Cảm ơn bạn đã chọn tập sách nhỏ này từ kệ sách và đọc những dòng này. Bạn, cũng như tôi, hẳn đã từng nói cảm ơn rất nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Chủ đề chính của tập sách này cũng nói về lòng biết ơn và dạy chúng ta nói lời cảm ơn trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt mà mỗi người chỉ có thể nói đúng một lần – lời cảm ơn đối với cuộc sống và những người thân yêu trước lúc vĩnh biệt kiếp sống này!
Vâng, bạn không đọc nhầm đâu! Tác giả của tập sách có chủ đề rất đặc biệt này cũng là một người hết sức đặc biệt: bác sĩ Hinohara (1911 – 2017), người có cống hiến rất to lớn cho y tế dự phòng và ngành chăm sóc y tế cho bệnh nhân giai đoạn cuối; là người khai sinh thuật ngữ “bệnh do thói quen sinh hoạt”; là bác sĩ cao tuổi nhất liên tục hành nghề, không nghỉ hưu cho đến ngày 18 tháng 7 năm 2017, là ngày ông qua đời tại nhà riêng.
Tập sách ra đời dựa trên các bài viết trước đây của cụ Hinohara đăng nhiều kỳ trên tạp chí Iki Iki phát hành tại Nhật Bản. Tập sách được chia thành sáu chương với các chủ đề khác nhau, có thể đọc liền mạch hoặc ngẫu nhiên từ bất kỳ đoạn nào mà bạn thích. Như tác giả tự kể trong tập sách, cụ là một người rất yêu thích văn học, triết học và âm nhạc nên người đọc cũng sẽ tìm thấy những nội dung liên quan đến ba ngành này xuất hiện ở nhiều đoạn. Bằng một văn phong giản dị, dí dỏm nhưng rất sâu sắc, cụ Hinohara khéo léo truyền lại những trí tuệ cuộc sống mà cụ đã tích lũy trong đời người hơn trăm năm của mình. Tuy vậy, điều này lại khiến người dịch rất vất vả trong việc chuyển ngữ sao cho nhuần nhuyễn sang tiếng Việt mà không làm mất đi nội dung hàm súc của nguyên bản. Mặc dù người dịch đã hết sức cố gắng, nhưng bản dịch bạn đang cầm trên tay chắc chắn vẫn còn rất nhiều thiếu sót. Kính mong bạn đọc sẽ góp ý sửa chữa để bản dịch được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau.
– Anh Phong
Tập sách nhỏ này đã được phát hành lần đầu vào năm 2001, khi tôi ở tuổi 90. Từ ngày đó, nhịp sống của tôi không ngừng tăng tốc.
Hiện tại, mỗi sáng tôi đi làm, vừa với vai trò giám đốc bệnh viện quốc tế Sei Luca[1], vừa với vai trò bác sĩ đến khám tại các buồng bệnh. Một mặt, tôi đang tập trung góp sức cải thiện chế độ giáo dục quốc gia. Công việc xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ và điều dưỡng biết cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người bệnh, mà tôi bắt đầu ở tuổi 80 khi một lần nữa quay lại với vai trò giám đốc bệnh viện, hiện vẫn đang tiếp tục.
Hội Người già Thời đại Mới mà tôi khởi xướng thành lập năm 2000 hiện đang có những bước triển khai mới. Hội này ban đầu gồm những “người già thời đại mới” có cùng ý hướng thích những thử thách mới, thích giao lưu với thế hệ trẻ, nhưng hiện nay đã cho phép những thành viên ở trong tầm từ 20 đến 60 tuổi cũng được tham gia, sử dụng facebook để mở rộng hoạt động. Hơn 12.000 “người già thời đại mới” đang nắm lấy tay nhau nhờ vào sự hỗ trợ của phương tiện thông tin hiện đại.
Mặt khác, với mong muốn giúp trẻ em cũng biết trân trọng sự sống, cứ mỗi 10 ngày tôi lại đến một trường tiểu học trong nước, phụ trách “giờ học về sự sống”. Quý vị hãy thử hình dung những đứa trẻ đã học cùng tôi trong 45 phút ấy với mục tiêu ban đầu là giúp các cháu không bắt nạt nhau, biết quý trọng sự sống, rồi sẽ lớn lên thành doanh nhân khởi nghiệp, bác sĩ, giám đốc doanh nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của những nhân tài biết quý trọng sự sống ấy, hẳn là Nhật Bản trong tương lai sẽ là một đất nước có nhiều triển vọng.
Tất cả những công việc vừa kể chắc chỉ hoàn thành được nửa đường khi tôi rời thế giới này, nhưng không có gì đáng tiếc cả. Tôi thường trích dẫn câu thơ của Robert Browning rằng: “Hãy vẽ một nét cong chưa trọn trên một vòng tròn lớn hơn là bằng lòng với một vòng tròn bé xíu”[2]. Nguyện vọng của tôi là một ngày nào đó sẽ có người thực hiện trọn vẹn ước mơ của tôi, hoàn thành bức vẽ vòng tròn lớn. Trong lần xuất bản này, tôi đọc lại và nhận thấy những thông điệp đưa ra ở tuổi 90 của mình vẫn còn mang ý nghĩa bao quát ở tuổi trên
***
Như tôi đã kể ở lời nói đầu, một ngày của tôi trôi qua với mật độ công việc dày đặc và tốc độ nhanh như bay. Cơ duyên bắt đầu từ loạt bài trước đây được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Iki Iki, sau này được dùng làm cơ sở để viết nên tập sách nhỏ này. Chính những thông điệp nhắn gửi đến quý độc giả trung niên, cao niên của tạp chí ấy đã trở thành nguồn khích lệ tôi sống những ngày tràn đầy năng lượng không phút nào gián đoạn như hiện nay.
