Judyta, người đàn bà từng tuyên bố “Xin cạch đàn ông!” bây giờ đã đính hôn, và chỉ một bước nữa thôi là giấc mơ về “chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng đến tận nhà” sẽ thành hiện thực. Nhưng trở ngại bỗng xuất hiện: Adam Xanh Lơ – vị hôn phu của cô – chuẩn bị đi Mỹ, đất nước của vô vàn cám dỗ, trong sáu tháng. Làm đám cưới ngay bây giờ hay đợi đến khi anh về là một bài toán khó giải cho cô. Còn Tosia – cô con gái yêu quý – chẳng mấy chốc là đến kỳ thi tốt nghiệp trung học.
Cô bé ngây thơ ngày nào giờ sắp tròn mười tám, biết yêu say đắm, dám nghĩ dám liều, và là nguyên do của vô số hiểu lầm, rắc rối cho mẹ cô. Vẫn giọng văn khôi hài, dí dỏm, nhiều tự trào như trong Xin cạch đàn ông!, Katarzyna Grochola viết tiếp về những thách thức của số phận vẫn đang chờ đón Judyta, người đàn bà đại diện cho một tầng lớp phụ nữ vừa hiện đại vừa mơ mộng trong các thành phố Ba Lan.
***
Với “Các người khắc biết tay tôi”, độc giả sẽ được gặp lại “gái già” Judyta, người đàn bà với phương châm “phải hôn nhiều ếch thì mới gặp được hoàng tử” trong một cuộc sống hoàn toàn mới. Không còn “Xin cạch đàn ông!” nữa, bởi Judyta đã tìm thấy chàng bạch mã hoàng tử của cuộc đời mình. Nhưng sau khi tìm được hoàng tử thì sao, có lẽ cuộc sống vẫn là vô số điều bất ngờ xen lẫn rắc rối luôn chờ đợi bạn ở phía trước. Không ai đoán được ngày mai sẽ ra sao…
Có được tình yêu của chàng Adam Xanh Lơ, Judyta ngỡ mình là người đàn bà hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng một biến cố nho nhỏ đã xảy ra, khi Adam có quyết định sang Mỹ công tác trong vòng 6 tháng.
6 tháng! Nửa năm! Một phần tám mươi cuộc đời (còn lại). Nhưng 6 tháng đâu phải là muôn đời, Judyta đã tự an ủi mình như thế để có thêm dũng khí chờ đợi.
Thế nhưng chẳng ai ngờ được khoảng thời gian 6 tháng đó cũng đủ cho muôn vàn rắc rối ập đến. Người phụ nữ từng một thời tuyên bố “Xin cạch đàn ông!” lại tiếp tục lao vào một guồng quay mới tất bật của cuộc sống. Với một cô con gái tuổi ấm ương đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học. Với một con chó già lười biếng thích ăn tranh thức ăn của mèo. Với hai con mèo ham chơi không chịu về nhà. Với anh chàng “Cựu chồng” đang cãi nhau với vợ mới. Với thằng cháu trai nghịch ngợm chẳng bao giờ nhớ được khăn tắm của mình màu gì. Với một gã sếp trái tính trái nết và những cô bạn đồng nghiệp hay ganh tỵ…
Judyta, một nữ nhà báo đảm nhiệm công việc giải đáp những thắc mắc và gỡ rối cho bạn đọc giờ lại đang bơi trong hàng tá những rắc rối của chính mình. Không còn cách nào khác, phải tự bơi vào bờ. Không còn cách nào khác, phải tự trả lời cho những câu hỏi của mình.
Nếu như “Xin cạch đàn ông” cho chúng ta thấy một Judyta mạnh mẽ, kiên cường, một phụ nữ sẵn sàng tuyên bố mình có thể sống mà không cần đàn ông thì “Các nguời khắc biết tay tôi” lại cho thấy một người đàn bà đang yêu đằm thắm. Vẫn tự nhủ là sẽ mạnh mẽ đấy, nhưng nội tâm thì lại cực kỳ mong manh dễ vỡ. Có đôi lúc cố tỏ ra bất cần đấy, nhưng trái tim thì lại đang tan nát vì thương nhớ người đàn ông của cuộc đời mình.
So với “Xin cạch đàn ông!”, “Các người khắc biết tay tôi” thể hiện một độ “đằm” hơn, sâu lắng hơn, rung động hơn. Đó cũng là một sự chuyển đổi logic với tâm lý người phụ nữ khi yêu. Và nếu như “Xin cạch đàn ông” tập trung miêu tả thế giới của người phụ nữ trong cuộc khủng hoảng “hậu hôn nhân” thì “Các người khắc biết tay tôi” lại xoáy sâu vào công cuộc “tái lập” lại hạnh phúc gia đình sau khủng hoảng. Những rắc rối thường gặp giữa “người mới” và “người cũ”, những bất đồng trong quan hệ “con anh con tôi”… lần lượt được khai thác.
Đặc biệt, “Các người khắc biết tay tôi” một lần nữa đề cập đến vấn đề giáo dục con cái. Ở“Xin cạch đàn ông”, đó là việc nuôi dạy một đứa trẻ còn đang ở tuổi niên thiếu. Còn trong “Các người khắc biết tay tôi”, đó là việc giáo dục một đứa trẻ đang ngập ngừng trước ngưỡng cửa trưởng thành. Ngoài những bỡ ngỡ về sự biến đổi giới tính còn là hàng tá những rắc rối liên quan đến tâm sinh lý lứa tuổi. Đặc biệt, khi đứa trẻ ấy đã bắt đầu ý thức được sự tồn tại của cái Tôi cá thể, khi nó biết tự cho mình cái quyền quyết định và can thiệp vào các mối quan hệ gia đình.
“Các người khắc biết tay tôi” vẫn viết về những điều bình dị như thế trong cuộc sống. Nhưng người đọc chắc chắn sẽ không thể rời mắt khỏi cuốn sách nếu chưa đọc đến trang cuối cùng. Bởi như có một năng lực đặc biệt, Katarzyna Grochola biết cách thổi vào trang viết của mình những nét hấp dẫn, dí dỏm đầy tươi mới. Người phụ nữ này rất biết cách tự đi tìm những niềm vui trong cuộc sống. Chị không ngần ngại cười cợt ngay cả những khó khăn rắc rối trong cuộc đời mình. Có lẽ bởi cũng giống như Judyta, Katarzyna Grochola luôn có một niềm tin vững chắc rằng: “Tất cả rồi lại sẽ ổn thôi!”.
Phải chăng đó cũng là suy nghĩ mà nhà văn muốn hướng các độc giả của mình đi tới. Những người phụ nữ chưa yêu, những người phụ nữ đang yêu, những người đàn bà có chồng, những người đàn bà ly hôn, những người đàn bà đã tái hôn, hãy cứ tin rằng dù cuộc đời này giông bão thế nào thì cuối cùng “Tất cả rồi sẽ lại ổn thôi!”.
Mời các bạn đón đọc
Các Người Khắc Biết Tay Tôi! của tác giả
Katarzyna Grochola