DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Bố Già là tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo được xuất bản lần đầu vào năm 1969 bởi nhà xuất bản G. P. Putnam's Sons. Bố Già là câu chuyện về một gia đình mafia gốc Sicilia tại Mỹ được tạo lập và lãnh đạo bởi một nhân vật được gọi là Bố Già-Godfather, Don Vito Corleone. Các sự kiện chính của tiểu thuyết xảy ra từ năm 1945 đến 1955 ngoài ra cũng đề cập đến thời thơ ấu và giai đoạn thanh niên của Vito Corleone vào đầu thế kỉ 20.

Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.

Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử.

Với kết cấu hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.

Nhận định

“Bố già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố già là đáp án cho mọi câu hỏi.”
(Diễn viên Tom Hanks)
“Bạn không thể dừng đọc nó và khó lòng ngừng mơ về nó.”
(New York Times Magazine)
“Một tác phẩm kinh điển về mafia… Tự bản thân nó đã tạo ra một thứ bùa mê hoặc độc giả.”
(The Times)
***
Tác giả Mario Puzo, quốc tịch Mỹ, gốc Ý, sang Mỹ sống ly hương trong khu dành riêng cho dân ngụ cư người Ý ở Long Island (New York). Khởi sự bằng những truyện ngắn viết nhỏ ở ban đầu, tiền nhuận bút kiếm chẳng đủ nuôi miệng. Vợ làm nghề thợ may chẳng đủ nuôi miệng vợ và chồng chưa đủ nuôi thân chồng. Chồng dại vợ đi ngủ, khẽ gập bàn máy may lại, kê bàn máy chữ lên, dưới để chiếc chăn không gây tiếng động, bắt đầu viết. Thật cuộc sống không ngày mai; nhưng kiên nhẫn vẫn cứ kéo dài ngày qua ngày. Khi Mario Puzo hàn vi, cũng may mắn gặp dược một người bạn thật tốt. Hàng ngày bạn này lui tới, khuyến khích chàng văn sĩ, không những về tinh thần mà giúp cả vật chất nữa. Thường là cho Mario Puzo vay tiền, lúc năm, hoặc mười đô la; khi hai chục. Rồi một ngày, bạn đưa ra ý kiến: khuyên nên viết một tác phẩm theo ý thích: nhân vật, chất liệu, tình tiết cũng như bối cảnh mà chàng có được. Nếu cứ viết như bây giờ, chuyện nhỏ theo lối đặt hàng chủ báo, thì cuộc đời văn sĩ sẽ chẳng bao giờ mọc mũi, sủi tăm - tiền cũng chẳng có mà sự nghiệp cũng không! Mario Puzo nghe tới đây rất thích thú, nhưng có một điều; chẳng lẽ chàng lại nói ra. Cuối cùng đành phải tiết lộ, món tiền nhuận bút kia nhỏ thật; nhưng đủ uống nước lạnh và gặm mẩu bánh mì dằn bụng. Chàng cũng đành thú thật, viết tác phẩm theo sở thích, thì lấy đâu ra tiền để sống hàng ngày? Bạn chàng gật dầu, đáp ứng ngay, hôm nay hai; mai ba; mốt bốn; kia năm mươi đô đủ sống mà viết. Ngày, tuần, tháng; bạn lui tới kiểm tra sáng tác tới đâu. Và mỗi lần cho vay tiền đều rút sổ tay ghi nợ. Một ngày kia, khi gần hoàn tất tác phẩm, bạn chàng cho vay số tiền khá lớn, và cầm bản thảo đến các nhà xuất bản thương lượng.

Các tác phẩm của Mario Puzo:
***

Lão Amerigo Bonasera ngồi tại tòa đại hình số 3 ở New York mà chờ đợi, lão chờ đợi công lý trả thù cho lão, trả thù những thằng quá tàn bạo với con gái lão, định xâm phạm tiết hạnh con bé.

Ngài chánh án đường bộ xắn hai tay áo chùng đen lên, cứ như sắp thẳng tay trừng trị hai thằng nhóc đang đứng trước tòa. Mặt ngài lạnh lùng, nghiêm nghị. Nhưng lão Amerigo Bonasera cảm thấy tất cả cái màn này có cái gì đó có vẻ giả tạo, mà lão chưa đoán ra được là trò gì.

Ngài chánh án gay gắt cất tiếng:

– Các ngươi hành động như những kẻ mạt hạng, tồi bại nhất.

Đúng vậy, lão Amerigo Bonasera nghĩ, đúng là đồ thú vật. Hai thằng ranh con tóc tai thẳng thớm, mặt mày sáng sủa, đầu cúi gục đầy vẻ ăn năn, hối hận.

– Các ngươi hành động như thú dữ trong rừng, cũng may là các ngươi đã không xâm phạm tiết hạnh của cô bé tội nghiệp kia, chứ nếu có chuyện đó thì tòa phải xử các ngươi hai chục năm tù.

