thiết rằng " muốn nó như thế này - nếu được như thế này thì...". Chính vì hiểu rõ mùa đông, nên mới có thể họa nên mùa xuân.

Khi đối diện với cái chết của một người nào đó, đột nhiên hình hài cuộc sống hữu hạn của bản thân sẽ tiến gần đến tâm khảm của ta. Cuộc đời vốn dĩ vô thường... Chính vì ngày ngày không ngừng trăn trở suy tư về điều đó, nên mới không thể ngăn bản thân thôi trằn trọc nghĩ về việc ôm lấy sự trống rỗng đó mà sống tiếp.

Truyện là thứ được tạo ra để những người đó, bất chấp trăn trở trong lòng, có thể thắp lên ngọn lửa nơi trái tim và tiến bước trên đường đời. Và trong tim các độc giả được trao gửi điều ấy, cũng mang theo năng lượng để thắp lửa.

Ichito, Haru, và ngay cả tác giả đều là những người trẻ tuổi. Vô cùng trẻ.

Những con người trẻ tuổi ấy đối diện với những người đã chạm tới điểm cuối của cuộc đời như bà Azumi, ngắm nhìn một mùa đông lạnh cóng xương.

Dẫu vậy, họ đã nghĩ về mùa xuân. Một mùa trẻ trung và dễ chịu.

Vậy nên, đối với tôi, cuốn sách này có lẽ là một câu chuyện mùa xuân rất đỗi ấm lòng.

Abiko, ngày 14 tháng 4 năm Heisei thứ 23[20].

(Uehashi Nahoko/ - Nhà văn, giảng viên Đại học Nữ sinh Kawamura Gakuen)

Mời các bạn đón đọc Bệnh Án Của Thần Linh Tập 1 của tác giả Natsukawa Sosuke.

Giá bìa 88.000

Giá bán

57.200

Giá bìa 88.000

Giá bán

57.200