Thứ Bảy, Chủ nhật trong những ngày tháng ở tuổi 90 của tôi luôn bận rộn, được ngủ lúc hai giờ sáng có thể gọi là đi ngủ sớm. Có rất nhiều ngày thời gian để ngủ chỉ là một giờ đồng hồ. Bây giờ đã qua ngưỡng 100 tuổi, tôi cũng lưu ý hơn để có thời gian ngủ nghỉ dài hơn trước. Tuy nhiên, dù có ngủ ít hay ngủ nhiều thì mỗi sáng tôi luôn vui vẻ đón một ngày mới bắt đầu. Những lúc đón sớm mai với tâm trạng tươi mới như thế, tôi luôn cảm thấy mình khỏe khoắn, tràn trề hạnh phúc. Bất kể là đang bị ung thư hay huyết áp cao, huyết áp thấp, chỉ cần có được cảm giác hạnh phúc ấy thì ta có thể nói rằng mình đang khỏe. Mỗi ngày, tôi bắt đầu với bữa sáng nhẹ gồm sữa tươi, dầu ô liu, và một quả chuối. Giờ nghỉ trưa, tôi dùng một ít bánh quy với sữa tươi, nhưng cũng có những ngày bận đến nỗi không có thời gian cho bữa trưa đơn sơ như thế. Những lúc ở bệnh viện, tôi bận liên tục với việc đi thăm khám người bệnh, họp hành, trả lời phỏng vấn; những lúc không ở bệnh viện, tôi liên tục đáp các chuyến bay đến các địa phương, các nước trên thế giới để thuyết trình, gặp gỡ.
Khi con vụ đang xoay nhanh, chúng ta thấy dường như nó đang đứng yên vì trục của nó không hề nghiêng lệch. Tôi cũng rất bận rộn với các hoạt động như tiếp xúc với người bệnh, sáng tác thơ haiku, chỉ huy dàn hợp xướng, tham gia công tác cải cách giáo dục y tế, nhưng tâm hồn luôn trong trạng thái rất ổn định. Tôi đã luôn duy trì được nhịp sống như thế. Đôi lúc, bản thân tôi cũng tự hỏi không biết mình sẽ còn tiếp tục như thế này cho đến bao giờ.
Một ngày nào đó, chắc chắn tôi sẽ đón ngày cuối cùng của đời mình. “Ngày cuối đời” mà tôi hình dung không phải là đường chân trời nằm trên một mặt phẳng ngang mà là không gian ba chiều như con vụ đang xoay, tiến lên phía trước với trục nghiêng một góc 45 độ. Nghĩa là mỗi giây sẽ như con vụ xoay luôn nhích về phía trước. Người ta thường hình dung kết thúc cuộc đời là một trạng thái tĩnh lặng, nhưng tôi chỉ có thể hình dung bản thân mình luôn xoay vòng tiến lên phía trước không chút bận lòng.
Nói cụ thể thì đó là việc gặp gỡ với những con người và những cuốn sách mới, với ngôn ngữ, tranh ảnh, âm nhạc. Từ trẻ đến nay, tôi đã luôn sẵn lòng đón nhận và hành động, không hề ngần ngại trước những trải nghiệm mới, không cảm thấy phiền hà vì tuổi tác cao. Không lúc nào tôi không cảm thấy hứng thú với những điều mới mẻ. Điểm khác nhau giữa thời trẻ và khi đã có tuổi có chăng là ở chỗ ý thức về “những điều mới mẻ” ấy nhắm đến đối tượng nào.
Trong tập sách này, tôi cũng có nhắc đến sự kiện cướp máy bay “Yodogo”[3] mà tôi là một hành khách ở tuổi 58. Kể từ sau sự kiện thập tử nhất sinh đó, tôi đã tâm niệm rằng sứ mệnh của đời mình là làm thế nào để sống có ý nghĩa với “mạng sống đã được trao ban” này. Điều tâm niệm ấy vẫn không hề thay đổi ở tuổi trên 100. Thực lòng tôi nghĩ rằng mình được sống đến giờ phút này chính là để cống hiến thời gian ấy một cách hữu ích cho nhiều người khác.
Tôi là bác sĩ. Chính vì là bác sĩ nên tôi suy nghĩ đến việc làm thế nào để sống đúng nghĩa trong những giờ phút chăm sóc những người bệnh nằm liệt giường, những người bệnh đang lo lắng, đau đớn trong thời kỳ cuối. Tôi đi đến kết luận rằng: “Sinh mệnh là thời gian được trao ban cho mỗi người”. Nếu mỗi người chúng ta không chỉ sống cho riêng mình trong quỹ thời gian giới hạn đó mà còn sử dụng thời gian ấy để giúp ích cho người khác, cho dù chỉ là một giờ, thì một giờ đồng hồ ấy có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc. Chỉ cần có thêm một người biết sống như thế thì thế giới này sẽ đẹp hơn, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn. Tự đáy lòng, tôi ước mong thế giới của chúng ta sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Mời các bạn đón đọc Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật của tác giả Shigeaki Hinohara & Anh Phong (dịch).