Ngài ngừng lại, cặp mắt dưới đôi lông mày rậm rì thoáng nhìn khuôn mặt thiểu não của lão Amerigo Bonasera, rồi cúi xuống chồng hồ sơ xin được tại ngoại, cải tạo tại gia. Ngài nhăn mặt, nhún vai, cứ như phải ép lòng làm một chuyện ngoài ý muốn.

Ngài lên tiếng:

– Xét vì các người còn trẻ người, non dạ, lý lịch sạch, con nhà tử tế, và xét vì tính nghiêm minh của luật pháp không phải nhằm trả thù, do đó, tòa tuyên án mỗi đứa ba năm tù. Được hưởng án treo.

Suốt 40 năm làm nghề mai táng, lão Amerigo Bonasera biết cách không để lộ mối hờn căm lộ ra ngoài mặt. Chứ đứa con xinh đẹp của lão vẫn phải đang nằm viện với cái cằm vỡ nát, phải kẹp bằng dây, mà hai con thú vật kia lại được tự do thoải mái như vậy sao? Tất cả màn xử án vừa qua là trò hề sao?

Cha mẹ hai thằng khốn đang xoắn xuýt lấy chúng. Tất cả bọn chúng đang hớn hở, vui cười với nhau. Cảnh đó làm lão Amerigo Bonasera điên tiết, tim gan phèo phổi lão như sắp phọt ra khỏi hai hàm răng nghiến chặt. Lão phải móc cái khăn mùi xoa trắng, bịt lên miệng. Lão đứng thận ra mà nhìn hai thằng nhóc phản phơ, trơ tráo, không thèm liếc tới lão, tỉnh bơ ra về thơ thới hân hoan.

Lão cứ câm như hến khi chúng đi qua mặt lão, tay lão vẫn ghì chặt cái khăn lên miệng. Cha mẹ chúng, hai thằng đàn ông, hai mụ đàn bà trạc tuổi lão, nhưng quần áo có vẻ Mỹ hơn lão; khi đi qua mặt, chúng thoáng nhìn lão, mặt có vẻ sượng sùng, nhưng ánh mắt chúng vẫn thấp thoáng sự đắc thắng ngạo mạn.

Không nín nổi nữa, Bonasera xông ra lối đi, gào theo:

– Chúng mày sẽ phải khóc như tao đã khóc. Con tụi bây làm tao phải khóc, tao cũng sẽ bắt tụi bây phải khóc, rồi lão đưa khăn lên mắt.

Đám luật sư bào chữa vội tiến lên cùng thân chủ, bao bọc lấy hai thằng nhóc, vì cả hai thằng đều chớm quay lại như để bảo vệ cha mẹ chúng. Một tay thừa phát lại to đùng mau mắn chạy lại chặn lối Bonasera. Nhưng rồi chẳng có gì ầm ĩ xảy ra.

Suốt bấy nhiêu năm sống trên đất Mỹ, lão Amerigo Bonasera đã tin tưởng vào trật tự và luật pháp. Và cũng nhờ vậy mà lão làm ăn khấm khá lên. Thế mà lúc này đây, đầu lão bốc cháy căm hờn, lão chỉ muốn mua ngay một khẩu súng, bắn vỡ sọ hai thằng nhãi kia, nhưng Bonasera vẫn phải quay lại mụ vợ đang ngẩn tò te, chẳng hiểu có sự thế này là thế nào, mà cắt nghĩa: Mình bị tụi nó gạt rồi.

Lão ngừng lại rồi đi đến quyết định, dù giá nào cũng phải chơi. Lão bảo vợ:

– Muốn có công lý, mình phải quỳ lết tới Ông Trùm Corleone thôi.

Trong căn hộ trang trí lòe loẹt của khách sạn Los Angeles, Johnny Fontane đang say, y như những anh chồng bình thường khác say xỉn trong cơn ghen. Nằm sõng soài trên cái đi văng đỏ, nó cầm nguyên chai rượu mà tu, rồi vục mồm vào cái xô pha lê đựng nước đá lạnh để chữa lửa. Bốn giờ sáng rồi, trong cái đầu phừng phừng hơi men của nó loay hoay ý định giết chết con vợ mất nết, khi ả về nhà. Nếu ả còn trở về. Gọi cho vợ cũ để hỏi thăm mấy đứa con thì giờ này quá trễ, mà gọi cho mấy thằng bạn trong lúc nghề nghiệp đang xuống dốc thế này thì xuống cấp quá. Thời hoàng kim của nó, thằng nào được nó gọi vào bốn giờ sáng thế này cứ là sướng rên rồi, còn bây giờ, gọi vào giờ này là quấy rầy chúng. Nó mỉm cười, nhớ lại, mới ngày nào, chỉ một rắc rối nhỏ của Johnny Fontane cũng đủ làm mấy nữ minh tinh lớn nhất nước Mỹ bấn cả người lên.

Cuối cùng, đang ừng ực nốc rượu, nó cũng nghe thấy tiếng con vợ đang mở khóa cửa, nhưng nó vẫn tì tì uống cho đến khi ả bước vào phòng, đứng lù lù trước mặt nó. Ả đẹp quá, mặt như thiên thần, mắt tím sóng sánh tình tứ, thân hình mảnh mai, tuyệt mỹ. Trên màn ảnh, nhan sắc ả thật tinh khiết, diệu kỳ. Hàng trăm triệu anh đàn ông trên thế giới mê mệt tấm nhan sắc của Margot Ashton, đổ tiền ra mua vé để chiêm ngưỡng dung nhan đó trên màn bạc.

Johnny Fontane hỏi vợ:

– Cô đi chỗ chó nào về vậy?

Vợ nó tỉnh bơ:

– Đi nhảy đực.

Ả không ngờ nó xỉn quá rồi. Nó phóng qua bàn rượu, nắm cổ ả. Nhưng khi cái khuôn mặt huyền hoặc kia, đôi mắt tím tình tứ kia sát gần mặt nó, thì cơn giận của nó, dũng khí của nó biến mất ráo. Thấy nó buông nắm đấm xuống, ả cười cười cợt nhả:

– Johnny ôi, đừng uýnh vô mặt em. Em đang mắc đóng phim đó.

Ả cười rũ ra. Nó thui cho ả một quả ngay bụng, làm ả té lăn đùng xuống sàn. Hắn nằm đè lên ả. Ả thở gấp, nó ngửi thấy hơi thở thơm thơm. Nó thui tới tấp, cánh tay, bắp vế, làn da mướt như lụa của cặp đùi ả. Nó dọng ả, như ngày còn là một thằng bé cà lơ trong những xó xỉnh tối tăm của thành phố New York, nó đã từng dọng những nhóc con nhỏ hơn nó... Cái kiểu hành hạ cho đau, nhưng không làm gãy răng, vỡ mũi.

Nhưng nó cũng không đánh ả quá mạnh. Nó không nỡ. Thế là ả giở giọng cà chớn mà giễu nó. Ả nằm dạng háng ra, cái váy hếch lên khỏi vế, khinh miệt bỡn cợt:

– Nào, cắm vào đi. Cắm vào đi Johnny, mày chỉ ham cái đó thôi mà.

Johnny Fontane đứng dậy. Nó căm ghét con đàn bà đang nằm õng ra trên sàn kia, nhưng nhan sắc ả là tấm lá chắn tuyệt vời. Margot uốn mình, bật dậy như một vũ viên. Đứng trước mặt nó, ả nhún nhảy, ca hát như một đứa trẻ ngây thơ: "Anh Johnny chẳng bao giờ đánh mình, chẳng bao giờ làm mình đau đâu." Rồi ả đổi tông, sủa ngay vào mặt Johnny:

– Thằng khốn nạn, mày kiềm tỏa, giam hãm tao như một đứa con nít. A ha, Johnny ơi, mãi mãi mày vẫn chỉ là một thằng mọi ngu đần. Cả chuyện làm tình, mày làm cũng như con nít. Mày tưởng làm tình cũng giống như ong ỏng mấy bài ca hạng bét của mày à?

Ả lắc đầu ngao ngán:

– Tội nghiệp mày quá, Johnny. Thôi, chào, ả vào phòng ngủ, khóa cửa lại.

Johnny ngồi xuống sàn, hai tay ôm mặt. Thế rồi, sức mạnh đã từng giúp nó sống nổi tại Hollywood tàn bạo này làm nó bật dậy, nhấc điện thoại, gọi xe ra phi trường. Chỉ một người có thể cứu nó, phải trở về New York. Trở về với con người quyền lực, khôn ngoan đã từng là cứu cánh của nó, và một tình thương yêu mà nó vẫn hằng tin tưởng. Đó chính là cha đỡ đầu Corleone của nó.

Lão chủ lò bánh mì Nazorine tánh nết quạu quọ, vừa mập vừa lùn, giống hệt mấy ổ bánh mì Ý của lão, người ngợm dính đầy bột mì, gắt gỏng nhặng xị từ mụ vợ, đứa con gái vừa tuần cập kê, con Katherine, cho tới thằng thợ phụ Enzo. Thằng Enzo đã thay quần áo, tròng lên người bộ đồng phục tù binh, với những chữ xanh trên tay áo, phát hoảng lên vì sợ trễ giờ điểm danh. Nó là một trong hàng ngàn tù binh Ý được tại ngoại mỗi ngày để phục vụ cho nền kinh tế Mỹ, nó sống trong sự phập phồng lo sợ cái khế ước này bị hủy bỏ. Vì vậy màn hài kịch này đối với nó là một dịch vụ tối quan trọng.

Mời các bạn đón đọc Bố Già của tác giả Mario Puzo & Đặng Phi Bằng (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000